Aa

Phần 4: Cuộc vượt biên bất thành

Thứ Ba, 28/05/2019 - 06:00

Chúng tôi có gợi ý người phiên dịch có thể cùng chúng tôi đi Kabul được không? Ông lè lưỡi và hỏi: “Các anh có một cuộc đời khác để trả cho tôi không?”.

Một nữ nhà báo Anh đã bị quân đội Taliban bắt khi đang trên đường đến Kabul. Bà bị giam giữ một thời gian và cuối cùng được thả tự do sau khi chính quyền Taliban tin rằng bà không phải là một “gián điệp” của Mỹ. Cơ hội duy nhất để bà, một phụ nữ da trắng, có thể lẫn vào những người Hồi giáo Afghanistan trên đường từ biên giới giáp Pakistan đến Kabul là cách ăn mặc của người phụ nữ Hồi giáo. Họ mặc quần áo rộng, trùm khăn và che kín mặt chỉ để hở đôi mắt.

Bà đã cải trang là một phụ nữ Hồi giáo và vượt biên. Bà lẫn vào những người Hồi giáo khác, nhưng có một thứ không thể lẫn được, đó là tiếng mẹ đẻ của bà. Những người Hồi giáo nhận tiền và tổ chức chuyến đi cho bà đã dặn bà rất kỹ là tuyệt đối không được nói cho đến khi có thể. Chuyến đi tưởng chừng trót lọt thì một chuyện không may xảy ra. Khi bà trèo lên lưng lạc đà để rời trạm kiểm soát quân sự trên đất Afghanistan sau khi đã được phép đi qua thì bà bị hất ngã xuống. Bà buột miệng kêu lên bằng tiếng mẹ đẻ – tiếng Anh. Và những người lính Taliban đã phát hiện ra bà.

Câu chuyện của bà làm tôi nhớ tới một câu chuyện cổ tích tôi nghe từ khi còn nhỏ. Câu chuyện nói về một cây cầu bằng cát bắc qua một vực sâu để đến một hồ nước có tên là hồ nước Trường Sinh ở trong lòng núi. Một nguyên tắc duy nhất để đi qua cây cầu cát đó là không được sợ hãi và không được cất tiếng nói. Nếu nỗi sợ hãi hay người đi qua có bất cứ tiếng nói nào phát ra thì cây cầu sụp đổ.

Tuy biết được câu chuyện của nữ nhà báo Anh, chúng tôi vẫn quyết định tìm đường đi Kabul. Không có nỗi đe dọa nào đối với chúng tôi. Chúng tôi có một lý do rất tự tin là chúng tôi không phải là người da trắng. Hơn nữa, chúng tôi lại là người Việt Nam và mang theo một vật như thần hộ mệnh: cuốn Kinh Koran.

Người phiên dịch và nhà báo Như Phong

Người phiên dịch (bên trái) và nhà báo Như Phong. Ảnh: Nguyễn Quang Thiều

Trong một chuyến đi trước đó của chúng tôi đến biên giới Afghanistan và Ấn Độ, chúng tôi dừng lại bên đường để mua thêm nước uống và chụp ảnh một ngôi làng. Thấy chúng tôi, một số người dân đã bước đến với vẻ tò mò. Sau khi biết chúng tôi là người Việt Nam, một người già nói một tràng tiếng mẹ đẻ của ông ta.

Khi ông nói xong, người phiên dịch định dịch cho chúng tôi nghe thì tôi xua tay ra hiệu cho ông không cần dịch. Tôi nói với người phiên dịch là tôi hiểu ông già Hồi giáo kia nói gì. Người phiên dịch cười vẻ không tin. Nhưng người phiên dịch vô cùng ngạc nhiên khi tôi nói lại với ông ta nội dung ông già Hồi giáo kia nói với chúng tôi. Người phiên dịch kêu lên với vẻ nghi ngờ: “Có phải ông biết tiếng của chúng tôi không? Sao ông im lặng suốt bao ngày nay và không nói gì với tôi?”.

Tôi đâu có biết tiếng mẹ đẻ của ông. Nhưng khi ông già Hồi giáo nói tôi đã nghe được hai từ: Việt Nam và America, cùng cách diễn đạt của ông. Và tôi biết ông già Hồi giáo nói gì với chúng tôi. Ông nói về cuộc chiến tranh ở Việt Nam và người Việt Nam đã thắng người Mỹ trong cuộc chiến tranh đó. Ông tỏ ra rất khâm phục. Những người Hồi giáo lúc đó không cần biết người Mỹ đúng hay sai nhưng họ không thích người Mỹ.

Tôi hiểu đúng những gì ông già Hồi giáo nói vì sự thật là hầu hết những người dân ở mọi quốc gia trên thế giới chỉ biết đến Việt Nam thông qua cuộc chiến tranh với người Mỹ trong thế kỷ 20 mà thôi. Ngoài ra họ không biết gì về Việt Nam cả. Một sự thật mà chúng ta phải thừa nhận là nhiều năm sau chiến tranh, cái tên Việt Nam bị lu mờ trên bản đồ thế giới.

Chính câu chuyện đó cho chúng tôi lý do tự tin để thực hiện chuyến đi Kabul đầy phiêu lưu nhưng cũng đầy phấn khích. Hãy bước vào đời sống khắc nghiệt và hãy rời xa kiểu nhà báo sa-lông xem sao. Nhưng ai sẽ là người đưa đường cho chúng tôi? Chúng tôi bắt đầu kiếm tìm người đưa đường.

Người phiên dịch đã tìm cho chúng tôi một, hai đầu mối với mức giá không đắt lắm, 2.000 USD cho mỗi người. Buổi trưa, chúng tôi cùng hai nhà báo nước ngoài ăn trưa trong một quán ăn nồng nặc mùi thịt cừu ở gần biên giới Pakistan – Afghanistan. Chúng tôi đã nói chuyện với một thanh niên Hồi giáo làm nghề lái xe chở hoa quả ngày ngày vẫn qua lại biên giới này. Cho đến hôm nay, đường biên giới vẫn mở cho những người Hồi giáo chuyên chở hoa quả. Tất cả những người nước ngoài đều không được phép bước một nửa bước chân qua biên giới. Đối với quân đội và lực lượng an ninh Afghanistan thì những người Hồi giáo là “hộ chiếu” có giá trị nhất.

Chúng tôi ngỏ ý nhờ anh ta dẫn chúng tôi qua biên giới. Người lái xe nhìn chúng tôi ngạc nhiên. Anh bảo chúng tôi không sợ chết hay sao mà muốn vượt qua biên giới vào đất Afghanistan trong thời điểm đó. Chúng tôi nói với anh, chúng tôi cần vào Afghanistan và nhờ anh đưa chúng tôi đi một con đường an toàn nhất và sẽ trả 2.000 USD cho phi vụ này. Người thanh niên Hồi giáo nghĩ một lúc lâu rồi nói với chúng tôi rằng, chỉ có một con đường duy nhất là nhờ một người nông dân dẫn đi qua núi vào buổi tối.

Trong một đêm chúng tôi phải vượt qua núi. Sáng hôm sau, chúng tôi sẽ phải giấu mình trong các đống cây ngô khô. Đợi đêm xuống thì tiến sâu hơn nữa vào lãnh thổ Afghanistan. Sau hai đêm, chúng tôi có thể ẩn náu trong một địa điểm sát thị trấn gần nhất ở đoạn biên giới đó. Từ nơi ẩn náu, chúng tôi có thể quan sát và chụp ảnh. Cuối cùng, anh ta nói thêm rằng, nếu chúng tôi bị quân đội của Taliban phát hiện thì chúng tôi sẽ rất khó có cơ hội trở lại Pakistan nữa.

Số tiền để trả cho người dẫn đường đã thoả thuận xong. Nhưng sự sống và cái chết trong chuyến đi mạo hiểm này không thể thoả thuận được. Hơn nữa, chúng tôi nghĩ, đi theo cách đó cũng chẳng làm được gì đáng giá. Chẳng qua nó chỉ là một chuyến du lịch chết người mà thôi.

Thấy chúng tôi lưỡng lự, người thanh niên Hồi giáo nói với chúng tôi hãy ở lại Pakistan đến khi cuộc thánh chiến nổ ra thì những người lính Afghanistan sẽ không có thời gian để kiểm tra kỹ lưỡng những người đi qua biên giới. Lúc ấy, chúng tôi ăn mặc như một người Hồi giáo và có thể sẽ dễ dàng cùng anh ta sang đất Afghanistan. Nhưng chúng tôi cảm thấy không tin tưởng lắm vào những người đưa đường đó. Nếu họ bỏ rơi chúng tôi thì chúng tôi sẽ xoay sở ra sao? Chúng tôi có gợi ý người phiên dịch có thể cùng chúng tôi đi Kabul được không? Ông lè lưỡi và hỏi: “Các anh có một cuộc đời khác để trả cho tôi không?”. 

Và đêm đó, sự kiện không đáng mong chờ đã xảy ra. Nước Mỹ chính thức bắt đầu cuộc chiến tranh tàn phá Afghanistan. Và như thế có nghĩa là những người Hồi giáo đã bắt đầu cuộc Thánh chiến chống lại kẻ thù.

Chúng tôi trở về Islamabad để tìm kiếm người đưa đường. Cuối cùng với 100 USD thù lao, nhà báo Như Phong đã được một nhà báo Pakistan giới thiệu chúng tôi với một Bố già Hồi giáo người Afghanistan nhưng đã định cư từ lâu ở Pakistan. Người này trạc 60 tuổi và được những người lính Taliban ở các trạm gác biên phòng dọc biên giới Afghanistan và Pakistan gọi là Papa.

Chúng tôi không biết tầm cỡ bố già này như thế nào. Nhưng đó là một người trong nhiều năm chuyên cung cấp xe hơi và một số phương tiện khác cho chính quyền Taliban ở Kabul. Ông ta chơi thân với nhiều quan chức cao cấp trong chính quyền Taliban. Nghe nói, ông ta đã có lần gặp Bin Laden ở Kabul nhiều năm trước kia và nói chuyện về xe hơi. Chuyện này cũng có thể tin được. Vì chỉ sau sự kiện 11/9 bi thương, Bin Laden mới phải sống trong bí mật với nhiều đồn đại như một bóng ma trong các câu chuyện kinh dị ở Châu Âu thế kỷ 17. Và tôi gọi ông là Papa Hồi giáo.

Lần đầu tiên chúng tôi tiếp xúc với Papa Hồi giáo cũng thật ly kỳ. Ăn tối xong, người lái xe đưa chúng tôi ra khỏi thành phố. Người môi giới nói Papa Hồi giáo sẽ gặp chúng tôi trong căn nhà ở ngoại ô thủ đô Islamabad. Xe chạy lầm lũi trong đêm. Hình như có một chút căng thẳng từ gương mặt của người phiên dịch luôn luôn mặc comple và tóc chải gôm. Tôi thì cảm thấy rất thú vị với chuyện này. Nó có một chút gì đó phiêu lưu và bí ẩn. Tôi muốn ngồi trong xe đi trong đêm tối ở một xứ sở xa lạ mà tôi không hề biết trước một điều gì. Số phận đã định sẵn rồi. Có một người đưa đường bí ẩn luôn dắt ta đi. Chúng ta luôn luôn gặp những khúc ngoặt không biết trước trong cuộc đời mình. Và chúng ta không hề biết được sau khúc ngoặt kia điều gì hiện ra.

Tôi chợt nhớ đến một câu chuyện kỳ bí mà người làng tôi vẫn kể. Đó là cái chết của một người đàn ông làng tôi. Một ngày, có một người ăn mày đi qua và vào nhà ông xin nước uống. Ông khó chịu và đuổi người ăn mày đi. Người ăn mày bước ra đến cửa ngõ nhà ông và quay lại nói: “Ông sẽ chết vì nước”. Một số người làng ở gần đó nghe được thì cười và bảo rằng cả đời ông ấy chẳng đi ra khỏi làng thì nước nôi ở đâu mà chết.

Ông là người làng tôi nhưng làm nghề buôn bán ở thành phố. Hòa bình lập lại, ông bán nhà cửa ở phố Hàng Đào về quê sinh sống. Ông chỉ quanh quẩn ở nhà lau chùi những đồ cổ và chăm mấy cây cảnh chứ chẳng mấy khi ra khỏi làng. Một buổi sáng ông thức dậy rửa mặt. Ông thường dùng một chiếc thau đồng lớn đựng nước. Và khi đang ngồi rửa mặt thì ông ngã sấp mặt vào chậu nước và chết. Từ đó, người làng tôi rất kinh sợ những người ăn mày đi qua làng. Và cứ thấy người ăn mày là họ vội lấy gạo, ngô, khoai hay cơm nguội cho người ăn mày. Có lẽ vì thế mà người ăn mày đến làng tôi lúc nào cũng đông.

Xe dừng lại ở một đoạn đường vắng vẻ. Phía trước thấp thoáng ánh đèn. Người môi giới nói chúng tôi chờ ở xe. Rồi anh ta biến mất vào đêm tối. Tôi không nghĩ việc đi gặp người đưa đường lại diễn ra như thế này. Phải chăng Papa Hồi giáo cảnh giác với chúng tôi? Có lẽ ông ta không hiểu chúng tôi là những nhà báo lạ mặt đầy phiêu lưu hay là những kẻ muốn tìm hiểu những gì đó của ông ta. Hay thế giới của ông ta thực sự là một thế giới nhiều bóng tối bí ẩn. Tôi ngồi hút thuốc và hít thở thật sâu để xem trên những cánh đồng rộng lớn ngoại ô Islamabad người ta trồng gì. Nhưng hình như chỉ có mùi đất hoang, khô cằn sau những ngày nắng nóng. Khoảng hơn nửa tiếng sau, người môi giới trở lại, nói gì đó với người phiên dịch. Rồi người phiên dịch nói chúng tôi lên xe đi tiếp.

Chúng tôi lại dừng xe và chờ đợi trên con đường chạy qua cánh đồng gần một khu dân cư. Người môi giới lại biến vào đêm. Một lúc sau, anh ta trở lại với mấy người khác. Chúng tôi chào hỏi và bắt tay nhau. Người ta chỉ vào một bóng đen trước mặt và nói với chúng tôi đó là Papa Hồi giáo. Một người đàn ông thấp, đậm. Trong ánh sáng của đầu thuốc lá lóe lên, tôi nhận ra đó là một người đàn ông râu dài có đôi mắt thẫm tối. Chúng tôi nói với ông về chuyến vượt biên để đến Kabul. Papa Hồi giáo nhận lời và nói sẽ vạch kế hoạch để đưa chúng tôi đi một cách an toàn nhất. Nhưng ông chưa trả lời chúng tôi chắc chắn được. Ông nói ông cần bàn với những người giúp việc của ông, những người sẽ trực tiếp đưa chúng tôi đi. Ông hẹn chúng tôi đến văn phòng của ông vào hai ngày sau.

Trên đường trở về khách sạn, tôi nói với nhà báo Như Phong, cuộc gặp gỡ với Papa Hồi giáo vừa rồi giống như một vụ buôn ma túy. Hai ngày sau, theo hẹn, chúng tôi đến văn phòng của Papa Hồi giáo. Quả là giống văn phòng của một Bố già mà tôi đã xem trong các bộ phim. Xin đừng cười tôi. Có lẽ do trí tưởng tượng của tôi và do một chút ly kỳ của cuộc gặp gỡ đầu tiên với Papa Hồi giáo trên cánh đồng ngoại ô trong đêm tối đã làm tôi nghĩ vậy.

Đó là một sa-lông xe hơi lớn. Hai nhân viên tiếp chúng tôi. Hai người đàn ông lực lưỡng đeo kính đen nhưng rất hồ hởi và hiếu khách. Chúng tôi uống cà phê Brazil chính hiệu. Papa Hồi giáo không tiếp chúng tôi được. Mặc dù hai nhân viên nói chuyện rất xởi lởi với chúng tôi nhưng tôi vẫn cảm giác rằng Papa Hồi giáo không muốn lộ diện quá rõ ràng trước chúng tôi. Hai nhân viên nói cho chúng tôi biết kế hoạch chuyến đi. Chúng tôi sẽ đi bằng một chiếc xe hơi lớn. Sẽ có năm người có trang bị vũ khí đi cùng chúng tôi. Chúng tôi sẽ đi men theo một con đường nhỏ dọc biên giới và từ đó đi một đường tắt an toàn và gần hơn để đến Kabul. Tất cả quần áo cho một người đàn ông Hồi giáo, Papa Hồi giáo đã chuẩn bị cho chúng tôi. Họ sẽ bảo đảm sự an toàn cho chúng tôi đến Kabul và trở về Islamabad bằng mối quan hệ lâu nay của họ với các đồn lính biên phòng và các trạm kiểm soát an ninh khác của Afghanistan trên đường. Đặc biệt là với tên tuổi của Papa Hồi giáo.

Papa Hồi giáo nhắn lại với chúng tôi qua hai nhân viên của ông là: Khi ông hay bất cứ một người Hồi giáo nào đã nhận chúng tôi là người anh em thì chúng tôi không còn phải lo lắng gì nữa. Họ sẽ chăm sóc chu đáo chúng tôi, sẽ phục vụ chúng tôi như một người giúp việc và sẵn sàng bảo vệ chúng tôi bằng mọi giá. Điều ông lo lắng nhất là làm sao chúng tôi tránh được những đợt không kích của Không quân Mỹ vào Kabul hoặc trên đường đi. Vì Không quân Mỹ sẵn sàng phóng tên lửa vào bất cứ chiếc xe nào di động dưới mặt đất khi đến gần thủ đô Kabul.

Chúng tôi bắt đầu gấp rút chuẩn bị cho chuyến đi: tiền nong, thuốc men, phim chụp ảnh, giấy bút, mua sắm toàn bộ quần áo, giày dép, khăn tắm, bàn chải, thuốc đánh răng sản xuất tại Pakistan hoặc Afghanistan. Chúng tôi muốn Hồi giáo hóa. Giữa tôi và nhà báo Như Phong thì tôi giống người Hồi giáo hơn cả. Với nước da ngăm đen, với bộ ria mép rậm và đen không như bây giờ, chỉ cần khoác bộ quần áo Hồi giáo vào là tôi nghiễm nhiên đi giữa thành phố Islamabad hay giữa đám đông những người biểu tình Hồi giáo mà chẳng ai nhận ra.

Trong thời gian ở Pakistan, tôi đã vài lần mặc quần áo và đội mũ của những người đàn ông Hồi giáo đi ra phố và vào quán thịt cừu nướng. Có những người Hồi giáo đã bắt tay tôi, nói hàng tràng tiếng mẹ đẻ của họ vì họ nghĩ tôi là người Hồi giáo Pakistan. Tôi chỉ biết gật gật đầu và cười. Nhưng cũng như nữ nhà báo người Anh, có một thứ chúng tôi không thể nào hóa trang được. Đó là tiếng mẹ đẻ của mình.

Những đêm chờ đợi, tôi thường hình dung về chuyến đi và thử nghĩ ra tất cả những gì có thể xảy đến với chúng tôi. Chẳng có gì đáng sợ. Mọi việc tôi tin chúng tôi sẽ vượt qua. Chỉ có một chuyện là bất khả kháng nếu xảy ra. Đó là một viên đạn bay thẳng vào trán của mình.

Có một thứ mà tôi chuẩn bị rất kỹ. Những người có kinh nghiệm đã dặn tôi từ trong nước. Họ nói tôi phải mang theo. Càng nhiều càng tốt. Đó là muối và ớt. Họ nói nếu chúng tôi bị bắt, giam giữ hay bị lạc trong rừng, thì muối và ớt sẽ là một thứ thần dược. Hai thứ đó giúp người ta chống lại nhiều thứ bệnh tật. Thế là tôi tích trữ muối và sấy khô ớt. Ba ngày sau, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng tất cả. Một nhân viên của Papa Hồi giáo thường xuyên gọi điện cho chúng tôi để kiểm tra xem chúng tôi đã chuẩn bị như thế nào để lên đường, đặc biệt là tâm lý chúng tôi.

Nhưng cuối cùng, chuyến đi đã không thực hiện được. Vì nhà báo Như Phong là cán bộ của Bộ Công an nên anh phải gọi về nhà xin phép. Còn tôi lúc đó hoàn toàn là một người tự do. Sát đến ngày chúng tôi chuẩn bị lên đường theo dự định thì nhà báo Như Phong nhận được lệnh từ Báo An ninh Thế giới là không được thực hiện chuyến đi này. Và nhà báo Như Phong, thiếu tá công an lúc đó, phải chấp hành mệnh lệnh của cấp trên.

Tất cả đều kết thúc. Kết thúc sự tò mò, hồi hộp, kết thúc cả nỗi sợ hãi mơ hồ đã lướt qua như một cái chớp mắt lúc nào đó. Và kết thúc cả một viên đạn biết đâu đang bay về phía vầng trán của chúng tôi khi chúng tôi mò vào vùng chiến địa ấy...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top