Nhật Bản phát triển đô thị trước Việt Nam nhiều chục năm nên có thể cho chúng ta nhiều bài học và viễn cảnh để tham khảo. Có những xu hướng và hệ thống mà chúng ta đang bắt đầu thực hiện như đô thị hóa ven đô, phát triển đô thị dựa trên hệ thống giao thông công cộng, không gian ngầm... thì Nhật Bản đã phát triển từ giữa thế kỷ trước. Cũng vì vậy, có nhiều vấn đề đô thị mà hiện nay Nhật Bản đang phải đối mặt thì có thể chúng ta cũng sẽ phải đương đầu trong tương lai.
Theo TS. KTS Tô Kiên, chuyên gia quy hoạch đô thị công tác nhiều năm tại Nhật Bản, Singapore và Việt Nam chia sẻ, giống như nhiều quốc gia khác, Nhật Bản đang phải giải quyết nhiều vấn đề đô thị đặc thù. Về phần mềm là các vấn đề xã hội như già hóa dân sinh, tỷ lệ sinh giảm, mất cân bằng dân số giữa các vùng miền, suy thoái kinh tế kéo dài... Về phần cứng là các cơ sở hạ tầng cũ xuống cấp mà việc bảo trì là gánh nặng cho ngân sách, nhiều thành phố hoặc khu vực đô thị đã suy thoái, sự mất cân bằng vùng miền trong đô thị hóa và xây dựng đô thị ngày càng lớn.
Do đó, để tiếp tục phát triển các khu vực mới và tái sinh các khu vực cũ đã xuống cấp hoặc lỗi thời, Nhật Bản đã và đang áp dụng chiến lược phát triển các dự án có tính "đòn bẩy" để khơi ngòi, kích hoạt, tạo đà và nhân rộng những cải biến đô thị. Cụ thể đó là các dự án tái sinh trung tâm đô thị, các cụm nhà máy cũ, cải thiện cảnh quan mặt nước trung tâm và phát triển các đô thị mới "nén", có tích hợp một vài mô hình đô thị "hot" như thông minh, đáng sống, sinh thái...
KTS Tô Kiên nhấn mạnh: “Nhật Bản đã thành công trong điều chỉnh đất đai và đây cũng là đất nước hình mẫu cơ bản của mô hình đô thị nén. Cụ thể, để giảm quá tải, ngay tại trung tâm thành phố như Tenjin có một bãi đỗ xe ngầm, khu mua sắm vui chơi là dưới lòng đất, xe bus trên cao. Từ đó các dự án bất động sản ăn theo giao thông công cộng, mỗi nhà ga có một tổ hợp ăn theo. Bên cạnh đó, dân số tăng dần từ trung tâm ra ngoại thành. Những tuyến cao tốc kết nối trung tâm với vùng ven. Tất cả những điều đó ở Việt Nam đến nay đều chưa làm được”.
Như ở Nhật, người dân luôn cảm thấy cô độc, có những thành phố “chết” bởi nơi đó chỉ để làm việc, để mua sắm. Dẫu sao thì hạ tầng cũng không phải trường tồn vĩnh cửu, rồi sẽ xuống cấp. Theo đó cần phải đưa yếu tố đáng sống vào các đô thị.
KTS Tô Kiên
Theo đó, để tạo ra các dự án đòn bẩy cần thông qua các yếu tố bao gồm: chính sách (tái cấu trúc nền kinh tế, tư hữu hóa, PPP); tổ chức các sự kiện mới; huy động đa dạng các nguồn vốn, những dự án hạ tầng đô thị... và đặc biệt nhấn mạnh vào việc lồng ghép khung thời gian trong bối cảnh tập trung vào phát triển không gian.
Một mô hình phát triển cho đô thị phải bao gồm 3 yếu tố: đáng sống, thích ứng, bền vững và thông minh. Đặc biệt, định hướng cho thiết kế đô thị thông minh trong bối cảnh 4.0 cần phải có 6 tiêu chí: chia sẻ, sử dụng hỗn hợp, hiệu quả, thiết kế sinh thái, có sự tham gia của nhiều bên, an toàn.
KTS Tô Kiên cho hay: “Hiện nay, khi nói đến đô thị thông minh, chúng ta chỉ quan tâm nhiều nhất đến công nghệ, tập trung quá nhiều vào công nghệ mà lãng quên các yếu tố tạo nên môi trường đáng sống ở đô thị như quảng trường, công viên cây xanh. Như ở Nhật, người dân luôn cảm thấy cô độc, có những thành phố “chết” bởi nơi đó chỉ để làm việc, để mua sắm. Dẫu sao thì hạ tầng cũng không phải trường tồn vĩnh cửu, rồi sẽ xuống cấp. Theo đó cần phải đưa yếu tố đáng sống vào các đô thị. Nhật Bản đang cải thiện tình hình này bằng việc tái sinh các nhà máy, xưởng khu công nghiệp cũ, những dòng sông ô nhiễm để thay đổi văn hóa, cải thiện môi trường sống, tận dụng đất đai, cuối cùng là tạo ra các cơ hội làm ăn”.
Còn theo PGS. TS. KTS Nguyễn Hồng Thục, Viện Nghiên cứu định cư & Năng lượng bền vững cũng cho hay: “Đô thị Việt Nam đang đứng ở ngưỡng "nước đến chân" với ô nhiễm không khí, nước, thực phẩm, tiếng ồn; vấn đề biến đổi khí hậu, hiện tượng đảo nhiệt đô thị đang diễn ra ngày một nghiêm trọng; kinh tế đang phải chịu sức ép cạnh tranh từ các nước láng giềng; tài nguyên đang dần cạn kiệt... Đặc biệt, tài nguyên của Việt Nam trong bối cảnh 4.0 đáng kể nhất chính là Nhân lực.
Với 52% dân số đang trong độ tuổi lao động, lạc quan, muốn cống hiến, có những ưu thế về công nghệ, trí tuệ... nếu mỗi cá nhân đều nỗ lực và hết lòng thì tin rằng những chiến thắng trong lĩnh vực phát triển đô thị cũng sẽ không ít hơn những trận thắng như Olympic Việt Nam với Syria. Việt Nam luôn làm nên những điều kỳ diệu vào phút 90, "nước đến chân" luôn là động lực để tạo nên một cú nhảy ngoạn mục, phải chăng đã đến lúc đô thị Việt Nam cần có những bước thay đổi?”.