Aa

PGS.TS. Trần Đình Thiên: "Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cần có những giải pháp khác thường"

Thứ Tư, 09/08/2023 - 11:00

PGS.TS. Trần Đình Thiên khuyến nghị: “Phải quán triệt được tình huống khó khăn, tình thế bất thường thì cách tiếp cận, giải pháp phải khác thường”.

Phát biểu tại Hội nghị gỡ khó cho bất động sản, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho biết, việc Chính phủ tập trung cao độ cho thị trường bất động sản Việt Nam thời điểm hiện nay chính là bước đi, tầm nhìn rất lớn và rất cơ bản. Hội nghị cũng phản ánh đúng tinh thần như thế. Cách ban hành các nghị quyết và chính sách, giải pháp của Chính phủ đều dựa theo tinh thần là hoàn cảnh bất thường thì giải pháp và cách làm cũng phải khác thường.

Cũng theo ông Thiên, thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành loạt giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp không theo như logic thông thường. Chỉ có cách làm đó mới thoát khỏi được tình trạng khó khăn như hiện tại. Nếu như chúng ta vẫn đưa ra những giải pháp bình thường thì không thể nào tháo gỡ được. Chính vì thế, điều mà ông Thiên khuyến nghị đầu tiên chính là phải quán triệt được tình huống khó khăn, tình thế bất thường thì cách tiếp cận và các giải pháp cần phải khác thường. 

PGS.TS. Trần Đình Thiên. Nguồn ảnh: Vnbusiness

Ông Thiên nhấn mạnh: “Chúng ta đang ở thời điểm có nhiều chính sách tốt, tập trung, tuy nhiên thực thi chính sách là không dễ. Cái khác thường làm cho tư duy thực thi chính sách hiện nay đã bị cản trở, không dám làm. Một khi đưa ra những nghị quyết mới, giải pháp mới thì phải đi liền với cam kết về trách nhiệm, cam kết về việc bảo đảm cho việc thực thi chính sách tốt mới có thể đẩy nhanh lên được”. 

PGS.TS. Trần Đình Thiên cũng có chỉ ra tình thế hiện nay đang khó cho nên như Thủ tướng có nói là rất đúng: Không thể trông chờ vào một giải pháp dễ dàng, nhanh chóng mà phải kiên trì, biết khó để nỗ lực. Tình hình kinh tế - xã hội cơ bản trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn. Và bức tranh doanh nghiệp, hoạt động bất động sản cũng như lòng tin vẫn còn khó. Chính vì thế, việc tập trung gỡ khó cho vấn đề này chính là sứ mệnh của Chính phủ mà như cách đặt vấn đề của Thủ tướng chính là tập trung toàn tâm, toàn ý cho doanh nghiệp. 

Nguồn ảnh: Tài nguyên và Môi trường

Tình thế bất thường thì cách tiếp cận phải khác thường

Có một cái khó nữa là những giải pháp thường sẽ chú trọng về phía cung, trong khi đó thị trường bất động sản hiện nay khó cả về cung lẫn cầu. Phần lớn các giải pháp tập trung gỡ cho doanh nghiệp là rất đúng bởi vì đó là gỡ mấu chốt của vấn đề có liên quan đến cả một hệ thống, đặc biệt vẫn là hệ thống ngân hàng đang chịu ảnh hưởng khá nặng nề. Tuy nhiên, rõ ràng đứng trên lập trường phát triển đầy đủ thì chúng ta cũng thấy được rằng, cầu về bất động sản hiện nay trì trệ, có khả năng tiếp tục trì trệ. 

Trong những phân tích gần đây về tổng cầu chưa thấy điểm gì sáng, như việc làm và tốc độ tăng trưởng đang có sự cải thiện còn chậm, đầu tư công vẫn chậm... Cũng cần phải phân tích đầy đủ nhu cầu cho thị trường bất động sản để có được cách tiếp cận về cầu. Nếu như không thì chúng ta đầu tư, xây dựng xong lại để đó và không có thị trường tiêu thụ. Điểm này chính là điểm đang mất cân đối, rất yếu về khía cạnh chính sách. 

Cũng từ đó, PGS.TS Trần Đình Thiên đề xuất giải pháp, cụ thể:

Đầu tiên, về thủ tục pháp lý thì vẫn phải theo tình thần tình thế bất thường cần có giải pháp khác thường. Chúng ta cũng cần phải vượt qua được tư duy sợ hãi thông thường. Điển hình như hiện nay, bất động sản tồn kho tăng. Có nhiều dự án tốt nhưng còn đang mắc, chưa đến thị trường thì xử lý như thế nào? Nhà nước có mua lại những dự án đó không để bảo đảm được lòng tin cho cả phía doanh nghiệp lẫn người mua? PGS.TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, những giải pháp này là cơ bản để gỡ cho các dự án tốt, lớn nhưng lại đang tắc”. 

Thứ hai, ông ủng hộ ý kiến của GS. Hoàng Văn Cường, Tập đoàn Hưng Thịnh về phương pháp thặng dư để có thể định giá đất. Tư duy này chính là logic của nền kinh tế thị trường.

Nguồn ảnh: Thanh niên

Xét về thủ tục triển khai các dự án, dự án nào nằm trong quy hoạch thì không cần phải qua các bước xin chủ trương, quy chế triển khai cũng như xin cấp phép bởi vì quy hoạch chính là Nhà nước đã cho phép rồi, nếu không thì sẽ mất thời gian vài ba năm quy trình. Đối với dự án mắc một phần mà lại ngưng toàn bộ dự án lại khiến cho nhiều dự án tốt, nhiều doanh nghiệp tốt khổ sở vì khó tiếp cận vốn. 

Còn về chính sách nhà ở công nhân, nhà ở xã hội thì PGS.TS. Trần Đình Thiên có 2 ý kiến rằng: Nhu cầu của các địa phương về nhà ở xã hội, về nhà ở công nhân là khác nhau; điều kiện cũng như năng lực, áp lực thực thi chính sách ở các địa phương là khác nhau cho nên chúng ta cần phải có chính sách đảm bảo cho các địa phương có quyền chủ động chính sách nhiều hơn chứ không nên có chính sách giống nhau khiến cho các địa phương không có quyền chủ động. 

Thứ ba đó là ở thời điểm hiện nay, liệu rằng chúng ta làm nhà ở xã hội theo nghĩa thương mại thì cần có một gói kích cầu như trước đây hay không? Ai sẽ mua khi thu nhập của người lao động hiện nay đang suy giảm. 

Cuối cùng chính là để đảm bảo điều kiện doanh nghiệp, cả về phía cung lẫn cầu thì nên có những quỹ bảo lãnh cho vay, nếu như không thì khó lòng bảo đảm rủi ro cho ngân hàng. Và thị trường cũng đang cần Nhà nước tung ra những hỗ trợ mạnh hơn để vực dậy thị trường bất động sản. 

PGS.TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh rằng: “Tôi tin rằng những Hội nghị như thế này sẽ tạo ra cảm hứng, từ đó tạo ra lòng tin mạnh cho xã hội. Nhờ đó tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khiến cho 2 bên cung cầu gặp nhau, sẽ tạo ra kết quả tích cực”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top