Aa

Nợ xấu ngân hàng tăng cao và nguy cơ "nợ ẩn mình"

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Ba, 20/08/2024 - 06:10

Nợ xấu ngành ngân hàng tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2024 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong 6 tháng cuối năm. Nguyên nhân được đưa ra là do nền kinh tế trong nước vẫn chưa cho thấy sự khởi sắc rõ rệt, cùng bối cảnh nền kinh tế thế giới đang còn nhiều biến động.

Tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng gia tăng

Kết thúc quý II/2024, ngành ngân hàng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ổn định, đóng góp 49,5% vào tổng lợi nhuận sau thuế toàn thị trường, song tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng nhìn chung chưa có sự cải thiện.

Báo cáo tài chính của 29 ngân hàng cho thấy, có tới 24/29 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu trong quý II tăng so với thời điểm cuối năm 2023. Tại nhiều ngân hàng, nợ xấu tuyệt đối tăng 30 - 50%.

Chia sẻ tại cuộc họp báo kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước ngày 23/7, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cũng cho biết, nợ xấu đang có xu hướng tăng mạnh, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã lên gần 5%. Nếu bao gồm nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu, nợ xấu bán cho VAMC... thì con số tỷ lệ nợ xấu khoảng 6,9%.

"Và đây là vấn đề rất cần lưu ý", Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Tính đến cuối tháng 6/2024, không chỉ các ngân hàng ngoài quốc doanh như Sacombank, ACB, VIB Bank, BVBank, KienlongBank… mà cả nhóm các "ông lớn" quốc doanh như Vietcombank, Vietinbank, BIDV cũng ghi nhận quy mô nợ xấu tăng cao.

Cụ thể, nợ có khả năng mất vốn của Vietcombank tính đến hết 30/6 đạt hơn 10.017 tỷ đồng, tăng gần 28% so với cuối năm 2023. Nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ cũng tăng lần lượt 75% và 17,4%. Điều này khiến nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank đã tăng từ 0,98% vào cuối năm 2023 lên 1,2%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng giảm từ 230% xuống 212%.

Tại ngân hàng Vietinbank, tính tới cuối quý II, tổng nợ xấu thuộc nhóm 3-5 ở mức hơn 24.100 tỷ đồng, tăng hơn 20% so quý I. Riêng nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4, quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày) của Vietinbank tăng lên gấp đôi, từ 5.300 tỷ đồng hồi cuối quý I đến trên 13.400 tỷ đồng vào cuối quý II.

Còn với ngân hàng BIDV, tỷ lệ tổng nợ xấu/tổng tài sản tăng từ 0,97% lên 1,14% tại thời điểm 30/6. Trong đó, số dư nợ xấu đạt 28.687 tỷ đồng, tăng hơn 28% so với thời điểm đầu năm, với mức tăng ở cả 3 nhóm nợ xấu. Đặc biệt, nhóm nợ dưới tiêu chuẩn, tức nợ nhóm 3 tăng mạnh 86,23%, lên 7.113 tỷ đồng vào cuối quý II.

Chia sẻ với Reatimes, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, nguyên nhân khiến tình trạng nợ xấu có xu hướng tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm là do nền kinh tế Việt Nam đang trên hành trình phục hồi tuy nhiên tốc độ còn chậm. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng 2 quý đầu năm đã hồi phục so với thời điểm cuối năm 2023, nhưng đó là con số định lượng, còn định tính thì nền kinh tế vẫn đối diện nhiều khó khăn. Điều này thể hiện rõ ở sức khỏe các doanh nghiệp chưa có nhiều cải thiện và các thị trường trong nền kinh tế chưa có nhiều chuyển biến.

Theo ông Hiếu, từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng có khoảng 15.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, rút lui khỏi thị trường. Trong khi năm ngoái, con số này chỉ khoảng 10.000 doanh nghiệp.

Đối với các thị trường như chứng khoán, bất động sản, vàng, tiền gửi tiết kiệm… thì khả năng hồi phục vẫn còn chậm, đặc biệt là thị trường bất động sản. Trong khi đó, 70% tài sản bảo đảm tại các ngân hàng là bất động sản. Khi tính thanh khoản của bất động sản kém, các ngân hàng rất khó để xử lý tài sản đảm bảo qua việc phát mãi và nếu phát mãi có thành công thì các ngân hàng cũng chịu thiệt hại không ít. 

"Đây chính là những lý do khiến nợ xấu tại các ngân hàng chưa được giải quyết và có xu hướng tăng lên", ông Hiếu nhận định. 

Nợ xấu ngân hàng tăng cao và nguy cơ "nợ ẩn mình"- Ảnh 2.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu

Nói thêm về tình trạng nợ xấu tại các ngân hàng hiện nay, vị chuyên gia cho biết, Thông tư 06/2024/TT-NHNN (sửa đổi Thông tư 02/2023/TT-NHNN) mới đây đã cho phép thời gian giãn, hoãn nợ được gia hạn thêm 6 tháng (đến hết 31/12/2024) so với quy định tại Thông tư 02. Điều này có nghĩa, nhiều doanh nghiệp sẽ được giữ nguyên nhóm nợ ở thời điểm hiện tại. 

"Chính vì vậy, các con số báo cáo về tình hình nợ xấu hiện nay có thể chưa phản ánh đầy đủ tình trạng nợ xấu tại các ngân hàng", ông Hiếu nhìn nhận.

Nợ xấu sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong nửa cuối năm 2024

Nhận định về xu hướng nợ xấu ngành ngân hàng trong nửa cuối năm 2024, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, chắc chắn nợ xấu sẽ tiếp tục tăng dù các ngân hàng có đẩy mạnh xử lý, thu hồi nợ. Bởi vì, nền kinh tế trong nước vẫn chưa cho thấy sự khởi sắc rõ rệt, cùng bối cảnh nền kinh tế thế giới đang còn nhiều biến động.

"Tôi chưa nhìn thấy bất cứ thị trường nào tại Việt Nam có khả năng bứt phá trong 6 tháng cuối năm 2024. Vì vậy, phần lớn các doanh nghiệp sẽ chưa đủ sức để có thể thanh toán các khoản nợ đến hạn hay quá hạn", ông Hiếu nói.

Theo đó, giải pháp quan trọng lúc này để hạn chế phần nào rủi ro cho hệ thống ngân hàng là phát huy tính hiệu quả của các quỹ bảo lãnh tín dụng. Việt Nam hiện đã có các quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương theo Nghị định 34/2018/NĐ-CP, thế nhưng những quỹ này hoạt động khá èo uột, kém hiệu quả.

Do vậy, ông Hiếu đề xuất nên chuyển các quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương lên quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia và phải tăng cường vốn điều lệ để các quỹ bảo lãnh tín dụng đó có thể bảo lãnh cho các ngân hàng, tạo điều kiện cho các ngân hàng cho vay một cách mạnh mẽ hơn.

"Quỹ bảo lãnh tín dụng có thể là chìa khóa quan trọng để hạn chế rủi ro cho hệ thống ngân hàng", ông Hiếu nhấn mạnh.

Ngoài ra, vị chuyên gia cho rằng, việc cho phép giữ nguyên nhóm nợ hết năm 2024 có thể giúp các doanh nghiệp tiếp tục được vay với lãi suất thấp, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, song không phản ánh hết thực trạng vấn đề nợ xấu. Từ đó, các chính sách tiền tệ, công tác điều hành quản lý nợ, quản lý ngân hàng sẽ có thể bị lệch pha, chưa sát với thực tế.

Nợ xấu ngân hàng tăng cao và nguy cơ "nợ ẩn mình"- Ảnh 3.

Nợ xấu sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong nửa cuối năm 2024. (Ảnh minh hoạ)

Vì vậy, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét lại quyết định cho phép giữ nguyên nhóm nợ. Thay vào đó, vẫn để các ngân hàng chuyển nhóm nợ nếu đủ điều kiện và có thể ban hành quyết định không tăng lãi suất cho các doanh nghiệp bị chuyển xuống nhóm nợ xấu. Như vậy, vừa đảm bảo vấn đề nợ xấu được nhận diện chính xác, vừa có cơ chế hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.

Nhìn nhận về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TP.HCM cũng cho rằng, việc thực hiện các giải pháp giãn, hoãn nợ sẽ giúp cho nền kinh tế bớt khó khăn hơn, doanh nghiệp và ngân hàng không bị chuyển nhóm nợ xấu. Tuy nhiên, thị trường cũng chưa nên kỳ vọng việc này có thể tạo cú kích thích mạnh vì nền kinh tế sẽ phải có thời gian dần dần phục hồi và đi vào ổn định.

Ngoài ra, cũng cần cân nhắc trong việc áp dụng giải pháp này. Bởi lẽ, thực chất việc cho phép thực hiện giãn, hoãn nợ sẽ làm "ẩn" đi những khoản nợ lẽ ra đã phải chuyển nhóm thành nợ xấu và giải pháp chỉ có thể có tác dụng nếu đi kèm theo các giải pháp đồng bộ khác.

Vì vậy, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân đề xuất, Việt Nam nên tăng cường tính minh bạch cho hệ thống ngân hàng, hướng đến một hệ thống hoạt động an toàn, chuyên nghiệp và minh bạch hơn. Điều đó sẽ giúp hệ thống ngân hàng tăng cường tính hiệu quả và an toàn trong hoạt động, góp phần trở thành một trung gian huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam cũng như hỗ trợ cho việc thực thi các chính sách tiền tệ hướng tới các mục tiêu vĩ mô trong dài hạn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top