Aa

Phân hóa mạnh, nhiều ngân hàng khó cán đích lợi nhuận theo kế hoạch

Thứ Hai, 25/12/2023 - 06:15

Dựa vào kết quả kinh doanh các quý trước, nhiều dự báo cho rằng lợi nhuận ngân hàng năm nay sẽ đối mặt với sự phân hóa mạnh, thậm chí có nơi còn khó cán đích mục tiêu lợi nhuận cả năm như kế hoạch.

Năm 2023 dần khép lại, đã có ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh ước tính với lợi nhuận tăng trưởng mạnh đến 50% so với cùng kỳ năm trước. 

Tuy nhiên, dựa vào kết quả kinh doanh các quý trước, nhiều dự báo cho rằng lợi nhuận ngân hàng năm nay sẽ đối mặt với sự phân hóa mạnh, thậm chí có nơi còn khó cán đích mục tiêu lợi nhuận cả năm như kế hoạch đặt ra.

Sự phân hóa ngày một rõ nét

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa trở thành ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước tăng 50% so năm 2022, đạt mức 9.500 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao.

Tổng tài sản của ngân hàng này ước đạt gần 664.000 tỷ đồng, trong đó tài sản có sinh lời chiếm 90,3%. Tổng huy động ước đạt hơn 574.000 tỷ đồng; cho vay ước đạt hơn 487.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 2%.

Đây cũng là ngân hàng dẫn đầu đà tăng trưởng lợi nhuận của toàn ngành trong 9 tháng năm 2023 với mức tăng 66%. Sau Sacombank, tại kỳ công bố báo cáo tài chính quý III/2023, một số ngân hàng cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB) tăng 47,8%; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kiên Long (Kienlongbank) tăng 24,6%... Tuy vậy, chỉ có 13/28 ngân hàng niêm yết báo cáo lợi nhuận sau thuế tăng trưởng dương sau 9 tháng.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TechcomBank. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)

Trong khi đó, nhiều ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm mạnh, tăng trưởng lợi nhuận âm so với cùng kỳ năm trước như: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bản Việt (BVBank) với lợi nhuận 9 tháng giảm 85% so với cùng kỳ; Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank) giảm 59,6%; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) giảm 46,5%; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Á (VietABank) giảm 25,7%...

Lợi nhuận các ngân hàng thực chất đã có sự phân hóa và dự báo càng rõ nét hơn ở kỳ công bố báo cáo tài chính tới.

Theo phân tích của chuyên gia Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect, chi phí vốn của các ngân hàng sẽ giảm hơn nữa trong quý IV năm 2023 nhờ tiền gửi chi phí thấp chiếm tỷ trọng cao hơn trong cơ cấu nguồn vốn. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu tín dụng còn yếu, biên lãi ròng (NIM) có thể sẽ không cải thiện ngay lập tức. Ở quý III trước đó, phần lớn ngân hàng niêm yết có NIM giảm so với cùng kỳ, trong khi đây là chỉ số phản ánh khả năng sinh lời của ngân hàng.

Dự báo về lợi nhuận trước thuế toàn ngành năm 2023, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định tăng trưởng có thể không bằng năm ngoái, nhưng sẽ tăng trưởng khoảng 10%.

Cũng theo VCBS, sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng sẽ tiếp tục diễn ra và càng mạnh mẽ hơn trong năm 2024. Trong trường hợp thị trường bất động sản và kinh tế vĩ mô hồi phục chậm, lợi nhuận các ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm.

Ngược lại, ngân hàng có bộ đệm mạnh hay những ngân hàng có kế hoạch tăng vốn trong năm nay, sẽ có động lực tăng trưởng mạnh, kỳ vọng vượt bình quân ngành, với mức tăng trưởng lợi nhuận 18-20%.

Đích đến còn xa

Tính đến hết quý III năm 2023, có đến 8/28 ngân hàng chưa đạt được 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Điển hình như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Á (VietABank) mới thực hiện được 46% kế hoạch, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thương Tín (VietBank) mới thực hiện được gần 44%; Eximbank mới thực hiện được 34,2% kế hoạch; ABBank mới thực hiện được 23,2% kế hoạch...

Trong bối cảnh cầu tín dụng giảm sút, doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, dẫn đến nhu cầu vay vốn giảm, các ngân hàng cũng khó khăn trong việc giải ngân vốn cho vay. Mặt khác, nợ xấu gia tăng, đặc biệt là đối với các khoản cho vay mua nhà, cho vay chủ đầu tư bất động sản, công ty xây dựng và cho vay tiêu dùng. Điều này khiến các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng nợ xấu, bào mòn lợi nhuận ngân hàng.

Đây là những yếu tố chính khiến lợi nhuận nhiều ngân hàng giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm. Đích đến vẫn còn xa, khả năng nhiều ngân hàng sẽ khó hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho cả năm.

Dù vậy, không phải không có những tín hiệu lạc quan. Xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới đã dừng lại và được dự báo sẽ sớm đảo chiều. Mặt bằng lãi suất trong nước cũng liên tục giảm sâu trong nhiều tháng qua. Giới chuyên gia kỳ vọng giai đoạn khó khăn nhất của ngành ngân hàng cũng đã qua.

Theo báo cáo mới nhất của Công ty Cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating), khả năng sinh lời sẽ dần phục hồi nhờ NIM tăng và nhu cầu tín dụng cải thiện trong bối cảnh kinh tế phục hồi.

Cụ thể, VIS Rating kỳ vọng lợi nhuận toàn ngành sẽ dần phục hồi trong năm 2024 nhờ NIM được cải thiện khi lãi suất tiền gửi sẽ điều chỉnh về vùng lãi suất thấp nhanh hơn so với lãi suất các khoản cho vay và nhu cầu tín dụng cải thiện trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi.

Khách hàng giao dịch tại Vietcombank Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Khi các khoản tiền gửi có lãi suất cao huy động trong quý IV năm 2022 dần đáo hạn và tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng lên trong môi trường lãi suất thấp, chi phí huy động vốn của các ngân hàng sẽ điều chỉnh giảm đáng kể về mức thấp hơn. Ngoài ra, nhu cầu tín dụng tăng trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục sẽ góp phần làm tăng lợi suất cho vay.

"Với việc lợi nhuận được phục hồi, bộ đệm rủi ro và quy mô vốn của ngành ngân hàng sẽ cải thiện, giúp chống chịu tốt hơn trước những rủi ro nợ xấu," VIS Rating nhận định./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top