Aa

Những tín hiệu vui trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Chủ Nhật, 07/01/2024 - 06:00

Ngành bất động sản ghi nhận nhiều doanh nghiệp dứt điểm nợ trái phiếu, chủ yếu nhờ mua lại trước hạn, với tổng số tiền thanh toán hơn 20.000 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước đang sửa đổi Thông tư 16 gỡ khó cho thị trường TPDN... Đây là những tín hiệu vui đáng ghi nhận của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản "dứt nợ" trái phiếu

Mới đây, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận 55 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trong tháng 12/2023 với tổng giá trị hơn 42,805 tỷ đồng. 

Như vậy, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong năm 2023 khoảng 311,240 tỷ đồng, với 29 đợt phát hành ra công chúng trị giá 37,070 tỷ đồng và 286 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 274,170 tỷ đồng.

Theo dữ liệu VBMA tổng hợp từ HNX, các doanh nghiệp đã mua lại 32,677 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 12. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến tháng 12 đạt 241,950 tỷ đồng tăng 5.3% so với cùng kỳ năm 2022 và tương đương 80.1% giá trị phát hành.

Đặc biệt, ngành bất động sản ghi nhận nhiều doanh nghiệp dứt điểm nợ trái phiếu, chủ yếu nhờ mua lại trước hạn, với tổng số tiền thanh toán hơn 20.000 tỷ đồng.

Ngoài việc đảm bảo quyền lợi cho trái chủ, uy tín của doanh nghiệp, thì việc mua lại trái phiếu trước hạn cũng nằm trong kế hoạch tái cấu trúc của doanh nghiệp, nhằm giảm bớt gánh nặng về chi phí lãi vay vốn ở mức cao tại thời điểm phát hành.

Những tín hiệu vui trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp- Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp mua lại trước hạn trái phiếu trong năm 2023. (Nguồn: HNX)

Đơn cử, Tập đoàn C.E.O (HNX: CEO) chủ động giảm toàn bộ gánh nặng trái phiếu khoảng 220 tỷ đồng từ giữa năm 2023. Tập đoàn Hà Đô (HOSE: HDG) không còn nợ trái phiếu từ quý I/2023, sau khi thanh toán 210 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, dù thị trường bất động sản gặp khó khăn nhưng vẫn có doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khả quan, tạo dòng tiền nhất định để trả nợ trái phiếu.

Nhờ dòng tiền luân chuyển từ hoạt động kinh doanh khu công nghiệp, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE: KBC) quyết định giảm nợ vay, bao gồm thanh toán 2.400 tỷ đồng nợ trái phiếu trong năm 2023.

Tương tự, CTCP Đầu tư Bất động sản Đông Dương báo lãi sau nửa đầu năm 2023 và thanh toán hết nợ cho các trái chủ với tổng số tiền 1.200 tỷ đồng.

Hay CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (HOSE: HAR), CTCP Đầu tư và Du lịch T&M Vân Phong, CTCP Vui chơi Giải trí Tổng hợp Tam Giang (thành viên Tập đoàn BRG) cũng đã hoàn thành nghĩa vụ nợ với các trái chủ.

Những tín hiệu vui trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp- Ảnh 2.

Doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khả quan, tạo dòng tiền nhất định để trả nợ trái phiếu. (Nguồn: HNX)

Đáng chú ý, một số doanh nghiệp khó khăn vẫn cố gắng thanh toán nợ sớm cho trái chủ. Theo HNX, các doanh nghiệp như Phúc Long Vân, Đức Việt, Kinh doanh Bất động sản LC, Đầu tư Du lịch Eurowindow Nha Trang, Bất động sản Thành Đông Đô, Địa ốc Sacom, Bất động sản Sài Gòn Nam Phú vẫn dùng tiền tất toán hoặc thanh toán nợ sớm cho trái chủ trước nhiều năm so với kế hoạch, qua đó cũng sạch nợ trái phiếu. Tổng số tiền thanh toán khoảng 4.300 tỷ đồng.

Giai đoạn cuối năm 2023, một lượng lớn trái phiếu tiếp tục được doanh nghiệp chủ động mua lại. Năm 2024, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 276,990 tỷ đồng. 41% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với gần 113,486 tỷ đồng, theo sau là nhóm Ngân hàng với gần 54,497 tỷ đồng (chiếm 20%). Các doanh nghiệp bất động sản vẫn tiếp tục tính toán phương án trả nợ.

Ngân hàng có thể được mua lại trái phiếu doanh nghiệp sau khi bán?

Đây là đề xuất đáng chú ý mới đây của Ngân hàng Nhà nước tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021, quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bãi bỏ khoản 11 Điều 4 tại Thông tư 16. Trước đó, ngày 23/4/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2023 quy định ngưng hiệu lực thi hành đối với quy định tại khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021 đến hết ngày 31/12/2023 để gia tăng thanh khoản, góp phần hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Nội dung khoản 11 quy định "Trong vòng 12 tháng sau khi bán trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM (sau đây gọi là trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết), tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán khi:

a) Đáp ứng các quy định khác tại Điều này; b) Bên mua trái phiếu doanh nghiệp này từ tổ chức tín dụng thanh toán toàn bộ số tiền mua trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm tổ chức tín dụng ký kết hợp đồng bán trái phiếu doanh nghiệp cho bên mua trái phiếu; c) Doanh nghiệp phát hành trái phiếu được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng tại thời điểm gần nhất trước khi tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp".

Ngân hàng Nhà nước lý giải, sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã vận hành. Theo đó, các trái phiếu còn dư nợ phải đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch theo quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) nhằm tăng tính minh bạch, gia tăng thanh khoản cho các trái phiếu phát hành riêng lẻ.

Bên cạnh đó, khi thực hiện mua lại trái phiếu doanh nghiệp mà tổ chức tín dụng đã bán, tổ chức tín dụng phải tuân thủ các quy định khác tại Thông tư 16/2021/TT-NHNN, tương tự như khi tổ chức tín dụng mua lần đầu. Vì vậy, việc bãi bỏ quy định này tại Thông tư 16/2021/TT-NHNN và Thông tư 03/2023/TT-NHNN không cần phải kéo dài thời gian ngưng hiệu lực thi hành.

Việc sửa đổi, bổ sung này Thông tư số 16 là cần thiết và cần sớm ban hành nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang khó khăn như hiện nay.

Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, việc Ngân hàng Nhà nước mở đường cho các tổ chức tín dụng tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp sẽ làm giảm phần nào áp lực đáo hạn trái phiếu trong năm 2023.

Những tín hiệu vui trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp- Ảnh 3.

Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Quốc Việt. (Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp)

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu giảm tốc, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nếu để các doanh nghiệp bất động sản phá sản hoặc không thể đáo hạn trái phiếu thì có thể làm mất ổn định vĩ mô và kéo theo nhiều hệ luỵ xã hội khác.

Song, TS. Nguyễn Quốc Việt cũng chỉ ra, điều doanh nghiệp bất động sản cần nhất hiện nay là các khoản tín dụng mới để hoàn thành quy trình các dự án đang dở dang và/hoặc hoàn thiện xây nốt đến khi đủ điều kiện mở bán.

Trong khi đó, việc cấp tín dụng mới đang khó khăn, liên quan đến trần rủi ro nợ xấu của doanh nghiệp bất động sản và trần rủi ro tín dụng của các ngân hàng muốn cấp tín dụng.

"Điều tôi băn khoăn nhất là không rõ các giải pháp của Thông tư 16 sửa đổi có mang lại "tiền tươi" cho doanh nghiệp bất động sản hay không? Nếu không có gì đột phá hơn Nghị định 08, thì theo tôi việc sửa đổi Thông tư 16 lần này vẫn chưa đạt được mức độ kỳ vọng của thị trường, mới chỉ dừng lại là liều "doping tinh thần" cho các doanh nghiệp bất động sản mà thôi", ông Việt nêu quan điểm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top