Aa

Xay lúa thì khỏi ẵm em…

Chủ Nhật, 05/07/2020 - 11:20

Nhớ lại, cảnh mấy đứa trẻ chỉ hơn chục tuổi đầu ở nhà nào trông em, nào nấu cơm, nào xay lúa giã gạo rồi đợi bố mẹ về mới được ăn, mới được chạy đến trường đi học… thấy cay cay trong mắt. Tuổi thơ của anh em tôi, của cả thế hệ chúng tôi đã trôi qua trong cái thời khốn khó ấy...

Ngày xưa ở quê, nhà tôi khá đông anh em. Mà chả cứ nhà tôi, hồi ấy hình như nhà nào cũng đông con. Nhà có năm anh em như nhà tôi là trung bình. Còn có tới chín, mười đứa là thường. Mà hồi ấy hầu như chả chỗ nào có nhà giữ trẻ gì mấy nên cơ bản là diễn cái cảnh, đứa lớn trông đứa bé. Ở quê trẻ em chỉ độ bảy, tám tuổi là đã được bố mẹ rèn cho cách bế em, nấu bột, cho em ăn, cách nấu cơm canh… Thế là hàng ngày người lớn đi làm, ở nhà đứa lớn trông đứa bé, để cho bố mẹ yên tâm ngoài đồng cày cuốc, kiếm thóc gạo đổ vào nồi.

Lớn hơn một chút, độ khoảng mười một, mười hai tuổi gì đó, anh em chúng tôi còn được bố mẹ giao cho nhiệm vụ xay thóc. Hôm nào sắp hết gạo, trước khi đi làm mẹ tôi sẽ xúc hai thúng thóc trong bồ ra, để mấy anh em ở nhà đổ vào cối xay. Thế là phải tự phân công nhau, đứa nào xay lúa thì khỏi ẵm em. Thật ra bế đứa em quấy khóc, mũi dãi nhèo nhẽo đi chơi quanh xóm thì không phải kéo cái cối xay nặng chịch, cũng là một việc chả thú vị gì. Nên tôi hay chọn xay lúa mà nhường cho cô em gái bế em. 

Xay lúa là một việc khá nặng. Mùa đông còn đỡ, chứ mùa hè đứng trong gian bếp thấp tè, nóng bức mà kéo cái cối xay thóc rù rì, rù rì, ù òa, ù òa… chậm rãi tóe ra những gạo, những trấu là một cực hình với đứa trẻ chưa lớn. Lắm khi đứng kéo cối xay mà thót hết cả rốn mới kéo nổi qua một vòng. Bởi cái cối xay lúa khá nặng. Nhất là đợt nào cối vừa hỏng, nhà vớ được bác phó cối tay dùi đục, đóng cho cái cối không trơn tru nhẹ nhõm, kéo nặng như cối đá lỗ, xay được thúng thóc đến là nhọc.

Xay lúa là một việc khá nặng, đặc biệt là với đứa trẻ chưa lớn. (Ảnh minh họa: Internet)

Nhân nói đến chuyện ông phó cối, tôi chợt nhớ hồi nhỏ mình đã từng có mơ ước, sau này đi làm nghề đóng cối xay! Chả là quê tôi xưa hầu như nhà nào cũng có một cái cối xay lúa. Thế nên nghề đóng cối rất phát triển. Thỉnh thoảng lại thấy một ông đi xe đạp rong qua làng, vừa đi vừa rao vang lừng: "Ai đóng cối đê ê ê…"! Nhà nào đúng kỳ cối hỏng, vỡ, dăm cối cùn mòn xay thóc chả ra trấu bèn gọi: “Ông phó, vào đóng cho cái cối”. Thế là ông ta vào, dở đồ nghề cưa đục tràng búa ra, vót nan tre đan, đắp đất, đóng dăm. Dăm cối thường làm bằng gỗ nhãn vì loại gỗ này thớ dọc dễ chẻ mà lại lì nên dăm sẽ lâu mòn. Thường thì công việc đóng mới chiếc cối xay diễn ra trong một ngày. 

Buổi trưa, ông phó cối được gia chủ biện mâm rượu hầu cẩn thận để hy vọng bác phó dẻo tay, dăm đều, cối nhẹ mà xay gạo ra gạo, trấu ra trấu, không nát thóc. Chiều chuộng ông phó lắm. Tôi vẫn nhớ cái cảnh ông phó cối ngồi rung đùi bên be rượu, thịt đậu với bố tôi một mâm. Bọn trẻ con chúng tôi và mẹ ăn cơm rau dưa dấm dúi dưới bếp cho xong bữa. Tôi những ước mơ cháy bỏng sau này được đi làm ông phó cối…

Thóc xay xong đợi trưa mẹ tôi đi chợ hoặc đi làm đồng về sẽ sàng loại vỏ trấu ra, còn gạo xay để chiều hoặc tối mấy anh em đem giã. Nhà tôi không có cối giã gạo riêng mà hay phải sang nhà họ hàng bên hàng xóm gần đấy giã nhờ. Cả làng chỉ có độ mươi nhà khá giả hơn, có điều kiện là làm cối giã và để cho hàng xóm cùng giã nhờ. Cối giã gạo quê tôi thường làm bằng một khúc gỗ dài vài mét, một đầu đóng cái chày nện xuống cái cối to bằng đá xanh. Đầu kia là chỗ đặt một chân lên để nhún sâu cần cối xuống một cái khe hào nhỏ xây gạch xung quanh làm chỗ đứng của chân còn lại. 

 Chiếc cối giã gạo thường phát ra tiếng kẽo kẹt, kẽo kẹt, bụp… rất buồn thảm. (Ảnh minh họa: Internet)

Nhà nào có điều kiện mà kiếm lắp được hai cái vòng bi máy móc hỏng thải loại vào trục thì cối sẽ rất nhẹ. Nhưng thường trục cối chỉ là thanh gỗ đẽo tròn, lồng ngang cần cối rồi đặt trên bệ gỗ hoặc đá gì đó nên mỗi lần nhún xuống, chiếc cối phát ra tiếng kẽo kẹt, kẽo kẹt, bụp… rất buồn thảm. Tôi nhớ mãi tiếng cối giã gạo hồi xưa. Có lẽ không bao giờ quên được. Tôi còn nhớ cái cảm giác chùn chân cố sức nhún đến đau bụng để ấn xuống cái cần cối nặng nề kia. Mà lúc đó tôi gầy, nhỏ bé tẹo… Thế nhưng vì là con cả nên việc xay lúa, giã gạo gần như là đương nhiên. Việc ẵm em thường là của đứa em gái kế mình. Sau này đứa em thứ ba lớn hơn chút, nó đảm nhận được việc trông các em sau thì tôi mới có trợ thủ. Lúc ấy thì việc xay giã nhẹ hơn. 

Nhưng nhớ lại, cảnh mấy đứa trẻ chỉ hơn chục tuổi đầu ở nhà nào trông em, nào nấu cơm, nào xay lúa giã gạo rồi đợi bố mẹ về mới được ăn, mới được chạy đến trường đi học… thấy cay cay trong mắt. Tuổi thơ của anh em tôi, của cả thế hệ chúng tôi đã trôi qua trong cái thời khốn khó ấy. Có lẽ vì thế mà nó đã hun đúc cho chúng tôi ý chí khi ra đời sau này, đứng trước những khó khăn gian khổ cũng không cảm thấy sợ hãi gì chăng…

Một thời gian sau, quê tôi phát triển máy xay sát gạo. Tiếng máy sát gạo chạy bằng máy nổ diezen vang động khắp làng. Cối xay cối giã dần không dùng đến, mất dần đi. Rồi đến một lúc, đến máy xay máy sát cũng không thấy nữa, dân làng tôi hình như cũng đi mua gạo sát sẵn đóng bao ăn cả hay sao đó. Thì cuộc sống phải tiến lên chứ. Cảnh xay lúa ẵm em, đứa lớn tha đứa bé lang thang lếch thếch khắp làng cũng không còn nữa.

Ngày nay thỉnh thoảng đi thăm thú đâu đó, nhìn thấy người ta bày những món đồ thời bao cấp. Nhìn thấy cái cối xay gạo, tôi lại nhớ cảm giác nóng bức, ngột ngạt, nghiến răng nghiến lợi, thót hết cả bụng cả rốn mà kéo cái cối xay nặng chịch, ù òa, ù òa… lại như hiện lên sống động trước mắt. Một thời tuổi thơ khốn khó đã qua lâu rồi. Nhưng cái câu mẹ dặn trước khi đi làm đồng hầu như vẫn còn nguyên văng vẳng bên tai: “Ở nhà anh em bảo ban nhau, đứa nào xay lúa thì khỏi ẵm em!”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top