Aa

Những thói quen mùa dịch

Thứ Hai, 16/08/2021 - 07:00

Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer đã tỏ ra ngần ngừ trước khi cương quyết không bắt tay Thủ tướng Angela Merkel khi bà Merkel đưa tay về phía ông. Ban đầu bà hơi ngạc nhiên và sau đấy thì cười xòa.

Nghe truyền lại rằng, bắt tay, từ ngày xưa ấy, thời còn thô sơ, nó xuất hiện là khi những người đàn ông gặp nhau, xòe tay ra cho nhau biết, rằng đây, tôi tay không đây, không mang vũ khí đây, chỉ mang theo thiện chí đây. Nhưng nó là từ phương Tây. Ở Việt Nam ta, các cụ xưa gặp nhau thì chắp tay vái nhau. Hình như giờ người Nhật, người Thái còn món chào này. Họ chắp tay nhún người, còn ta, thi thoảng giờ bắt chước họ, thấy có người cứ chắp tay lạy lia lịa như lạy... bàn thờ. Bắt tay vào Việt Nam hình như cùng thời người Pháp vào, họ mang theo nhiều thứ, cả hay và dở, trong đó có bắt tay.

Và giờ nước ta bắt tay trở thành như... đặc sản. Làm gì cũng bắt tay, ai cũng bắt tay. Gặp người lớn hơn mình, gặp phụ nữ, trẻ con... vẫn cứ thò tay ra bắt rất hung hãn, cứ nắm cứng lấy và lắc, có người còn vừa bắt vừa lấy ngón tay trỏ cù cù vào lòng bàn tay người bị bắt, trong khi phải là ngược lại, người lớn bắt tay người nhỏ, phụ nữ giơ tay cho đàn ông... Bà con Tây Nguyên từ chỗ chả biết bắt tay là gì, giờ xuống làng, bà con bắt tay tuốt luốt, dù bà con đang ăn cơm, mà ăn cơm đa phần là ăn bốc, cứ thấy cán bộ là giơ tay ra bắt. Là họ bắt chước cán bộ người Việt ta, cứ gặp nhau là bắt tay.

Tôi từng thấy một bác cán bộ lên sân khấu trao quà cho các cháu mẫu giáo nhân ngày 1/6, trao cháu nào xong cũng... bắt tay và rạng rỡ nhìn vào ống kính. Lại cũng có những bác cán bộ lãnh đạo, đi họp đã muộn rồi, nhưng vào chỗ chưa chịu ngồi ngay, mà dềnh dàng bắt tay khắp lượt, bên trái, bên phải, phía trước, phía sau, có khi rướn qua cách cả hàng ghế...

Tôi hay đi bộ ở cái quảng trường gần nhà. Đa phần mọi người đều đi ngược chiều kim đồng hồ. Cũng chưa ai cắt nghĩa được tại sao như thế, hình như là nó ngược chiều âm. Bà con người dân tộc thiểu số cả Tây Nguyên, Tây Bắc khi đánh chiêng cũng đi vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ như thế. Nhưng thi thoảng cũng có những ông bà đi bộ thể dục cứ một mình lùi lũi đi thuận chiều, tức ngược chiều đám đông. Ông bà ấy mà lại quen mình thì rất khó xử, bởi sẽ có tới mấy lần giáp mặt nhau. Đa phần là gặp lần đầu sẽ giơ tay ra bắt, đến lần 2 lần 3 lần n... Lơ nhau cũng kỳ mà bắt tay càng kỳ hơn. Thế mà vẫn có người mỗi vòng gặp lại... bắt tay, nồng nã thân thiết...

Đỉnh điểm của bắt tay là... nhậu. Cứ xong một ly/chén/lon... là... bắt tay. Phải bắt, không bắt không thân thiện, không bắt không được coi là đã uống. Đi đám cưới, thế nào cũng có những ông lừ lừ cầm ly tới bàn người khác, giơ ly cụng đủ 10 người trong bàn rồi uống cạn, rồi cầm ly chờ mọi người trong bàn uống cạn, rồi... bắt tay, lần lượt bắt tay từng người.

Có người đang gặm dở cái đầu gà hoặc cầm nắm xôi cũng phải bỏ xuống để bắt, vươn người qua phía bên kia bàn để bắt, đụng cả cà vạt vào mâm vào bát để bắt, đa phần là hờ hững trượt qua tay nhau. Thủ tục ấy khoảng... 10 lần thì xong đám cưới, có người về đến... đỏ cả tay vì bị bắt. Uống càng nhiều thì cái sự bắt tay nó càng nhiều. Nên "cánh" vợ hay chọc "bọn" chồng thường xuyên uống bia là bọn tay to là thế. Tay cầm ly bia và bắt tay thường xuyên sẽ to hơn tay còn lại. Đến mức có anh say gặp ai cũng giơ tay ra bắt, quen lạ gì bắt tất, cứ tóm lấy và lắc, và giật, và ghì...

Ảnh minh họa.

"Em Cô Vi" xuất hiện như một cơn ác mộng lướt qua sự bình yên của loài người. Nó khiến mọi sinh hoạt của con người đảo lộn. Con người phải thích nghi để tồn tại, chữ tồn tại đúng nghĩa chứ không chỉ mang ý nghĩa triết học kiểu "tobe or not tobe". Một trong những món nó tác động tích cực chính là... bắt tay.

Con người ít bắt tay hẳn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khi tiếp khách quốc tế, ông có động tác rất hay là dùng khuỷu tay chạm nhau. Vẫn thân thiện. Nhớ có lần trên ti vi thấy mấy ông nguyên thủ châu Âu gặp nhau thì dùng giày cọ nhau. Mỗi anh giơ một chân lên, hai cái giày cọ vào nhau, thân thiện. Còn giờ đa phần là nắm tay lại thành nắm đấm, nhưng không phải để đấm nhau, mà khẽ đụng vào nắm đấm của đối phương. Tôi thích dùng kiểu này. Ngoài ra thì giơ tay lên chào từ xa cũng là một cử chỉ thân thiện, mà lại không phải đụng gì vào nhau, lại đúng với một trong những tiêu chuẩn phòng dịch là khoảng cách. 

Nhưng không phải đã hết những người vẫn có thói quen giơ tay ra bắt khi gặp người khác. Mà họ đã giơ tay ra thì mình không thể không giơ, dù nếu thật thân, bỗ bã vẫn có thể nói, thôi dịch, bỏ qua đi, rồi giơ... nắm đấm ra. Còn không, như tôi cũng đã thấy cách xử lý của một người, anh ta rút ngay lọ cồn trong túi ra, xịt tay sau khi bắt. Cách này hơi thô nhưng cũng đành.

Lại nhớ hồi còn nhỏ, chả cứ bọn thau tháu chúng tôi mà nhiều người lớn cũng rất thích nghe chuyện kể về trí thông minh đối đáp ở hội nghị Paris giữa hai ông cố vấn là Kit Sinh Giơ và Lê Đức Thọ. Có câu chuyện là sau khi bắt tay, ông Lê Đức Thọ rút khăn mùi xoa lau tay, xong lại đút khăn vào túi. Nó chứng tỏ sự khinh mạn của bác Thọ với ông Giơ. Thì là chuyện đồn thổi ấy mà, truyền khẩu ấy mà, nhưng hồi ấy khoái lắm, coi đấy là chiến thắng của Việt Nam trước Mỹ. Hôm rồi, gặp cô bé viết văn trẻ ở quán cà phê, vừa bước tới nó rút lọ cồn trong túi: Chú giơ tay ra. Xòe tay ra nó xịt vào đấy mấy tia cồn. Xong, coi như đã bắt tay, là hai tay mình xoa nhau.

Mới đây truyền thông đưa tin Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer đã tỏ ra ngần ngừ trước khi cương quyết không bắt tay Thủ tướng Angela Merkel khi bà Merkel đưa tay về phía ông. Ban đầu bà hơi ngạc nhiên và sau đấy thì cười xòa và nói: Ông đã đúng. Và có đài truyền hình còn làm hẳn một clip về cách "bắt tay" ở một hội nghị thượng đỉnh châu Âu mới diễn ra. Tất cả đều "bắt tay" nhưng không bắt tay, mà cọ giầy, chạm khuỷu tay, cúi chào, vẫy tay, chạm nắm đấm, úp tay vào ngực, cười, nghiêng đầu... Tức là bắt tay nhưng lại không bắt tay và nó vẫn là bắt tay dù chả có tay nào bắt tay nào, nhưng cuối cùng nó vẫn là bắt tay, ở những sự kiện ngoại giao quan trọng, huống gì chúng ta, bắt tay chỉ để... bắt tay. Nên rất có thể, sau đại dịch này, người Việt ta sẽ có một cách "bắt tay" mới, thói quen mới, vẫn thân thiện nhưng lại không phải... bắt tay...

Bởi nghĩ cho cùng, bắt tay ấy, nó có phải là đặc sản truyền thống Việt Nam đâu!/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top