Chiều 9/12, tại kỳ họp thứ 16 khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND TP Đà Nẵng tiến hành công tác nhân sự.
Theo đó, HĐND TP Đà Nẵng đã bỏ phiếu miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND TP đối với ông Nguyễn Nho Trung; miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND TP đối với ông Huỳnh Đức Thơ; miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND TP đối với ông Trần Văn Miên.
Đồng thời, các đại biểu đã bầu chức danh Chủ tịch HĐND TP, Chủ tịch UBND TP và 1 phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết được bầu thay thế ông Nguyễn Nho Trung (nghỉ hưu, đã được HĐND TP. Đà Nẵng khóa 9 miễn nhiệm) và ông Lê Trung Chinh được bầu để thay ông Huỳnh Đức Thơ (nghỉ hưu, đã được HĐND TP. Đà Nẵng khóa 9 miễn nhiệm).
Ông Lê Quang Nam - Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ, cũng đã được bầu làm Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng (HĐND TP. Đà Nẵng cũng đã miễn nhiệm chức danh Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đối với ông Trần Văn Miên, nghỉ hưu). Đồng thời, bầu Ủy viên UBND TP. Đà Nẵng đối với bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, bà Lê Thị Kim Phương - Giám đốc Sở Công thương TP. Đà Nẵng.
Theo báo cáo của HĐND TP. Đà Nẵng, năm 2020 lần đầu tiên sau nhiều năm tăng trưởng ở mức cao, kinh tế của thành phố âm 9,77%, thu ngân sách đạt 70%; một số chủ trương lớn chưa được triển khai hiệu quả, việc tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp vẫn còn chậm, giải ngân đầu tư công còn khá khiêm tốn so với kế hoạch… Các bức xúc kéo dài trên một số lĩnh vực đời sống xã hội như: ô nhiễm môi trường, an ninh nguồn nước, ùn tắc giao thông… chưa được xử lý dứt điểm, trật tự xã hội còn diễn biến phức tạp…
Đây là những vấn đề cần được đánh giá đầy đủ mọi khía cạnh, phân tích một cách khoa học, tổng thể để từ đó có những giải pháp tích cực và hiệu quả nhất trong thời gian tới nhằm phục hồi nhanh chóng kinh tế - xã hội trước mắt cũng như phát triển nhanh, bền vững trong những năm đến theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng Bộ thành phố lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020-2025.
Trong khi đó, ông Ngô Xuân Thắng – Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP. Đà Nẵng, cho hay nhiều năm qua, trên địa bàn thành phố có nhiều “dự án treo” kéo dài, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân sống trong vùng quy hoạch của dự án. Vì vậy, việc rà soát các “dự án treo” là rất cần thiết nhằm phân loại các dự án cần hủy bỏ, điều chỉnh, tiếp tục đầu tư, bố trí kế hoạch vốn để bảo đảm triển khai thực hiện dự án.
“Thành phố cần sớm xử lý dứt điểm “dự án treo”, đồng thời nghiên cứu chính sách cho các hộ dân trong “dự án treo” để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người dân trong vùng dự án, nhất là những dự án đã “treo” kéo dài trên 10 năm nay”, ông Ngô Xuân Thắng đề nghị và chỉ ra một số tồn tại như việc khớp nối hạ tầng còn dở dang của các dự án tái định cư, các khu đô thị trên địa bàn thành phố (nhiều nhất là trên địa bàn huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ, Sơn Trà và Liên Chiểu) đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Bên cạnh đó, thành phố cần sớm chỉ đạo ngành chức năng rà soát và có lộ trình cụ thể, đặc biệt nghiên cứu sử dụng đất không sản xuất được để quy hoạch khớp nối hạ tầng, những nơi gần hoàn thiện hoặc còn tiếp tục hoàn thiện thì sớm bố trí ngân sách để thực hiện, nhất là ưu tiên triển khai sớm tại các khu dân cư thấp trũng có nguy cơ ngập úng khi mưa lũ.
Liên quan đến việc triển khai khắc phục tình trạng các khu chung cư, nhà tập thể xuống cấp, ông Ngô Xuân Thắng nhấn mạnh, việc khắc phục các chung cư nhà ở xã hội và khu tập thể xuống cấp rất chậm, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân, nhất là các khu nhà tập thể xuống cấp nghiêm trọng ở quận Hải Châu, Thanh Khê với thực trạng “tuổi thọ” lớn, diện tích chật hẹp, điều kiện sinh hoạt thấp kém và mất an toàn...