Aa

Những tấm băng rôn bắt nguồn từ hợp đồng "liều lĩnh"

Thứ Tư, 28/06/2017 - 06:07

Thời gian gần đây, hình ảnh các cư dân tại nhiều khu đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội tổ chức căng băng rôn biểu tình, gây sức ép, buộc các nhà đầu tư, chủ dự án phải thực hiện cam kết theo hợp đồng mua bán căn hộ đã không còn xa lạ. Thậm chí, với nhiều người, hình ảnh ấy còn trở nên quen thuộc, như việc... tất yếu phải đến!?!

Không còn nhớ mở đầu cho trào lưu căng băng rôn, dùng phương tiện cá nhân tụ tập, chặn lối vào khu chung cư để gây sức ép lên chủ đầu tư, ban quản lý dự án tòa nhà...bắt nguồn từ đâu, ở dự án nào. Tuy nhiên, có lẽ, hình ảnh gây ấn tượng nhất là tại khu đô thị Gamuda vào khoảng thời gian đầu năm 2017. Tại khu đô thị nằm trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội), ban đầu, nhiều người tỏ ra khá lạ lẫm khi chứng kiến những tấm băng rôn kêu gọi chủ đầu tư phải đảm bảo an toàn cho các hộ dân cư.

Cùng với đó, là hành động dùng phương tiện ô tô chặn lối đi chung, không cho các cư dân ở tòa nhà bên cạnh đi sang khu nhà của mình. Hình ảnh những chiếc ô tô được dán các tấm băng rôn màu sắc sặc sỡ, ghi những khẩu hiệu mang đầy tinh thần đấu tranh gây ra cơn "sốc" với không ít người. Sau một thời gian, mọi chuyện lắng xuống, hình ảnh trên cũng không còn nữa.

Cư dân Gamuda căng băng rôn biểu tình hồi tháng 1/2017.

Cư dân Gamuda căng băng rôn biểu tình hồi tháng 1/2017.

Song, những hình ảnh "bắt chước" từ Gamuda có vẻ ngày một nhiều hơn, lây lan từ các dự án trong nội thành, sang đến những khu đô thị, chung cư bình dân phía ngoại ô. Cách thức "biểu tình", phản đối của những cư dân tại các khu đô thị, chung cư này cũng không khác nhiều. Vẫn là hình ảnh những tấm băng rôn nền đỏ, chữ trắng, được căng khắp các điểm ra vào tòa nhà, những nơi bắt mắt, dễ thu hút, gây sự chú ý. Yêu cầu, đề nghị đưa ra có thể khác nhau, nhưng, tựu chung vẫn là những khẩu hiệu dạng như: " Yêu cầu nhà đầu tư thực hiện đúng cam kết hợp đồng"; " Đề nghị chủ tòa nhà không tận thu các loại phí, "bóp cổ" cư dân"....

Mới đầu, khi mới nhìn những hình ảnh này, cảm giác đầu tiên của tôi là phấn khởi. Bởi vì, tôi nghĩ đây là cách "hiệu quả" nhất để cư dân gây áp lực lên nhà đầu tư, chủ dự án, buộc họ phải tuân thủ các cam kết trong hợp đồng. Đây cũng là cách thể hiện đấu tranh khá văn minh, tích cực. Tuy nhiên, sau khi thấy những cuộc "căng băng rôn" diễn ra liên tục, tôi không còn cảm thấy "phấn khởi" như trước. Tôi bắt đầu suy nghĩ, tìm hiểu và nhận ra rằng, thực ra, phía sau những "tấm băng rôn" kia, là những sự "liều lĩnh" của cả 2 bên, gồm khách hàng và chủ đầu tư. Nghĩa là, thực ra, để xảy ra tình trạng ấy, cũng là do "tại anh, tại ả, tại cả đôi bên".

Trước hết, đối với nhà đầu tư, phải thấy rằng, khi lập dự án, hầu hết các ông chủ đều cho bộ phận truyền thông "ca tụng" dự án của mình bằng những ngôn từ mĩ miều, bùi tai nhất. Ít ông chủ nào dám nói về những cái hạn chế, khó khăn của mình. Vì vậy, nghe quá nhiều các lời quảng cáo, khách hàng như lạc vào mê hồn trận, không đủ tỉnh táo để lựa chọn cho mình dự án thật sự chất lượng, đáng tin cậy.

Thực ra, với bất cứ chủ đầu tư nào, ban đầu, khi lập dự án, họ cũng đều muốn xây dựng những tòa nhà chất lượng, hiện đại, tiện nghi thật. Bởi dù sao, nhà bán cho khách, nhưng thương hiệu vẫn là của họ. Nếu gây dựng được thương hiệu tốt, đó là bước thuận lợi để họ thực hiện những dự án tiếp theo.

Song, không phải lúc nào thực tế cũng diễn ra như những gì họ muốn. Những thủ tục về xây dựng với một "núi" các giấy phép, các "luật bất thành văn" kèm theo khiến chủ đầu tư nhiều khi toát mồ hôi hột vì phải "chi" nhiều quá. Lắm lúc, họ rơi vào cảnh: làm tiếp cũng dở, mà bỏ cũng không xong. Vì vậy, không còn cách nào khác, họ đành chấp nhận "tặc lưỡi", bội tín với khách hàng.

Ban đầu là điều chỉnh lại thiết kế, thu hẹp lại diện tích căn hộ, hạ các mác vật liệu xây dựng, đổi các đồ nội thất theo hướng giản tiện..., rồi cuối cùng là tăng các mức phí. Tất cả với mục đích cuối cùng là: Lợi nhuận. Nếu không có lợi nhuận, chẳng lẽ doanh nghiệp họ làm... công ích? Nhất là đối với những doanh nghiệp, chủ đầu tư có nguồn vốn hạn chế, thương hiệu chưa được nhiều người biết đến, nếu một dự án bị thua lỗ hoặc lợi nhuận không như mong muốn, khả năng phá sản, bỏ cuộc trên thị trường bất động sản là rất cao.

Về phía khách hàng, để xảy ra những tình trạng đó, không phải là hoàn toàn vô can. Rất nhiều khách hàng hiện nay đi mua chung cư, nhà dự án trong tâm thế nghe theo lời "rủ rê", theo trào lưu, thấy vợ chồng anh bạn vừa đăng ký mua, đưa ra những lời ngợi khen hết lời, là mình cũng vội vàng đi mua hồ sơ, chẳng cần tìm hiểu kỹ dự án đó. Cũng có nhiều người đi mua nhà trong trạng thái "khát sở hữu", luôn đặt ra cho mình mục tiêu đến tháng này, năm này phải có nhà, không chấp nhận ở thuê, ở trọ. Vì vậy, cứ thấy có dự án nào được quảng cáo rầm rộ, nghe xuôi xuôi là tìm đến đăng ký, bất biết tiến độ nó đến đâu, dự án đang gặp vấn đề trục trặc gì?.

Không ít trường hợp còn đi tìm mua nhà theo tiêu chí "càng rẻ càng tốt". Điều này không sai, nhất là với người trẻ, mức thu nhập còn thấp, có khi để mua được căn hộ còn phải vay nợ ngân hàng. Nhưng, họ đâu biết rằng, của rẻ đôi khi là của "ôi", vì các cụ đã dạy rồi "tiền nào của nấy". Chấp nhận mua nhà giá rẻ, rẻ một cách lạ lùng, của những nhà đầu tư không có tên tuổi, thậm chí chỉ là một công ty do một vài người "chạy" được dự án lập ra, không chuyên về xây dựng, đầu tư bất động sản, làm sao đòi hỏi họ thực hiện đúng cam kết với khách hàng một cách chuyên nghiệp, uy tín được?!?

Vì vậy, trước khi căng băng rôn trách nhà đầu tư, tôi nghĩ, có lẽ, các cư dân mua nhà từ sự vội vã, liều lĩnh, chủ quan phải tự ngẫm lại mình. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Nếu bình tĩnh, nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, thẩm định kỹ lý lịch, uy tín, tiềm lực của chủ đầu tư, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai dự án, chắc chắn, cảnh phải cầm băng rôn xuống đứng dưới cổng ra vào của khu nhà mình sẽ không còn nữa. Khi khách hàng thận trọng và tỉnh táo, thông thái thực sự, chủ đầu tư họ cũng sẽ biết cách để thay đổi theo. Và, đó cũng chính là lúc, thị trường bất động sản có thêm tín hiệu vui, khi cả người bán lẫn người mua đã hướng đến sự minh bạch, uy tín, làm ăn lâu dài, bền vững.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top