Aa

Ông Trần Đăng Tuấn "vạch mặt" các thương vụ thâu tóm đất vàng ở Thủ đô

Thứ Sáu, 22/06/2018 - 06:01

Bán đảo nhỏ nhưng rất đẹp ở Hoàng Cầu. Chỉ cần dọn dẹp sạch, trồng ít cây cỏ và đặt vài ghế đá, là đã có thể thành nơi thoáng mát để người dân, nhất là người già, con trẻ thư giãn, vui chơi. Nó biến thành một nhà hàng. Khi báo chí kịch liệt phản ứng, người ta thí cho vài đồ con thú nhựa và con đường bé tý. Người dân hãy vừa lòng với cái đó. Hãy đi dạo ven mé nhà hàng (!)

LTS: Thời gian qua, Reatimes đã liên tục có những bài viết phản ánh về việc Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng và các đơn vị thành viên được ưu ái giao nhiều khu "đất vàng" tại Hà Nội để thực hiện dự án bất động sản, sản xuất kinh doanh, giao thông theo hình thức hợp đồng BT. Ngay lập tức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo về việc thanh tra các dự án của Tập đoàn Lã Vọng và các đơn vị thành viên trên địa bàn TP. Hà Nội. Là người theo sát các diễn biến của vụ việc, Nhà báo Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, đã có góc nhìn đặc biệt về vấn đề này. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc:

Hai khu đất rộng cả héc ta khu vực đường Nguyễn Thị Thập. Một khu quy hoạch là công viên, bãi để xe. Có thể một phần đất có nhà dịch vụ, được hiểu là cho dịch vụ trông giữ xe. Một phần ba biến thành nhà hàng hải sản lớn. Sau một thời gian, 1/3 ở đầu kia trở thành "Thế giới bia". 1/3 khoảng giữa có cây, nhưng biến thành chỗ cho các bàn ăn ngoài trời. Báo chí lên tiếng kịch liệt. Người ta dọn các bàn ăn ngoài trời đó, nhưng xây dựng ngầm dưới đất "Nhà hầm Bia". Bên trên có thể để xe - nhưng tất nhiên, xe của người đến nhà hàng.

Khu đất đối diện quy hoạch là để công trình văn hoá cho trẻ em. Một nhà hàng hải sản mọc lên. Báo chí kịch liệt lên tiếng. Người ta xây tiếp các nhà khác, ghi biển là trường năng khiếu cho thiếu nhi. Nó có dần biến thành nhà hàng không? Hồi sau sẽ rõ.

Tôi đang nói đến những nhà hàng Lã Vọng ngang ngược giữa lòng Hà Nội.

Nhà Hàng Lake View Đảo Hoàng Cầu của Lã Vọng.Ảnh: Đỗ Linh.

Nhà Hàng Lake View Đảo Hoàng Cầu của Tập đoàn Lã Vọng. Ảnh: Đỗ Linh.

Chính quyền Hà Nội có ra nghị quyết về xã hội hoá các khu vực công viên. Nhưng phải hiểu đó là huy động vốn để tạo ra các dịch vụ vui chơi giải trí trong công viên. Tập đoàn Lã Vọng với sự tiếp tay của những ai đó (làm sao thiếu được sự tiếp tay này?) đã trơ tráo và trắng trợn biến các khu đất dành cho công viên, dịch vụ công cộng thành địa điểm cho các nhà hàng.

Hà Nội có thiếu nhà hàng không? Hãy để mỗi người tự trả lời.

Hà Nội có quá ngột ngạt và thiếu những nơi khả dĩ có cây cỏ để hít thở khí trời - liệu cần câu hỏi đó không?

Một mô hình sáng tạo biến đất công thành nơi kinh doanh tư mang tên Lã Vọng. Và có lẽ đâu chỉ Lã Vọng. Mô hình ấy không thể có nếu không có sự cố tình lợi dụng chiêu bài "xã hội hoá". Một ví dụ cho thấy người ta - cả tư nhân và quan chức - có thể dựa vào một nghị quyết để bẻ queo mục đích như thế nào.

Cách đây hai năm, khi tôi viết trên Facebook cá nhân để phản ứng về sự ăn cướp không gian của người dân mang tên Lã Vọng, người của Lã Vọng vào lớn tiếng nói rằng cần ghi công là Lã Vọng đã có công biến chỗ bẩn thỉu, nơi tụ tập của nghiện hút thành các nơi đẹp đẽ. Vâng. Phần sau đúng. Thành những nhà hàng đẹp đẽ.

Nhà hàng Bia Lã Vọng. Ảnh: Đỗ Linh.

Nhà hàng Bia Lã Vọng. Ảnh: Đỗ Linh.

Các công viên lớn cần có xã hội hoá dịch vụ giải trí bên trong thì hợp lý. Nhưng Nhà nước có bí tiền đến mức những tiểu công viên chỉ cần dọn sạch, trồng ít cây cỏ, đặt vài ghế đá cũng không thể làm mà phải "xã hội hoá"?. Mà nếu bí tiền thật, dân lẽ nào không thể bỏ công sức ra dọn dẹp, góp tiền trồng cây, đặt ghế đá?. Để rồi phải chấp nhận 3/4, thậm chí 100% đất cây xanh hay công cộng trở thành nhà hàng?

Điều nữa - cái này là nhân ngày Báo chí.

Báo chí - như tôi nói trên - đã phản ứng quyết liệt nhiều lần về các nhà hàng kiểu trên của Lã Vọng. Kết quả là gì? Ngoài chuyện họ "nhả" cho một tý đất có đồ chơi trẻ con (bên cạnh bia và hải sản) thì chẳng có gì thay đổi cả. Sự ngạo nghễ ngồi xổm lên báo chí và dư luận chỉ có thể có, khi người ta có "gậy chống lưng". Báo chí chỉ có tác dụng, nếu những người có trách nhiệm lắng nghe. Bằng không, tiền sẽ thắng các lời nói chính trực vì quyền lợi của dân, tiền sẽ thắng ý kiến của người dân.

Tập đoàn Lã Vọng với sự tiếp tay của những ai đó (làm sao thiếu được sự tiếp tay này?) đã trơ tráo và trắng trợn biến các khu đất dành cho công viên, dịch vụ công cộng thành địa điểm cho các nhà hàng.

Thủ tướng Chính phủ vừa ra lệnh thanh tra các dự án của Lã Vọng ở địa bàn Hà Nội. Thì ra Lã Vọng còn nhận làm đường Hà Đông - Xuân Mai theo hình thức BT để đổi lấy 441ha đất để xây dựng. Đất đã trao, họ xây nhà bán, còn đường chẳng thấy đâu.

Nhưng ngoài cái dự án BT đó, cần điểm mặt mọi dự án ăn cướp dưới chiêu bài xã hội hoá công viên ở Hà Nội. Phải xoá hết những nhà hàng ấy, trả lại không gian cây cỏ cho người dân. Và trả cho người dân niềm tin vào dân chủ và pháp quyền - những điều mà trong câu chuyện này đã bị dìm vào bia và mùi nghêu, sò, tôm, cua.

Toàn cảnh dự án Louis City của Tập đoàn Lã Vọng. Ảnh: Đỗ Linh.

Toàn cảnh dự án Louis City của Tập đoàn Lã Vọng. Ảnh: Đỗ Linh.

Toàn cảnh Dự án NewHouse của Tập đoàn Lã Vọng. Ảnh: Đỗ Linh.

Toàn cảnh Dự án NewHouse của Tập đoàn Lã Vọng. Ảnh: Đỗ Linh.

Và rất cần lôi ra những người đã tiếp tay cho tập đoàn Lã Vọng thực hiện công nghệ biến đất cây xanh thành nhà hàng, chiếm đoạt quyền thở giữa chút ít thiên nhiên của người dân Hà Nội. Theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, cái công nghệ ăn cướp này làm dân ngạt thở lắm rồi!

Họ là ai? Không ngoài những người với chức tước của mình có lẽ đã nhiều lần diễn thuyết về xây dựng Hà Nội văn minh, dân chủ, pháp quyền./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top