Aa

Ồ ạt trả mặt bằng nhà phố vì buôn bán ế ẩm kéo dài

Thứ Ba, 15/08/2023 - 05:54

Gần đây, trên một số tuyến phố trung tâm Hà Nội xuất hiện nhiều mặt bằng trống khi các cửa hàng phải đóng cửa, dừng kinh doanh. Không ít khách thuê đã trả lại mặt bằng vì tình trạng buôn bán ế ẩm kéo dài...

Chị Nhung (Hoàn Kiếm) kinh doanh phụ kiện thời trang tại một cửa hàng 20m2 trên phố Tràng Thi được gần 5 năm, nhưng vừa quyết định đóng cửa hàng.

Khó có thể gánh nổi tiền thuê nhà

Theo chị Nhung vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, chủ nhà có hỗ trợ tiền thuê nên cố gắng cầm cự. Nhưng sau khi hết dịch, chủ nhà lại tăng giá như trước mà lượng khách chưa nhiều nên công việc rất khó khăn. Thậm chí, mới đây còn tiếp tục tăng tiền thuê trong khi doanh thu vẫn sụt giảm. Vì vậy, “với số tiền thuê 18 triệu/tháng, cộng thêm vốn nhập hàng và các chi phí khác ngày một leo thang khiến tôi khó thể gánh nổi”, chị Nhung giãi bày.

Tương tự, anh Dũng (quận Đống Đa) là chủ kinh doanh loa đài, dàn karaoke hàng Nhật bãi chia sẻ, “Do muốn thay đổi mô hình nên tôi quyết định nhượng cửa hàng hiện nay có diện tích 42m2, ngay ngã tư đường Nguyễn Chí Thanh, tuy nhiên đã rao nhiều ngày nhưng chưa tìm được người thuê”. Anh Dũng cho biết, chi phí mặt bằng gần đây đã "ngốn" hết lợi nhuận khiến anh phải bù lỗ khá nhiều. “Một năm nay, tôi đã thắt chặt nhiều khoản để trang trải, hỗ trợ việc buôn bán, cho nên sau khi tính toán, tôi chấp nhận sang nhượng với toàn bộ nội thất, để nhanh chóng chuyển hướng làm ăn, đồng thời cũng không mất tiền cọc 19 triệu”.

Trên nhiều diễn đàn cho thuê mặt bằng, một số chủ cửa hàng kinh doanh tại Hà Nội cũng liên tục đăng tin sang nhượng gấp toàn bộ cửa hàng.

Nhiều khách thuê trả lại cửa hàng ở tuyến phố trung tâm Hà Nội (Ảnh: VnEconomy)

Được biết, trong báo cáo thị trường bất động sản quý II/2023, Bộ Xây dựng chỉ rõ: Nếu như nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh quý II/2023 so cùng kỳ năm 2022 tại trung tâm thương mại cơ bản ổn định,  thì nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ nhà phố có xu hướng giảm, xuất hiện trở lại hiện tượng trả mặt bằng cho thuê đối với loại hình mặt bằng bán lẻ nhà phố ngay những vị trí trung tâm thành phố.

Nói về hiện trạng này, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao, Bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội, lưu ý vẫn tồn tại một tỷ lệ nhất định mặt bằng khối đế và nhà phố không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng về tiêu chuẩn thiết kế và công năng sử dụng. Thêm vào đó, thì sau Covid, nhiều khách thuê rất hạn chế việc mở thêm mặt bằng, nên hệ thống mặt bằng không đáp ứng tiêu chuẩn sẽ bị loại khỏi danh sách cân nhắc nhanh chóng.

Mặt khác, sự thay đổi trong cơ cấu chi tiêu cũng phần nào ảnh hưởng tới ngành bán lẻ. Theo báo cáo hành vi người tiêu dùng Việt Nam 2023 của McKinsey & Company, người tiêu dùng Việt Nam mặc dù lạc quan nhất thế giới song cơ bản vẫn giữ thái độ thận trọng và đang dần thay đổi hành vi tiêu dùng của mình. Họ có xu hướng giảm thiểu chi tiêu trên hầu hết các ngành hàng, trừ một số ngành hàng cốt lõi như: tạp hóa, xăng dầu, ngành hàng sức khỏe cá nhân, ngành hàng mang tính trải nghiệm cao và chất lượng tiên tiến.

“Sự dịch chuyển từ chi tiêu cho sở thích cá nhân về chi tiêu cơ bản rõ ràng là làm giảm triển vọng ngành bán lẻ. Trong đó, phân khúc thời trang, mỹ phẩm, giải trí, thể hình chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Chính yếu tố bất lợi từ nền kinh tế khiến người tiêu dùng phải suy nghĩ về mục tiêu tài chính và tối ưu hóa chi tiêu cho mặt hàng thiết thực hơn”, chuyên gia phân tích.

Cần cẩn trọng và lên kế hoạch chi tiết

Theo bà Minh, từ nay đến cuối năm, để duy trì hoạt động cũng như tiếp tục thúc đẩy động lực phục hồi trong ngành bán lẻ, chủ cửa hàng cần thận trọng và lên kế hoạch chi tiết trong giai đoạn sắp tới.

Đầu tiên, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn kể từ dịch Covid-19, nên nhà bán lẻ phải tự thay đổi, thích nghi để phát triển giữa bối cảnh hậu đại dịch. Theo đó, mua sắm trực tuyến đã, đang là lựa chọn mới của khách hàng ở nhiều phân khúc hàng hóa. Các cửa hàng trực tuyến sẽ là nguồn thu hút khách hàng tiềm năng, nơi có thể nhanh chóng chạm đến công chúng và mở rộng việc nhận diện đối với khách hàng. Song những cửa hàng truyền thống lại cần được hiểu là nơi mang đến cho khách hàng sự trải nghiệm dịch vụ, tụ điểm vui chơi, giải trí và trải nghiệm thực mà hình thức thương mại điện tử không thể đem lại. Những gian hàng, cửa hàng vì thế phải được chú ý yếu tố vị trí để dễ tiếp cận.

Ngoài ra, khi thuê mặt bằng cần tập trung đầu tư tối ưu hóa thiết kế lẫn khả năng hoạt động, nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng và cung cấp dịch vụ tốt nhất. Nhìn chung, đây là thời điểm người chủ cần xem xét lại về chất lượng, thiết kế, pháp lý... Vì khi hệ thống bán lẻ được đầu tư và vận hành bài bản chắc chắn sẽ kéo khách hàng ra khỏi nhà và chi tiêu, mua sắm, từ đó tăng công suất hoạt động cùng lợi nhuận thu về.

Trong khi đó, một Giám đốc công ty chuyên bất động sản cho thuê, khu vực Hà Nội thừa nhận rằng mặt bằng, nhà cho thuê sẽ tiếp tục gặp khó nếu các chủ nhà vẫn tiếp tục neo giá cao, trong khi nhiều doanh nghiệp, khách thuê đang gặp khó khăn về tài chính. Bên cạnh sự phát triển của các tòa nhà, trung tâm thương mại được đầu tư bài bản càng khiến mặt bằng nhà phố trung tâm giảm sức hút, nếu vừa đắt đỏ, vừa tồn tại nhiều hạn chế trong vận hành và tiện ích đỗ xe cho khách đến mua sắm.

Vị giám đốc này cho rằng trước hết là các chủ mặt bằng, đặc biệt là nhà phố cần thay đổi thích nghi với nhu cầu, nên đưa giá thuê nhà về đúng giá trị thực thay vì đua nhau tăng giá bất chấp, gây khó cho người thuê, doanh nghiệp. Sau đó là hạ tầng cho thuê phải đảm bảo mặt bằng có đủ điều kiện về công năng sử dụng kinh doanh, đảm bảo quy định phòng cháy chữa cháy, điện nước internet và khu vực đỗ xe thuận tiện.../.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top