Aa

TS. Đinh Thế Hiển: “Nếu doanh nghiệp phá sản thì các trái chủ sẽ thiệt hại rất lớn“

Thứ Ba, 14/02/2023 - 06:12

"Việc lùi lại thời hạn xếp hạng tín nhiệm trong vòng một năm sẽ không làm giảm chất lượng của trái phiếu trong giai đoạn này", TS. Đinh Thế Hiển nêu quan điểm.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn khi khối lượng phát hành trái phiếu mới sụt giảm, cầu đầu tư giảm mạnh, đồng thời khối lượng mua lại trước hạn tăng và có hiện tượng nhà đầu tư bán lại trái phiếu. Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam các doanh nghiệp đang phải đối mặt với khối lượng trái phiếu đáo hạn rất lớn ngay trong 2023 với khoảng 300 nghìn tỷ đồng, trong đó nhóm trái phiếu bất động sản khoảng 119 nghìn tỷ đồng.

Trong bối cảnh ấy, việc nới lỏng những quy định chặt chẽ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết vấn đề khó khăn trước mắt về thanh khoản của nền kinh tế và doanh nghiệp. Đồng thời, để thị trường và doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh, cân đối dòng tiền phục vụ sản xuất kinh doanh. Song, bên cạnh những lạc quan, cũng có không ít lo lắng, liệu những nới lỏng này có khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục phát triển chệch hướng?

Chia sẻ với Reatimes, Chuyên gia kinh tế - TS. Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng ủng hộ phương án lùi thời hạn siết chặt quy định phát hành trái phiếu riêng lẻ và lùi thời hạn xếp hạnh tín nhiệm doanh nghiệp đã nêu tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP.

Những nới lỏng cần thiết 

PV: Bộ Tài chính đã có tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Ông có nhận xét gì về những quy định nới lỏng mà Bộ Tài chính đề xuất?

TS. Đinh Thế Hiển: Đây là những điểm tháo gỡ rất quan trọng, bởi thời gian qua Nghị định 65 thắt chặt khiến doanh nghiệp khó đáp ứng các yêu cầu về xếp hạng tín nhiệm, về tài sản bảo đảm để phát hành trái phiếu. Nếu Nghị định này không chỉnh sửa kịp thời thì trong năm nay, các doanh nghiệp sẽ rất khó phát hành trái phiếu đảo nợ.

Trong khi đó, thanh khoản của nền kinh tế bị hạn chế, đặc biệt người dân đang có xu hướng rút tiền khỏi các kênh đầu tư và quay trở lại kênh tiết kiệm. Trước những diễn biến đó, thanh khoản và khả năng huy động vốn của doanh nghiệp lại càng giảm mạnh.

Đặc biệt, đa số doanh nghiệp bất động sản đều gặp áp lực đáo hạn khi số vốn mà họ có được nhờ phát hành trái phiếu lại nằm trong các dự án bất động sản đang triển khai và các sản phẩm chưa bán ra được để thu hồi trả nợ. Vì vậy việc Bộ Tài chính cho phép gia hạn nợ trái phiếu tối đa 2 năm sẽ tạo ra độ giãn để các nhà phát hành, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng và công ty chứng khoán có thêm thời gian xử lý.

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế. Ảnh: Kinh tế đô thị

Bên cạnh đó, hiện nay có nhiều nhà đầu tư dưới chuẩn đang mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Nếu theo quy định mới, họ sẽ không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Chính vì vậy, đề xuất lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ chuẩn bị cho việc giãn nợ của doanh nghiệp và tạo điều kiện để những nhà đầu tư dưới chuẩn tiếp tục được mua trái phiếu mới, qua đó doanh nghiệp có thêm nguồn lực để đảo nợ.

Liên quan đến những nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, Bộ Tài chính nên có quy định về việc ưu tiên thanh toán cho những nhà đầu tư có đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ 300 đến 500 triệu đồng vì đây hầu hết là những người hưu trí, làm công ăn lương do lầm tưởng về trái phiếu doanh nghiệp mà đầu tư. Lần này, Bộ Tài chính bổ sung trường hợp đối với các nhà đầu tư không chấp thuận đàm phán thay đổi điều kiện, điều khoản trái phiếu thì doanh nghiệp phải thanh toán gốc, lãi trái phiếu đúng hạn cho nhà đầu tư.

Nhưng có lẽ, chúng ta nên xem đây là một sự định hướng, nhằm đề cao quyền lợi của trái chủ và trách nhiệm của nhà đầu tư. Còn nếu đây là quy định bắt buộc thì sẽ khó khả thi. Giả sử, một doanh nghiệp bất động sản đang trong giai đoạn đầu tư sản phẩm, tức là triển khai dự án, họ sẽ cần thời gian để hoàn thiện pháp lý hoặc thị trường chưa có thanh khoản, cần vài tháng thậm chí 1-2 năm để phục hồi, thì dù bắt buộc họ cũng không có tiền trả. Trong quá khứ, có những tập đoàn Nhà nước rơi vào khó khăn, ảnh hưởng đến việc thanh toán nợ trái phiếu thì nhà đầu tư buộc phải có những phương án thỏa hiệp, gia hạn nợ để xử lý.

Thực tế, các giao dịch trái phiếu đều theo cơ chế thị trường, cơ chế thỏa thuận đầu tư. Người ta xếp trái phiếu vào một dạng đầu tư đầu tư, chứ không phải gửi tiết kiệm, nghĩa là có rủi ro, “lời ăn, lỗ chịu” và nên cùng chia sẻ với doanh nghiệp. Nếu không trái chủ nào chấp nhận hoãn nợ liệu doanh nghiệp có đủ tiền để trả?

PV: Nếu nội dung này được thông qua thì sẽ có sự tác động đáng kể thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi, thưa ông?

TS. Đinh Thế Hiển: Chúng ta không nên kỳ vọng rằng ngay trong năm 2023, thị trường trái phiếu sẽ phục hồi, mà phải nói là sẽ phục hồi thời điểm nào. Như năm 2021, thị trường trái phiếu phát triển rất tốt trong dịch Covid, nhưng đó là sự thành công ảo. Trong khi đó, những năm 2017-2019, thị trường bất động sản tốt nhưng lượng trái phiếu phát hành bình quân mỗi năm chỉ khoảng 220.000 tỷ đồng.

Khi những quy định này được thông qua sẽ hỗ trợ phần nào cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhưng chúng ta cũng thấy rằng, uy tín hay sức hút của trái phiếu đều gắn với thị trường. Ví dụ khi thị trường bất động sản đang tốt, nhà đầu tư sẽ mua trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản bởi vì người ta tin rằng các doanh nghiệp này sẽ phát triển tốt và ngược lại. Như vậy, điều kiện cần để thị trường trái phiếu hồi phục là sự quản lý của Nhà nước, thông qua các quy định rõ ràng và sát thực để việc phát hành trái phiếu đúng pháp luật và nhu cầu thực; điều kiện đủ là các thị trường liên quan phải có sự phục hồi để nhà đầu tư tin rằng doanh nghiệp sẽ đủ khả năng trả nợ.

Nới lỏng các quy định có để lại nỗi lo?

PV:Theo ông, nếu lùi xếp hạng tín nhiệm với doanh nghiệp phát hành trái phiếu thì có ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường và niềm tin của nhà đầu tư?

TS. Đinh Thế Hiển: Xếp hạng tín nhiệm là điều kiện cần nhưng không phải là điều kiện quyết định trong việc nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp. Đối với tình hình Việt Nam hiện tại, đó chỉ là giải pháp tham khảo. Không phải ngẫu nhiên trên thế giới chỉ có ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn được nhắc tới là Standard & Poor's (S&P), Moody's và Fitch Group. Nền tảng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam còn mỏng, để bảo đảm uy tín của trái phiếu cần thêm những yếu tố khác.

Tất nhiên về lâu dài, chúng ta phải tính đến việc xếp hạng tín nhiệm, nhưng theo tôi việc Bộ Tài chính cho phép sửa đổi Nghị định 65 theo hướng lùi lại thời hạn xếp hạng tín nhiệm trong vòng một năm sẽ không làm giảm chất lượng của trái phiếu trong giai đoạn này. Nếu thực sự việc xếp hạng tín nhiệm làm cho nhà đầu tư tin tưởng rồi cho rằng công ty đã được xếp hạng là yên tâm, đôi khi sẽ vô tình khiến họ nhắm mắt mua trái phiếu, dẫn đến “lợi bất cập hại”.

Thành ra, chúng ta cần phải nhấn mạnh, việc lùi xếp hạng tín nhiệm trong giai đoạn này không ảnh hưởng gì đến giá trị của trái phiếu. Nhà đầu tư không nên kỳ vọng quá vào việc xếp hạng tín nhiệm sẽ bảo đảm cho giá trị trái phiếu của doanh nghiệp mà nên tập trung phân tích hai chủ thể doanh nghiệp phát hành và đơn vị bảo lãnh phát hành để xác định trái phiếu đáng đầu tư. Nguyên tắc là đơn vị phát hành càng uy tín, càng được cổ đông đánh giá cao thì càng tăng giá trị cho trái phiếu. Đồng thời, đơn vị bảo lãnh phát hành càng là tổ chức lớn, có kinh nghiệm và uy tín, thì càng tăng độ an toàn của trái phiếu. Bởi nếu là đơn vị bảo lãnh uy tín thì ít khi chọn bảo lãnh phát hành cho những công ty không có tiềm lực. Nhà đầu tư không nên kỳ vọng quá vào việc xếp hạng tín nhiệm sẽ bảo đảm cho giá trị trái phiếu của doanh nghiệp mà nên lưu ý hai yếu tố trên.

Còn hiện tại, nhà đầu tư có sẵn sàng trở lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp hay không thì không chỉ cần có niềm tin, mà còn dựa vào dòng tiền. Nhiều trái phiếu không phát hành được trong giai đoạn này không chỉ vì thị trường thiếu niềm tin mà còn do những nhà đầu tư tiềm lực lớn, mua trái phiếu lâu dài đều đang “kẹt” vốn.

Nhà đầu tư nên tập trung phân tích hai chủ thể doanh nghiệp phát hành và đơn vị bảo lãnh phát hành để xác định trái phiếu đáng đầu tư. Ảnh minh họa: plo.vn

PV: Vâng thưa ông, ngoài ra cũng có lo ngại, nếu cho phép gia hạn nợ thì trong tương lai, chúng ta sẽ phải giải quyết nhiều trách nhiệm hơn, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

TS. Đinh Thế Hiển: Từ chối gia hạn nợ không phải là phương án tốt nhất và duy nhất. Việc xử lý nợ, đặc biệt là xử lý nợ ở quy mô lớn không chỉ là vấn đề về ý chí và pháp lý, mà quan trọng là nhận định về phương án tháo gỡ. Không chỉ riêng Việt Nam, ngay cả các nước phát triển, nơi có những phương án xử lý nợ đa dạng trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, trong đó có việc doanh nghiệp thỏa thuận với trái chủ để tìm phương án hợp lý nhất.

Bởi nếu không gia hạn, doanh nghiệp sẽ không đủ thời gian sắp xếp sản xuất, kinh doanh, thực hiện dự án, bán hàng để có nguồn thu nhằm trả nợ. Nếu doanh nghiệp phá sản thì các trái chủ sẽ thiệt hại rất lớn. Nói như thế không phải để chúng ta ủng hộ vấn đề gia hạn nợ, nhưng cũng phải nhìn nhận để thấy, tùy từng doanh nghiệp, từng trường hợp sẽ có phương án xử lý trái phiếu đáo hạn rất khác nhau, linh hoạt và nhận được sự chia sẻ của các trái chủ.

Trở lại vấn đề, việc nới lỏng các quy định như hoãn nợ có để lại nỗi lo trong tương lai hay không? Tôi phải đặt vấn đề ngược lại, nếu không hoãn nợ thì doanh nghiệp liệu có đủ không gian và thời gian ổn định lại sản xuất, kinh doanh, xây dựng dự án, chuẩn bị sản phẩm, bán hàng không? Nếu không gia hạn thì tương lai cũng vậy thôi, thậm chí khó khăn hơn, cho nên nỗi lo ở tương lai có thể đúng về mặt lý thuyết nhưng lại chưa phù hợp với thực tế, chưa tham khảo các phương án xử lý nợ trái phiếu trong những giai đoạn khó khăn mà các quốc gia trên thế giới đã áp dụng.

PV: Trân trọng cảm ơn TS. Đinh Thế Hiển!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top