Aa

Ninh Bình: Khơi thông dòng vốn đầu tư công

Thứ Ba, 23/07/2024 - 14:44

Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 có không ít khó khăn, thách thức. Vì vậy, việc khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công có vai trò hết sức quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Ninh Bình: Khơi thông dòng vốn đầu tư công- Ảnh 1.

Dự án nâng cấp tuyến đường chính vào Khu du lịch Kênh Gà và động Vân Trình (giai đoạn 1) đang được hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Ảnh: Anh Tuấn

Năm 2024, tổng kế hoạch đầu tư công của tỉnh Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ giao là 6.459,9 tỷ đồng, gồm: Vốn ngân sách Trung ương là 611,38 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 5.848,52 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tăng trưởng kinh tế của những tháng đầu năm 2024 có dấu hiệu phục hồi song vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thị trường trong và ngoài nước đều bị thu hẹp, một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh sản xuất cầm chừng... dẫn đến thu ngân sách không đạt như kỳ vọng đề ra.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản mặc dù đã có dấu hiệu khởi sắc, ngay từ đầu năm các huyện, thành phố đã thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất và đạt được kết quả khả quan, nhưng 6 tháng đầu năm tổng số thu tiền sử dụng đất mới chỉ đạt 39,5%, chưa đạt tiến độ dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó, các khu đất thực hiện phân chia các cấp ngân sách vượt tiến độ dự toán đạt 75,9%; số thu tiền sử dụng đất thực hiện phân chia ngân sách tỉnh chỉ đạt 8,5%.

Với những khó khăn trên không chỉ ảnh hưởng đến số thu ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng đến nguồn lực bố trí kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, nhất là kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách cấp tỉnh năm 2024 từ nguồn thu tiền sử dụng đất.

Trước khó khăn về bố trí nguồn vốn đầu tư công, UBND tỉnh đã tập trung thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp tài chính-ngân sách nhà nước (NSNN); điều hành thu, chi ngân sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, ổn định đời sống xã hội. Nhiệm vụ chi NSNN được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm. Đặc biệt, tỉnh xác định rõ sẽ tập trung nguồn lực đầu tư công cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, các dự án trọng điểm, trọng tâm có sức lan tỏa cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, của vùng, bao gồm: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường ĐT.482 kết nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 10 và kết nối Quốc lộ 10 với Quốc lộ 12B; Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua tỉnh Ninh Bình, giai đoạn I và giai đoạn II; Dự án xây dựng tuyến đường Đông-Tây, tỉnh Ninh Bình giai đoạn 1... Tích cực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư để khởi công 2 dự án: Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng đoạn qua tỉnh Ninh Bình và Dự án mở rộng đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông đoạn Cao Bồ-Mai Sơn.

Với mục tiêu đó, ngay từ những tháng đầu năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công; thường xuyên kiểm tra hiện trường và tổ chức các hội nghị bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm có ý nghĩa quan trọng tạo ra động lực tăng tốc cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế-xã hội của tỉnh gắn với bảo đảm chất lượng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục, thường xuyên kiểm tra thực tế tình hình triển khai thực hiện các dự án và kịp thời xem xét, chỉ đạo giải quyết các vướng mắc, vấn đề phát sinh, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Do vậy, trong 6 tháng đầu năm 2024, các dự án được triển khai đảm bảo tiến độ yêu cầu; một số công trình, hạng mục công trình đã được hoàn thành, cơ bản hoàn thành, sớm đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tính đến 21/6/2024, tổng số vốn giải ngân đạt 2.086,34 tỷ đồng, bằng 32,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 107,04 tỷ đồng, bằng 17,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; vốn cân đối ngân sách địa phương đạt 1.979,3 tỷ đồng, bằng 33,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Theo thống kê của Bộ Tài chính, Ninh Bình là tỉnh đứng thứ 25/63 tỉnh, thành phố về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao; đồng thời, căn cứ tình hình thực tế triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 và Kế hoạch đầu tư công năm 2024 các nguồn vốn do tỉnh quản lý, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các chủ đầu tư phải xác định giải ngân đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân, bao gồm tất cả các nguồn vốn: Ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, ngân sách cấp xã và các nguồn vốn bổ sung ngoài kế hoạch... theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Nghị quyết các phiên họp thường kỳ, Quyết định số 1603/QĐTTg ngày 3/12/2022, Công điện về đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024… và các văn bản có liên quan.

Đồng thời, các chủ đầu tư phối hợp với các ngành liên quan thực hiện rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công tác kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư công, đẩy nhanh thủ tục giải ngân vốn đầu tư công các dự án chưa giải ngân và có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân của tỉnh, nhất là các dự án: Nâng cấp, cải tạo tuyến đường kết nối Quốc lộ 12B với Quốc lộ 10 đoạn Yên Mô-Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình (tuyến ĐT.480E cũ); xây dựng tuyến đường Bái Đính (tỉnh Ninh Bình)- Ba Sao (Hà Nam) đoạn qua địa phận tỉnh Ninh Bình (giai đoạn II).

UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành liên quan, các địa phương điều hành chi ngân sách chủ động, linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội; ưu tiên tập trung nguồn vốn để đầu tư các công trình, dự án trọng tâm của tỉnh; thực hiện rà soát, cắt giảm các công trình, dự án chưa thực sự cần thiết, cấp bách. Chỉ thực hiện giải ngân các công trình, dự án, nhiệm vụ theo tiến độ thu ngân sách.

Ngoài ra, các chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng. Việc tạm ứng, mức vốn tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng theo đúng quy định tại Điều 10, Nghị định số 99/2021/ NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công; đảm bảo sử dụng hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí nguồn vốn ngân sách Nhà nước được giao.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top