Aa

Phần 5: Những người giúp việc

Thứ Ba, 04/06/2019 - 06:00

Tôi yêu họ cho dù họ và tôi có quá nhiều khác biệt về văn hoá, về tôn giáo và cả những thói quen hay ý thích cá nhân. Và tôi lại có một mong ước giản dị là một ngày nào đó tôi lại được gặp họ.

Thực tình, tôi không còn nhớ tên họ. Nhưng nhiều lúc tôi nhớ họ và không nhầm lẫn về họ. Đó là hai người đã theo cùng chúng tôi trong suốt thời gian rong ruổi ở một vùng đất Trung Á. Một người là phiên dịch tiếng Anh và một người là lái xe. Có lẽ bây giờ họ không nghĩ rằng sau từng ấy năm, tôi lại ngồi viết về họ. Có thể chẳng bao giờ tôi gặp lại họ nữa. Và nếu trời cho tôi gặp lại họ thì cũng không phải gặp họ trong một bối cảnh như trước.

Trước khi lên đường đi Pakistan, một vấn đề khó khăn đặt ra, là ai sẽ giúp chúng tôi trong thời gian chúng tôi ở đó. Những người ở Báo An Ninh Thế Giới đã vào Google hay Yahoo gì đó tìm kiếm một công ty du lịch nào đó ở Pakistan. Họ đã tìm thấy. Công nghệ thông tin quả là tuyệt vời. Ngay sau lá thư đầu tiên gửi đến cái công ty du lịch mà không một ai trong chúng tôi biết nó hư thực ra sao thì chúng tôi nhận được thư phúc đáp. Và chúng tôi đã trở thành khách hàng của họ.

Giám đốc công ty du lịch trực tiếp lái xe ra sân bay thủ đô Islamabad đón chúng tôi. Một người đàn ông cường tráng với bộ ria mép dày và đen tôn thêm chất đàn ông của ông. Đó là người đàn ông đã có ba vợ. Ông nói, đàn ông Hồi giáo được phép lấy bốn vợ. Tôi thật không thể nghĩ rằng một người đàn ông có đến ba người đàn bà chính thức mà vẫn phong độ như Từ Hải. Vị giám đốc của công ty du lịch tư nhân này chỉ xuất hiện trong ngày đầu tiên rồi sau đó biến mất cho đến trước ngày chúng tôi rời Islamabad bay đến thành phố Karachi để về nước.

Khi đưa chúng tôi về một khách sạn nhỏ ở xa trung tâm thành phố thì đã có hai người đàn ông Pakistan đã chờ chúng tôi ở đó: Người phiên dịch và người lái xe. Đấy chính là hai người giúp việc của chúng tôi. Và bây giờ tôi đang nhớ về hai người giúp việc đó.

Người giúp việc thứ nhất

Vì không còn nhớ tên ông cho nên tôi gọi là ông phiên dịch. Khác với hầu hết những người đàn ông Pakistan mà chúng tôi nhìn thấy, ông phiên dịch không bao giờ mặc quần áo truyền thống của những người Hồi giáo. Lúc nào ông cũng mặc đồ vét, giày da đánh xi bóng lộn và tóc chải gôm như một doanh nhân. Ông thông thạo nhiều thứ tiếng. Và tiếng Anh, tiếng Pháp là hai ngoại ngữ thông thạo nhất của ông. Đấy là một người Pakistan không theo đạo Hồi. Ông nói ông ghét đạo Hồi. Ông nói oang oang với chúng tôi như thế khi chúng tôi đang ngồi uống cà phê trong khách sạn. Tôi bảo ông nói nhỏ kẻo những người Hồi giáo nghe thấy thì nguy đến ông. Ông bĩu môi và nói: “Họ yêu đạo Hồi là quyền của họ. Tôi ghét đạo Hồi là quyền của tôi”. Sau này tôi mới biết, ông có hai quốc tịch: Pakistan và Pháp.

Ông phiên dịch (bên trái).

Ông phiên dịch (bên trái).

Ông sống chủ yếu ở Pháp và thường trở về Pakistan khi có công việc và khi mùa chơi Golf ngựa ở Pakistan bắt đầu. Bởi ông là Chủ tịch Câu lạc bộ Golf ngựa của thành phố Islamabad. Hơn 60 tuổi, nhưng ông có một sức khoẻ dẻo dai và lúc nào cũng hiếu động như một cậu bé. Trong suốt thời gian giúp việc chúng tôi, lúc nào ông cũng gọi nhà báo Như Phong và tôi là "ngài" một cách trân trọng. Có lẽ ông ảnh hưởng văn hoá Pháp hơn là văn hoá Hồi giáo Pakistan. Tôi đã để ý rất kỹ, nhưng chẳng thấy ở ông mang một chút gì trong cách ăn, cách mặc, cách nói của người Pakistan.

Một trong nhiều lý do ông ghét đạo Hồi là đạo Hồi cấm tất cả mọi người uống rượu, nhất là trong các quán ăn ở Pakistan. Nhưng ông đã tìm được cách uống rượu mỗi lần đi ăn cùng chúng tôi. Ông lấy một vỏ chai nước và đổ rượu Voska vào đó. Ông điềm nhiên đặt cái chai nước… rượu kia lên bàn ăn và đàng hoàng cầm chai lên uống. Mỗi lần như thế, tôi lại nhìn ông và cười. Ông bảo với tôi rằng thứ tiếng Pháp ông nói là tiếng Pháp của tầng lớp quý tộc ở Paris, còn cách uống rượu của ông là trò láu cá của những kẻ vô gia cư vô nghề nghiệp trong những khu dân nghèo ở đó.

Một hôm, tôi thấy ông khoác một bao tải nặng vào phòng chúng tôi ở khách sạn. Ông đặt bao tải xuống và nói: “Tôi kiếm được cái này rất đặc biệt cho các ngài”. Chúng tôi ngạc nhiên nhìn chiếc bao tải và không hiểu trong đó là cái gì. Ông mở bao tải và lôi ra hai két bia. Chúng tôi đâu có nhờ ông mua bia. Chúng tôi cũng không hề có nhu cầu dùng thứ đó. Cho dù tất cả các nhà máy sản xuất bia trên thế giới đóng cửa vĩnh viễn thì cũng không ảnh hưởng một chút gì đối với nhà báo Như Phong và tôi. Tôi nói vậy và xin lỗi tất cả những “con chiên” của vị thánh men này. Tôi không hề biết bia rượu từ bé. Đấy là một khiếm khuyết của con người tôi. Trai vô tửu như cờ vô phong mà. Không sành bia rượu là thiệt thòi lớn của tôi. Nhưng ai nhìn tôi cũng nghĩ tôi là một tay bợm rượu. Chẳng thế mà nhiều năm trước kia, có một người viết về tôi trên một tờ báo, đã mở đầu bài viết như thế này: “Vừa nhìn thấy chúng tôi, Thiều đã hất cằm và nói: nhậu chứ”. Tôi đã nhiều lần chiêm ngưỡng người uống bia. Họ nâng cốc lên và uống với một sự mê lú thực sự. Cách họ uống làm tôi nghĩ đó là thứ giải khát của Chúa trời.

Chúng tôi không nhờ ông mua bia và chúng tôi cũng chưa bao giờ kêu ca vì việc cấm bia rượu trong các quán ăn ở Pakistan. Nhưng ông đã ranh mãnh tìm được cái thứ nước giải khát kia và mang đến khách sạn cho chúng tôi. Sau này, tôi phát hiện ra đó là trò láu cá mà như ông nói là ảnh hưởng từ những kẻ vô gia cư và vô nghề nghiệp ở các khu dân nghèo ở Paris tráng lệ. Và thế là, hàng ngày ông lại vào phòng chúng tôi hút thuốc lá mù mịt và lại hỏi một câu quen thuộc: “Tôi có thể dùng một chai bia của các ngài được không?”. Đương nhiên là được, được quá đi chứ. Vì chúng tôi không uống và vì chúng tôi làm sao lại có thể từ chối ông Chủ tịch Câu lạc bộ Golf ngựa, người mà lúc nào cũng đặt chúng tôi vào một đại từ nhân xưng của tầng lớp thượng lưu. Thú thực, nhiều lúc nghe ông gọi thế, tôi cũng thấy mình khang khác.

Rồi sau cái bao tải bia, ông tìm được cả một hai chai rượu ở cái xứ sở hiếm hoi này nữa. Ông giấu những chai rượu rất giỏi trong áo vét và đàng hoàng bước vào khách sạn, đến phòng chúng tôi. Ông đặt chai rượu lên bàn và nói: “Tôi vừa kiếm được thứ này cho các ngài. Tôi biết các ngài chuộng nó”. Ông biết thừa là chúng tôi không uống rượu mà, phải không? Nhưng ông cứ nói thế. Ông nói một cách thản nhiên và rất lịch sự. Tất nhiên chúng tôi cũng phải dùng những lời lịch sự để đáp lại sự nhiệt thành và cách chăm sóc của ông. Nhưng khi ông về rồi thì cả hai chúng tôi mới thấy choáng váng vì giá rượu bia ở Pakistan rất đắt. Hơn nữa, số tiền chúng tôi mang theo đã cạn vì không thể trở về theo dự kiến. Tất cả các Hãng hàng không quốc tế đã cắt đứt các chuyến bay tới Pakistan từ trước cuộc chiến nổ ra. Sau này, chúng tôi đã phải nhờ mua vé của Hãng hàng không Pakistan với giá chợ đen. Chúng tôi đã phải tìm cách vay tiền của một người Hồi giáo.

Nhưng hơn tất cả, ông phiên dịch của chúng tôi là một người rất hiệu quả trong công việc. Ông có quan hệ rất rộng với nhiều tầng lớp ở Islamabad. Khi chia tay nhau, ông nói khi nào sang Pháp hãy gọi điện cho ông. Và cho dù chúng tôi ở bất nơi nào trên đất Pháp thì ông cũng đến để hướng dẫn miễn phí cho chúng tôi đi thăm nước Pháp. Với giọng rất nghiêm nghị ông nói: “Tôi sẽ giới thiệu với các ngài loại rượu vang đúng nghĩa nhất của nước Pháp. Tôi biết các ngài ưa thứ đó”. Ông nói vậy mặc dù ông thừa biết chúng tôi chẳng hề quan tâm đến thứ đó. Ông cứ nói như thế đến mức làm cho tôi nghĩ, hay là mình thích thứ đó thật mà mình lại không chịu thừa nhận.

Người giúp việc thứ hai

Và cũng vì không nhớ tên ông mà tôi gọi ông là ông lái xe. Đấy là một người Hồi giáo đích thực và chân chính. Ngược lại với ông phiên dịch nói suốt ngày chứ không phải là do công việc của một phiên dịch, ông lái xe hầu như lại không nói gì. Ông lái xe có một thân hình rắn chắc và gương mặt hơi lạnh như một vệ sỹ. Đi vào giữa đám biểu tình hay chạy xe qua những đoạn phố vắng trong đêm ở Islamabad, tôi luôn cảm thấy yên tâm vì có ông bên cạnh. Trong khi ông giám đốc công ty du lịch tư nhân có đến ba vợ và vẫn có ý lấy đủ bốn vợ như đạo của ông cho phép thì ông lái xe chỉ có một vợ. Khi tôi hỏi bao giờ ông lấy người vợ thứ hai thì ông nghiêm mặt nói: không. Rồi ông nói một câu gì đó bằng tiếng mẹ đẻ của ông. Tôi không hiểu ngôn ngữ ấy. Nhưng tôi hiểu thái độ khó chịu và kiên quyết của ông.

Ông lái xe và chiếc xe.

Ông lái xe và chiếc xe.

Một lần, trong phòng khách sạn của chúng tôi, ông phiên dịch mời ông lái xe uống rượu. Ông lái xe lắc đầu với gương mặt rất nghiêm nghị. Khi ông phiên dịch đi ra ngoài thì ông lái xe nói gì đó với chúng tôi với một sắc mặt rất nghiêm trọng. Chúng tôi cũng đoán được ý ông lái xe định nói gì. Ông lái xe hiện lên rất rõ chân dung của một người giúp việc. Chúng tôi bảo đi đâu là ông đi. Ông làm công việc của mình một cách cẩn trọng và chu đáo. Nhiều ngày, vì công việc mà chúng tôi ăn trưa lúc ba giờ chiều. Nhưng ông vẫn thản nhiên và mẫn cán làm theo những yêu cầu của chúng tôi. Ông hoàn toàn khác với rất nhiều những người làm nghề lái xe ở Việt Nam.

Có lần tôi đi công tác xa với một cơ quan. Có một người trong xe buồn đi tiểu đã đề nghị lái xe dừng lại để giải quyết việc riêng ấy. Nhưng anh ta làm như không nghe thấy gì. Anh ta chỉ dừng lại khi anh ta muốn. Và khi anh ta đói, anh ta nói: “Đói lắm rồi. Dừng lại đây ăn trưa”. Rồi anh ta dừng lại ở bất kỳ quán ăn nào mà anh ta muốn. Những người được anh ta phục vụ lại trở thành những người phục vụ ý muốn của anh ta. Nước mình nó thế, nhiều người làm việc chẳng theo một nguyên tắc nào cả. Hết sức tuỳ tiện và ngẫu hứng.

Ông lái xe của chúng tôi không hút thuốc, không uống bia rượu, không cả thích vào những nhà hàng đắt tiền. Ông chỉ có một thói quen là ngậm trong miệng suốt ngày một thứ lá cây tươi giã nát lầy nhầy. Trong cốp xe cạnh tay lái của ông luôn luôn có một cái túi ninon nhỏ đựng thứ lá cây ấy. Một lần, tôi chỉ vào thứ lầy nhầy đó ý hỏi là ông ngậm thứ đó suốt ngày để làm gì. Ông chỉ vào cái túi ninon đó rồi chỉ vào đỉnh đầu và sau đó chỉ vào hạ bộ của ông. Tôi không hiểu ông nói gì. Phải chăng thứ lầy nhầy đó để chữa bệnh đau đầu, bệnh thần kinh, bệnh mất trí nhớ hay bệnh “yếu thận” của cánh đàn ông. Một lần, ông đưa cái túi ninon ấy về phía tôi và ra hiệu hãy thử dùng xem sao. Tôi cám ơn và làm hiệu cho ông rằng đầu óc tôi và cái “của nợ” kia không có vấn đề gì cả.

Cứ mỗi khi đưa chúng tôi trở về khách sạn thì công việc ngay sau đó của ông là chăm sóc chiếc xe. Ông dọn dẹp, lau chùi xe. Bất cứ lúc nào chúng tôi cần lên đường là ông đã đứng sẵn bên xe để xếp đồ cho chúng tôi và mở cửa xe cho chúng tôi lên. Ông luôn luôn túc trực ở bên chiếc xe kể cả khi chúng tôi ngủ trưa. Lại nhớ đến nhiều thủ trưởng ở Việt Nam làm việc xong ra tìm mãi chẳng thấy lái xe đâu. Bây giờ có điện thoại di động còn đỡ. Chứ ngày trước khi chưa có điện thoại di động thì biết tìm lái xe ở đâu. Chỉ còn cách thủ trưởng ngồi chờ nhân viên mà thôi. Chán chê mới thấy lái xe khụng khiệng về. Biết vậy, nhưng thủ trưởng chẳng dám nói gì. Có giỏi thì nói xem, thằng này có cho chúng mày xóc mửa mật hoặc tè ra quần khi đi đường xa mà xem.

Mới thế mà đã mười mấy năm rồi. Tôi không biết ông giám đốc công ty du lịch tư nhân đã cưới người vợ thứ tư chưa, không biết ông phiên dịch đang ở Paris hay Islamabad, ông có còn đủ sức khoẻ để tiếp tục làm Chủ tịch Câu lạc bộ Golf ngựa nữa hay không và ông lái xe có còn ngậm cái thứ lá cây giã nát lầy nhầy nữa không. Và họ có biết tôi đang ngồi viết những dòng lan man về họ không. Họ có biết rằng, chỉ từng đó ngày làm việc cùng nhau nhưng tôi sẽ chẳng bao giờ quên được họ. Tôi yêu họ cho dù họ và tôi có quá nhiều khác biệt về văn hoá, về tôn giáo và cả những thói quen hay ý thích cá nhân. Và tôi lại có một mong ước giản dị là một ngày nào đó tôi lại được gặp họ. Gặp có khi chẳng để làm gì mà chỉ để lại được nhìn thấy những thói xấu đáng yêu của nhau mà thôi.

(Còn tiếp)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top