Thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) được biết đến như một điểm đến du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng sát sườn Thủ đô Hà Nội. Tam Đảo thu hút du khách bởi không khí mát mẻ và cảnh quan đồi núi trùng điệp thơ mộng, hấp dẫn.
Tuy nhiên, những năm gần đây, Tam Đảo như bị "bức tử" bởi hàng nghìn công trình nhân tạo mọc lên theo đà tăng trưởng của du lịch nghỉ dưỡng. Vô số khách sạn, cơ sở lưu trú mới xuất hiện bao quanh quảng trường trung tâm thị trấn và dần thay thế màu xanh ngút ngàn của núi đồi hoang sơ, bằng những mảng màu lố nhố, lộn xộn của những công trình đủ màu sắc, đủ kiểu kiến trúc từ Á sang Âu.
Ở một diễn biến khác, Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) cũng có số phận không mấy sáng sủa hơn "phiên bản miền Bắc" của nó là bao. Từ một địa danh say mê lòng người bởi cảnh quan thơ mộng, trữ tình, Đà Lạt gần đây khiến nhiều du khách phải la ó, thảng thốt vì sự xuất hiện dày đặc những công trình nhân tạo. Theo thống kê, năm 2006, toàn tỉnh Lâm Đồng có 538 cơ sở lưu trú thì đến năm 2022 con số này đã lên tới 2.400.
Chưa hết, mùa mưa năm 2023, Đà Lạt trở thành điểm nóng sạt lở khi cứ có mưa lớn là ngập, kéo theo lở đất, xói mòn. Nguyên nhân là do địa chất đất bazan yếu, cùng với diện tích phủ bê tông ngày càng mở rộng, đặc biệt là hệ thống nhà kính dày đặc khiến nước mưa không ngấm được xuống đất mà chảy thành dòng. Đến nay, Đà Lạt có 2.907 ha nhà kính, chiếm hơn 60% đất trồng rau, hoa của thành phố. Nhà kính gần như phủ kín vùng lõi trung tâm và để lại hậu quả cho vùng thung lũng gánh chịu.
Những gì Đà Lạt hay Tam Đảo đang phải gánh chịu là những biểu hiện đã rồi của xung đột giữa kinh tế và môi trường, khi mà muốn vế này đi lên thì không gian phát triển của vế kia sẽ bị thu hẹp lại.
Câu hỏi đặt ra là, liệu trước đây khi lập lên quy hoạch của Tam Đảo, Đà Lạt, hay bất kỳ địa danh nào chung cảnh ngộ khác, người ta có nhìn ra mâu thuẫn này hay không? Nếu như trong tầm nhìn phát triển 10 năm, 20 năm trước, mâu thuẫn này được làm rõ và dự đoán một cách cụ thể thì liệu có xảy ra những câu chuyện đáng buồn như hiện tại hay không? Vậy nhìn về hiện tại, phải làm thế nào để thoát khỏi vòng lặp "kinh tế đi lên, môi trường đi xuống" trong tương lai?
Đi tìm lời giải cho điểm cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn thiên nhiên nhìn từ góc độ quy hoạch, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS.KTS. Phạm Hùng Cường – trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
PV: Thưa Phó Giáo sư, ông đánh giá như thế nào về thực trạng xung đột kinh tế - môi trường hiện nay và chúng ta nên tiếp cận vấn đề này như thế nào?
PGS.TS.KTS. Phạm Hùng Cường: Nói là "phát triển kinh tế không ảnh hưởng đến môi trường" rất dễ, nhưng thực ra làm thì rất khó. Trong tất cả dự định phát triển, chúng ta đều phải đứng trước lựa chọn giữa kinh tế và cảnh quan môi trường. Rất nhiều ngành kinh tế vẫn vận hành bằng việc khai thác hoặc tác động đến tài nguyên thiên nhiên, chứ chúng ta cũng chưa đạt đến trình độ hoàn toàn dựa trên một công nghệ máy tính hiện đại nào để phát triển. Cho nên không thể nói phát triển kinh tế không có tác động gì đến môi trường.
Vấn đề là nên ứng xử như thế nào, vì lợi ích trước mắt hay vì lợi ích lâu dài? Có những sự ưu tiên, những hành động được ngắn hỏng dài, cũng có những dự định để phát triển lâu dài thì rất tốt nhưng lợi ích ngắn lại bị ảnh hưởng. Đó cũng là bài toán khó.
Như câu chuyện của Quảng Ninh, để thực hiện một cuộc chuyển đổi từ kinh tế "xám" sang kinh tế "xanh", từ khai thác than sang du lịch đã là một sự trăn trở rất lớn và đi cùng nhiều sự hy sinh chứ không hề dễ dàng. Thời điểm trước năm 1995 chúng ta đã xây xong hệ thống kho than rất sát vùng vịnh Hạ Long, nhưng đến khi cân nhắc và quyết định không đi theo khai thác than mà chuyển hướng sang làm du lịch thì phải làm một việc rất đau xót là dỡ toàn bộ nhà máy vừa xây dựng xong di dời sang chỗ khác. Đấy không phải là một việc đơn giản và để quyết định được thì cần rất nhiều sự dũng cảm, vì điều đó có thể làm nền kinh tế chững lại trong 5 năm tiếp theo, có thể khiến lãnh đạo tỉnh thời điểm đó phải chịu mang tiếng là làm kinh tế thụt lùi.
Mặt khác, vấn đề không phải nằm ở chỗ chúng ta không nhận ra được cái gì là vì lợi ích trước mắt, cái gì ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài. Như với Đà Lạt, thực trạng bà con làm nhiều nhà kính trồng hoa và rau màu đến mức khiến nước mưa xối hết xuống các thung lũng, gây ra lụt lội, xói lở, không phải là không biết, nhưng vì trồng rau nhà kính năng suất cao, giúp bà con có thêm thu nhập, nên chần chừ mãi không quyết định được là phải dừng ngay.
Hay như Quảng Ninh năm đó cũng rất khó khăn, khi ngành than suy giảm ở thành phố Hạ Long, công nhân thất nghiệp rất nhiều, vì đâu phải ai cũng mua được ngay một con tàu để làm du lịch. Bởi từ lúc quyết định chuyển đổi kinh tế đến khi chuyển đổi được phải mất cả chục năm để chuyển đổi nhân lực và thu hút nguồn lực cho du lịch, trong khi dừng khai thác than là công nhân mất việc ngay lập tức.
Cho nên cân bằng kinh tế - môi trường nói thì dễ, nhưng luôn luôn phải xem xét hoàn cảnh cụ thể để quyết định đúng và một khi đã cân nhắc mọi góc độ rồi thì phải cương quyết làm luôn. Ví dụ như câu chuyện của Đà Lạt, đâu phải chỉ có vùng trung tâm là cung cấp rau cho toàn thành phố, còn cả một vùng biên rộng lớn hoàn toàn có thể thay thế thì chúng ta phải cương quyết dừng nhà kính, sản xuất theo hình thức khác để đảm bảo về yếu tố môi trường.
Bài toán cân đối giữa kinh tế - môi trường, giữa ngắn hạn với dài hạn là phải ở trong hoàn cảnh cụ thể mới đưa ra được quyết định cụ thể và rất khó có một công thức chung. Quan trọng là mình nhận thức được nguy cơ, hiểm họa về môi trường, nếu sự cố xảy ra do thiếu trách nhiệm hoặc chỉ tập trung vào lợi ích trước mắt thì phải xử lý ngay.
PV: Có quan điểm cho rằng muốn phát triển kinh tế nhanh, chạy đua với thời đại thì phải chấp nhận hy sinh môi trường. Như thành phố London của Anh được gọi là "thành phố sương mù" không chỉ bởi khí hậu, mà còn vì trong cuộc cách mạng công nghiệp thành phố này bị bao phủ bởi khí thải của các nhà máy. Nhưng nếu không vì thế thì sẽ không có London như bây giờ.
Nhận định của PGS về quan điểm này là như thế nào?
PGS.TS.KTS. Phạm Hùng Cường: Thực ra là chúng ta không nên và cũng không cần phải hy sinh điều gì cả. Câu chuyện của thành phố London là từ thời kỳ tiền công nghiệp và cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, khi đó chưa có bất cứ mô hình đô thị nào làm tiền lệ, xã hội vận hành theo kinh tế tư bản nhỏ, nhà máy ở đâu thì công nhân ở đó. Chính vì vậy nên thành phố trở thành nơi vừa ở vừa làm việc. Nhưng sau này người ta cũng đã hình thành nên mô hình đô thị hiện đại và quy hoạch những vùng công nghiệp riêng. Trong khi đó chúng ta là người đi sau quá trình lịch sử và sự thay đổi tư duy đó cả trăm năm nay, đương nhiên là chúng ta có quá đủ những bài học về đô thị, về sản xuất công nghiệp để học tập, tham khảo và không cần phải lựa chọn hy sinh.
Ngay như câu chuyện Formosa xả thải ra biển năm 2016, nhiều người nói là phải đánh đổi, nhưng xét cho cùng chẳng phải đánh đổi cái gì cả mà lỗi do công tác quản lý, chứ đâu phải là vì chúng ta chấp nhận ô nhiễm môi trường biển để cho họ được làm ở đó đâu. Do công tác quản lý không chặt nên mới diễn ra tình trạng như vậy. Còn bây giờ công tác quản lý chặt chẽ hơn, tạo hệ thống bể nước để theo dõi quan sát liên tục 24 tiếng, yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo hàng ngày, cá trong bể phải sống được thì mới cho thải ra biển, thì thực tế cho thấy là sự cố môi trường năm xưa đâu có xảy ra lần nữa.
Do vậy, quan điểm là không nên hy sinh cái gì cả mà phải đảm bảo cân bằng được cả hai yếu tố kinh tế và môi trường. Đồng ý là khai thác tài nguyên để phát triển kinh tế thì phải tác động đến cảnh quan, môi trường, nhưng mình phải tìm cách làm thế nào để giảm tác động đó đi, chứ không phải hy sinh hay thậm chí xóa sổ một địa danh, một giá trị cảnh quan môi trường để "làm những điều lớn lao hơn".
Bản thân việc giảm tác động đó cũng phải có lộ trình. Như việc giảm phát thải khí carbon, các tổ chức quốc tế cũng phải vạch ra kịch bản, nước phát triển thì giảm bao nhiêu, đang phát triển thì giảm bao nhiêu để phù hợp với nguồn lực tài chính và khả năng đáp ứng. Nhưng cho dù thế nào, vẫn luôn phải hướng tới phát triển bền vững.
PV: Theo PGS, quy hoạch có vai trò như thế nào trong nhiệm vụ phát triển kinh tế hài hòa với bảo vệ môi trường?
PGS.TS.KTS. Phạm Hùng Cường: Quy hoạch có vai trò dẫn đường, vì nếu như anh làm quy hoạch mà cho phát triển dự án vào những khu vực có nguy cơ tác động lớn đến môi trường thì phải cân nhắc rất kỹ đến nhiều yếu tố, bao gồm cả khả năng xử lý sự cố, đánh giá xem có xử lý được không, nếu không thì không được tác động đến khu vực đó.
Thực ra khi làm quy hoạch đều có bước đánh giá tác động môi trường và đánh giá năng lực xử lý khi xảy ra sự cố môi trường, nhưng đôi lúc chúng ta không nhìn trước được diễn biến của một mô hình phát triển. Một mô hình từ khi hình thành sẽ phát triển theo chu kỳ, có lúc lên đỉnh, có lúc suy tàn và chuyển sang mô hình khác. Có thể những vấn đề môi trường lại xuất hiện khi mô hình đó suy tàn hoặc chuyển đổi, như câu chuyện quá tải nhà kính tại Đà Lạt.
Cho nên là mình phải hình dung, dự đoán được cả chu trình phát triển của một mô hình, một khu đô thị, một khu du lịch và những vấn đề xảy ra có tính quy luật ở từng giai đoạn khác nhau. Nếu nhìn nhận sớm thì những chính sách có thể được thực hiện đúng lúc.
PV: Thực tế cho thấy ngay trong quy hoạch cũng tồn tại mâu thuẫn giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, khi mà phần lớn tỉnh thành đều có xu hướng phát triển sân bay, cao tốc, dự án nhà ở để tăng trưởng kinh tế nhanh trong thời gian ngắn, trong khi chưa đáp ứng được mục tiêu quy hoạch để phát triển bản sắc riêng của tỉnh về lâu dài.
Theo ông, mâu thuẫn này có thể được hóa giải như thế nào?
PGS.TS.KTS. Phạm Hùng Cường: Trên thực tế là chúng ta có quy hoạch vùng, mỗi vùng sẽ được định hướng phát triển theo tiềm năng, bản sắc, đặc trưng riêng của vùng. Tuy nhiên từ quy hoạch vùng xuống đến quy hoạch địa phương thì có một độ vênh nhất định, vì địa phương phải căn cứ vào nguồn lực trước mắt của mình để thực hiện quy hoạch và thúc đẩy tăng trưởng.
Để hiện thực hóa tầm nhìn quy hoạch vĩ mô của trung ương thì cần rất nhiều nguồn lực, nhưng vì chúng ta thiếu, nên địa phương sẽ phải cân đối giữa mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Cho nên đôi khi chúng ta sẽ thấy quy hoạch dàn trải, mỗi thứ một ít, địa phương này na ná địa phương kia, là bởi thiếu nguồn lực nên có thể làm được gì thì sẽ làm trước. Ví dụ như định hướng tỉnh này sẽ có cao tốc, nhưng vì chưa có đủ nguồn lực để xây cao tốc ngay trong năm nay, thì tỉnh đó cũng không thể ngồi đợi được mà phải làm những dự án xung quanh trước.
Quy hoạch là đặt ra kế hoạch, giữa kế hoạch và thực hiện kế hoạch còn là cả một chặng đường dài và phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của con người. Kế hoạch vạch ra một mục tiêu dài hạn, nhưng thực tế người làm phải đắn đo, cân đối rất nhiều giữa dài hạn và ngắn hạn, vì không thể cứ mãi theo đuổi một mục tiêu xa xôi mà đứng im, không tăng trưởng, không phát triển được.
Giữa kế hoạch và thực hiện, giữa ngắn hạn và dài hạn, giữa quy hoạch lớn vĩ mô với quy hoạch nhỏ tại địa phương, làm thế nào để cân bằng? Rất khó, thậm chí là không có câu trả lời. Trong quy hoạch tầm nhìn 10 năm có thể vạch ra địa phương sẽ phải làm gì, nhưng trong 5 năm, 3 năm tới địa phương sẽ làm gì, trong khi tỉnh nào cũng muốn có sự đột phá, chỉ có đi lên không có thụt lùi? Có thể do giữa quy hoạch vĩ mô và quy hoạch chi tiết tại địa phương của chúng ta còn có một khoảng cách lớn, chưa được đồng nhất và điều tiết tốt, nhưng cũng có đôi khi là do con người cứ mãi theo đuổi lợi ích trước mắt mà bỏ qua mục tiêu dài hạn, nên mới dẫn đến những xung đột.
PV: Trân trọng cảm ơn chuyên gia!