Aa

PGS.TS. Trần Đình Thiên: Trước một nền kinh tế “tổn thương“, phải đi sâu nhận diện lại những vấn đề thuộc về cấu trúc thể chế

Thứ Năm, 13/07/2023 - 06:02

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, muốn biết năm 2023 Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% hay không, chỉ cần nhìn vào thực trạng “kiệt quệ” của doanh nghiệp hiện nay.

Chia sẻ tại Tọa đàm Kinh tế vĩ mô giữa năm 2023 với chủ đề: "Phục hồi tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới", PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra những nhận định về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, khó khăn cơ bản của nền kinh tế cũng như điểm mấu chốt, căn cơ để thúc đẩy tăng trưởng.

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, thúc đẩy giải ngân đầu tư công hiện đang là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay. 

Trong thời điểm cấp bách, chúng ta chưa thể ngay lập tức đạt được kết quả như mong muốn hay đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế vì những vướng mắc thực chất không phải ở thao tác như tăng tổng cầu hay ở chính sách, mà là do toàn bộ hệ thống giải ngân đầu tư công đang gặp trục trặc

Bên cạnh đó, chính sách tài khóa nghịch chu kỳ là công thức “tuyệt vời” thì dường như chúng ta chưa thực sự hiểu rõ về vấn đề này. Như vậy, cứu nguy là rất khó”, PGS.TS. Trần Đình Thiên khẳng định.

PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. (Ảnh: Tùng Dương)

Có thể thấy, sau 3 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, sức khoẻ nền kinh tế của Việt Nam cũng như doanh nghiệp và người dân đang dần trở nên “kiệt quệ”, dòng tiền, tổng cầu suy yếu nhưng dường như Việt Nam vẫn đang ứng phó như thể nền kinh tế của chúng ta đang trong trạng thái bình thường. Cùng với đó, trong 6 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp Việt Nam “rút lui” khỏi thị trường tăng lên nhanh chóng, trong khi số doanh nghiệp mới gia nhập lại giảm so với cùng kỳ.

"Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là thật, "chết" thật! Còn tỷ lệ gia nhập thì chưa chắc là thật - tức là họ chưa tạo ra GDP, tăng trưởng, thậm chí có thể là nguy cơ doanh nghiệp ảo. Chúng ta cứ bàn mãi về tăng trưởng bao nhiêu phần trăm và đưa ra những khó khăn, thách thức. Nhưng cứ nhìn vào thực tế doanh nghiệp sẽ biết được chúng ta có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6 6,5% hay không"PGS.TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, chỉ số sử dụng lao động trong 6 tháng qua giảm mạnh, đặc biệt ở các tỉnh có lợi thế lớn về công nghiệp chế biến chế tạo, cụ thể: Bình Dương giảm 12,4%, Bắc Ninh giảm 8%, Thái Nguyên giảm 9,8%... 

“Nhìn vào những con số này, chúng ta lý giải như thế nào về tổng cầu, lý giải thế nào về triển vọng công nghiệp của Việt Nam?”, PGS.TS. Trần Đình Thiên đặt câu hỏi. 

Và để đưa ra được câu trả lời, theo ông Thiên, chúng ta phải nhìn dưới góc độ vấn đề cơ cấu chứ không chỉ nhìn vào những khó khăn từ bên ngoài. Sự “kiệt quệ” của doanh nghiệp hiện nay được cộng hưởng từ các tác động bên ngoài và độ mở lớn của nền kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế, doanh nghiệp còn yếu lại đang phải hứng chịu “gió to”, thậm chí "gió độc", nên khó chống chịu.

Trước thực trạng doanh nghiệp như “người sắp chết đuối” lâm vào trạng thái “ngộp thở”, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng, đối mặt với nguy cơ khủng hoảng cơ cấu cũng như khủng hoảng cơ chế, thể chế, Việt Nam cần nhận diện lại đúng đắn thực trạng của nền kinh tế.

“Tại thời điểm nền kinh tế Việt Nam đang chịu tổn thương rất lớn, chúng ta cần những giải pháp khác thường và cần tập trung đi sâu vào cấu trúc thể chế.

Giai đoạn này chính là cơ hội cho Việt Nam nhận diện lại tất cả cấu trúc của nền kinh tế đang gặp khó khăn nghiêm trọng như: Năng lực thực sự của nền kinh tế, quan hệ giữa nội lực với ngoại lực và việc điều chỉnh các thể chế chính sách”, PGS.TS. Trần Đình Thiên đề xuất. 

Cũng chia sẻ quan điểm về thực trạng nền kinh tế nước ta, phát biểu tại Tọa đàm, TS. Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trường Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) cũng đánh giá, trong 30 năm qua, đây là thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế và những đánh giá của các cơ quan quản lý Nhà nước nhìn chung còn những điểm chưa sát với tình hình thực tế. 

“Chúng ta vui mừng trước những ánh sáng như con đom đóm và hài lòng với nó. Chính vì vậy, chúng ta chưa tìm được giải pháp”, TS. Nguyễn Đình Cung nhận định. 

TS. Nguyễn Đình Cung, Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trường Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM). (Ảnh: Tùng Dương)

Trong bối cảnh hiện nay, theo TS. Nguyễn Đình Cung, thời điểm này khó có thể hy vọng vào việc doanh nghiệp tư nhân sẽ đầu tư vì họ đang thiếu động lực, thiếu cơ chế khuyến khích, từ đó dẫn đến tinh thần kinh doanh tương đối ảm đạm. Cầu mà Chính phủ có thể kiểm soát và thúc đẩy tăng trưởng được là đầu tư công. Tuy nhiên, đầu tư công có thể coi là vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, còn vướng mắc, chậm trễ trong triển khai. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm. 

Đưa ra giải pháp để đẩy mạnh đầu tư công, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần bỏ chủ trương đầu tư trong Luật Đầu tư. “Tất cả các dự án đầu tư công quan trọng của chúng ta hiện nay đã có trong quy hoạch và được lựa chọn qua rất nhiều vòng. Vì thế cần bỏ chủ trương đầu tư để chuyển ngay sang quyết định đầu tư, tìm kiếm nhà thầu và thực hiện đầu tư”, TS. Nguyễn Đình Cung đưa ra gợi mở. 

Bên cạnh đó, cũng cần xem lại Luật Đầu tư công và mạnh dạn bỏ đi những thứ tạo ra sự kìm hãm, rào cản cho quá trình này. “Nếu không thì mỗi một khâu xin phép sẽ là một rủi ro đối với công chức”, ông Cung nói./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top