Aa

PGS.TS Hoàng Văn Cường: Tăng trưởng đột phá sẽ đưa Việt Nam “nhảy vọt”

Thứ Tư, 30/10/2019 - 16:30

Việt Nam muốn trở thành một đất nước hùng cường thì phải có tăng trưởng đột phá, không chỉ có tăng trưởng cao như hiện nay.

PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định như vậy bên hành lang hội thảo “Đại học Kinh tế Quốc dân đóng góp xây dựng văn kiện Đại hội Đảng: Lựa chọn để phát triển” vừa diễn ra.

PGS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, Việt Nam cần duy trì mức tăng trưởng cao có thể lên đến 2 con số, khi đó mới có hy vọng rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam với các nước phát triển. (Ảnh: NV)

- Theo ông, Việt Nam cần làm gì để trở thành một quốc gia hùng cường?

Chúng ta phải tìm ra điều cốt lõi của động lực tăng trưởng và sự đột phá là gì. Kết quả tăng trưởng trong thời gian vừa qua vẫn chủ yếu dựa vào sự cố gắng, nỗ lực khai thác những tiềm năng sẵn có. Trong khi đó, điều quan trọng nếu muốn có sự đột phá thì phải tạo ra được những bước nhảy vọt về đổi mới công nghệ, đột phá về sáng tạo trong khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, trên thực tế Việt Nam lại đang nằm trong khu vực sản xuất có giá trị thấp, nếu muốn chuyển lên khu vực có giá trị cao thì không còn cách nào khác là phải tự đổi mới. Việc đổi mới sáng tạo không chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp, mà việc này cần được khuyến khích ngay trong khu vực quản lý công. Tức là bản thân những nhà quản lý phải tìm ra phương thức quản lý mới, gạt bỏ các quy chuẩn, quy trình không còn phù hợp.

- Có thể thấy, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân là không thể thiếu, nhưng khu vực này hiện nay lại đóng góp chưa tương xứng với tiềm năng của mình cho nền kinh tế đất nước. Vậy, chúng ta cần phải có giải pháp gì để khuyến khích khu vực này, thưa ông?

Kinh tế tư nhân được nhìn nhận như một trụ cột trong nền kinh tế đất nước, và chắc chắn tỷ trọng đóng góp của khu vực này vào GDP sẽ phải tăng lên chứ không thể nhỏ bé như hiện nay. Và chúng ta muốn Việt Nam có được vị thế trên trường quốc tế thì cũng phải dựa vào doanh nghiệp tư nhân để tạo ra thương hiệu quốc gia, hiện nay đang trông chờ vào những tập đoàn lớn của tư nhân.

Muốn có những doanh nghiệp tư nhân đủ lớn trên thương trường, điều cần lúc này là cần có những giải pháp nhằm giúp khu vực tư nhân có điều kiện bứt phá. Hiện nay chúng ta đang đặt ra vấn đề cải cách khu vực kinh tế nhà nước, vậy cần phải làm sao để có thể chuyển những lĩnh vực nhà nước đang chiếm lĩnh sang cho khu vực tư để hình thành lên những tập đoàn lớn của khu vực tư nhân trong lĩnh vực đó. Nếu việc này được tiến hành có lộ trình, không những sẽ khơi dậy được các nguồn lực phát triển cho những khu vực hiện có, mà còn tạo ra những tập đoàn lớn mang thương hiệu quốc gia là các tập đoàn tư nhân.

- Ông có nói đến việc cải cách khu vực nhà nước, nhưng con số thống kê gần đây lại chỉ ra rằng, việc cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang rất chậm chạp?

Chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DNNN là chủ trương đã được đề ra từ rất lâu, bản thân Chính phủ rất cương quyết với chủ trương này. Nhưng kết quả thì ai cũng thấy là rất chậm, việc này xuất phát từ các ràng buộc về quy định, thể chế, chỉ cần vướng tại một khâu nào đó dù rất nhỏ thì quá trình cổ phần hóa hay thoái vốn ngay lập tức bị dừng lại.

Do đó, cần có sự đổi mới sáng tạo, chúng ta không được dựa vào các tiêu chuẩn, tiêu chí tuân thủ. Làm tốt không có nghĩa là làm đúng quy trình, quy định. Làm tốt phải được thể hiện kết quả có tốt hay không, nếu làm đúng quy trình, quy định mà kết quả không đạt thì vẫn không hoàn thành nhiệm vụ.

Ngược lại, có thể bỏ qua những quy trình, quy định không phải là điều cấm nhưng lại đưa đến kết quả thì khi đó phải chấp nhận thực tế này. Đây chính là tiêu chí của đổi mới sáng tạo. Nếu đưa ra tiêu chí này, tôi tin sẽ thúc đẩy và tháo gỡ được các khó khăn khi cổ phần hóa. Hay như việc chậm giải ngân vốn đầu tư công là do bị vướng “ở đâu đó” một vài quy định mà cuối cùng lại không thể vượt qua. Cho nên, theo tôi đổi mới sáng tạo là yếu tố cốt lõi đưa đến thánh công không chỉ ở khu vực nhà nước mà cả khu vực tư nhân.

- Để hướng đến một Việt Nam thịnh vượng trong tương lại thì không thể không quan tâm đến mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2020, thưa ông?

Mục tiêu tăng trưởng trong năm 2020 được Chính phủ đặt ra cũng tương đồng với mục tiêu của năm 2019. Những nguồn lực tập trung cho phát triển của năm 2020 về cơ bản vẫn được tiếp tục duy trì ổn định từ năm 2019. Như vậy, mục tiêu phấn đấu đạt được 6,8 - 7% cho năm 2020 theo tôi là mục tiêu hoàn toàn đạt được. Kết quả này sẽ giúp Việt Nam hoàn thành kế hoạch 2016 - 2020, nhưng nếu chỉ duy trì mức tăng tưởng 6,8 - 7% thì chúng ta chỉ “ổn định” ở ngưỡng nước có thu nhập trung bình, có thể nhích dần lên ở mức trung bình khá. Việc này dẫn đến khoảng cách giữa Việt Nam với các nước khác lại khó được rút ngắn.

Do đó, ngay từ năm 2020 phải đưa ra được một kịch bản tăng trưởng cao và vượt trội hơn giai đoạn chúng ta đã duy trì thời gian vừa qua.

- Việt Nam đang được một số tổ chức xếp hạng thế giới đánh giá rất cao, vậy chúng ta có thể nhìn đây như là một cơ hội để Việt Nam tạo ra bước nhảy thần kỳ không, thưa ông?

Không thể phủ nhận việc chúng ta đã có những cải cách rất lớn về môi trường đầu tư, cắt bỏ nhiều rào cản về điều kiện kinh doanh, điều này đưa đến việc xếp hạng về năng lực cạnh tranh quốc gia của chúng ta bắt đầu có sự thay đổi rất nhanh trong những năm qua. Tuy nhiên, đây chỉ là điểm khởi đầu để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhanh như nhiều nước khác trên thế giới. Nhưng vì quy mô nền kinh tế Việt Nam không lớn, cho nên mức tăng trưởng dù được nhìn nhận là nhanh nhưng vẫn chưa đủ tạo ra bứt phá.

Cho nên, Việt Nam cần tranh thủ cơ hội từ sự nhìn nhận của thế giới để huy động nhiều hơn nguồn lực từ bên trong cũng như bên ngoài, đồng thời phải tạo ra sự tăng trưởng đột phá để duy trì mức tăng trưởng cao có thể lên đến 2 con số, khi đó mới có hy vọng rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam với các nước phát triển.

- Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top