Aa

“Oán khí” ở dự án tỷ đô

Thứ Sáu, 02/02/2018 - 14:37

Sau khi tỉnh Đồng Nai thông qua quy hoạch biến xã thuần nông Long Hưng thành khu đô thị với tên gọi Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng, cuộc sống của hàng nghìn người dân nơi đây đã bị đảo lộn. 10 năm trôi qua, đến nay dự án vẫn còn ngổn ngang, còn nhiều người dân thì sống trong sự đói khổ cùng tâm trạng bất bình, bức xúc và oán trách.

Phối cảnh dự án Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng

Phối cảnh dự án Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng

Ai oán dân tạm cư

Xã Long Hưng trước đây thuộc huyện Long Thành, sau sáp nhập vào TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Hiện có khoảng 600 hộ dân đang sống trong khu tái định cư và còn khoảng 80 hộ dân sống trong khu tạm cư thuộc dự án Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng.

Theo người dân phản ánh, chỉ sau vài năm sử dụng, nhà tái định cư đã có dấu hiệu xuống cấp. Nhưng thời hạn bảo hành của chủ đầu tư DonaCoop (Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Đồng Nai) lại chỉ là... 1 năm.

Còn những người sống trong khu tạm cư, họ phải vào đây sống hoặc vì chưa có tiền xây nhà tái định cư, hoặc vì phản đối, không đồng tình với thỏa thuận bồi thường từ việc thu hồi đất nên bị cưỡng chế và buộc phải dọn vào đây ở. Những người này, họ đang chất chồng oán thán vì tình cảnh bần hàn đến cùng cực của mình.

Trước kia, người dân Long Hưng dẫu nhà cửa không khang trang thì cũng có vườn cây, ruộng lúa làm tư liệu sản xuất, cuộc sống có thể chưa khá giả nhưng luôn rất yên bình. Vậy mà từ khi dự án Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng được triển khai, hàng trăm hộ dân, hàng ngàn nông dân đã phải “nhường” đất hương hỏa, vườn tược, ruộng đồng mà cha ông gìn giữ bao đời nay cho một dự án khu đô thị “từ trên trời rơi xuống”.

Nhà một số hộ dân trong khu tạm cư và tái định cư bị xuống cấp

Nhà một số hộ dân trong khu tạm cư và tái định cư bị xuống cấp

Bức xúc vì nhà cửa, đất đai bị cưỡng chế, thu hồi, nhiều người dân Long Hưng ví von cảnh sống ở khu tạm cư với cảnh “ở tù”.

“Mang chúng tôi vào đây chẳng khác nào đem con bỏ chợ, sống không được, chết không xong. Tù nhân còn biết ngày ra, tôi ở đây không biết ngày nào mới thoát ra được cảnh sống này”, đó là lời oán trách của anh Nguyễn Thanh Phương (ấp Phước Hội, xã Long Hưng) sau 7 năm trời sống tạm bợ ở khu tạm cư.

Theo anh Phương, khu nhà tạm này thường xuyên phải chịu đựng triều cường, người dân không lạ gì cảnh bì bõm lội nước về nhà, rác thải sinh hoạt, mùi xú uế theo dòng len lỏi vào khắp các ngõ hẻm. Biện pháp đối phó tạm thời chỉ có cách xây be tường để nước khỏi tràn vào, nhưng với mùi xú uế thì chẳng có cách nào để ngăn chặn.

Nhưng đó vẫn chưa phải là khó khăn lớn nhất của những hộ dân ở khu nhà tạm này bởi chỗ ăn, chỗ ở thì có thể tạm bợ nhưng nguồn nước sinh hoạt thiết yếu cũng hoàn toàn không đảm bảo. Nước bơm lên vì bốc mùi khó chịu và có cặn nên không thể ăn và sinh hoạt. Vì thế, cũng chừng ấy năm người dân phải đều đặn mua nước sinh hoạt về dùng.

Từ chỗ ngày xưa nhà nào cũng có nhà cửa như ý, ruộng đồng hoặc vườn cây ao cá, hộ nào nghèo cũng không lo thiếu cái ăn. Thế mà từ ngày dự án thực hiện, họ bị dồn vào sống ở nhà tạm trong cảnh bần cùng hóa và có nguy cơ tái nghèo.

Dự án khu đô thị Long Hưng đang triển khai trên phần đất trước kia là ruộng

Dự án khu đô thị Long Hưng đang triển khai trên phần đất trước kia là ruộng

Đang là những nông dân tự do "bay nhảy" trên ruộng đồng, bỗng nhiên bị “giam lỏng” trong bốn bức tường bí bách. Mất hết ruộng vườn là tư liệu sản xuất, không nhiều người kiếm được việc làm như ý nên không ít người đã bỏ xứ đi nơi khác kiếm kế sinh nhai.

Xóm ấp ở Long Hưng bình yên ngày nào, giờ đây tiêu điều, tan đàn xẻ nghé, người đi xa có dịp về quê hương không còn nhận ra ruộng vườn quê hương mình nữa, dần dà chán nản họ cũng chẳng còn thiết về thăm...

Người dân nào ủng hộ dự án?

Người dân xã Long Hưng không thể quên được vụ việc xảy ra vào đầu năm 2009, khi chủ đầu tư DonaCoop ký hợp đồng với Trung tâm kỹ thuật địa chính tỉnh để đo đạc, xác định hiện trạng khu nghĩa địa xã. Tổ đo vẽ và người của DonaCoop đến đánh dấu thông tin từng ngôi mộ, nhưng không thông báo chính quyền địa phương biết .Những người này tự ý dùng sơn đánh số thứ tự lên đỉnh và mặt sau của bia mộ, gây tâm lý bức xúc cho một bộ phận nhân dân xã Long Hưng.

Cho rằng mồ mả của ông bà tổ tiên bị xâm phạm, hàng trăm người dân đã kéo đến trụ sở UBND xã Long Hưng để la hét, phản đối, ban đầu yêu cầu phục hồi nguyên trạng, sau đó yêu cầu sơn mới lại các ngôi mộ và cuối cùng là đòi hỏi chính quyền xã phải dừng thực hiện dự án khi chưa có sự đồng thuận của nhân dân địa phương. Sự việc sau đó đã diễn biến theo cách không ai mong muốn, dẫn đến 46 người dân phải hầu tòa và trả giá trước pháp luật vì những hành vi quá khích như đập phá trụ sở xã, đốt xe cảnh sát...

Chưa có một cuộc khảo sát xã hội học nào về dân ý tại xã Long Hưng, tuy nhiên DonaCoop khẳng định luôn được nhân dân trên địa bàn đồng thuận ủng hộ. Điều này trái ngược với những người dân mà chúng tôi tiếp xúc lại không công nhận điều đó, đơn cử như bà Nguyễn Thị Út (SN 1943, ngụ ấp Phước Hội). Sau nhiều năm phản đối dự án này, đến nay bà vẫn rất bức xúc: “Bây giờ nếu hỏi người dân Long Hưng có ai đồng tình với dự án này không thì tôi tin rằng câu trả lời hầu hết sẽ là không!”.

Bà lão cho hay, trước kia gia đình bà có vài công ruộng, vườn trồng cây ăn trái, tuy không khá giả nhưng đủ để bà nuôi sống bản thân và an tâm dưỡng già cùng con cháu. Để thuyết phục người dân đồng tình, chủ đầu tư đã vẽ ra tương lai tươi sáng với hàng loạt chính sách an cư như khu tái định cư sạch sẽ, khang trang, hỗ trợ công ăn việc làm...

Tuy nhiên, sau khi phải miễn cưỡng rời khỏi mảnh đất hương hỏa để vào ở trong khu nhà tạm cư mà chủ đầu tư sắp đặt, cuộc sống của không ít người nông dân như bà đã lâm vào cảnh bần cùng, bế tắc, sống nhờ vào nguồn trợ cấp duy nhất từ con cháu suốt nhiều năm nay.Thậm chí, bà Út khổ đến mức nhiều lần ốm đau bệnh tật, trái nắng trở trời phải cắn răng chịu đừng vì không có tiền để khám chữa bệnh.

Đau xót hơn, vì quá bức xúc, phẫn nộ với phương án đền bù rẻ mạt của chủ đầu tư, chồng bà đã chìm vào trạng thái u uất, ưu tư. Sau khi ông lâm bệnh nặng rồi qua đời, như thói quen, bà vẫn tới khu đất nằm ngay mặt lộ từng là của gia đình mình.

Khu tạm cư ngập nước, mất vệ sinh mỗi khi trời mưa hoặc triều lên

Khu tạm cư ngập nước, mất vệ sinh mỗi khi trời mưa hoặc triều lên

Nhìn vào tòa nhà Ban quản lý dự án khang trang xây trên phần đất ấy, bà thấy bế tắc khi nghĩ về số phận đen đủi của mình cũng như nhiều người dân Long Hưng bị dự án Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng “nuốt” hết cơ nghiệp.

Chị Dậu thời hiện đại

Nếu bạn đọc thấy cảm thương cho hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Út thì chúng tôi không biết phải dùng tính từ nào để mô tả tình cảnh của cô Trần Thị Thu (ngụ ấp Phước Hội, xã Long Hưng). Người dẫn đường nói cô Thu năm nay mới ngoài 50 tuổi, nhưng chúng tôi thấy bề ngoài cô chẳng khác bà lão ở độ “thất thập cổ lai hy”.

Gặp phóng viên, cô Thu cho biết hôm nay đúng ngày cúng 100 ngày cậu con trai mới mất. Vậy mà mâm cơm cúng chỉ có cháo loãng và vài sợi mì gạo nấu rối. Nỗi đau mất con hôm nay cô Thu phải gánh chịu có nguyên nhân sâu sa từ dự án khu đô thị tỷ đô ở xã Long Hưng.

Kể về cuộc đời mình, cô Thu cho biết cô là một góa phụ, cô có 12 người con nhưng một nửa đã yểu mệnh mất sớm. Năm 2012, gia đình cô bị thu hồi đất để phục vụ dự án Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng. Số tiền bồi thường quá ít ỏi không đủ để xây nhà tái định cư, cả gia đình cô đành phải đi ở trọ, rồi cất chiếc bè nhỏ chừng 15m2 lênh đênh trên sông nước đã gần 5 năm nay.

Từ chỗ có nhà cửa đàng hoàng trên đất liền, giờ đây cả gia đình cô Thu phải ăn, ở trong chiếc bè dựng bạt tuềnh toàng mà những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu cũng không được đảm bảo. Điện không có, nước sinh hoạt chủ yếu lấy tại chỗ từ dòng kênh. Nhưng lấy nước cũng không phải dễ vì nước đã ô nhiễm, phải đợi đến đêm khi triểu cường lên cực đỉnh mới gạn được nước trong đổ vào lu đợi lắng cặn.

Các con của cô Thu vốn đã thiếu sự chăm sóc từ người cha mất sớm, nay lại phải sống trong “cái khó bó cái khôn”, họ đã không chiến thắng được số phận nên có suy nghĩ rất bi quan, thường xuyên chán nản, bất mãn với cuộc sống và hay tìm đến chén rượu để giải sầu.

Trong một lần như vậy, hai người con trai của cô Thu đã xảy ra xô xát dẫn đến thương tích. Nhà đã nghèo sẵn, để có tiền chữa trị cho con và đáp ứng những đòi hỏi của các con, cô Thu đã buộc phải bán đi mảnh đất tái định cư của gia đình.

Họa vô đơn chí, vào tháng 9 năm ngoái, hai người con trai khác của cô Thu trong một lần uống rượu khác cũng lại xảy ra xô xát khiến một người tử vong. Vậy là, đứa thì mất mạng, đứa thì vào tù. Đận ấy, cô Thu đã khóc hết nước mắt vì thương các con và cũng là thương cho số phận hẩm hiu của mình.

Còn về kế sinh nhai, cô Thu nói hiện nay đến đi mò cua bắt cá cũng khó vì ruộng đồng ngày nào đã bị san lấp để phục vụ cho khu đô thị. Cô Thu cũng thổ lộ rằng đã lâu lắm rồi cô chưa được ăn một bữa ngon, còn cơm chan nước mắt thì cô đã quen vị. Cô khóc vì thương cho những kiếp đời đen bạc của gia đình mình. Cô khóc vì nỗi tủi hổ khi phận làm cha làm mẹ mà không lo được cho tương lai, không để lại được cho các con dù chỉ là một mảnh đất cắm dùi...

Chiếc bè tồi tàn của người phụ nữ khổ hơn chị Dậu

Chiếc bè tồi tàn của người phụ nữ khổ hơn chị Dậu

Được biết hiện nay hàng tháng cô Thu vẫn phải sống nhờ vào khoảng 10kg gạo trợ cấp từ chính quyền. Hai người con đang sống với cô Thu,một người hay đau ốm và thất nghiệp, một người thì làm mướn nhưng công việc bấp bênh, lại phải nuôi thêm vài đứa cháu nội khiến tình cảnh của cô càng u ám.

Những đêm thầm nằm khóc thương con thương cháu, cô Thu chỉ mong ước được trở lại cuộc sống ngày xưa, và giá như không có dự án này thì có lẽ cuộc đời và số phận cô đã không phải chịu nhiều khổ đau như thế vào lúc cuối đời...

Không còn nhà cửa, ruộng đất, con đứa mất, đứa đi tù, đứa ốm yếu, đứa công ăn việc làm không ổn định, đó là tình cảnh của cô Thu. Chị Dậu trong tác phẩm văn học của nhà văn Ngô Tất Tố khổ đến thế nhưng vẫn còn căn nhà, vậy mà cô Thu và đàn con cháu nheo nhóc của mình bây giờ đến một nơi ở đúng nghĩa cũng không có. Người dẫn đường nói đầy cảm thán với chúng tôi: “Các anh thấy đấy, bà ấy còn khổ hơn cả chị Dậu nữa! Giá mà không có cái dự án này thì có lẽ cuộc đời bà ấy đã không lênh đênh như vậy...”.

Từ nhiều năm nay, đã có rất nhiều kiến nghị của cử tri cùng với những lá đơn kêu cứu, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện của người dân Long Hưng nảy sinh từ dự án này và kéo dài dai dẳng. Hiện tượng này không phải tự dưng mà có mà nó xuất phát từ việc dự án Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng có quá nhiều góc khuất khiến người dân bức xúc, mà việc người dân sống cơ cực trong khu tạm cư, không hài lòng về chất lượng nhà tái định cư chỉ là một phần trong số đó.

Khi biết chúng tôi là nhà báo đến để tìm hiểu về nguyên nhân dự án này bị người dân phản đối, đông đảo bà con đã tích cực ủng hộ. Tuy nhiên cũng có người dân bày tỏ nghi ngại rằng trước đây cũng từng có nhiều đoàn phóng viên, nhà báo đến phỏng vấn người dân nhưng rồi không có hồi âm cho dân và cũng không có bài đăng trên báo.

“Các anh có dám bảo vệ dân không? Hay cũng phỏng vấn, chụp hình rồi không viết một dòng giúp dân hoặc bẻ cong sự thật? Chúng tôi mất niềm tin lắm rồi...”, người dân này nói trong bức xúc.

Nhưng cũng chính sự bức xúc ấy đã khiến chúng tôi hiểu rằng những người dân nơi đây tuy đã rất tuyệt vọng nhưng trong sâu thẳm, họ vẫn muốn những gì là sự thật sẽ được phơi bày, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân sẽ được Đảng và Nhà nước bảo vệ trước pháp luật và những nghi vấn về các sai phạm, về “lợi ích nhóm” tại dự án này sẽ được làm rõ.

Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng có 3 dự án khu đô thị thành phần: Khu dân cư Long Hưng (227,7 ha), Đồng Nai Waterfront (366,7 ha), Aqua City (304,9 ha). Năm 2008, để phục vụ dự án trên, UBND tỉnh Đồng Nai ra các quyết định phê duyệt phương án thu hồi đất, tài sản giải tỏa của 2.532 hộ dân, trong đó 1.130 hộ dân bị giải tỏa trắng, 1.142 hộ dân bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Thành Ngọc, Chủ tịch UBND xã Long Hưng, sau khi giải phóng mặt bằng đợt 1 phục vụ dự án, hiện tại có khoảng 600 hộ dân đang sống trong khu tái định cư. Năm 2018 sẽ tiếp tục thu hồi đất, giải tỏa khoảng 400 hộ dân tiếp theo.

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 01/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai.

Để chấn chỉnh và khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế trong việc thi hành Luật Đất đai ở các địa phương, Thủ tướng đã đưa ra nhiều chỉ đạo quyết liệt.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra đã ban hành để phát hiện, xử lý kiên quyết, dứt điểm các vi phạm, không để tồn tại kéo dài. Tập trung giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện đông người, kéo dài, gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và môi trường đầu tư; chủ động tiếp nhận, xử lý, giải quyết triệt để, kịp thời các trường hợp phản ánh của người dân về tình hình vi phạm pháp luật đất đai để người dân tham gia giám sát thi hành Luật Đất đai.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top