Kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong nửa đầu năm được ghi nhận là tích cực khi tăng trưởng cao so với cùng kỳ, nhiều ngân hàng nhỏ tăng trưởng tính theo lần. Tuy nhiên, bức tranh lợi nhuận ngân hàng nửa cuối năm có sáng đồng đều và duy trì tốc độ tăng trưởng như trong 2 quý đầu năm hay không vẫn còn nhiều ẩn số.
Động lực chính giúp lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng cao 6 tháng đầu năm vẫn là nhờ vào nguồn thu nhập từ tín dụng. Thu nhập lãi thuần vẫn đang đóng góp trên 75% trong cơ cấu doanh thu tại đa số các ngân hàng. Mặc dù đóng góp từ các hoạt động ngoài lãi như dịch vụ cũng ngày càng nhiều hơn nhưng chưa có sự đột phá rõ rệt. Ngoài ra, không thể phủ nhận tổng thu nhập hoạt động tại nhiều ngân hàng cao hơn là nhờ đóng góp từ mua bán chứng khoán, thoái vốn đầu tư hay hoàn nhập dự phòng.
Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, tăng trưởng lợi nhuận trong quý 2 của ngành ngân hàng tuy khá cao nhưng kết quả không tốt bằng quý 1, môi trường kinh doanh của ngành sẽ kém thuận lợi hơn từ nửa cuối năm 2018, cổ phiếu ngân hàng cũng khó có thể tăng trưởng tốt như giai đoạn đầu năm.
Trên thực tế, kết quả kinh doanh có dấu hiệu chậm lại trong quý 2 ở nhiều ngân hàng. Chẳng hạn, tại VietinBank, trong quý 2, ngân hàng chỉ đạt 2.238 tỷ đồng, thấp hơn so với mức 3.028 tỷ đồng trong quý 1 và cũng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.
Với việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao cho cả năm, nhiều nhà băng vẫn chưa đi được nửa chặng đường kế hoạch. Như LienVietPostBank, BacABank, KienlongBank, TPBank cũng chưa đạt được một nửa mục tiêu. Trong khi đó, trước mắt có không ít thách thức chờ đợi.
Số liệu 6 tháng đầu năm cho thấy nhiều ngân hàng sắp cạn "room" tín dụng được giao từ đầu năm. Nếu như trước đây các ngân hàng sẽ "xin" NHNN để được nới chỉ tiêu, tuy nhiên Chỉ thị 04 mới đây của Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho thấy NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng toàn hệ thống theo đúng mục tiêu định hướng đề ra, đồng thời không xem xét điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. NHNN chỉ xem xét nới room cho một số trường hợp đặc biệt như các NHTM tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các TCTD yếu kém. Đặt trong bối cảnh còn nhiều lo ngại về lạm phát và tỷ giá tăng mạnh, khả năng nới "room" tín dụng lại càng khó, thậm chí có thể còn bị siết chặt hơn.
Ngoài ra, thông thường, thanh khoản vào cuối năm sẽ không được dồi dào khiến lãi suất huy động chịu áp lực tăng trở lại. Chi phí đầu vào có thể sẽ không còn được tối ưu như 2 quý đầu năm khi lãi suất thị trường 1 và thị trường 2 cùng xuống mức rất thấp. Trong khi đó, chủ trương của NHNN là giảm dần lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nên việc tăng lãi suất cho vay là rất khó, có chăng thì chỉ xảy ra ở một số lĩnh vực rủi ro. Như vậy, biên độ lãi suất có thể bị thu hẹp, ảnh hưởng tới nguồn thu nhập cốt lõi của các ngân hàng thương mại.
Nợ xấu tuyệt đối có dấu hiệu tăng mạnh ở một số ngân hàng như Techcombank, SHB,...trong 6 tháng đầu năm. Cùng với việc xử lý nợ xấu còn vướng nhiều khó khăn, đặc biệt trong khâu xử lý tài sản đảm bảo cũng có thể khiến cho gánh nặng chi phí dự phòng chưa thể bớt nặng đi trong tương lai gần. Bên cạnh đó, chi phí hoạt động của các ngân hàng cũng thường có xu hướng tăng trong những tháng cuối năm khi phải hạch toán đầy đủ các khoản chi phí phát sinh trước khi kết thúc năm tài chính.
Kết quả lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm phải kể đến đóng góp không nhỏ của các thu nhập đột biến như hoàn nhập dự phòng, thu nhập góp vốn,....Nếu không có các khoản thu nhập bất thường này trong thời gian tới, kết quả lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng không ít. Biến động khó đoán trên thị trường chứng khoán cũng sẽ tác động tới kết quả hoạt động mua bán chứng khoán của các ngân hàng.