Aa

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: "Không nhiều doanh nghiệp dám lên tiếng về những rào cản chính sách"

Dương Minh Anh
Dương Minh Anh duongminhanh070902@gmail.com
Thứ Năm, 17/07/2025 - 15:00

Hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp là cơ sở, nền tảng của tiếng nói phản biện. Tuy nhiên, khi được đề nghị góp ý, không nhiều doanh nghiệp có sự phản hồi thông tin.

4 nguyên nhân khiến doanh nghiệp ngần ngại

Chiều 16/7, dưới sự chỉ đạo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức Diễn đàn "Vai trò của Hiệp hội, Doanh nghiệp và Cơ quan báo chí trong xây dựng và phản biện chính sách".

Tại đây, các chuyên gia đều đánh giá, đối với doanh nghiệp, mục tiêu của chính sách hay pháp luật là để điều chỉnh hành vi; do đó hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp là cơ sở, nền tảng của tiếng nói phản biện chính sách.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: "Không nhiều doanh nghiệp dám lên tiếng về những rào cản chính sách"- Ảnh 1.

GS. TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước. (Ảnh: Tùng Dương/Reatimes)

Theo GS. TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước, để chính sách đi vào cuộc sống, chính doanh nghiệp cần hiểu rõ chính sách và chủ động thích ứng.

Muốn doanh nghiệp làm được điều này, đòi hỏi 2 yếu tố: Một là doanh nghiệp đủ năng lực để tự hiểu được các chính sách và thực thi đúng. Hai là nếu doanh nghiệp chưa hiểu, các hiệp hội ngành nghề phải phát huy vai trò của mình, cần nghiên cứu, giải thích, truyền đạt chính sách để giúp doanh nghiệp hiểu chính sách.

"Doanh nghiệp không nên và cũng không được can thiệp hay chi phối việc xây dựng chính sách. Nhưng doanh nghiệp hoàn toàn có quyền phản ánh những vướng mắc khi thực thi để các cơ quan chức năng có cơ sở điều chỉnh. Đây chính là cách cung cấp thông tin, bằng chứng để nhận diện chính sách nào đang phát huy hiệu quả và chính sách nào cần sửa đổi", GS. TS. Hoàng Văn Cường nhận định.

Tuy nhiên, nghịch lý là khi được đề nghị góp ý chính sách, không nhiều doanh nghiệp có sự phản hồi thông tin, nhất là phản hồi đối với các cơ quan quản lý. Trong khi doanh nghiệp phải là những đối tượng lo lắng nhất về chính sách cũng như tác động của chính sách.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch GP.Invest đồng tình rằng, hiện không nhiều doanh nghiệp dám phát biểu, lên tiếng về những rào cản, vướng mắc chính sách pháp lý trong quá trình hoạt động kinh doanh. Thậm chí, những doanh nghiệp tên tuổi, quy mô lớn cũng không dám lên tiếng, không dám đề cập đến những vấn đề cốt lõi.

"Tôi cho rằng, chỉ những người làm thực tế mới biết được những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Nếu mình không lên tiếng, không phản ánh thì các cơ quan trung ương, chính quyền làm sao biết được…", ông Nguyễn Quốc Hiệp nói và cho biết, các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu chỉ chia sẻ vấn đề với nhau nhưng thường không đưa ra những phát ngôn chính thức.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: "Không nhiều doanh nghiệp dám lên tiếng về những rào cản chính sách"- Ảnh 2.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. (Ảnh: Tùng Dương/Reatimes)

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chỉ ra 4 nguyên nhân khiến doanh nghiệp ngần ngại, thậm chí không dám lên tiếng.

Thứ nhất, sự trưởng thành của các doanh nghiệp còn nhiều bất cập. Hiện nay, vẫn còn tình trạng "nước đến chân mới nhảy", tức là các doanh nghiệp sẽ chỉ lên tiếng khi một vấn đề động chạm đến quyền lợi cá nhân, lợi ích doanh nghiệp, thay vì chủ động tham gia phản biện. Do đó, các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, trưởng thành hơn trong văn hóa góp ý, phản biện.

Thứ hai, thực chất năng lực phản biện chính sách của doanh nghiệp còn hạn chế. Nếu không làm rõ được tác động đến lợi ích của mình, họ sẽ không có ý kiến. Còn về sâu xa, doanh nghiệp chưa thực sự có đầy đủ năng lực.

Thứ ba, kỹ thuật, kỹ năng tham vấn công chúng còn hạn chế. Thực tế, việc soạn thảo luật thường được tiến hành theo quy trình truyền thống là gửi toàn văn dự thảo luật để xin ý kiến. Tuy nhiên, cách làm này khiến cho việc tiếp nhận góp ý trở nên khó khăn, sẽ rất khó để xin ý kiến. Thay vào đó, cần cụ thể hóa rõ ràng từng chính sách trong dự thảo, chỉ rõ nội dung cần lấy ý kiến mới tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tham vấn.

Thứ tư, một chính sách nếu không tranh luận kỹ thì sẽ không thể làm rõ được tác động của chính sách, song đây là điều chúng ta chưa làm được. Nếu không tranh luận rộng rãi về tác động của chính sách trước khi ban hành, sẽ không làm rõ được việc các cá nhân, tổ chức được gì hay mất gì.

Để tiếng nói của doanh nghiệp được lan tỏa, cần sự chung tay của hiệp hội và các cơ quan báo chí

Bên cạnh vai trò của doanh nghiệp, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cũng nhấn mạnh thêm, việc nghiên cứu và phản biện chính sách chính là một trong những vai trò, nhiệm vụ quan trọng của các hiệp hội ngành nghề.

"Với tính chính danh đại diện cho tiếng nói chung của cộng đồng doanh nghiệp, việc vận động chính sách nên do các hiệp hội lên tiếng là chủ yếu, thay vì qua các doanh nghiệp để tránh xung đột lợi ích và đảm bảo tính khách quan. Vì thế, các hiệp hội cần nâng cao năng lực này, để bổ trợ thêm cho doanh nghiệp", TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhận định.

GS. TS. Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, các hiệp hội có nhiều cơ hội để tham gia góp ý, phản biện trong công tác xây dựng chính sách. Ở nhiều sự kiện quan trọng, kể cả hội nghị có sự tham gia của Thủ tướng, các hiệp hội đều được mời dự. Điều đó cho thấy, hiệp hội luôn là đối tượng được cơ quan nhà nước lắng nghe, vì vậy tiếng nói của hiệp hội rất quan trọng, không chỉ tổng hợp thông tin từ thực tiễn mà còn trở thành cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp và nhà nước.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: "Không nhiều doanh nghiệp dám lên tiếng về những rào cản chính sách"- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch GP.Invest. (Ảnh: Tùng Dương/Reatimes)

Thời gian tới, để việc phản biện chính sách đạt hiệu quả tích cực hơn nữa, ông Nguyễn Quốc Hiệp cũng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí, đồng thời lưu ý việc kết nối hiệu quả các chủ thể trong tam giác doanh nghiệp - hiệp hội - báo chí.

Theo Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, để các cơ quan quản lý hiểu rõ những bất cập tồn tại trong văn bản quy phạm pháp luật, cần đến sự lan tỏa thông tin của báo chí. Chỉ khi ghi nhận thông tin từ những người trực tiếp làm, trải nghiệm thực tế mới truyền tải được hết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách.

"Doanh nghiệp hay Hiệp hội bên cạnh gửi công văn đến Chính phủ, thì để công văn đó đến được với cộng đồng, giúp cho Quốc hội, Chính phủ thấy được tầm quan trọng của vấn đề thì phải có sự tham gia của các cơ quan báo chí… Cũng phải thẳng thắn rằng, nếu thiếu vai trò của báo chí, thì nhiều doanh nghiệp và hiệp hội sẽ khó phát huy hết vai trò phản biện chính sách của mình. Tôi cho rằng tiếng nói đồng thuận của nhiều cơ quan báo chí sẽ tạo ra hiệu quả phản biện chính sách mạnh mẽ hơn", ông Nguyễn Quốc Hiệp nhấn mạnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top