Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2024, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống tổ chức tín dụng tăng 5,77% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 4,56%, cao hơn mức 4,55% tại thời điểm cuối năm 2023 và mức 2,03% cuối năm 2022. Như vậy, trong 2 năm gần đây, tỷ lệ nợ xấu ở mức cao và có khả năng tiếp tục gia tăng chủ yếu từ nhóm các ngân hàng thương mại.
Tổng nợ xấu nội bảng, nợ tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 6/2024 chiếm tỷ lệ 6,44% so với tổng dư nợ.
Mặc dù tỷ lệ này giảm so với mức 6,9% vào cuối năm 2023, nhưng lại tăng so với mức 4,21% vào cuối năm 2022 và cao hơn so với tỷ lệ nợ xấu nội bảng 4,56% tổ chức tín dụng đang thực hiện phân loại theo quy định tại Thông tư 11/2021/TT-NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Nhận định về nguyên nhân khiến tỉ lệ nợ xấu tăng, nhiều ý kiến cho biết, qua công tác giám sát nhận thấy nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung và tại một số tổ chức tín dụng có xu hướng tăng do kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, xung đột địa chính trị tại nhiều quốc gia ngày càng căng thẳng.
Bên cạnh đó, lạm phát tại một số quốc gia chưa được kiểm soát và tiếp tục gia tăng, hoạt động kinh tế trong nước chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch... dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân chưa phục hồi vững chắc.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng còn gặp nhiều vướng mắc do khách hàng gặp khó khăn, không có khả năng trả nợ hoặc thậm chí chây ỳ trả nợ, không hợp tác trong việc xử lý tài sản bảo đảm. Các quy trình, thủ tục tố tụng và thi hành án kéo dài gây tốn kém về mặt chi phí, giá trị tài sản bảo đảm bị giảm sút. Có trường hợp khách hàng có ý tạo ra một vụ tranh chấp với người thứ ba dẫn đến vụ việc thi hành án vẫn bị trì hoãn, kéo dài…
Do đó, ông Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị, các cơ quan có thẩm quyền cần thiết bổ sung quy định pháp luật cho phép các tổ chức tín dụng là bên nhận bảo đảm của khoản nợ xấu được quyền thu giữ tài sản bảo đảm, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.
"Đồng thời, bổ sung quy định về cơ chế phối hợp, hỗ trợ của chính quyền địa phương, cơ quan công an cho các tổ chức tín dụng trong việc thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu…", ông Hùng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank cho biết, Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đã hết hiệu lực thi hành nhưng một số quy định không được kế thừa trong Luật Các tổ chức tín dụng 2024, đặc biệt là vấn đề hỗ trợ từ các cơ quan công an, chính quyền địa phương trong việc thực thi quyền thu, giữ tài sản đảm bảo của chủ nợ.
Trong khi đó, do tác động tiêu cực kéo dài của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thu nhập của người dân đều giảm sút, khả năng trả nợ suy giảm, thực tế có tình trạng không hợp tác, chây ỳ, chống đối trong việc trả nợ và bàn giao tài sản đảm bảo, nợ xấu đang có chiều hướng gia tăng.
Vì vậy, ông Ấn đề nghị các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong quá trình xử lý nợ xấu, thu giữ tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu. Trong đó, công tác tố tụng giải quyết vụ án tại Tòa án các cấp và thi hành án cần được giải quyết rút gọn, đẩy nhanh tiến độ.
Được biết, về vấn đề này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025" góp phần phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh./.