Aa

Chợ nơi Kẻ chợ

Thứ Sáu, 12/04/2019 - 06:00

Mới đây còn thêm một loại chợ tiện ích nhất hạng, đó là chợ online... thượng vàng hạ cám có tất. Tiện lắm, nhưng nói gì thì nói người hoài cổ vẫn nhớ đến những khu chợ xưa: Chợ nơi Kẻ Chợ.

Tự nhiên anh bạn tôi đặt câu hỏi, Hà Nội hiện có bao nhiêu cái chợ? Ui giời, quá là hóc búa.  Họa có là thánh cũng chả đếm đủ được bởi thế nào được gọi là chợ? Khó trả lời đấy. Một góc đường vài người bán rong tụ lại rồi dân tình thấy tiện xúm đến mua mua, bán bán thế là hình thành cái chợ cóc. Còn biết bao những chợ đuổi, chợ tạm bên cạnh những chợ truyền thống nữa, tính làm sao hết được. Vậy còn những cái chợ chính của thành phố gắn liền với người dân Kẻ Chợ xưa nay? Kẻ Chợ, ừ nhỉ lâu không dùng cái tên xưa dân gian vẫn dùng để chỉ Hà Nội, chỉ người Hà Nội. Đúng quá, đã là dân Kẻ Chợ tất ai cũng phải biết đến những cái chợ này.

Đệ nhất chợ ở Hà Nôi chẳng ai có thể chày cối cãi không phải là chợ Đồng Xuân. Bởi từ kiến trúc đến vị thế và tuổi tác nó hơn đứt những chợ lớn khác như Hàng Da, Mơ, Hôm, Bưởi, Hàng Bè, Bắc Qua, Long Biên, Cầu Giấy, Cầu Bươu, Hà Đông... Dạo còn nhỏ, mỗi lần được đi theo mẹ vào chợ Đồng Xuân, cái thằng tôi khoái lắm. Tôi lũn cũn chạy theo mẹ đóng vai một thằng bé ngô ngọng không biết gì cốt để vòi mẹ được ít xu quà vặt. Thực thì ngày nào tôi chả cùng đám bạn lêu lổng phót vào chợ chơi. Mà cũng chỉ hàng cá cảnh. Tôi mê nhất là món chơi cá chọi. Có hào quà vặt nào cũng chỉ nhăm nhăm nhịn để rước mấy ông mãnh đen sì về thi đấu.

Chợ Đồng Xuân có ở Kẻ Chợ đã từ rất lâu. Bỏ đi thời còn thành Thăng Long, chỉ tính từ khi người Pháp khởi công xây dựng chợ từ năm 1890 thì nó đã chính thức có mặt ở Hà Nội hơn một trăm năm có lẻ. Chợ cũ có 5 vòm cửa và 5 nhà cầu kéo dài. Nhìn từ trước mặt vào, kiến trúc chợ đẹp tuyệt vời.

Trải qua mấy cuộc chiến tranh chợ vẫn như một biểu tượng của người Kẻ Chợ hiên ngang tồn tại. Không hiểu sao vào đầu thập niên 90 thế kỷ trước, người ta đùng đùng phá đi chợ cũ để xây lại. Hai dãy bên cạnh bị phá chỉ giữ lại 3 dãy giữa và xây lên thành mấy tầng gác. Năm 1995, thêm một biến cố là bà hỏa ghé thăm chợ, gây ra một đám cháy lớn thiêu nhiều gian hàng bên trong. Được tu sửa nhưng chợ Đồng Xuân vẫn giữ dáng dấp của lần xây lại cho đến tận bây giờ. Và phải thừa nhận nó xấu hơn chợ của người Pháp xây rất nhiều. Dù sao thì chợ mới vẫn còn giữ được phần nào đường nét kiến trúc của ngôi chợ xưa.

Chợ Đồng Xuân xưa...

Chợ Đồng Xuân xưa...

... Và Đồng Xuân nay.

... Và Đồng Xuân nay.

Nhân nhắc đến chợ, tự nhiên tôi nghĩ và liên hệ sang hệ thống tàu điện của người Pháp xây dựng. Chả phải ngẫu nhiên mà tàu điện lại nối liên thông các chợ lớn với nhau. Này nhé Đồng Xuân có hẳn bến tránh trước mặt. Ga cuối đậu sát sàn sạt hông chợ Bưởi. Chợ Cầu Bươu và Hà Đông tàu điện đỗ trước cửa và gần sát. Chợ Mơ, chợ Hôm, chợ Cầu Giấy, tinh là các bến thuận tiện để tàu điện thăm viếng.

Cái sự liên thông chợ này là có thật bởi tất cả các tuyến tàu điện dù riêng rẽ nhưng đều ghé về ga trung tâm Bờ Hồ. Từ đây có thể đi đến tất cả các chợ lớn vừa kể. Công nhận rất chi là tiện lợi. Giao thông kết hợp với chợ búa thì còn tiện ích nào hơn. Viết đến đây tôi lại tự nhiên (hay tự nhiên quá) chép miệng tiếc rẻ. Giá kể đừng vội vã phá đi hệ thống tàu điện cũ thì bây giờ mấy anh xe buýt hết làm phách và cái cậu đường xe điện trên cao kia cũng chẳng còn cửa trây ỳ. Xe điện tiện lợi và không chiếm diện tích bằng xe buýt.

Nói đến phá cũng phải thành thật mà rằng ở nước ta trong lĩnh vực kinh tế nói chung, chợ búa nói riêng, rất hay có những cuộc cách mạng. Tức là phá cũ xây mới. Đành là thời gian chả đợi ai, cả người lẫn vật, chợ cũ không còn phù hợp với thời hiện đại, nhưng phá đi những ngôi chợ hàng trăm năm tuổi, tức là phá đi một di sản có ý nghĩa cả văn hóa lẫn vật chất và phần nào là tâm linh, thì cũng nên thận trọng chứ. Xây mới nhưng cũng phải dựa vào cái nền cũ để bảo tồn để phát triển. Chợ Đồng Xuân đủ là minh chứng.

Còn có rất nhiều ngôi chợ khác đã lần lượt ra đi để nhường lại trên đất cũ mọc lên những trung tâm thương mại, đẹp, cao tầng, có những gian hàng sang trọng. Những ông chủ bà chủ của những ki ốt đắt tiền có rất nhiều người là gương mặt mới thay thế một số tiểu thương cũ. Và dĩ nhiên từ vị thế những ngôi chợ cổ, sầm uất có tiếng, người người chen chúc bán mua, khi trở thành trung tâm thương mại thì đìu hiu bói chả được mấy mống khách.

Chợ Hàng Da là một thí dụ kiểu này. Ngôi chợ nằm ở khu phố cổ giờ là nơi cho thuê hội nghị, đám cưới là chính. Mấy tầng nhà vắng khách đìu hiu. Nhưng chợ Hàng Da chưa thấm tháp gì so với chợ Mơ. Khu chợ này được trưng dụng để làm một tổ hợp công trình với hai khối nhà cao nhất là 25 tầng và 15 tầng chưa kể khu nhà nối tiếp và hệ thống tầng hầm. Tổ hợp bao gồm cả khu văn phòng, khu trung tâm thương mại, khu nhà ở dân sinh.

Tóm lại từ mục đích cải tạo xây dựng lại chợ cũ thì tính chất nguyên thủy một khu chợ đã không còn. Chợ mới được khoác tên mới. Nhiều hộ tiểu thương buôn bán nhỏ không đủ tiềm lực đành phải chuyển nghề. Người yêu nghề và buộc phải sống bằng nghề thì dạt sang những chợ tạm, chợ cóc lần hồi buôn bán mưu sinh.

Hà Nội giờ được mở rộng, hiện đại. Dân số tăng lên gấp nhiều lần. Nếu giữ nguyên những khu chợ cũ sẽ là điều không thể. Nhu cầu người dân giờ cũng khác xưa và cao hơn nhiều. Bởi thế những khu chợ biến đổi thành trung tâm thương mại, thành siêu thị, thành các khu nhà cao tầng với công năng khác nhau thì cũng là điều hợp lý. Người dân Kẻ Chợ giờ có khi không cần bước ra khỏi nhà đã đi được chợ. Các siêu thị nhỏ nằm ngay ở tầng 1 các khu chung cư cao tầng với đủ mọi thức bán. Đấy là chưa kể vô thiên lủng các loại chợ từ tạm đến cóc đến chợ cổ điển.

Xen vào là những chợ theo thời cuộc như chợ giời, chợ lao động phổ thông được gọi là chợ người. Liên quan đến người còn có chợ tình là thứ chợ mại dâm có ở một vài tụ điểm nhạy cảm như công viên, bờ hồ…Có thể nói chợ đã đến với tận nhà của từng người dân bằng các dịch vụ thiết thực. Mới đây còn thêm một loại chợ tiện ích nhất hạng, đó là bán hàng qua mạng, tức chợ online. Từ mớ rau, đôi giầy, ký thịt đến quần áo, thuốc bệnh cả những hàng hóa cao cấp như đồng hồ, xe máy, điện thoại…thượng vàng hạ cám có tất. Tiện lắm nhưng nói gì thì nói người hoài cổ vẫn nhớ đến những khu chợ xưa: Chợ nơi Kẻ Chợ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top