Aa

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: "Thị trường bất động sản mới chỉ hồi phục được khoảng 30%"

Thứ Tư, 17/01/2024 - 11:32

Bước sang năm 2024, các doanh nghiệp đều đang mong chờ vào sự thay đổi tích cực của các chính sách pháp lý, khơi thông nguồn vốn và khôi phục niềm tin nhà đầu tư.

Hàng loạt các dự án bất động sản vẫn đang đợi tháo gỡ

Trong năm qua, số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản buộc phải đóng cửa, ngừng hoạt động lên tới hơn 1200 doanh nghiệp, khiến thị trường vẫn đang trong tình trạng ảm đạm. Theo khảo sát của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) tiến hành khảo sát trong 500 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, có tới 70% cho biết họ thiếu vốn để hoạt động trong năm 2023.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty cổ phần GP Invest cho biết, phía Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã cố gắng hết sức giảm lãi suất ngân hàng xuống một cách nhanh chóng, đây là một kết quả rất tích cực tuy nhiên các điều kiện tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, do đó cần xem xét lại và hỗ trợ các doanh nghiệp.

"Các doanh nghiệp đang rất mong chờ phía Ngân hàng Nhà nước phải xem xét lại các điều kiện tín dụng sao cho thông thoáng hơn để doanh nghiệp có thể tiếp cận và sử dụng được. Đương nhiên là việc đảm bảo an toàn cho các ngân hàng thương mại vẫn cần chú ý nhưng phải áp dụng sao cho hài hòa lợi ích giữa các bên", ông Hiệp chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: "Thị trường bất động sản mới chỉ hồi phục được khoảng 30%"- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty cổ phần GP Invest (Ảnh minh họa: Reatimes)

Ngoài ra, thị trường trái phiếu đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng đối với các doanh nghiệp, tuy nhiên thị trường này lại đang bị tê liệt, nhiều doanh nghiệp bất động sản trong năm qua không thể huy động được vốn trên thị trường này. "Thị trường trái phiếu giống như bức tranh hai mặt nên cần phải thận trọng sửa đổi, có giải pháp khơi thông thị trường trái phiếu và phát triển lành mạnh", ông Hiệp nhận định.

Ông Hiệp chia sẻ thêm, thị trường bất động sản hiện gặp vướng mắc ở hành lang pháp lý do những bộ luật, Nghị định, chính sách bị chồng chéo hoặc chưa rõ ràng. Riêng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có khoảng gần 500 dự án đang gặp phải vướng mắc ở việc không cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nếu trong Luật Đất đai (sửa đổi) sắp tới không điều chỉnh lại điểm này thì tất cả các dự án bé đến lớn đều tiếp tục ách tắc, khó có thể thực hiện được.

Bên cạnh đó, đa số các dự án bất động sản đều đang gặp phải "nút thắt" ở khâu giải phóng mặt bằng. "Nếu để các doanh nghiệp tự thỏa thuận thì đa phần sẽ rất khó có thể thành công, cần chú ý đến các trường hợp thỏa thuận cũng cần có sự tham gia vai trò của phí Nhà nước để đưa ra khung giá phù hợp, đảm bảo công bằng xã hội", ông Hiệp nói. 

Khi nào thị trường bất động sản mới khởi sắc?

Những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ban, ngành trong thời gian qua đã đưa ra các chính sách, giải pháp rất quyết liệt, đã phát huy tích cực hiệu quả và đến thời điểm này đã có độ ngấm chính sách rõ ràng. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay của ngân hàng cũng đã dần tiệm cận với thời gian đầu năm 2022, bình quân ở mức 6%/năm. Đây là mức lãi suất hết sức hợp lý cho các doanh nghiệp bất động sản cũng như người mua nhà hiện nay.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: "Thị trường bất động sản mới chỉ hồi phục được khoảng 30%"- Ảnh 2.

Thị trường bất động sản thực tế mới chỉ hồi phục được khoảng 30% (Ảnh minh họa: VnEconomy)

Theo các chuyên gia bất động sản, thị trường bất động sản đã dần được hồi phục từ những dấu hiệu chuyển biến cuối năm 2023, bước sang năm 2024, thị trường bất động sản có thể sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức do ảnh hưởng chung của nền kinh tế, cùng với các vướng mắc trên thị trường vốn, pháp lý đang đợi được tháo gỡ.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, dù tất cả các điều kiện thuận lợi đã được đặt lên bàn rất rõ ràng, thị trường bất động sản cũng có những tín hiệu tốt lên nhưng thị trường thực tế mới chỉ hồi phục được khoảng 30%. Nguyên nhân chính của sự phục hồi chậm này là do nguồn cung trên thị trường bất động sản vẫn còn thiếu trầm trọng.

"Vấn đề về pháp lý có tác động lớn đối với dự án bất động sản bị chậm trễ, đặc biệt là khi dù Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở đã được thông qua thì vẫn còn chờ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thông qua, nên hiện giờ chưa thể giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn của thị trường", ông Hiệp nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: "Thị trường bất động sản mới chỉ hồi phục được khoảng 30%"- Ảnh 3.

Căn cứ thời điểm Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực sẽ tháo gỡ được những vướng mắc của dự án bất động sản hiện nay (Ảnh minh họa: Vietnamnet)

Nói về thời điểm khởi sắc, ông Hiệp cho rằng, phải căn cứ vào thời điểm Luật Đất đai (sửa đổi) khi nào có hiệu lực mới tháo gỡ được những điểm đang vướng mắc của các dự án bất động sản hiện nay, khi đó nguồn cung nhà ở được cải thiện, đáp ứng nhu cầu của người dân hiện nay, khi đó mới là thời điểm "sáng sủa" của thị trường".

Bên canh đó, một số cơ quan quản lý các cấp chính quyền địa phương vẫn có tâm lý e ngại và sợ trách nhiệm. Chính vì vậy, cần sự chung tay vào cuộc thực sự từ phía các địa phương, bằng việc giảm thủ tục hành chính, cấp thêm dự án mới và tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đang triển khai.

Tuy nhiên, điều quan trọng giúp thị trường bất động sản sớm phục hồi hơn thì ngoài các yếu tố trên thì cần chú trọng việc khôi phục niềm tin của người mua nhà. Do đó, nguồn cung mới đưa ra thị trường phải là các sản phẩm có giá thành phù hợp, các dự án bất động sản uy tín như có tính pháp lý rõ ràng, triển khai đúng tiến độ, có giấy phép bán hàng,… sẽ thu hút người mua nhà nhiều hơn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top