Hơn một tuần sau khi xảy ra vụ cháy thương tâm ở phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân), ngày 20/9, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội đã có thông báo kết luận giám định nguyên nhân vụ cháy.
Theo kết luận giám định, điểm xuất phát cháy nằm ở khu vực giáp tường phía Nam, cách tường phía Đông khoảng 2,3m thuộc tầng 1 bên trong khu nhà ở nhiều căn hộ.
Nguyên nhân gây cháy được xác định do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện vào bình ắc quy thuộc phần đầu xe mô tô sử dụng động cơ xăng (loại xe tay ga) đặt giáp tường phía Nam tầng 1 gây ra hỏa hoạn. Cũng theo kết luận giám định, lửa sau đó cháy lan vào khu vực cáp điện, các hộp công tơ điện gắn trên tường ở tầng 1 và cháy lan ra xung quanh.
Vụ cháy chung cư mini xảy ra vào đêm ngày 12, rạng sáng 13/9 đã để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng: 56 người tử vong, 37 người bị thương. Đồng thời cũng gây ra nỗi bất an với nhiều người dân đang sinh sống tại các chung cư mini - nơi mà đa phần không được đảm bảo đủ điều kiện về PCCC, không có lối thoát hiểm...
Tuy nhiên, nếu nhìn từ một góc độ sâu xa hơn, chung cư mini không phải "tội đồ" duy nhất có thể gây ra những mối nguy hiểm với tính mạng của cư dân sinh sống trong đó, còn nhiều loại hình nhà ở kém chất lượng khác cũng đang là những "quả bom nổ chậm" có thể gây ra "thảm họa" bất cứ lúc nào.
Đó là câu chuyện của các khu nhà tái định cư đang xuống cấp nhanh chóng, có nguy cơ đe dọa tính mạng người dân và trở thành vấn đề nhức nhối suốt nhiều năm nay không có ai đứng ra giải quyết. Hàng trăm hộ dân '"sống trong sợ hãi", còn "quả bóng" trách nhiệm vẫn bị đá vòng quanh.
Chốn an cư chẳng thể an
10h sáng, một thang máy được sử dụng vẫn tắc cứng, thang còn lại đã ngừng hoạt động hơn 2 năm nay. Dưới tiết trời nắng gắt 40 độ C của mùa hạ, bên ngoài ghế đá, sau khi đi chợ về như thường lệ, bà Minh lại ngồi xoa bóp chân tay cho bớt đau trong lúc chờ đợi để “chen chân” vào chiếc thang ọp ẹp trong tòa nhà B12 tại Khu tái định cư Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội).
Ở tuổi 67, lại mang trong mình đủ loại bệnh như tim mạch, huyết áp và xương khớp, thân hình bà Minh gầy guộc và xanh xao. Vốn không chen chúc được với người khác, cũng không thể đi bộ lên căn hộ ở tầng 10, bà Minh thường phải đợi rất lâu để sử dụng lối đi duy nhất này.
Mỗi lần đi thang máy, tiếng niệm Phật khe khẽ để cầu bình an của bà Minh lại vang lên để át đi nỗi hoảng loạn khi bị nhốt trong thang máy.
“Thang máy sẽ tối sầm khi kẹt lại. Tôi rất sợ hãi và chỉ biết ngồi sụp xuống, đập cửa kêu cứu khản cổ và cầu nguyện cho mình an toàn”, bà Minh run run kể lại.
Có lần bà Minh bị tụt từ tầng 12 xuống 4 tầng, thang máy rung lắc rồi lại tụt tiếp. Có khi bà bị nhốt 15 phút mới được bảo vệ phát hiện và gọi người đến cứu. Cháu bà Minh năm nay 9 tuổi, không dám đi thang máy 1 mình, thậm chí nhiều khi còn khóc nức nở vì quá sợ.
Đây không phải là tình cảnh riêng của bà Minh.
Thực tế, hơn một nửa cư dân tại đây đều từng ít nhất 1 lần bị nhốt trong thang máy. Nhiều cư dân ở tầng cao quá, về và lên được tầng an toàn thì không dám ra khỏi nhà nữa.
Tay nắm chặt điện thoại, cứ lâu lâu bà Thoa lại phải kiểm tra một lần xem có tin nhắn hay cuộc gọi nhỡ nào không. Khuôn mặt bà Thoa tràn ngập nỗi lo lắng về sự an toàn cho người cháu nhỏ ở nhà một mình khi bà Thoa đi vắng.
“Mấy lần cháu tôi bị kẹt trong tháng máy, lần nào cũng gào khóc gọi bà mà tôi thương lắm”, bà Thoa kể lại.
“Những căn hộ tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm” vẫn là cách người dân nghĩ về nơi mà họ sinh hoạt bấy lâu. Ông Vũ Hải, thành viên ban đại diện tòa nhà B12 cho biết: “Điều khiến chúng tôi luôn nơm nớp lo sợ từ người già, phụ nữ, trẻ nhỏ đến thanh niên ở đây là phương tiện kết nối con người với các căn hộ ở tầng cao là thang máy hỏng nghiêm trọng”.
Từ năm 2021 đến nay, 1 thang máy đã hư hỏng hoàn toàn, 1 thang máy với nguồn kinh phí mà người dân tự đóng góp được sửa chữa, chắp vá để sử dụng nhưng thường xuyên hư hỏng… tiềm ẩn các mối nguy hiểm, nguy cơ gây tai nạn chết người.
Thang máy chỉ là một trong những vấn đề mà tòa B12 gặp phải. Ban đại diện toà nhà đã gửi lời kêu cứu đến chính quyền nhiều lần nhưng các vấn đề vẫn bị trì trệ và chưa được giải quyết.
15 năm trước, cô Thoa bắt đầu chuyển về toà nhà tái định cư B12. Trước đây nhà cô Thoa ở ven hồ Tây có đất rộng, nhiều cây cối thoáng mát, thuận lợi cho phát triển sinh kế. Thế nhưng, từ ngày lên tầng 8 của tòa nhà B12, với diện tích nhận được là 47.5m2 cho cả đại gia đình sinh sống, cuộc sống của cô Thoa thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần.
“Hồi ấy họ bảo về đây tốt lắm, thoáng mát, xung quanh đường xá rộng rãi, dịch vụ, tiện ích có đủ. Tôi phải công nhận mọi tiện ích xung quanh đều ổn, chỉ có căn hộ của tôi nói riêng và cả tòa nhà tái định cư này nói chung không ổn”, nhớ về những ngày đầu nhận được thông báo về căn nhà đang sinh sống thuộc diện quy hoạch và cần chuyển đến khu nhà tái định cư, cô Thoa thở dài.
Nhiều người dân quyết định sinh sống lâu dài đã cắn răng sửa lại toàn bộ hệ thống đường ống nước của căn hộ. Tuy nhiên dấu vết về những mảng tường ẩm loang lổ vẫn còn đó, minh chứng cho sự hư hỏng, mục nát của hệ thống ống nước cũ, dẫn đến việc nước ngấm toàn bộ vào các mảng tường gây ẩm mốc, mất vệ sinh, tạo diện mạo xấu cho không gian sống. Nhiều nhà đã phải mua miếng dán tường để che đi những vết ố loang lổ đó. (Ảnh: Hà Thu)
Theo cư dân tòa nhà, 5 năm đầu khi về đây sinh sống, cơ sở vật chất tại toà nhà vẫn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt bình thường, nhưng sau đó xuống cấp trầm trọng, và chưa một lần nào được chủ đầu tư tu sửa.
Tại Khu tái định cư Xuân La, các thiết bị cần thiết để sử dụng cho sự cố cháy nổ, mất điện của toà nhà như máy bơm, máy phát điện dự phòng,... đều hỏng từ lâu. “Tôi luôn nơm nớp lo sợ cháy nổ vì mùa hè thời tiết khắc nghiệt, nguy cơ cháy nổ cũng tăng cao”, ông Hải buồn bã bày tỏ nỗi lo sợ đeo bám nhiều năm qua.
“Tiền dịch vụ vẫn được thu đều đặn hằng tháng nhưng chất lượng dịch vụ và cơ sở vật chất của tòa nhà đều thiếu! Từ nhân lực như lao công, bảo vệ,... đến thang máy, hệ thống PCCC, hệ thống thoát nước đều không đảm bảo”, ông Hải cho biết thêm.
Nhiều người có điều kiện hơn đều đã bán nhà và dời đi từ rất lâu, chỉ còn lại những người dân thu nhập thấp, người già bám trụ tại đây. Xung quanh tòa nhà B12 còn 5 tòa nhà khác thuộc cùng Khu tái định cư Xuân La, trong đó có 3 tòa nhà tái định cư khác là D6, A5, C10 cũng gặp tình trạng tương tự.
Được xây dựng từ năm 2000, tòa nhà A5 được đưa vào sử dụng sớm nhất từ năm 2003. Hai tòa còn lại bắt đầu hoạt động từ năm 2005 - 2006. Nhiều lời kêu cứu đã được gửi đi nhưng chất lượng tòa nhà vẫn không được cải thiện khiến người dân mất dần hy vọng.
Những nét chữ nguệch ngoạc, đôi mắt mờ đục phải nheo lại để nhìn rõ, đôi tay ông Hoàn - Tổ trưởng Tổ dân phố của 6 Khu nhà tái định cư Xuân La run run viết lá đơn kêu cứu để gửi đến chính quyền về việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho khu di dân.
Đặc biệt là hệ thống thoát nước. Hơn 20 năm trôi qua, hệ thống này vẫn chưa được đấu nối với hệ thống thoát nước của thành phố, dẫn đến nước thải bị rò rỉ gây ngập úng, mất vệ sinh và khó khăn khi đi lại.
Ở tuổi sắp nghỉ hưu, ông Hoàn không tin bản thân vẫn phải làm những việc như vậy.
Hiện nay, hệ thống đường ống không đáp ứng được khả năng thoát nước vào mùa mưa. Mỗi khi có một cơn mưa to là nước dềnh khắp sân vì cống không kịp thoát, cả khu lại bì bõm trong nước.
“Nói không ngoa, ngày vỡ đường ống nước, nổ bể phốt, phân, chất thải trôi lềnh phềnh. Thử ở đi xem thấy thế nào!”, sự bực tức và bất lực không giấu được qua lời kể của ông Hoàn.
“Dường như người ta đã lãng quên việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho các khu tái định cư ở đây rồi! Chúng tôi kiến nghị khắp nơi mà chưa đơn vị nào đến khắc phục, sửa chữa”, ông Hoàn thở dài đầy chua xót.
Gần 20 năm đấu tranh, những vấn đề mà các tòa nhà tái định cư ở khu Xuân La gặp phải qua chừng ấy năm đều được ông Hoàn chứng kiến và kiến nghị nhiều lần nhưng không có kết quả. Nhiều người dân còn ở lại đã cam chịu số phận và chấp nhận sống trong những tòa nhà xuống cấp nghiêm trọng.
Ông tâm sự: “Bà con chỉ trông chờ đến nơi ở mới theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thì chất lượng cuộc sống tốt hơn, nhưng đến giờ thì chưa có gì ổn hơn. Chúng tôi đều hiểu và chấp nhận nhà tái định cư không bằng nhà thương mại, nhưng thật sự chất lượng như vậy quá tệ. Bởi vì, nó không đảm bảo được cuộc sống cơ bản của người dân”.
Tự cứu lấy mình
Không chỉ Khu tái định cư Xuân La, nhiều tòa nhà đều đã tiêu sạch quỹ bảo trì, không có nguồn thu, trong khi các hạng mục đều xuống cấp nghiêm trọng.
Người dân cho rằng, việc tu sửa lại căn hộ trong khu nhà tái định cư là chuyện bình thường, còn việc giữ nguyên vẹn căn hộ để sinh sống là chuyện không tưởng.
Mỗi lần bước vào phòng vệ sinh phải nín thở. Gạch mới ốp trên tường để che đi vết nước bẩn thấm dột là câu chuyện xảy ra tại căn hộ nhà bà Hoà ở tòa N7 Khu tái định cư Đồng Tàu (Thịnh Liệt, Hoàng Mai).
Ngay dưới nhà bà Hòa là chỗ đổ rác của cả tòa nhà. Do hệ thống đường ống thoát nước hoạt động kém, nhà vệ sinh của bà đã bị mùi hôi thối gây ám ảnh nhiều năm nay.
“Kinh lắm! Nước bẩn thấm liên tục vào tường. Chịu thế nào được khi cứ phải ăn ngủ mãi với mùi hôi thối. Ớn nhất là những lúc nước trong nhà vệ sinh không thoát được, có khi tràn cả ra sàn, hôi hám không chịu nổi do cống bị nghẹt”, bà Hòa thở dài ngao ngán. Bà đã ốp lại tường nhà vệ sinh để che đi những vết ố, nhưng còn đó mùi hôi thối khiến bà buồn phiền mỗi ngày.
Chuyện cũ chưa xong, chuyện mới lại đến. Vết nứt dài hơn 2m và rộng khoảng 1cm trên bức tường vách ngăn giữa phòng ngủ và phòng bếp nhà bà Hòa hình thành sau một thời gian sinh sống. Theo lời bà, trước đây vết nứt không dài đến vậy, thế nhưng qua thời tiết khắc nguyệt, vết nứt toác dài và sâu hơn.
Theo giá thị trường hiện nay, chi phí khắc phục tường nứt dao động khoảng 200.000 - 900.000 đồng/m2, tùy vào tình trạng nứt, mức độ ảnh hưởng đến nền móng…
Làm nghề thu gom ve chai để kiếm sống qua ngày, số tiền bà Hòa kiếm được chỉ đủ sống, niềm hy vọng sửa chữa nhà ngày càng xa vời.
Nhiều căn hộ khác cũng gặp phải vấn đề tương tự.
Trong quá trình “đập đi sửa lại toàn bộ” ngôi nhà của mình, chị Diệu Anh cư dân tại tầng 8 tòa nhà N7 phát hiện ra chuyện đáng buồn. Khi đập hai vách phòng ngủ do nước ngấm quá nhiều, chị Diệu Anh thấy lớp gạch đã ẩm bốc mùi hôi thối và lớp cát đang vữa ra.
“Tôi nghi ngờ công trình bị ăn bớt quá mức”, chị Diệu Anh thở dài và nói.
Theo chị Diệu Anh, đây là tình trạng chung của các căn hộ ở tầng 6. Thế nhưng, không phải ai cũng có điều kiện để sửa chữa, nhiều người dân chấp nhận sống trong căn nhà như vậy trong nhiều năm.
Để rồi, “những tai nạn” xảy đến với cả tòa nhà dường như đã trở thành câu chuyện thường nhật. Toàn bộ các hạng mục của toà nhà đều xuống cấp.
Không dưới 5 lần chứng kiến nền tòa nhà sụt lún, chị Diệu Anh không khỏi lo lắng về sự an toàn của tòa nhà. Chị cho biết, việc cải tạo móng của tòa nhà đã tốn đến hàng trăm triệu.
Người dân đồng lòng góp tiền để sửa chữa lại sàn nhà bị sụt lún, nhưng hiện chỉ 1/3 sàn nhà của tòa N7 được sửa chữa vì người dân chưa đóng góp đủ kinh phí.
Nhưng đây chỉ là một trong những hạng mục cần cải tạo của tòa nhà. Từ hệ thống điện, đến hệ thống nước, thang máy,... và các cơ sở vật chất khác đều thuộc diện “chờ” được sửa chữa và bảo dưỡng.
“Quỹ của tòa nhà bao nhiêu cũng thấy thiếu”, chị Diệu Anh ngán ngẩm.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Ban đại diện các hộ dân tòa nhà N7 cho biết: “Nền nhà tầng 1 bị lún nền xuống sông, nứt tường, liên tục bị sụt lún ở các tầng. Người dân đã đồng lòng đóng tiền sửa phần nền nhà tầng 1 rồi, nhưng hiện mới đủ tiền sửa ⅓ hạng mục này.
Thang máy hỏng hóc rất nhiều, hiện một thang đã thay mới, còn một thang máy vẫn chưa được thay. Ngoài ra, đường dây điện đấu nối của toàn bộ tòa nhà N7 vẫn chưa làm lại vì người dân chưa đủ tài chính. Trước đây bên thi công cho tòa nhà này làm dây điện loại chất lượng kém, hệ thống đường dây điện chập nối và chắp vá khắp các tầng và không có dây niềng, nên vừa rồi bên điện lực báo đường tải điện kém, rất dễ gây ra cháy nổ. Chúng tôi biết là nguy hiểm nhưng tạm thời chưa làm gì được”.
Hệ thống đường dây điện tại tòa nhà N7 không an toàn, dễ gây cháy nổ.
Được biết, tòa nhà N7 là một trong những tòa nhà hiếm hoi tại Khu tái định cư Đồng Tàu người dân đoàn kết và đồng lòng sửa chữa để cải tạo diện mạo và chất lượng sống.
Các tòa nhà N5, N6, N9, N10 khác thuộc ở Khu tái định cư Đồng Tàu có phần nhếch nhác, xập xệ hơn. Qua một thời gian ngắn, toàn bộ chân tường của các toà nhà ở khu tái định cư Đồng Tàu đều xảy ra hiện tượng sụt lún, có chỗ khoảng cách giữa nền đất với móng nhà 10 cm. Bên trong các tòa nhà, nhiều chỗ nền bị sụt thành hố lớn.
Khu chung cư Đồng Tàu được sử dụng nhằm mục đích phục vụ công tác tái định cư thuộc dự án thoát nước Thành phố Hà Nội giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Như vậy, khu tái định cư Đồng Tàu là một trong những dự án an sinh lớn. Vì vậy, việc đảm bảo an sinh cho người dân sau khi phát triển những công trình trọng điểm là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, trước thực trạng xuống cấp của khu nhà tái định cư này, có thể thấy quyền lợi của người dân chưa được đề cao đúng mực.
Thực tế, không chỉ khu tái định cư Đồng Tàu mà người dân đang sinh sống tại nhiều khu nhà tạm cư khác trên địa bàn Hà Nội cũng chịu chung số phận. Công trình xuống cấp nhanh chỉ sau vài năm sinh sống, người dân dù phản ánh nhiều lần, nhưng các khu nhà này vẫn “bị bỏ rơi”, khiến các hạng mục của công trình lâu ngày không được sửa chữa càng hư hỏng trầm trọng hơn.
“Chúng ta vẫn thường hay bảo nhau phải nâng cao chất lượng cuộc sống lên rất cao nữa, nhưng chúng tôi chỉ cần cuộc sống an toàn và có cảm giác yên tâm thôi nhưng từ khi về nhà tái định cư, chưa ngày nào tâm tôi yên cả”, đây là tiếng lòng của rất nhiều cư dân tại các khu tái định cư khi phải sống trong tình cảnh nhiều hạng mục của tòa nhà bị xuống cấp, các khu nhà bị “bỏ rơi” và không được sửa chữa, dù người dân gửi đơn “cầu cứu” nhiều lần.
Trong nỗi bất an và bức xúc ngày một lớn dần về một số nhà tái định cư, người dân cho rằng các cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm về nhà tái định cư đang né tránh trách nhiệm trước trước việc khắc phục hư hỏng, xuống cấp tại các khu chung cư này.
Nhiều đơn từ kêu cứu đã được gửi đi bởi cư dân ở các tòa nhà tái định cư nhưng không được trả lời. Đơn kêu cứu của cư dân tòa nhà N7 tại Khu tái định cư Đồng Tàu (bên phải) và của tòa nhà B12 tại Khu tái định cư Xuân La (bên trái).
Giá cả hợp lý, diện tích vừa đủ cho cả gia đình sinh sống, nhà tái định cư dường như phần nào đáp ứng được ước mơ về một chốn an thân của những người dân thu nhập thấp, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Được kỳ vọng là thế, tuy nhiên chất lượng công trình yếu kém đang là mặt trái khiến nhiều người dân sau khi chuyển đến ở đây cảm thấy "vỡ mộng". Có an cư mới lạc nghiệp, nhưng chưa biết đến khi nào thì người dân tái định cư mới có thể yên tâm ổn định cuộc sống. Cùng với đó chất lượng của một số dự án tái định cư là câu hỏi chẳng cần đặt cũng đã có câu trả lời.
Đi không được, ở cũng không xong, tính mạng của cả gia đình đang bị treo lơ lửng, nhiều người dân đã khuyên gia đình, họ hàng, bạn bè đừng sống trong những khu nhà tái định cư. Bởi họ cho rằng việc sống tại những tòa nhà không đảm bảo chất lượng như vậy sẽ trở thành nỗi ám ảnh về cả vật chất và tinh thần.
Theo đó, chuyện nhà tái định cư “thừa thì vẫn thừa, thiếu thì vẫn thiếu” trở thành một nghịch lý, mà đối tượng chịu thiệt thòi nhất vẫn là những người lao động thu nhập thấp. Lý giải về vấn đề này trong phiên thảo luận tổ tại Quốc hội về dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi tháng 6 vừa qua, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, thừa theo nhu cầu là vì vừa qua, một loạt dự án người dân chỉ nhận tiền, không nhận nhà; còn thiếu vì theo Luật Đất đai, phải có nhà tái định cư mới được triển khai dự án.
Có thể thấy, nhiều người dân thờ ơ với nhà tái định cư một phần do chủ trương chưa gắn liền với thực tế, một số khu tái định cư hiện nay mới chủ yếu giải quyết vấn đề ăn ở mà không gắn liền với sinh kế của các hộ dân. Sau khi người dân nhường đất cho các dự án bị thu hồi, việc định nghĩa một khu tái định cư tốt hơn nơi ở cũ không chỉ nằm ở những ngôi nhà to hơn, mà là không gian sinh sống của người dân gắn với văn hoá, môi trường, sinh kế và cảm xúc của họ.
Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV diễn ra vào tháng 6 vừa qua, góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt vấn đề, luật phải lượng hoá ra được, thế nào là bằng là hơn của khu tái định cư so với nơi ở cũ để người dân có thể an cư trong các khu tái định cư.
Mặc dù, việc xây dựng các khu tái định cư là chủ trương nhân văn để sớm ổn định cuộc sống của người dân, thế nhưng với nhiều bất cập bộc lộ thời gian qua, cùng những khúc mắc mãi chưa được giải quyết, đã đến lúc Hà Nội cần nhìn lại những hiệu quả thực tế của công tác tái định cư, để đưa ra câu trả lời thích đáng cho người dân khi phải chấp nhận đổi đất lấy một chốn an cư với đầy rẫy nỗi bất an như vậy.
Đón đọc kỳ sau: Tìm cách “giải cứu” nhà tái định cư