Tôi gặp anh ở ngoài chợ đầu mối.
Anh gần như hài lòng với cuộc đời của một người bốc vác.
Lương tháng từ 7 đến 10 triệu tùy vụ, trừ tiền thuê nhà, tiền ăn uống dè sẻn ra vẫn để ra được ít tiết kiệm. Nhưng nói là “gần như”, bởi anh còn một mục tiêu sống quan trọng chưa thể hoàn thành: cứu giúp cuộc đời bằng tinh thần khai sáng của mạng lưới đa cấp.
Anh đã từng có một trang trại trồng tiêu vài héc-ta ở Đăk Nông. Ở giai đoạn thị trường hồ tiêu vẫn ổn định, thì cuộc sống vô cùng nhàn tản. Nhưng rồi anh gặp các thành viên của một mạng lưới đa cấp. Cái họ mang đến cho anh, không chỉ là cơ hội kiếm tiền, mà còn là một hệ thống triết lý vị nhân sinh đầy mê hoặc.
“Công ty anh có triết lý rất giống với đạo Phật” - có lần người nông dân ấy thốt lên với tôi.
Cuộc đời anh trở thành một bi kịch sau cái ngày bước chân vào “hệ thống”. Vườn hồ tiêu bỏ hoang để anh đuổi theo những giấc mơ cao vời của mạng lưới. Nhưng rồi người nông dân cũng không đủ quan hệ và sự khéo léo để “phát triển mạng lưới” của mình. Anh thất bại. Từ một nông dân khỏe mạnh và lạc quan, anh trở thành một người ủ dột, nằm dài cả ngày.
Một ngày, anh thức dậy và nhìn thấy cha mình đã treo cổ tự vẫn giữa nhà. Trước khi đi, ông chỉ dặn con, còn trẻ thì cố mà làm ăn.
Anh cũng đã tự tử theo, nhưng không thành. Rồi anh lưu lạc mãi ra ngoài Hà Nội này, để trở thành một người bốc vác. Anh không dám quay về vườn tiêu nơi bố anh đã tự tử nữa.
Nhưng vấn đề của người đàn ông ấy, là anh trót tin và yêu công ty đa cấp của mình với tư cách một hệ thống triết lý, chứ không phải là một phương thức làm giàu. Làm bốc vác được đôi năm, anh lại bắt đầu đi dự các “đại hội thành công”, si mê xem các clip quảng bá sức mạnh của công ty trên mạng...
Và anh nói, ngày xưa, đúng là tại đa cấp mà ông già mất. Nhưng chuyện thành ra bi kịch thế, là do mình chưa biết cách làm. Mình sai, chứ công ty không sai.
Có lẽ là nhiều độc giả ở đây có thể kể ra những câu chuyện cay đắng hơn. Đã có thời điểm số người tham gia các công ty đa cấp tại Việt Nam lên tới cả triệu. Nhưng tôi đã ngồi nhiều tiếng đồng hồ nghe anh kể chuyện đời mình, mà không một lời bàn luận: niềm tin của anh nông dân ấy là một thứ gì đó rất cay nghiệt. Anh đã mất tất cả, nhưng từ chối vứt bỏ niềm tin.
Để phân tích ra tất cả những thủ pháp và biến tướng của các công ty đa cấp tại Việt Nam, để kể hết các bi kịch mà nó mang đến, thời lượng bài viết này không đủ.
Hôm qua, tôi vừa xem clip một cô gái trẻ khóc ngất van lậy những người vừa bắt mình đừng báo cho gia đình. Cô đi ăn cắp để trả nợ vì dính vào hệ thống đa cấp.
Và đến một lúc, khi con số những người đã dấn thân vào các mạng lưới lên tới cả triệu, đủ mọi thành phần, chúng ta hiểu rằng lên án các cá nhân nhẹ dạ, thiếu hiểu biết không phải là cách giải quyết vấn đề.
Bỏ qua những vỏ bọc “cứu nhân độ thế” vốn được tinh tế khoác lên hoạt động kinh doanh của nhiều công ty, thuyết phục đại chúng - thì vẫn không có gì sai nếu người ta mong muốn kiếm được nhiều tiền một cách hợp pháp.
Vấn đề của những bi kịch ấy, chỉ là tại sao chúng hợp pháp?
Cái này thì đến chính những người hành pháp cũng không trả lời nổi.
Trong một hội nghị về kinh doanh đa cấp diễn ra cách đây chưa lâu tại khu vực miền Trung, các cán bộ địa phương đứng lên than thở: họ có phát hiện ra sai phạm cũng không cách nào xử lý. Công an tỉnh thì thậm chí phải thốt lên: “Thực sự là chúng tôi không biết cơ quan nào xử lý”. Quản lý thị trường tỉnh thì khẳng định mình không có thẩm quyền.
Chuyện đã rất cũ: chỉ có một đơn vị có quyền xử lý doanh nghiệp đa cấp, là Cục Quản lý cạnh tranh. Cục này, nhân sự có vài chục người. Để quản lý những mạng lưới cả triệu người với đủ loại biến tướng. Và trớ trêu nhất, là nó thuộc Bộ Công thương - nơi cấp phép cho doanh nghiệp đa cấp.
Đã từ lâu việc Cục Quản lý cạnh tranh nằm trong Bộ Công thương được các nhà chuyên môn gọi là “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Cấp giấy phép, quản lý, giám sát, phạt, rút giấy phép là một nơi.
Địa phương, nếu có phát hiện sai phạm nhờ tai mắt nhân dân, thì chỉ xử lý được “người bán hàng đa cấp” chứ không xử lý được doanh nghiệp.
Và đấy chỉ là một lỗ hổng. Để giải bài toán nhức nhối về đa cấp, thì phải đặt tiên quyết ra câu hỏi rằng tại sao nhiều hoạt động của họ vẫn ngang nhiên dù đã có luật. Chắc chắn còn lỗ hổng.
Luật của chúng ta khá đầy đủ, và sắp tới sẽ còn đầy đủ hơn nữa. Không có chuyện kiếm tiền nhờ đưa người vào hệ thống (mô hình kim tự tháp), không được tự tiện tổ chức đào tạo, hội nghị,... tất cả những thứ đó sẽ “chặt tay” những mạng lưới đa cấp trong điều kiện lý tưởng.
Lần cuối tôi gặp người bạn ở chợ đầu mối, anh bảo mình sẽ vào chùa đi tu. Anh đã bán vườn tiêu ở quê, và không còn sức theo đuổi sự nghiệp đa cấp nữa.
Làm sao có thể trách một người nông dân trồng tiêu nếu anh không hiểu được một hệ thống phức tạp do những bộ óc tinh khôn nghĩ ra hòng kiếm trăm tỷ, nghìn tỷ?
Có trách, thì phải hỏi xem ai, thiết chế nào chịu trách nhiệm bảo vệ anh.