Trong tờ giấy khai sinh của tôi được Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội cấp năm 1956 đề rõ mục nơi sinh: Bệnh viện Bạch Mai. Lúc đó có lẽ do mới hòa bình, có ít bệnh viện nên bệnh viện Bạch Mai có cả chuyên khoa sản. Và cái nơi sinh thiêng liêng này đi theo suốt cuộc đời của tôi cho dù trong phần khai lý lịch nhiều chặng đời đôi khi để giản tiện và theo công thức khuôn, tôi chỉ đề ngắn gọn: Hà Nội.
Hà Nội có một hệ thống nơi sinh khá quy mô và vô cùng tiện lợi. Vì là Thủ đô nên tập trung các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của cả nước, trong đó có sản khoa. Bệnh viện Phụ sản Trung ương vẫn được dân gọi bằng tên cũ là viện C, được coi là một địa chỉ uy tín của các bà bầu không chỉ ở khu vực Hà Nội. Chừng 600 giường bệnh của bệnh viện luôn ở tình trạng kín. Người sống ở Hà Nội không ai không biết Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Đây là bệnh viện chuyên khoa sản đầu ngành, tuyến trên của các nhà hộ sinh, khoa sản quận, huyện. Con gái thứ hai của tôi được sinh ở nơi này. Tuyến dưới về sản ở Hà Nội có các nhà hộ sinh ở các quận nội thành: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình. Đây là tuyến cơ sở có bề dày truyền thống. Và có không ít các bệnh viện cấp quận, huyện có khoa sản tạo thành một mạng lưới khép kín phục vụ các bà bầu đến kỳ khai hoa mãn nguyệt.
Hộ sinh A Hoàn Kiếm ở 36 Ngô Quyền, là một địa chỉ có từ lâu đời, rất được tin cậy. Năm 1987, vợ chồng tôi sinh cháu gái đầu lòng ở đây. Do là người trong ngành, hiểu nhà hộ sinh này, nên vợ tôi là một bác sĩ, đã quyết định sinh con bằng phương pháp đẻ thường. Bấy giờ cách đẻ truyền thống vẫn được chuộng trong dân gian. Chỉ những trường hợp nào có vấn đề về thai nhi như thai ngược… thì mới chọn phương pháp mổ đẻ và phải đi các bệnh viện sản.
Nhà hộ sinh không phẫu thuật sinh con. Đã mấy chục năm nhưng tôi vẫn nhớ như in những gì hiện diện ở nơi sinh hạ ra con gái. Có mục sở thị vào những nơi này mới thấy việc sinh thành ra một con người mới cam go và bội phần nguy hiểm thế nào.
Thú thật, đưa vợ đến nhà hộ sinh xong, được chứng kiến quang cảnh, tôi đã như thành người ngơ ngẩn. Các sản phụ, người nào người nấy to vật vã, căng phồng trong bộ quần áo thụng đóng dấu của nhà hộ sinh trong đủ mọi cung bậc như đau đớn, lo lắng… đã đánh gục chí khí đàn ông của tôi. Tiếng rên la, thậm chí là la hét, cả chửi bới chồng, của sản phụ, khiến những thằng đàn ông lần đầu làm bố như tôi kinh hồn táng đởm. Hãi lắm. Đấy là chưa kể cảm giác hồi hộp lo sợ vì cái chuyện sinh nở được các cụ ví là một lần vượt cạn đầy rẫy hiểm nguy này.
Không gì nặng nề bằng đứng ngoài phòng đẻ chờ đợi. Tôi chết lặng khi nghe rõ tiếng vợ tôi kêu la và tiếng động viên của bà đỡ. Mãi rồi cũng nghe thấy tiếng oe oe khóc ngắn thành mấy nhịp. Rồi tiếng bà đỡ xướng cân lạng và hỏi tên con đặt là gì. Nghe rõ tiếng vợ tôi lào khào yếu ớt nói tên con gái đã đặt trước. Bấy giờ tôi mới thở phào trút được gánh nặng ngàn cân.
Khi chị hộ sinh quen được nhà tôi gửi gắm ra thông báo tình hình, tôi không kịp cả cảm ơn, lao vội ra quán nước bên ngoài gọi chai bia nốc cật lực một hơi cạn sạch sành sanh để lấy lại phần nào tinh thần. Phải khi bà hộ sinh già cho tôi vào thăm con đang nằm cách ly, ôm con vào lòng nghe dấy lên tấm tình phụ tử thao thiết, thì mọi sự lo lắng, sợ hãi mới được trút đi toàn bộ.
Kể chi tiết tâm trạng tôi của lần đầu đưa vợ đi đẻ để nhấn mạnh cái sự sinh hạ và bội phần quan trọng của nơi sinh thế nào. Cuộc sống hiện đại, khoa học kỹ thuật phát triển, việc đẻ và chọn nơi đẻ cũng có phần khác trước nhiều. Hà Nội đã có thêm những bệnh viện tư nhân, bệnh viện quốc tế hiện đại, với cung cách phục vụ tiên tiến theo chỉ số cung cầu, thỏa thuận về chất lượng theo yêu cầu. Nghĩa là cứ theo thang vật chất để nhận về dịch vụ.
Với người dân không có điều kiện vào những nơi giá cao thì sự lựa chọn cũng vẫn rất đa dạng ở các cơ sở nhà nước. Từ Viện C, Phụ sản Hà Nội, đến hệ thống cơ sở các nhà hộ sinh, các khoa sản, bà bầu được chăm sóc cẩn thận theo định kỳ chuyên môn. Việc khám thai theo dõi sức khỏe sản phụ được tiến hành thường xuyên. Thế nên bây giờ việc sinh con, tuy có tốn kém, cách rách hơn trước, nhưng sự an toàn của sản phụ và sơ sinh đã được đẩy đến ngưỡng rất cao.
Các bà bầu bây giờ có xu hướng ngại đẻ thường, họ chọn phương pháp mổ đẻ là nhiều. Chính thế nên mới xảy nghịch lý, chưa bao giờ các nhà hộ sinh được quan tâm trang bị hiện đại lại bị vắng khách nếu không muốn nói là ế. Chỉ vì các nhà hộ sinh không trang bị phòng mổ. Âu cũng là điều đáng tiếc. Bởi nếu sản phụ đẻ ở đây sẽ nhận được sự chăm sóc toàn diện bởi đội ngũ hộ sinh có kinh nghiệm và vì… vắng khách đẻ. Ngược lại là tình trạng quá tải ở các bệnh viện phụ sản. Và khi quá tải, hiển nhiên sẽ có sự ưu tiên này khác, cũng như có sự phân biệt dịch vụ. Mọi điều tiếng ở khâu sinh hạ sẽ nảy sinh ở chính sự quá tải.
"Nơi tôi sinh, Hà Nội..." là một ca từ trong bài hát “Hà Nội của tôi” của nhạc sĩ Lê Vinh. Vâng, nơi tôi sinh, Bệnh viện Bạch Mai. Con gái tôi đứa Hộ sinh A, đứa Phụ sản Hà Nội. Các bạn nữa, mỗi người đều có một kỷ niệm đời với nơi sinh của mình, người thân của mình. Nơi tôi sinh, Hà Nội, thật thiết tha và có lẽ chẳng có một ai lại quên đi nơi mình cất tiếng khóc chào đời.