Trong quý I/2023, công nghiệp chế biến, chế tạo không còn đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng với sự suy giảm của nhiều ngành hàng chủ lực.
Theo nhận định của các doanh nghiệp và chuyên gia, tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu nhanh hơn dự kiến, tổng cầu từ nước ngoài suy giảm mạnh khiến đơn hàng sụt giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp. Do vậy, trái với những kỳ vọng từ đầu năm, khả năng phục hồi sản xuất ngày trong quý II này được đánh giá rất thấp.
Giảm tăng trưởng do lực cầu yếu
Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, quý I/2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011 - 2023, làm giảm 0,28 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Đại diện Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương cho hay, nguyên nhân chủ yếu là do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm. Đáng chú ý, công nghiệp chế biến, chế tạo không còn đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế khi giá trị tăng thêm của ngành giảm 0,37%.
Bước sang tháng 2/2023, do tổng cầu từ nước ngoài suy giảm tác động đến số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng sụt giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp.
Báo cáo cũng ghi nhận, nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực giảm trong quý đầu năm 2023, như ôtô giảm 17,8%; thép thanh, thép góc giảm 15,8%; xe máy giảm 13,8%; linh kiện điện thoại giảm 13,4%; vải dệt từ sợi tự nhiên và điện thoại di động cùng giảm 13,1%; quần áo mặc thường giảm 10,2%; ximăng giảm 9,9%; phân urê giảm 6,3%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 6,1%.
Bộ Công Thương lý giải sức mua trong nước dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng, hoạt động mua hàng trở lại giảm. Đồng thời sức ép lạm phát, lãi suất cao cũng đã ảnh hưởng đến tiêu dùng các sản phẩm xa xỉ như ôtô, kể cả sản phẩm thông thường như dệt may, giày dép.
Các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh rất khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm.
Trên thế giới, giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước. Lạm phát vẫn còn ở mức cao, chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng; kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có những tác động nhất định đến xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 8,701 tỷ USD, giảm 18,63% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính riêng tháng 3/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 3,298 tỷ USD, tăng 18,11% so với tháng trước nhưng giảm 12,91% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đại diện Vitas cho biết thực tế từ kết quả sản xuất kinh doanh 2 tháng đầu năm cho thấy nhu cầu về các mặt hàng sợi có cải thiện nhưng không đáng kể, lượng hàng tồn kho tại nhiều doanh nghiệp tăng cao, thâm chí lên đến 1 tháng sản xuất.
Đối với ngành may, tình hình sản xuất khá ảm đạm do thiếu đơn hàng, thậm chí bị dừng đơn hàng. Thực trạng khách hàng hiện nay là các đơn hàng nhỏ lẻ, đơn giá thấp giảm khoảng từ 20 - 50% so với năm 2022.
Nhiều doanh nghiệp may thậm chí còn phải thay đổi cơ cấu sản phẩm, buộc phải làm các mặt hàng không phải chủ đạo để có thể duy trì được hoạt động sản xuất.
Cũng theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ngành dệt may Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, đồng thời hoạt động cho vay gặp khó khăn, mặt bằng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp vẫn ở mức cao, ách tắc về giải ngân vốn và thiếu vắng các biện pháp mang tính hỗ trợ doanh nghiệp. Điều này khiến cho ngành dệt may và các ngành sản xuất khác khó có thể đạt được hiệu quả.
Ngành thép cũng là một trong những ngành hàng chịu sự suy giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ vẫn ở mức thấp, đặc biệt thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi.
Tập đoàn Hòa Phát cho biết, quý 1/2023, tập đoàn đã sản xuất 1,2 triệu tấn thép thô, giảm 42% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt 1,37 triệu tấn, giảm 37% so với 3 tháng đầu năm ngoái.
Trong quý đầu năm, thép xây dựng đạt 869.000 tấn, giảm 35%. Bán hàng thép cuộn cán nóng đạt 482.000 tấn, tương đương trên 60% so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo sẽ còn nhiều khó khăn trong thời gian tới, tập đoàn này cho biết, sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường để điều tiết sản xuất một cách phù hợp và hiệu quả nhất.
Tín hiệu tích cực
Ở thời điểm cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, nhiều dự báo chỉ ra rằng sản xuất công nghiệp có thể sẽ bước vào giai đoạn phục hồi ở thời điểm quý 2/2023. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đều cho biết, khả năng phục hồi sớm là rất thấp.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, dự báo ngành sợi vẫn chưa thể hồi phục đến hết quý 2/2023, khả năng cầu thị trường sẽ có dấu hiệu ấm lên nhưng cầu thị trường vẫn còn rất thấp, lượng hàng tồn kho sợi của thế giới vẫn ở mức cao và giá bông đã xuống quá thấp nên giá sợi khó có thể cải thiện trong ngắn hạn.
Đối với ngành may, tình trạng thiếu đơn hàng, đơn hàng nhỏ lẻ, số lượng ít, đơn giá thấp, vẫn sẽ kéo dài đến hết quý 3. Dự kiến, các đơn hàng may mặc sẽ giảm khoảng 25- 30% so với cùng kỳ năm 2022.
Bức tranh sản xuất công nghiệp tuy không mấy sáng sủa, song đại diện Bộ Công Thương cho hay, vẫn có những dấu hiệu tích cực để sản xuất trong nước phục hồi.
Có thể kể đến như một số khu vực kinh tế lớn như Trung Quốc, Mỹ tăng trưởng cao hơn dự báo; một số nền kinh tế đang nổi tại châu Á như Ấn Độ, Asean tăng trưởng khả quan. Các chính sách kích cầu đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp của nhà nước phát huy tác dụng trong việc phục hồi các hoạt động sản xuất.
Bên cạnh đó, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng lần đầu tiên trong 3 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp dù có giảm nhưng xu hướng tăng dần qua các tháng; nhập khẩu nguyên phụ liệu có dấu hiệu tăng… là những yếu tố dự báo tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu trong thời gian tới có thể khả quan hơn.
Ông Nguyễn Vân, Phó chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (Hansiba) cho biết trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó thì doanh nghiệp cần hướng đến tăng tính liên kết, hợp tác với nhau để ngoài việc tiêu thụ các mặt hàng của nhau thì cũng tạo sức mạnh tổng thể, đủ năng lực nhận những đơn hàng lớn hơn, từ đó tham gia vào các chuỗi cung ứng của doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp lớn. Hiện nay, Hansiba đang làm tốt và thời gian tới sẽ nỗ lực đẩy mạnh hơn nội dung này.
Để thúc đẩy phát triển công nghiệp trong nước, Bộ Công Thương cho biết sẽ phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước, lấy đây là trụ đỡ khi thị trường bên ngoài gặp khó khăn; trong đó, chú trọng những chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm công nghiệp chế biến, sản phẩm nông sản; bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, tổ chức làm việc với một số ngành, địa phương trọng điểm về công nghiệp để kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất; tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu.
Bộ cũng sẽ tập trung vào các giải pháp về ổn định thị trường tài chính, tiền tệ tháo gỡ khó khăn về vốn (như: rà soát để tiếp tục thực hiện giãn hoãn, miễn giảm một số khoản thuế, phí) và giải pháp về tiền tệ (hạ lãi suất, cho vay ưu đãi, duy trì lãi suất cho vay ở mức phù hợp…), tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp khu vực chế biến, chế tạo có thêm nguồn lực để phục hồi và phát triển./.