TS. Nguyễn Đức Độ: “Có thể nền kinh tế đã chạm đáy và bắt đầu phục hồi”
Theo nhận định của TS. Nguyễn Đức Độ, hiện đang có tâm lý chờ “bắt đáy” lãi suất trên thị trường. Chuyên gia dự báo lạm phát năm nay sẽ ở mức khoảng 2,5%, do đó, lãi suất hiện tại vẫn khá cao. Chúng ta còn dư địa để hạ khoảng 2% lãi suất cho vay nữa nhằm “trợ thở” cho doanh nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế phục hồi từng bước trong 6 tháng cuối năm.
***
“Nền kinh tế không thanh khoản được, bây giờ đầu tư công còn triệu tỷ trong ngân hàng, các khoản của ngân sách còn triệu tỷ không ra được, nền kinh tế thì thiếu tiền, cung tiền M2 thiếu, lạm phát thấp, lãi suất cao, toàn những nghịch lý cả”, đó là phát biểu đầy trăn trở của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên chất vấn, kỳ họp Quốc hội vừa qua về thực trạng nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2023 được Tổng cục Thống kê công bố mới đây càng cho thấy rõ, nước ta đang đối diện với thách thức, khó khăn nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Tổng cầu thế giới và trong nước suy yếu, những lĩnh vực có vai trò quan trọng trong nền kinh tế như xuất khẩu, bất động sản đều suy giảm đáng kể.
Trước thực tế đó, để cung cấp một góc nhìn về nền kinh tế 6 tháng đầu năm và dự báo triển vọng cuối năm 2023, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính.
TÂM LÝ "CHỜ ĐỢI" BAO TRÙM NỀN KINH TẾ
PV: Thưa ông, sau khi Tổng cục Thống kê công bố GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,72%, thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Theo đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5%, thì trong hai quý còn lại của năm, tốc độ tăng trưởng phải đạt ở mức rất cao, lên tới 8 - 9%. Từ kịch bản này, ông đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam?
TS. Nguyễn Đức Độ: Theo quan điểm của tôi, mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% sẽ rất khó đạt được, bởi nhìn chung chúng ta còn đối diện với nhiều thách thức.
Thứ nhất, tổng cầu của kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại. Một số nước châu Âu cũng đã rơi vào suy thoái kỹ thuật, tức là 2 quý tăng trưởng âm. Trong khi đó, dù Mỹ vẫn đang tăng trưởng khá tốt, thị trường lao động tăng trưởng khá mạnh nhưng tình hình lãi suất cao cũng đe dọa đến khả năng suy thoái. Hiện tại, không thể dự báo chính xác suy thoái sẽ xảy ra vào lúc nào, có thể là cuối năm nay, nhưng cũng không loại trừ vào đầu năm sau. Tuy nhiên, nhìn chung nguy cơ suy thoái trong khoảng 1 năm tới là khá cao. Vì thế, nhiều khả năng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn.
Thứ hai, thị trường bất động sản Việt Nam cũng đang khó khăn và gần như đóng băng, dẫn đến những ngành nghề liên quan như xây dựng, sản xuất nguyên vật liệu, nội thất… cũng bị ảnh hưởng. Do đó, tổng cầu của nền kinh tế còn yếu.
Thứ ba, do trong hơn 2 năm Covid-19, người dân đã phải trích nguồn dự trữ của mình ra để tiêu dùng khá nhiều, dẫn đến xu hướng hiện nay họ phải tiết kiệm, giảm chi tiêu, nên cầu tiêu dùng không mạnh.
Ba nguyên nhân chính này khiến kinh tế trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng khá thấp.
Cụ thể, chúng ta thấy rằng triển vọng của thị trường xuất khẩu không hề khả quan khi 6 tháng đầu năm giảm 12,1%. Tất nhiên, điều này còn có nguyên nhân là do năm ngoái tăng trưởng khá mạnh. Bên cạnh đó, các nước sau Covid-19 có một giai đoạn gọi là bùng nổ tiêu dùng, thế nhưng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi sau đó người ta bắt đầu giảm tiêu dùng. Vì tốc độ tăng trưởng tiêu dùng chậm lại nên đã ảnh hưởng đến xuất khẩu.
Thị trường bất động sản hiện khó nhiều bề. Thứ nhất, do nhiều doanh nghiệp bất động sản có hệ số đòn bẩy tài chính khá cao, nên hiện tại đều gặp khó khăn trong việc trả nợ. Trước đây, doanh nghiệp bất động sản tập trung nhiều vào phân khúc cao cấp, tuy nhiên đến nay thị trường chững lại, nhu cầu về bất động sản giảm, bán hàng khó, lãi suất lại cao, cho nên áp lực trả nợ của doanh nghiệp bất động sản là rất lớn.
Thứ hai, có thể là do giá bất động sản vẫn chưa xuống đáy nên người dân vẫn đang trong tâm lý chờ đợi. Nếu bất động sản được chiết khấu giá nhiều hơn thì sẽ thúc đẩy nhu cầu trong tương lai, thế nhưng thanh khoản tích cực cũng chỉ diễn ra ở một số phân khúc nhất định và cần có khoảng thời gian đủ để phục hồi.
Như vậy, thị trường bất động sản cũng như thị trường xuất khẩu đều gặp khó khăn.
Về chính sách, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nỗ lực điều hành giảm lãi suất, thế nhưng mức giảm chưa đạt được như kỳ vọng. Vì thế, nhiều người dân hay doanh nghiệp dù muốn vay vốn nhưng vẫn đang trong tâm lý chờ đợi lãi suất giảm thêm rồi mới vay.
Ngoài ra, nội lực của doanh nghiệp suy yếu nên nợ xấu cũng tăng. Các ngân hàng lo ngại nợ xấu nên hạn chế cho vay. Tổng cầu yếu, không bán được hàng, đơn hàng kém thì nhiều doanh nghiệp cũng ngại vay vốn. Tất cả những điều đó làm tăng trưởng cung tiền tín dụng trong 6 tháng đầu năm kém.
Về giải ngân đầu tư công, dù nỗ lực nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Cán bộ các cấp còn sợ trách nhiệm, có những vấn đề còn cứng nhắc nên tốc độ và chất lượng triển khai các dự án chưa thực sự khả quan.
PV: Bên cạnh những khó khăn, thách thức trên, tình hình kinh tế nước ta có điểm sáng nào không, thưa ông?
TS. Nguyễn Đức Độ: Nhìn chung, dùng từ “điểm sáng” cũng hơi khiên cưỡng. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, so với tốc độ tăng trưởng quý I là 3,32% thì quý II đã tăng lên 4,14%, trung bình của 6 tháng đầu năm là 3,72%.
Điều đó cho thấy, có thể nền kinh tế cũng đã chạm đáy và bắt đầu phục hồi. Thế nhưng, tốc độ phục hồi còn chậm.
Chúng ta có thể hy vọng mọi thứ sẽ tốt lên, nhưng ở mức độ vừa phải và sẽ chưa có những đột biến nếu không có những bước tiến trong giải ngân vốn đầu tư công, chính sách tiền tệ, xuất khẩu, cầu tiêu dùng trong nước, thị trường bất động sản...
CẤP BÁCH TIẾP TỤC HẠ LÃI SUẤT CHO VAY
PV: Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất điều hành nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp. Đến 20/6/2023, tăng trưởng tín dụng đạt 3,13%, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ 2022 (8,51%) và so với nhiều năm là rất thấp. Tình trạng này tiếp tục kéo dài từ quý I sang quý II. Đây có phải là một nghịch lý không, thưa chuyên gia?
TS. Nguyễn Đức Độ: Cũng có thể gọi đây là nghịch lý. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng trên thực tế có nhiều nguyên nhân và yếu tố tác động đến.
Thứ nhất, nó phụ thuộc vào cầu tín dụng. Năm ngoái, giai đoạn phục hồi, cầu tín dụng lớn. Năm nay ở giai đoạn suy thoái, đơn hàng giảm, nhất là với doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp bất động sản, dẫn đến cầu tín dụng không cao.
Thứ hai, nhu cầu vay của doanh nghiệp bất động sản rất lớn, nhưng tình trạng nợ xấu của họ lại ở mức báo động, thế nên các ngân hàng cũng lo ngại trong việc cho vay.
Bên cạnh đó, nếu không nhanh chóng giải quyết được vấn đề pháp lý dự án thì ngân hàng cũng khó có thể cho doanh nghiệp bất động sản vay. Pháp lý là vấn đề nan giải, bởi nhiều khi không chỉ một quy định mà các quy định từ bộ luật này đến bộ luật khác có sự chồng chéo, nên sửa luật này rồi còn phải sửa cả luật khác, việc này cũng sẽ khá tốn thời gian.
Thứ ba, như đã nêu trên, mức hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước chưa “gặp được” đúng kỳ vọng của thị trường, dẫn đến có tâm lý chờ “bắt đáy” lãi suất.
Tôi cho đó là 3 nguyên nhân chính của việc tín dụng tiếp tục tăng trưởng thấp, mặc dù Ngân hàng Nhà nước vẫn đang hạ lãi suất.
Trên thực tế, từ giảm lãi suất điều hành đến có thể giảm lãi suất cho vay thường có độ trễ, tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, việc hạ lãi suất cũng cần thiết phải được đẩy nhanh. Đó là yêu cầu cấp bách, bởi mức lãi suất hiện tại vẫn khá cao nếu so với mức lạm phát.
Năm ngoái, do lạm phát, tỷ giá, ngân hàng phải nâng lãi suất lên. Đến hiện tại, áp lực lạm phát không còn lớn nữa. Theo chúng tôi dự báo, lạm phát năm nay chỉ ở mức khoảng 2,5%. Chúng ta thấy mức lãi suất thực cho vay trung bình của cả giai đoạn 2013 - 2021 vào khoảng 4,6%. Nếu lấy 4,6 cộng 2,5 bằng 7,1%, đó là lãi suất cho vay danh nghĩa trung bình.
Cần thiết là như thế, nhưng hiện tại, mức lãi suất cho vay trung bình đang ở khoảng 8,9%, chúng ta sẽ phải hạ khoảng 2% nữa để về mức trung bình của giai đoạn 2013 - 2021.
PV: Dự báo lạm phát thế giới sẽ tiếp tục dai dẳng, môi trường lãi suất cao sẽ kéo dài, trong khi chúng ta đang từng bước nới lỏng tiền tệ trong bối cảnh kiểm soát được lạm phát. Điều này liệu có gây ảnh hưởng gì đến nền kinh tế nước ta không?
TS. Nguyễn Đức Độ: Tác động này có rất nhiều chiều. Hiện tại, lạm phát ở các nước phát triển như Mỹ vẫn đang ở mức cao và họ cũng giữ lãi suất chính sách ở mức cao, chẳng hạn như FED hiện giữ mức trên 5%. Lãi suất cao như vậy gây ra một số tác động:
Thứ nhất, nó có thể khiến kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại và ảnh hưởng đến cầu xuất khẩu của mình.
Thứ hai, khi lãi suất Mỹ cao, mà Việt Nam hạ mạnh lãi suất sẽ dẫn đến sự chênh lệch giữa lãi suất của Mỹ và Việt Nam, có thể ảnh hưởng đến nguy cơ rút vốn ra khỏi Việt Nam, tác động đến tỷ giá và làm VND mất giá so với USD.
Nhìn từ góc độ lý thuyết là như vậy, tuy nhiên trên thực tế, nhiều khi tác động của lãi suất đến tỷ giá rất phức tạp, không phải cứ chênh lệch lãi suất lớn sẽ dẫn đến mất giá, bởi nó còn phụ thuộc vào cung - cầu, phụ thuộc vào kỳ vọng của thị trường, và cũng phải xem xét ở góc độ lãi suất thực.
Ở Mỹ, lãi suất cao nhưng lạm phát cũng cao nên lãi suất thực của Mỹ không cao hơn so với Việt Nam. Ở Việt Nam, lãi suất thấp hơn nhưng lạm phát cũng thấp hơn nên lãi suất thực của Việt Nam không phải thấp. Cho nên nguy cơ rút vốn cũng không phải quá lớn.
Tỷ giá còn phụ thuộc vào kỳ vọng. Hiện tại đồng USD đang trong xu hướng giảm giá mặc dù FED vẫn tăng lãi suất, là bởi họ kỳ vọng chu kỳ thắt chặt tiền tệ của FED sẽ bước vào giai đoạn cuối.
Hơn nữa chúng ta thấy, hiện tại lạm phát ở Mỹ thấp hơn ở châu Âu. Và lãi suất ở châu Âu thấp hơn lãi suất ở Mỹ. Vì thế để kiềm chế lạm phát, có thể châu Âu sẽ tăng mạnh lãi suất hơn so với Mỹ. Điều này dẫn đến có thể đồng EUR sẽ lên giá so với đồng USD, và như vậy thì chỉ số USD index cũng chưa chắc đã tăng cho dù FED có tăng lãi suất. Đồng USD mà không tăng giá mạnh thì áp lực đối với tỷ giá của Việt Nam cũng không cao.
Một yếu tố khác là Việt Nam hiện nay xuất siêu khá lớn, 6 tháng đầu năm xuất siêu 12,25 tỷ USD. Nguồn ngoại tệ này có thể đủ để không những cân bằng cung cầu mà Ngân hàng Nhà nước còn có thể can thiệp vào thị trường ngoại hối để giữ tỷ giá ổn định.
Do đó, trong việc hạ lãi suất cũng có một số khó khăn, nhưng tôi tin là chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua được những khó khăn đó. Về chênh lệch lãi suất hay về xu hướng của đồng USD, tôi cho rằng không quá lo ngại. Chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được để tiếp tục con đường hạ lãi suất, hỗ trợ cho doanh nghiệp.
DOANH NGHIỆP MUỐN DỄ DÀNG VAY VỐN, CẦN KINH DOANH MINH BẠCH
PV: Vấn đề tỷ giá hiện nay có ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng như thế nào, thưa chuyên gia?
TS. Nguyễn Đức Độ: Tỷ giá có ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Nếu chúng ta để VND mất giá mạnh, chi phí nhập khẩu sẽ lớn hơn. Tuy nhiên, hiện nay trong nhập khẩu của Việt Nam có một phần rất lớn là nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ cho quá trình xuất khẩu. Tức là chúng ta nhập hàng hóa vào, gia công rồi lại xuất sản phẩm đi. Cho nên tỷ giá ảnh hướng đến xuất khẩu cũng không quá lớn. Chúng ta nhập giá đắt hơn, thì giá bán ra cũng đắt hơn.
Điều này có thể ảnh hưởng đến sức tiêu thụ, tuy nhiên trong ngắn hạn, chúng ta biết là nếu tỷ giá tăng lên, doanh thu bằng VND của các doanh nghiệp xuất khẩu cũng tăng theo. Chẳng hạn, trước đây bán 1 USD chỉ được 23.500 đồng, nhưng bây giờ bán 1 USD thu về 24.000 đồng. Trong khi nếu chi phí về lao động chưa tăng mạnh thì lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ cao hơn một chút. Nhưng có lẽ phần này cũng không quá lớn.
Phần lớn chi phí đầu vào của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hiện tại vẫn là chi phí nguyên vật liệu, nên tỷ giá tăng thì chi phí nguyên vật liệu cũng sẽ tăng theo. Doanh nghiệp xuất khẩu một số lĩnh vực như nông sản sẽ rất lợi vì chi phí của họ hoàn toàn ở trong nước; còn với một số doanh nghiệp khác phải nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện nhiều như doanh nghiệp điện tử thì sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn.
Đối với doanh nghiệp bất động sản, chi phí chủ yếu có lẽ là chi phí vay vốn hiện tại đang cao. Không ít doanh nghiệp vay vốn gấp 3 - 4 lần, thậm chí 5 - 7 lần vốn chủ sở hữu. Hiện giờ lãi suất tăng cao nên áp lực trả nợ rất lớn, trong khi đó lại khó bán hàng. Mà những nguồn vốn khác không huy động được, nguồn trái phiếu doanh nghiệp gần như bị cắt, doanh nghiệp bất động sản chịu ảnh hưởng không nhỏ. Vì thế, giảm lãi suất để giúp doanh nghiệp “dễ thở” hơn trong việc trả nợ là rất cần thiết.
PV: Ngân hàng Nhà nước cho biết, khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế của ngành ngân hàng đầy đủ và sẵn sàng. Tuy nhiên, vấn đề hấp thụ vốn chậm bởi cả tính khách quan và chủ quan của ngân hàng và doanh nghiệp.
Trong khi đó, sức chống chịu của doanh nghiệp tới hạn, số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể tiếp tục tăng trong quý II. Từ những thực tế có phần mâu thuẫn này, chúng ta thấy gì và cần có hành động như thế nào để cải thiện tình hình?
TS. Nguyễn Đức Độ: Đầu tiên, các ngân hàng thương mại cũng là đơn vị kinh doanh. Ngân hàng dùng tiền gửi của người dân để cho vay, vì thế một trong những trách nhiệm của họ là phải đảm bảo thu hồi được vốn. Muốn thu hồi được vốn, các doanh nghiệp phải có những dự án khả thi. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, các dự án khả thi ấy ít hơn.
Thứ hai, bên cạnh những dự án khả thi, doanh nghiệp phải công khai, minh bạch về tình hình tài chính. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam có mức độ công khai, minh bạch kém, nên ngân hàng cũng không thể cho vay.
Chẳng hạn như trước đây, với gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng, doanh nghiệp không muốn vay vì họ ngại vấn đề thanh tra, kiểm tra. Nhưng điều đó cũng cho thấy rằng tình hình tài chính của doanh nghiệp không thực sự công khai, minh bạch và như vậy, ngân hàng thương mại ngại cho vay cũng có lý do của họ.
Đối với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, mức độ công khai minh bạch có thể nói là khá thấp. Và vì là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên sức chống chịu đối với biến động của nền kinh tế cũng hạn chế. Rủi ro khi cho những doanh nghiệp này vay rất lớn và ngân hàng thương mại thường sẽ đòi hỏi doanh nghiệp phải có tài sảm đảm bảo, thế nhưng doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu vốn thì lấy đâu ra tài sản đảm bảo. Đó là một vòng luẩn quẩn.
Trước đây, nhiều quan điểm cho rằng cần phải bảo lãnh tín dụng, tuy nhiên ai đứng ra bảo lãnh và nếu doanh nghiệp có vấn đề thì ai chịu trách nhiệm là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Nên suy cho cùng, để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể vay được vốn, vẫn phải công khai hóa, minh bạch hóa tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp, khi ấy niềm tin của ngân hàng sẽ lớn hơn.
Ngoài huy động vốn trên thị trường tín dụng, doanh nghiệp cũng có thể huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán.
Hiện nay, tỷ lệ cho vay của hệ thống ngân hàng đã khá cao. Tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam cũng thuộc loại cao, khoảng hơn 120% GDP, vì thế, nguy cơ nợ xấu khá lớn. Vốn vay của ngân hàng chủ yếu lại là vốn ngắn hạn, nên Việt Nam muốn giải quyết bài toán vốn cho doanh nghiệp thì phải phát triển thị trường tài chính với nguồn vốn vay dài hạn.
Thị trường tài chính bao gồm 2 mảng: cổ phiếu và trái phiếu. Thời gian qua, thị trường trái phiếu gần như sụp đổ; người dân, nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường này. Lý do cũng là vì doanh nghiệp không công khai, minh bạch hóa thông tin phát hành để nhà đầu tư có thể nhận thức đầy đủ về những rủi ro có thể gặp phải. Bên cạnh đó, nhiều người mua trái phiếu doanh nghiệp kém hiểu biết, đầu tư chỉ vì ham lãi suất cao mà không biết rằng đây là kênh huy động vốn rủi ro hơn nhiều so với gửi tiết kiệm.
Bởi nếu là tiền gửi ngân hàng, người dân có thể được Nhà nước bảo hiểm tiền gửi ở một mức độ nhất định. Nhìn chung, Nhà nước sẽ có thể can thiệp để bảo vệ hệ thống ngân hàng nếu cần thiết. Còn với doanh nghiệp bất động sản, mức độ can thiệp hay hỗ trợ sẽ kém hơn nhiều. Và để khôi phục được niềm tin với thị trường trái phiếu, có lẽ sẽ cần một thời gian dài nữa.
BẤT ĐỘNG SẢN KHÓ KHĂN, NGÂN HÀNG CŨNG
"NGỒI TRÊN ĐỐNG LỬA"
PV: Hiện nay ở nước ta, ngân hàng là kênh cung ứng vốn chủ chốt cho nền kinh tế. Đặc biệt, bất động sản và ngân hàng có mối liên hệ cộng sinh mật thiết. Thời điểm này, doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn cũng dễ gây ra rủi ro cho ngành ngân hàng và tác động đến nền kinh tế, thưa ông?
TS. Nguyễn Đức Độ: Chắc chắn là sẽ ảnh hưởng. Những năm qua, tăng trưởng tín dụng của cả nền kinh tế ở khoảng 14%. Riêng tín dụng cho bất động sản thường tăng mạnh hơn, năm 2022 tăng khoảng 24% so với cuối năm 2021.
Một trong những lý do ngân hàng chuộng cho vay bất động sản là bởi có luôn tài sản đảm bảo là dự án bất động sản. Với tốc độ tăng trưởng cao, doanh nghiệp bất động sản cũng chịu được mức lãi suất cao hơn.
Thế nhưng rõ ràng điều này cũng ẩn chứa nhiều rủi ro hơn. Khi doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, nợ xấu ngân hàng sẽ có xu hướng tăng lên, ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Tuy nhiên, không chỉ ở Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng có câu chuyện về mối liên hệ giữa bất động sản và ngân hàng. Bởi để triển khai một dự án bất động sản cần rất nhiều vốn, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ vốn nên vẫn phải vay. Tùy thuộc vào chu kỳ giá bất động sản, giá đang lên thì ai cũng muốn vay để đầu tư sinh lời, nhưng đến lúc giá xuống lại phải bán tài sản đi để trả nợ. Dao động của nó khá lớn.
PV: 5 tháng đầu năm, tín dụng vào kinh doanh bất động sản tăng 14%. Tuy nhiên, tín dụng cho tiêu dùng bất động sản lại giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%. Những con số này cho thấy điều gì?
TS. Nguyễn Đức Độ: Trên thị trường bất động sản có 2 loại nhu cầu: Một là nhu cầu mang tính thiết yếu, phục vụ nhu cầu ở thực; hai là nhu cầu mang tính đầu cơ, mua đợi giá lên để bán.
Hiện nay, khi thị trường bất động sản khó khăn và suy giảm, nhìn chung cả 2 nhu cầu đều sẽ giảm. Trong đó, lượng mua để ở có thể vẫn còn, nếu giá bất động sản giảm về mức phù hợp với nhu cầu. Nhưng lượng mua để đầu cơ sẽ giảm đi đáng kể, mà đây lại là nhóm hay sử dụng tín dụng ngân hàng. Nhu cầu này sụt giảm dẫn đến giảm tín dụng tiêu dùng bất động sản.
Thời gian tới, nếu bất động sản giảm chạm đáy rồi phục hồi, tín dụng tiêu dùng bất động sản sẽ tăng trưởng trở lại.
KHÔNG QUÁ LO NGẠI VỀ SỰ SUY GIẢM FDI VÀO BẤT ĐỘNG SẢN
PV: Nền kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào FDI. Quý I năm nay, thu hút FDI đã suy giảm. Tính đến ngày 20/6, FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm ước đạt 10,02 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ.
Từ góc nhìn của chuyên gia, đây là dấu hiệu tốt hay xấu?
TS. Nguyễn Đức Độ: Thực tế, con số FDI đăng ký sẽ nhiều hơn rất nhiều so với con số giải ngân. Tất nhiên, cũng có mối liên hệ giữa 2 con số này. Nếu số đăng ký cao thì khả năng con số thực hiện sẽ cao hơn, nhưng sai số là khá lớn.
Con số đăng ký cũng thể hiện một xu hướng nhất định nhưng không phải là con số quyết định trong tăng trưởng. Tăng trưởng GDP hay không là phụ thuộc vào FDI giải ngân.
Có thể thấy, FDI giải ngân đã có những bước tiến nhất định, dù mức tăng chưa phải nhiều nhưng đó là một điểm tích cực. Quan sát qua nhiều năm, con số FDI giải ngân thường khá ổn định, không có những tăng trưởng hay sụt giảm đột biến. Tất nhiên vào những thời kỳ thị trường có triển vọng, giải ngân FDI có thể được đẩy nhanh lên. Còn khi thị trường ảm đạm, có thể người ta sẽ trì hoãn nó.
PV: Chúng ta có lo ngại những năm tới đây, thu hút FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục giảm không, nhất là với những lĩnh vực thu hút FDI thuộc top đầu như bất động sản?
TS. Nguyễn Đức Độ: Tôi cho rằng cũng không quá lo ngại. Tôi tin FDI sẽ được cải thiện, nhưng với tốc độ chậm, bởi tổng cầu sẽ được hỗ trợ nhiều hơn.
Vừa qua, mức sụt giảm ở một số ngành như xuất khẩu đã quá mạnh. Nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là hàng tiêu dùng, khá thiết yếu, nên có thể trì hoãn một thời gian nhưng sau đó sẽ có nhu cầu sử dụng trở lại. Vì thế, tình hình tuy chưa tốt lên nhiều nhưng có thể đã chạm đáy rồi, giai đoạn khó khăn nhất đã qua. Thời gian tới được dự báo sẽ tươi sáng hơn và bắt đầu tăng trưởng trở lại, chỉ có điều là ở mức độ nào thôi.
HƠN LÚC NÀO HẾT, CẦN ĐẶC BIỆT KHUYẾN KHÍCH CÁC ĐỊA PHƯƠNG DÁM LÀM, DÁM CHỊU TRÁCH NHIỆM
PV: Thời gian tới, chúng ta cần tập trung vào những giải pháp trọng tâm nào để hỗ trợ nền kinh tế, thưa ông?
TS. Nguyễn Đức Độ: Chúng ta đã bàn rất nhiều về câu chuyện giải pháp. Thời gian qua, Chính phủ đã rất tích cực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của nền kinh tế. Giải pháp nào có thể làm ngay, làm nhanh, cũng đã làm rồi.
Theo tôi, trọng tâm đầu tiên là vấn đề đầu tư công, giải ngân được bao nhiêu thì tiền đi vào nền kinh tế bấy nhiêu. Tác động của nó có thể được nhân lên bởi những người nhận được tiền ấy sẽ tiếp tục chi tiêu cho nhu cầu khác.
Tuy nhiên, gỡ khó cho đầu tư công không đơn giản, bởi nó liên quan đến cả một hệ thống pháp luật, một loạt những quy định cần được giải quyết. Nếu pháp luật không quy định rõ ràng mà cứ mờ mờ ảo ảo, sẽ rất khó xác định trách nhiệm. Trong bối cảnh cán bộ các cấp ngại trách nhiệm, họ sẽ trì hoãn.
Để phát triển kinh tế, quan trọng nhất là cơ chế. Nếu Chính phủ phải đi vào giải quyết từng vụ việc cụ thể thì không thể nào làm được, vì không đủ nhân lực và cũng không nắm được hết để làm. Hơn nữa, trong nhiều khía cạnh, địa phương nắm rõ hơn Chính phủ, nên vẫn phải phân cấp phân quyền.
Trước đây, nền kinh tế nước ta là nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, tức là Trung ương xử lý hết và ra quyết định. Nền kinh tế này không phát triển được bởi 2 lý do. Một là thiếu động lực, trên bảo gì dưới làm theo, triệt tiêu sáng tạo. Hai là không đủ thông tin để có thể giải quyết từng dự án riêng lẻ, bởi mỗi địa phương, mỗi dự án lại có đặc thù riêng.
Do đó hiện nay, điều quan trọng là cần cơ chế hợp lý để khuyến khích địa phương dám làm và dám chịu trách nhiệm. Với các bộ ngành cũng không ngoại lệ.
Trọng tâm thứ hai như tôi đã nói, cần tiếp tục hạ lãi suất bởi chúng ta vẫn còn dư địa để làm việc này.
PV: Ông dự báo như thế nào về triển vọng kinh tế 6 tháng cuối năm?
TS. Nguyễn Đức Độ: Trong 2 quý tới, tôi cho rằng nền kinh tế sẽ có những cải thiện, tuy nhiên chỉ ở mức độ vừa phải. Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 6 - 6,5% là khó. Có lẽ con số xoay quanh mức 5% là khả thi.
PV: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của chuyên gia!