Aa

Phấn đấu để vào ở làng!

Chủ Nhật, 02/08/2020 - 07:00

Con người ta ra đi từ làng, phấn đấu kịch liệt, bon chen với đời hết cỡ, gần cả đời chui rúc trong những hộp bê tông thành phố ngột ngạt. Để rồi cuối đời lại vô cùng hân hoan, sung sướng tự hào được về sống trong “làng”!

Tôi có ông anh họ đằng ngoại, vốn là bác sĩ Trưởng khoa một bệnh viện Trung ương Hà Nội. Năm nay anh đã ngoài 70 tuổi, đã về hưu từ lâu. Đó là nói hưu theo luật Nhà nước quy định chứ thực ra với bác sĩ, hầu như không có khái niệm hưu. Về nghỉ nhưng anh vẫn được nhiều bệnh viện, phòng khám chuyên khoa mời hợp tác, làm việc. Thậm chí về hưu anh còn bận hơn cả lúc còn đương chức.

Một hôm ông gọi điện cho tôi: “Chú có rỗi không sang nhà mới chơi. Anh chị vừa mua cái nhà để ở dưỡng già”. “Ở đâu anh?”. “Sang khu Village nhé”.

Ồ. Village nghĩa là “làng”, là khu dân cư cao cấp của Hà thành. Vào ở đó phải là những người có thu nhập cao. Tôi vốn biết ông anh mình là bác sĩ nổi tiếng nên thu nhập cũng cao. Và con cái anh ấy cũng thành công trong sự nghiệp kinh doanh nên nhà càng có điều kiện. 

Anh chị đã chẳng xây mấy ngôi nhà 4 - 5 tầng trên những khu phố đông đúc của nội thành kia. Tôi đã từng tới thăm và trầm trồ trước sự hoành tráng của những ngôi nhà đó. Mà nay nghe anh nói, tôi cảm thấy hơi giật mình, bởi tôi biết biệt thự trong khu Village này, rẻ cũng cỡ hơn chục tỷ đồng một căn…

Tôi lái xe đến. Thật ngưỡng mộ, một khu biệt thự cao cấp với đường sá cây xanh bóng mát tuyệt vời. Bảo vệ canh gác từ cổng, camera an ninh soi khắp hướng. Xung quanh cả khu là những hàng rào cây xanh cách biệt hẳn với bên ngoài. 

Ngôi biệt thự ba tầng của ông anh tôi giữa vườn cây, ngay cạnh là hồ nước trong xanh yên tĩnh. Ngồi nói chuyện với ông anh cả buổi, thấy cách xa tiếng ồn ào đinh tai nhức óc của xe máy, ô tô… Chỉ thỉnh thoảng nghe tiếng mèo kêu meo meo đùa cùng chú chó tinh nghịch của nhà hàng xóm. 

Tôi bảo ông anh thật khéo chọn không gian ở yên tĩnh cho những năm tuổi già. Bởi tôi biết rõ ngày xưa ở làng, khi đỗ Đại học Y khoa Hà Nội thì nhà anh nghèo lắm. Đi học đại học bên nội thành nhưng có mỗi một chiếc quần dài lành lặn nhất. Nhiều khi chưa kịp khô vẫn phải mặc vào để diện trong những dịp lễ lạt hay đi đâu đó đến chỗ đông người. 

Có lẽ vì nghèo nên anh càng có quyết tâm học thật giỏi để ở lại Thủ đô làm việc, cống hiến cho nghề nghiệp. Và anh cũng thu lại cho mình được những thành quả cá nhân, xứng đáng với sự lao động và trí tuệ của mình. Ông anh bảo tôi: “Ở đây thích thật chú ạ! Cứ như được sống trong làng thuở xưa!”

Tôi mỉm cười bảo anh: “Thì Village chính là làng đó anh!”.

Làng tôi, làng anh xưa vốn là những ngôi làng Kinh Bắc điển hình. Êm đềm lắm. Xung quanh làng là những lũy tre gai dày đặc và cách biệt bên ngoài bởi những hào nước, đầm hồ trong xanh. Vào làng, người lạ chỉ có thể đi qua chiếc cổng duy nhất được xây kiên cố mà ban đêm sẽ đóng chặt, trên nóc cổng có chỗ ngủ của tuần đinh thay phiên canh gác bảo vệ trị an cho dân làng. 

Đường quê (Ảnh sưu tầm)

Đường làng anh còn được lát bằng những phiến đá xanh nhẵn bóng to đùng chứ không như đường làng ngõ xóm bên tôi, chỉ lát bằng gạch chỉ xếp nghiêng. Con đường chính chạy dọc giữa làng rồi chia ra vào các ngõ nhỏ, các nhà trong ngõ thường đều có vườn cây ao cá nên hồi ấy chỉ làm nhà gỗ, lợp ngói hoặc nhà tranh vách đất. Nhưng cây cối trong vườn um tùm, nào mít, ổi, bưởi, cau, tre, xoan… mùa nào thức ấy luôn thơm mát quanh năm. 

Làng Kinh Bắc xưa quy củ, cổng làng thường xây tam quan, đắp chữ nổi tên tự của làng. Các ngõ các nhà cũng cổng cửa cẩn thận nên xóm làng xưa thực ra rất an ninh, thanh bình. Và không khí làng quê rất trong sạch.

Sau mấy chục năm, cả tôi và ông anh họ đều đi khỏi làng mình. Vì công việc mưu sinh, chúng tôi không còn ở làng nữa. Nhưng chúng tôi vẫn gắn bó và đi về luôn. Thế nhưng, độ mươi năm gần đây, mỗi lần về làng không cứ chúng tôi mà cả những người cùng làng xa quê ra ở phố phường khác khi gặp nhau đều than thở: “Làng mình thành phố mất rồi!”. 

Cũng nhà cao tầng, nhà ống mái tôn xanh đỏ chen chúc nhau. Cũng xe máy ô tô rú rít cả đêm. Vườn cây, tre, bưởi, mít, ổi… biến mất lâu rồi. Làng Kinh Bắc giờ là bê tông và bê tông nối tiếp nhau. Cũng nóng nực và bụi bặm chật chội chẳng khác gì ở phố! Vậy thì mình cứ ở luôn phố cho yên chuyện, về làng làm gì. Tôi nhủ thế. Ông anh họ tôi chắc cũng nhủ thầm thế…

Nay, sau một đời cống hiến cho nghề nghiệp, anh muốn nghỉ hẳn. Và anh lại nghĩ đến việc về “làng” ở! Anh chị đã mua được một căn biệt thự ở khu Village. Sang thăm anh chị về, tôi cứ bâng khuâng suy nghĩ mãi. Công cuộc gọi là hiện đại hóa của chúng ta đã phá tan tành không thương xót không gian những ngôi làng êm đềm thơ mộng thuở xưa. 

Có một thời chúng ta đã phát cuồng với những ngôi nhà bê tông sắt thép, bởi tưởng như mình đang xây những pháo đài ngàn năm cho con cháu chắt chút muôn đời. Có một thời chúng ta đã nhìn tranh tre nứa lá, ao chuôm… với con mắt chán nản, coi như nó là một cái gì lạc hậu chậm phát triển. 

Có một thời như vậy đấy. Thế nhưng, nhốt mình trong những hộp bê tông, trong sắt thép, nhôm kính sáng choang lộng óc, chúng ta đã nhanh chóng nhận được hậu quả của nó. Là ngột ngạt, là bức bối bí bách, là stress triền miên. Và chúng ta lại mơ được về sống trong những căn nhà của làng quê xưa! Cơ mà hỡi ôi, làng xưa chỉ còn trong ký ức…

Thành ra cuộc sống luôn phát triển theo những vòng xoáy trôn ốc, có điều, vòng sau hình như cao hơn vòng trước một chút. Làng Village mà ông anh tôi ở hiện nay xem ra cũng nhang nhác cái làng xưa nơi anh ấy sinh ra và lớn lên. 

Con người ta ra đi từ làng, phấn đấu kịch liệt, bon chen với đời hết cỡ, gần cả đời chui rúc trong những hộp bê tông thành phố ngột ngạt. Để rồi cuối đời lại vô cùng hân hoan, sung sướng, tự hào được về sống trong “làng”! 

Giá có một phép màu nào mà chúng ta có thể giữ được những ngôi làng thanh bình thơ mộng, cây xanh bóng mát ngày xưa cho đến ngày nay nhỉ? Thì ông anh tôi, tôi hay bạn chẳng phải bỏ ra một đống tiền, công sức lao động cả đời chỉ để được quay về sống trong “làng”! 

Bỗng thấy đời luẩn quẩn làm sao! Cứ giữ lấy làng xưa mà sửa sang vun đắp lên mà ở có phải hay ho biết bao nhiêu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top