Aa

PGS.TS. Nguyễn Đức Lộc: “Đừng để người dân rơi vào khó khăn hơn khi đến ở các khu tái định cư“

Chủ Nhật, 25/06/2023 - 06:12

Vấn đề đảm bảo quyền lợi của người dân khi thu hồi đất luôn nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp chính quyền, do thực tế vẫn còn nhiều bất cập.

Tái định cư là chính sách của Nhà nước nhằm bồi thường thiệt hại, ổn định cuộc sống của người dân sau khi thu hồi đất. Thực tế cho thấy, nhiều dự án tái định cư được xây dựng lên nhưng không gắn với bảo đảm ổn định cuộc sống cho người có đất bị thu hồi, không phù hợp với bản sắc văn hoá nên người dân không ở, dự án bị bỏ hoang nhiều năm. Cùng bàn về nút thắt dẫn đến những bất cập trong công tác bồi thường tái định cư, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS. Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội (Social Life).

PV: Thưa PGS.TS. Nguyễn Đức Lộc, ông đánh giá như thế nào về những bất cập trong công tác bồi thường tái định cư, dẫn đến rất nhiều dự án bỏ hoang không có nhu cầu sử dụng, gây lãng phí lớn?

PGS.TS. Nguyễn Đức Lộc: Xuất phát từ mục tiêu phát triển các dự án kinh tế xã hội, dự án dân sinh, dự án công cộng nói chung, Nhà nước ta sẽ di dời một nhóm dân cư đến một vùng khác để dành không gian thực hiện các dự án đó. Có thể thấy các dự án trước đây mới chỉ dừng lại ở cấp độ khía cạnh kinh tế là chính mà chưa chú ý nhiều đến sự thay đổi không gian sinh tồn, không gian sống của một nhóm cư dân; không chỉ đơn thuần là để ở mà là câu chuyện để sống.

Khi tính toán bồi thường tái định cư, ta chưa quan tâm nhiều đến sự phù hợp đối với mức sống, điều kiện sống và hoạt động sinh kế, chính vì vậy chúng ta thấy về mặt kế hoạch rất lý tưởng, tốt đẹp nhưng khi vào thực tế thì có nhiều điều bất cập.

Một cộng đồng dân cư có rất nhiều các thiết chế xã hội, khi di chuyển như vậy ta thấy rằng ngoài chuyện thay đổi về không gian sống thì kéo theo sự mất mát rất nhiều các giá trị khác, như giá trị cộng đồng, đặc biệt là liên quan đến hoạt động sinh kế.  Thực tế có những trường hợp di chuyển người dân sang khu tái định cư nhưng cuối cùng họ không ở, không đồng ý dẫn đến tình trạng bán lại xuất tái định cư đó cho người khác. Có những dự án, đặc biệt là những dự án ở vùng cao, các vùng dân tộc thiểu số cũng đã xảy ra nhiều bất cập do không gần gũi về mặt văn hoá và không gian sinh tồn, dẫn đến các dự án khó thành công.

Chính vì vậy, các dự án cần phải có đánh giá điểm khả thi, khảo sát thống kê, có như vậy mới thoả mãn được các điều kiện để dự án bền vững.

Ví dụ khi ta đưa người dân đến ở một vùng đất rất tốt nhưng xung quanh lại không có những điều kiện làm việc, như vậy buộc người dân phải tìm những nơi khác phù hợp để sống. Nếu đưa những người “buôn thúng bán bưng” vào những khu chung cư là hoàn toàn không phù hợp, điều này rất khó, dẫn đến một số người sẽ lựa chọn cách bán suất đó cho người phù hợp hơn và xảy ra chuyện có những khu chung cư hoàn thành lâu rồi mà người dân không đồng ý, không đến ở, dẫn tới lãng phí.

PGS.TS. Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội.
PGS.TS. Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội. (Ảnh: NVCC)

PV: Là một chuyên gia nghiên cứu về đời sống xã hội, tiếp xúc nhiều với các tầng lớp người lao động, xin ông cho biết thêm về những vướng mắc cụ thể mà người dân thuộc diện di dời được bồi thường tái định cư gặp phải?

PGS.TS. Nguyễn Đức Lộc: Có những khu dân cư tái định cư tôi vào đó thấy rằng, chỉ có những người trong khu vực đó sống thôi, thiết chế đường xá có nhưng không có chợ, không có trường học… tất cả đều không có. Từ địa điểm ở đến chỗ kiếm được việc làm cũng khó khăn hơn, vì thế nó hoàn toàn không phù hợp với những người có mức thu nhập thấp dưới bình dân, dạng này thích hợp cho những người có điều kiện xe cộ đi lại thì sẽ phù hợp hơn. Có những trường hợp người dân được di dời vào những căn chung cư với không gian khá hẹp trong khi đó số người trong một gia đình thì lớn. Một số dự án tái định cư thường thiết kế về chỗ ở chủ yếu dành không gian sống trong một khuôn khổ ngang giá, chưa chú ý đến số lượng thành viên trong gia đình. Ví dụ có những gia đình lên tới 7 - 8 người mà lại di dời họ vào trong căn hộ chỉ mấy chục mét vuông và lại không có điều kiện sinh kế, điều này buộc họ phải tìm đến nơi khác phù hợp hơn, hoặc có những trường hợp cố bám trụ để có việc làm thì phải chấp nhận sống tạm bợ trong không gian rất nhỏ bé.

Trong mối quan hệ chọn xóm, yếu tố tinh thần mất mát đi rất nhiều bởi vì người dân không thích ứng được môi trường cư trú mới.

Có những trường hợp di dời đến một nơi ở trú tạm vì khi chỗ ở mới chưa có, người dân phải sống trong trạng thái chờ đợi rất lâu.

Mặt khác, các vị trí giải toả thường dùng để phát triển kinh tế, xã hội… nên xảy ra tình trạng so sánh. Bởi khi di dời dân thì khu đó trở thành các khu đất thương mại có giá trị cao, còn người dân phải di dời đến khu định cư rất xa, từ địa điểm họ ở di chuyển vào trung tâm hoặc di chuyển vào nơi làm việc có khoảng cách lớn, họ thấy rằng mình ở vùng biên tương đối biệt lập.

Chúng ta phải tính đến nhu cầu cụ thể của người dân thì ta mới kỳ vọng tạo ra sự đồng thuận cho họ được. Nếu không tạo được sự đồng thuận sẽ gây nên rất nhiều hệ luỵ. Ngoài những hệ lụy về kinh tế ta đã thấy rõ thì những vấn đề về xã hội, về yếu tố tinh thần của người dân là rất lớn. Trước nhiều sự bất cập, người dân thường không mấy “mặn mà” và thường có tâm lý bức xúc khi đứng trước vấn đề di dời giải toả.

PV: Việc di dời tất cả người dân tới ở cùng một khu như vậy liệu có thật sự phù hợp?

PGS.TS. Nguyễn Đức Lộc: Theo tôi, thông thường các dự án sẽ có khảo sát đánh giá, trước khi triển khai dự án sẽ khảo sát nhu cầu người dân để phân loại nhu cầu người dân và phân tích đặc điểm sinh kế, từ đó người làm dự án mới đề xuất phương án lựa chọn cho người dân. Đương nhiên lựa chọn đó nằm trong quy định của pháp luật và khả năng vận hành dự án, sau đó ta sẽ tính toán di dời đến khu tập trung cũng không thành vấn đề nhưng khu đấy phải đảm bảo thiết chế hạ tầng xã hội, đặc biệt là về điều kiện việc làm. Chúng ta không thể dời người dân đến một khu cứ nghĩ có đủ chỗ ở là xong, mà nó liên quan đến khi người ta thay đổi một nơi sống là người ta thay đổi cả cuộc đời còn lại của các thành viên trong gia đình.

Như vậy, khi xây dựng các chính sách chúng ta cần phải có khảo sát đánh giá giai đoạn 1 (ban đầu), sau đó dự án triển khai sẽ làm đánh giá giữa kỳ và cuối cùng tổng kết lại đánh giá để gây ra ít hệ luỵ nhất cho người dân. Bởi vì xét cho cùng, những người dân này đang hy sinh cho sự phát triển thì phải được trân trọng, phải đưa ra những chính sách phù hợp cho đời sống của họ. Có những mô hình tính toán trong quy hoạch sẽ dành những quyền lợi, ưu tiên đầu tiên cho những cư dân tại chỗ để người ta được hưởng lợi từ sự phát triển của vùng đất đó, từ dự án đó, không thể cứ đưa hết người dân đến một khu tập trung ở đâu đó rất xa, rồi xung quanh không có điều kiện hạ tầng xã hội và điều kiện sinh kế, đẩy họ vào một giai đoạn khó khăn hơn.

PV: Nên chăng tạo điều kiện bằng cách ở các dự án nhà ở thương mại mới xây sẽ dành ra 1 khoảng số căn nào đó cho nhóm người thuộc diện bị thu hồi đất mua, Nhà nước sẽ hỗ trợ như chuyển đổi sang tái định cư, phần còn lại người dân chi trả. Ông nghĩ sao về phương án này?

PGS.TS. Nguyễn Đức Lộc: Hiện nay đã có những dự án tương tự như vậy rồi, ít nhất có những trường hợp người ta nhận dự án đó, sau đó có những trường hợp người ta bán lại nhưng việc bán lại đó người ta tạo ra giá trị tài chính lớn rồi đi đến một nơi phù hợp chọn vùng đất ở, mua khu đất lớn hơn để cho các thành viên ở. Còn những người nào có đủ năng lực làm việc ở lại đó thì người ta sẽ có cơ hội thụ hưởng sự phát triển của dự án đó trong sự phát triển chung của xã hội.

Chung cư tái định cư được xây dựng lên rồi bỏ hoang nhiều năm không còn nhu cầu sử dụng.
Chung cư tái định cư được xây dựng lên rồi bỏ hoang nhiều năm không còn nhu cầu sử dụng. (Ảnh: Thảo Bùi)

PV: Ông có thể đưa ra một vài giải pháp, định hướng để các cơ quan ban ngành có thể thực hiện tốt hơn các chính sách đối với người dân thuộc diện đền bù, tái định cư, tránh tình trạng tương tự trong tương lai?

PGS.TS. Nguyễn Đức Lộc: Thứ nhất, khi mình làm việc với nhóm dân cư trong tái định cư, khi đưa ra một dự án quy hoạch cần phải giải quyết sớm để tránh trường hợp quy hoạch treo. Chúng ta quy hoạch rồi sau đó triển khai dẫn đến người dân ở trong khu vực đó luôn luôn thấp thỏm lo âu và người ta không di dời hết trong một khu quy hoạch. Chúng ta cần phải rõ ràng.

Thứ hai, tính minh bạch về mặt thông tin, cơ hội tiếp cận thông tin và cần truyền thông một cách rõ ràng đến người dân để họ biết rõ được dự án tiến độ như thế nào.

Thứ ba, cần bình đẳng trong cơ hội tiếp cận.

Đấy là những nguyên tắc chung minh bạch và bình đẳng để người dân lựa chọn và tin rằng việc di dời đó là họ đang đóng góp chung vào sự phát triển của xã hội, cùng với đó bản thân gia đình họ cũng có những cơ hội để phát triển.

Cần tránh những trường hợp sau dự án những người kinh doanh bất động sản chuộc lợi trên đó gây ra mất lòng tin cho người dân.

Khi có chính sách di dời, giải toả thì cần phải đảm bảo nơi ở cho người dân trước khi dự án triển khai để tránh trường hợp triển khai dự án và di dời giải toả song song dẫn đến thực trạng người dân không đảm bảo chỗ ở. Đối với những người có điều kiện tài chính thì 1 tháng, 2 tháng, 1 năm không thành vấn đề, nhưng đối với những cư dân nghèo thì 1 tháng là một chu trình sống còn của họ, chính vì vậy chúng ta cần phải tính toán rất kỹ lưỡng.

Khi di dời một địa điểm giải toả chúng ta phải cho họ cơ hội lựa chọn và phải đảm bảo nguyên tắc việc di dời đi tốt hơn nơi người ta đang ở. Như vậy mới thoả mãn được các điều kiện và sự đồng thuận của người dân. Rõ ràng một điều, khi thực hiện dự án ở dự án công hay dự án phát triển thì những người dân đang phải hy sinh cho sự phát triển chung, chính vì vậy chúng ta phải trân trọng sự hy sinh đó.

Khi quy hoạch một khu tái định cư chung, chúng ta cần phải đảm bảo các thiết chế hạ tầng xã hội, ở các thiết chế cơ bản để người dân có thể làm việc được. Trong một số điều kiện chúng ta cần phải tính toán đến trường hợp đào tạo nghề và vấn đề bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho những con em của họ. Bởi ta thấy rằng điều này thay đổi tất cả, vì vậy trách nhiệm xã hội đối với những người trong vùng giải toả phải cao hơn.

PV: Phải làm sao để “đảm bảo cuộc sống người dân bằng hoặc tốt hơn” sau khi thu hồi đất, đây cũng là điều người dân rất mong đợi, ta nên chú trọng vào những yếu tố nào, thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Đức Lộc: Chúng tôi có dịp làm việc với các cư dân nằm trong diện giải toả quy hoạch nhiều năm, thì tâm trạng chung của mọi người rất bất an và kỳ vọng các chính sách giải toả đảm bảo được các tiêu chí, thứ nhất là minh bạch, thứ hai là công bằng. Như vậy việc đảm bảo được hai tiêu chí này giúp cho người dân an tâm và ủng hộ các chính sách trong việc di dân giải toả.

Tôi đã gặp một trường hợp gia đình này nằm trong diện di dời và được đền bù một khoảng tài chính tương đối hậu hĩnh, nhưng sau đó họ rơi vào cảnh nghèo khó, cùng cực vì một lý do rất đơn giản là đáng nhẽ trên nguyên tắc ta đền bù một số tiền, người dân sẽ dùng số tiền đó mua một miếng đất khác tương đương. Tuy nhiên, giữa lúc đó họ không có đầy đủ thông tin nên đi tới đâu cũng sợ quy hoạch… cuối cùng họ lưỡng lự. Rồi chẳng may gia đình gặp sự cố, họ lấy số tiền được đền bù tiêu hết, sau đó nhanh chóng rơi vào tình trạng nghèo khó. Các thế hệ trong gia đình đang từ một điều kiện tương đối trung bình trong khu vực thì trở thành nghèo khó.

Tôi cho rằng trong quá trình thực hiện giải toả di dời người dân, ta phải tính toán cho một lộ trình làm sao đảm bảo rằng người dân có một nơi ở chắc chắn, cùng với đó có sự tư vấn cho họ các phương án, có những hỗ trợ cho họ nhanh chóng ổn định.

Vấn đề nữa bên cạnh việc làm của người dân là những con em của họ đã có sự gắn bó với trường học, ta cũng cần có một lộ trình tính toán cho họ thích ứng với điều kiện môi trường sống. Chứ không phải sau khi di dời ta có một căn hộ, một số tiền mà cần phải có phương án để tính toán vấn đề liên quan đến đời sống tinh thần, mối quan hệ xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng của họ và đặc biệt cho họ những quyền lựa chọn nhiều hơn là chúng ta chỉ đưa ra những phương án. Có những trường hợp không thích ứng được sau đó nhanh chóng trở nên nghèo khó.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top