Aa

Ống thép, tôn mạ Hòa Phát định hướng đẩy mạnh xuất khẩu

Thứ Sáu, 11/06/2021 - 10:00

Tháng 5/2021, sản lượng xuất khẩu tôn mạ lạnh và mạ kẽm của Hòa Phát chiếm trên 50% sản xuất của nhà máy. Trên 20.000 tấn tôn, ống thép đã được xuất từ cảng Hòn Gai, Quảng Ninh đi các nước Châu Âu, Mỹ...

Đến nay, các nhà máy tôn và ống thép Hòa Phát đã hoạt động với 100% công suất để phục vụ bán hàng trong và ngoài nước. Ngay từ đầu năm 2021, Công ty CP Sản phẩm thép Hòa Phát đã chủ trương tối ưu công suất tất cả các dây chuyền để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường xuất khẩu phục hồi sau đại dịch Covid-19. Đặc biệt, định hướng phát triển thị trường xuất khẩu được xem là hoạt động kinh doanh trọng yếu trong năm 2021.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, sản lượng ống thép, tôn mạ của Hòa Phát ghi nhận đà tăng trưởng mạnh mẽ lần lượt đạt 334.000 và 123.000 tấn, tương ứng tăng 21% và 270% so với cùng kỳ. Riêng sản phẩm tôn mạ kẽm và mạ lạnh, tỷ trọng hàng xuất khẩu đóng góp khoảng 45% tổng sản lượng các loại hàng bán ra trong 5 tháng vừa qua.

Đối với sản phẩm ống thép, bên cạnh thị phần luôn trên 30% tại thị trường nội địa, hơn 10 năm qua, ống thép Hòa Phát đã xuất khẩu đi hầu hết thị trường lớn như Mỹ, Canada, Úc… Từ năm 2021, công ty chủ trương tăng dần tỷ trọng xuất khẩu lên trên 10% sản lượng bán hàng ống thép và tiếp tục mở rộng thêm nhiều thị trường xuất khẩu khác.

Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Sản phẩm Thép Hòa Phát, sản lượng xuất khẩu ống thép và tôn mạ gần đây tăng cao chủ yếu nhờ nhu cầu phục hồi ở Mỹ và Châu Âu sau đại dịch. Mặt khác sản phẩm của công ty luôn đảm bảo đáp ứng đa dạng các yêu cầu về chủng loại, tiêu chuẩn kỹ thuật của nhiều thị trường nước ngoài, đặc biệt chất lượng sản phẩm được đánh giá cao.

Hơn nữa, từ cuối tháng 4 năm nay, việc Chính phủ Trung Quốc đã ra quyết định cắt bỏ các khoản hoàn thuế xuất khẩu một số sản phẩm thép và cân nhắc tăng thuế xuất khẩu thép từ Trung Quốc là cơ hội để thép Việt Nam vươn xa trên thị trường quốc tế.

Trong quá trình đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu, Tập đoàn Hòa Phát đã rất tích cực tham gia các vụ kiện phòng vệ thương mại trên thế giới đối với một số sản phẩm thép như: Tôn mạ lạnh và ống thép.

Mới đây nhất, trong vụ việc Úc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp sản phẩm ống thép chính xác xuất xứ từ Việt Nam và một số nước khác, Ủy ban chống bán phá giá của Úc (ADC) đã kết luận sơ bộ Ống thép Hòa Phát không bị áp thuế chống bán phá giá hay thuế chống trợ cấp khi xuất khẩu vào thị trường Úc. Đây là một trong những thành tích nổi bật trong việc ứng phó với các vụ kiện phòng vệ của Hòa Phát, từ khâu chuẩn bị hồ sơ đến khâu nộp tài liệu bảo vệ vụ việc của nhóm phụ trách trả lời phòng vệ thương mại, đồng thời có sự hỗ trợ của Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công thương và các luật sư.

ADC khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm ống thép chính xác xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam từ ngày 31/3/2020. Ngày 01/6/2021, ADC ban hành quyết định sơ bộ về vụ việc.

Theo ADC, biên độ bán phá giá của các nhà sản xuất Việt Nam là -6.5%, biên độ trợ cấp là 0%, do đó không bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp của Úc. Điều này mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm ống thép Hòa Phát vào thị trường Úc. 

Trước đó, năm 2016, Ống thép Hòa Phát cũng từng thắng trong vụ kiện chống bán phá giá mặt hàng ống thép hàn các bon tại thị trường Mỹ. Uỷ ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) kết luận Ống thép Hòa Phát không phải chịu thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu vào Mỹ.

Năm 2018, Ống thép Hòa Phát tham gia vụ điều tra chống bán phá giá do Canada khởi xướng đối với ống thép hàn cac-bon xuất xứ từ Việt Nam, Pakistan, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ. Cơ quan điều tra của Canada (CBSA) kết luận biên độ phá giá của Ống thép Hòa Phát là 4.9%, và là một trong những doanh nghiệp đạt được biên độ thấp nhất trong cuộc điều tra. 

Ngoài ra, năm 2020, Tôn Hòa Phát tham gia vụ điều tra chống bán phá giá do Malaysia khởi xướng đối với sản phẩm tôn lạnh xuất xứ từ Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc. Tôn Hòa Phát đạt được biên độ chống bán phá giá là 3.06%, biên độ thấp nhất trong các doanh nghiệp của Việt Nam tham gia vụ việc.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top