Aa

Những lý giải lợi nhuận ngân hàng Việt tiếp tục bùng nổ

Thứ Hai, 08/10/2018 - 06:01

Lợi nhuận các ngân hàng thương mại Việt Nam nói chung lên tầm cao mới dù siết tín dụng...

Qua 2017 và đặc biệt năm 2018, sự bùng nổ của lợi nhuận các ngân hàng nói chung đã tạo một mặt bằng mới, tạo một nền cao hơn nhiều năm trước mà qua đó tham chiếu cho tăng trưởng năm sau sẽ khác đi - Ảnh: Quang Phúc.

Qua 2017 và đặc biệt năm 2018, sự bùng nổ của lợi nhuận các ngân hàng nói chung đã tạo một mặt bằng mới, tạo một nền cao hơn nhiều năm trước mà qua đó tham chiếu cho tăng trưởng năm sau sẽ khác đi - Ảnh: Quang Phúc.

Như thường lệ những quý gần đây, Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) là thành viên đầu tiên trong hệ thống công bố lợi nhuận sau 9 tháng đầu năm 2018. Đây tiếp tục là trường hợp có mức tăng trưởng đột biến.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế 9 tháng 2018 của TPBank đạt 1.613 tỷ đồng, tăng gấp đôi mức cùng kỳ 2017.

Trao đổi với VnEconomy, một lãnh đạo cao cấp của TPBank cho biết, tốc độ tăng trưởng và kết quả trên hợp lý với các cơ sở rõ ràng, chứ không có kiểu "làm hàng" hoặc "lãi ảo" nào cả.

Quỹ đạo mới

Vị lãnh đạo trên lý giải rằng, về tổng thể vĩ mô, sau thành công 2017, đến 2018, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo tiếp tục đạt mức cao, có thể lên tới 6,9 - 7%. Đây là cái nền đầu tiên, môi trường và điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các ngân hàng thương mại.

"Nếu xét riêng 2017 và đến nay 2018, có vẻ như lợi nhuận các ngân hàng thương mại Việt Nam nói chung tăng trưởng quá nhanh, quá cao và bước vào một quỹ đạo mới. Nhưng trước hết, theo tôi, chúng ta cần nhìn lại và xem đây là kết quả dồn lại từ nhiều năm trước", lãnh đạo TPBank đặt vấn đề.

Giai đoạn 2012 - 2016, nhiều năm nợ xấu nổi lên và gia tăng mạnh, trích lập dự phòng bào mòn, lợi nhuận các ngân hàng giảm sút, thậm chí thua lỗ.

Theo đó, thứ nhất, nền tham chiếu lợi nhuận những năm qua của họ khá thấp, để khi phục hồi và tăng tốc 2017 và 2018 tạo nên những con số tăng trưởng lớn.

Thứ hai, qua giai đoạn đó, nợ xấu đến nay đã và đang được xử lý khối lượng lớn, nợ được thu hồi, lượng trích lập dự phòng được hoàn nhập. Đúng ra, một phần lợi nhuận hiện nay đã được tạo ra những năm trước, "tạm trú" ở trích lập dự phòng và nay lần lượt được ghi nhận về theo kết quả xử lý nợ xấu. Theo đó, lãi cao hiện nay còn do tích lũy từ trước.

Tất nhiên, lợi nhuận hàng năm đi liền với tăng trưởng tín dụng và tổng tài sản. Để có được tốc độ tăng lợi nhuận cao hơn, trong điều kiện tín dụng và tài sản có giới hạn, một điểm quan trọng bên cạnh kết quả xử lý nợ xấu là chi phí hoạt động.

Theo phân tích của lãnh đạo TPBank, nặng nhất trong hoạt động ngân hàng là chi phí nhân sự và chi phí đầu tư mạng lưới. Nếu giảm thiểu được hai điểm này, lợi nhuận càng có điều kiện để tăng trưởng.

"Theo kế hoạch, năm nay tăng trưởng lợi nhuận của TPBank sẽ đạt khoảng 80%, trong khi đó chi phí nhân sự chỉ tăng khoảng 5% thôi. Như vậy để thấy nhân sự làm việc hiệu quả hơn, chi phí được kiểm soát tốt hơn để góp phần gia tăng lợi nhuận. Tất nhiên ở đây chúng tôi lựa chọn phát triển ngân hàng số, thay vì đầu tư mạng lưới và nhân sự mở rộng chi nhánh như mô hình ngân hàng truyền thống", đại diện lãnh đạo TPBank giải thích.

Và nay, trong hoạt động ngân hàng thương mại nói chung, chỉ tiêu tỷ lệ chi phí trên tổng thu nhập (CIR) trở nên đáng chú ý khi đánh giá hiệu quả.

Nhìn sang Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank), Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) - hai thành viên cũng đang đi vào quỹ đạo mới về tăng trưởng lợi nhuận, chỉ tiêu CIR cũng đã giảm đáng kể trong các quý cập nhật gần đây so với cùng kỳ, trong khi cả hai đều "không cần" phải đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.

Tất nhiên, lợi nhuận tăng cao còn gắn với những cơ sở khác.

Đến kỳ hái quả

Nói gì thì nói, tín dụng vẫn là chủ đạo sinh lãi. Vậy chủ trương siết lại tăng trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước đang làm có kìm hãm lợi nhuận hệ thống không?

Thực ra, các nhà băng đã và đang cho vay với mức độ quá lớn rồi. Tỷ lệ tín dụng đã lên tới 130% GDP, ở vùng cao nhất trong lịch sử rồi, cũng là giới hạn cần siết lại. Còn lại là doanh số cho vay, vòng quay cho vay của mỗi thành viên, cũng như phân khúc lựa chọn hoặc các giải pháp để cải thiện lãi biên.

Như trên, cả Techcombank và VPBank trong nửa đầu năm nay đã không đẩy cao tăng trưởng tín dụng, và sẽ không bất ngờ nếu năm nay không cần dùng hết chỉ tiêu. Chiến lược của họ dịch chuyển và còn có trọng tâm ở dịch vụ.

Hay ngay tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Chỉ sau 9 tháng đầu năm Vietcombank đã tạo kỷ lục mới về lợi nhuận, vượt trên 11.700 tỷ đồng. Tín dụng đã dùng gần hết chỉ tiêu 15%, nhưng lãnh đạo ngân hàng này nói với VnEconomy rằng, không cần thiết phải nới thêm. Vì họ có thêm động lực tập trung cho phát triển dịch vụ, dù đã chủ động gieo hạt trong chiến lược từ ba năm trước.

Tương tự, lãnh đạo TPBank cũng lạc quan, việc Ngân hàng Nhà nước định hướng siết lại tăng trưởng tín dụng đang là thực tế của 2018 và định hướng 2019, để tránh các ngân hàng thương mại ỉ lại, dựa quá nhiều vào tín dụng.

Tại nhiều thành viên hiện nay, lợi nhuận đã bớt dựa nhiều vào tín dụng truyền thống; tỷ lệ thu ngoài lãi, từ dịch vụ đã gia tăng lên 20%, 30%, thậm chí gần 40%. Sự gia tăng nguồn và tỷ trọng này cũng góp phần giải thích cho tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao 2017 và 2018, cả triển vọng 2019.

Như giải thích từ đại diện TPBank, lãnh đạo VPBank khi trao đổi với VnEconomy gần đây cũng tự tin rằng, với dịch vụ, đặc biệt ở kênh ngân hàng số, độ trễ đầu tư những năm qua đến nay đã và đang được rút ngắn, nay bắt đầu kỳ hái quả. Và đây là xu hướng vận động của tương lai, theo mô hình và đòi hỏi về ngân hàng hiện đại.

Và độ trễ cũng đã, đang rút ngắn ở những mô hình khác để góp vào tốc độ gia tăng lợi nhuận các ngân hàng thương mại hiện nay, trong tương lai gần.

Sau những năm đầu khởi động và kết nối, hoạt động ngân hàng liên kết bảo hiểm đã tạo đóng góp lớn tại nhiều thành viên.

Hay tại Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank), Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB)…, mô hình mở rộng các vệ tinh như công ty tài chính tiêu dùng, công ty bảo hiểm cũng đã và đang đến kỳ hái quả, trở thành trợ lực quan trọng cho tốc độ tăng trưởng lợi nhuận.

Tất nhiên, qua 2017 và đặc biệt năm 2018, sự bùng nổ của lợi nhuận các ngân hàng nói chung đã tạo một mặt bằng mới, tạo một nền cao hơn nhiều năm trước mà qua đó tham chiếu cho tăng trưởng năm sau sẽ khác đi.

Theo đó, từ 2019, dự báo tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng sẽ "bớt nóng" và dần ổn định ở quỹ đạo mới, cách biệt so với giai đoạn 2012 - 2016.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top