Thị trường cần nhiều thời gian để tiến tới lành mạnh, chuyên nghiệp hơn
Từ giữa năm 2022, thị trường trái phiếu bắt đầu đi xuống, nhiều doanh nghiệp không thể phát hành thêm để thu hút vốn vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong giai đoạn thị trường lao dốc, nhiều nhà đầu tư mới nhận ra rằng họ đã vội vàng khi đổ tiền mua trái phiếu thông qua sự tư vấn của nhân viên ngân hàng kèm theo mức lãi suất cam kết cao hơn gửi tiết kiệm mà chưa tìm hiểu kỹ về năng lực của doanh nghiệp.
Tháng 11/2022, Bộ Tài chính đã phát đi thông báo khẳng định, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước đã từng bước phát triển để trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp và nền kinh tế, qua đó hỗ trợ giảm áp lực lên kênh tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đã xuất hiện một số tồn tại. Đó là có doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn, lãi suất cao trong khi tình hình tài chính hạn chế. Một số tổ chức cung cấp dịch vụ không đảm bảo chất lượng dịch vụ. Một số nhà đầu tư cá nhân chỉ quan tâm đến lãi suất, không đánh giá đầy đủ đặc điểm, bản chất của trái phiếu doanh nghiệp, một bộ phận nhà đầu tư cố tình vi phạm để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Các nhà đầu tư cá nhân khi được giới thiệu mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hoặc có ý định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cần yêu cầu tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về doanh nghiệp phát hành, trái phiếu. Nhà đầu tư cần đọc, hiểu và nắm rõ các quy định này tại văn kiện trái phiếu và các bản công bố thông tin của doanh nghiệp. Đồng thời, nhà đầu tư cũng cần hết sức lưu ý về trách nhiệm và cam kết của các tổ chức cung cấp dịch vụ. Việc các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này bảo lãnh, bảo đảm cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là tổ chức cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành, rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.
Về phía doanh nghiệp phát hành, nguy cơ rủi ro cũng tiềm tàng ở một số đơn vị. Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, trong 358 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ năm ngoái, có 57 công ty kinh doanh thua lỗ trước khi phát hành, 45 đơn vị có tỷ lệ đòn bẩy nợ hơn 10 lần, 10 doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu gấp hơn 5 lần vốn chủ sở hữu. Trong nhóm 20 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lớn nhất, nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ khối lượng phát hành trên vốn chủ sở hữu gấp nhiều lần, thậm chí vài chục lần.
Trao đổi với Reatimes, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, thực tế có nhiều đơn vị hoạt động môi giới đầu tư trái phiếu chưa được cấp phép, chào bán không tuân thủ quy định, chưa xác nhận minh bạch thông tin đơn vị phát hành trái phiếu; nhân viên ngân hàng tư vấn bán trái phiếu không có giấy phép hành nghề chứng khoán.
“Thậm chí, các đơn vị tư vấn và đại lý phát hành đã tạo điều kiện để nhà đầu tư không đủ tiêu chuẩn tham gia thị trường nhằm thu hút dòng tiền. Những bất cập, vi phạm này phải được xử lý triệt để”, ông Long nói.
Trước những biến động tiêu cực trên thị trường trái phiếu, Nghị định 65/2022/NĐ-CP ban hành tháng 9/2022 đã đưa ra nhiều quy định xiết chặt với mục tiêu ổn định và lành mạnh hóa thị trường.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang phải đối diện với áp lực đáo hạn trái phiếu, theo số liệu của FiinGroup thì đã có 12 doanh nghiệp trong ngành bất động sản và năng lượng có tên trong danh sách công bố vi phạm nghĩa vụ nợ. Tổng khối lượng trái phiếu đến hạn thanh toán trong giai đoạn 2023 - 2024 vào khoảng 600 nghìn tỷ đồng. Hiện nhiều công ty phát hành đang thương lượng với khách hàng về việc chậm trả nợ lãi, gốc và đổi trái phiếu sang bất động sản hay tài sản khác.
Nhìn nhận về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, sau khi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ban hành, liên tiếp xuất hiện những khó khăn của thị trường tiền tệ và một số vụ việc xử lý hình sự đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, dẫn đến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong phát hành, cân đối nguồn lực để thanh toán trái phiếu đến hạn và huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Hiện tình hình đã có thay đổi đáng kể so với bối cảnh khi xây dựng Nghị định số 65, nên dự thảo Nghị định đã đề xuất ngưng một số quy định để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu huy động vốn, thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn cho nhà đầu tư và tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh.
“Thứ nhất, trong tình thế cấp bách thì việc gia hạn thời gian trả nợ tối đa 2 năm và hoãn áp dụng một số quy định tại Nghị định 65, trong đó có hoãn nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp là cần thiết. Nếu cho phép hoãn trả nợ, doanh nghiệp có thể vượt qua áp lực đỉnh đáo hạn trái phiếu trong năm 2023 - 2024 và dành nguồn lực đó để khôi phục hoạt động đầu tư - sản xuất - kinh doanh. Đến giai đoạn năm 2025 - 2026, doanh nghiệp có thể cơ bản giải quyết được các khó khăn về thanh khoản và cơ cấu nợ.
Thứ hai, việc lùi thời điểm nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp là hợp lý, nếu không doanh nghiệp sẽ khó tìm được nguồn đảo nợ nếu nhu cầu mua trái phiếu của nhà đầu tư cá nhân giảm.
Chúng ta có thể lo lắng nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, thiếu hiểu biết tiếp tục mua trái phiếu vì ham lãi suất cao mà không đánh giá đầy đủ rủi ro. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư cá nhân đã cảnh giác hơn nên khả năng số lượng nhà đầu tư có nhu cầu thực tế không nhiều. Nhưng việc hoãn nâng chuẩn cũng mang lại cơ hội đầu tư cho những cá nhân có năng lực tài chính và khả năng đánh giá rủi ro, từ đó tăng thêm dòng tiền chảy vào thị trường”, ông Long phân tích.
Để nâng cao chất lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, cơ quan quản lý cần thông tin, cảnh báo nhà đầu tư phải tìm hiểu kỹ trái phiếu trước khi mua và tự chịu trách nhiệm về rủi ro, đồng thời có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tự nâng cao uy tín.
“Muốn lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp không còn cách nào khác là cố gắng thanh toán trái phiếu đến hạn, minh bạch thông tin, còn phía cơ quan quản lý phải nhanh chóng xử lý dứt điểm các vụ việc lùm xùm vừa rồi để trả lại tiền cho trái chủ”, ông Long nói.
Vẫn còn những ý kiến khác nhau xung quanh Dự thảo Nghị định 65, tuy nhiên các chuyên gia nhận định không có phương án nào là an toàn tuyệt đối để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Chúng ta cần chấp nhận một số rủi ro nhất định, vì thị trường cần cả chục năm để tiến tới lành mạnh, chuyên nghiệp hơn. Trong quá trình chờ đợi những quy định mới, doanh nghiệp cũng cần nỗ lực thay đổi.
Cần lộ trình để áp dụng các quy định mới
Quy định xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp cần thực hiện càng sớm càng tốt, với một lộ trình cụ thể để minh bạch thị trường chứng khoán, trái phiếu. Mặc dù vậy, PGS.TS Ngô Trí Long đánh giá, đề xuất hoãn xếp hạng tín nhiệm đã được Bộ Tài chính cân nhắc rất kỹ.
“Chúng ta lùi cả chục năm nay rồi nhưng lại thiếu cơ chế khuyến khích doanh nghiệp thực hiện và trong tình thế hiện nay, việc hoãn xếp hạng là giải pháp khả thi nhất và chỉ 1 năm sẽ không ảnh hưởng gì đến sự phát triển lành mạnh của thị trường.
Hiện tại Việt Nam mới có 2 công ty xếp hạng tín nhiệm được cấp phép, liệu có đủ sức để xếp hạng tín nhiệm hàng loạt nếu áp dụng ngay? Cho nên, theo tôi hoãn 1 năm là thời gian để chúng ta có thêm sự chuẩn bị và sự chuẩn bị này phải đến từ hai phía. Bộ Tài chính sẽ có giải pháp thúc đẩy, tạo điều kiện để các công ty xếp hạng tín nhiệm phát triển, mở rộng hơn cả về số lượng lẫn năng lực đánh giá.
Thời gian tới, Bộ cũng sẽ thúc đẩy việc cấp phép bổ sung các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để cung ứng các dịch vụ cho thị trường. Về phía doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị những điều kiện để khi bắt đầu áp dụng là có thể tham gia ngay”, ông Long nói.
Trong thời gian hoãn xếp hạng tín nhiệm, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, để củng cố niềm tin của nhà đầu tư và tăng tính hấp dẫn của trái phiếu, doanh nghiệp có thể chủ động xếp hạng tín nhiệm hay sử dụng các dịch vụ kiểm toán, định giá tài sản để minh bạch hóa tình hình tài chính, khả năng trả nợ của mình nhằm xóa những điểm mù thông tin mà lâu nay nhà đầu tư đang mắc phải.
Đồng thời, để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xếp hạng tín nhiệm, chúng ta nên có ưu đãi nhất định đối với doanh nghiệp đã xếp hạng tín nhiệm, như cho phép phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư không chuyên nghiệp ở hạn mức cao hơn
Ngoài ra, PGS.TS Ngô Trí Long lưu ý, trong tình thế cấp bách, thị trường trái phiếu cũng cần thêm những giải pháp khác: “Để tháo gỡ kịp thời và phát huy hiệu quả, nên có cơ quan chuyên môn đánh giá từng doanh nghiệp sắp sửa đến hạn thanh toán trái phiếu mà chưa cân đối được dòng tiền trả nợ. Với các dự án đang sử dụng trái phiếu nếu khả thi về mặt pháp lý nên cho các công ty mua bán nợ của Ngân hàng Nhà nước hoặc Bộ Tài chính tiếp cận, đánh giá tài sản và có hình thức xử lý triệt để. Tuy nhiên, đây chưa phải là giải pháp căn bản và lâu dài, khi nguồn lực tài chính của các công ty mua bán nợ cũng đang hạn chế, cơ quan chức năng cần nghiên cứu khả năng chứng khoán hoá nợ xấu”.
Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ đề xuất ngưng thực hiện tại dự thảo Nghị định như sau:
Đối với quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân: Ngưng thực hiện đến hết ngày 31/12/2023 đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân; từ ngày 01/1/2024 sẽ tiếp tục thực hiện các quy định này.
Đối với quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc: Ngưng thực hiện quy định về bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đến hết ngày 31/12/2023; từ ngày 01/1/2024 sẽ thực hiện quy định này.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp chào bán ra công chúng, vẫn thực hiện theo lộ trình tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, phải xếp hạng tín nhiệm từ ngày 01/1/2023.