Aa

Có cơ chế, các ngân hàng sẽ ủng hộ việc phát triển bất động sản xanh

Thứ Ba, 19/12/2023 - 06:00

"Dư địa cho vay xanh đối với bất động sản tại Việt Nam vẫn còn rất lớn, nhất là khi chúng ta khơi thông được các quy định có liên quan", ông Võ Quốc Khánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty EY Việt Nam khẳng định.

Doanh nghiệp bất động sản nắm lấy cơ hội chuyển đổi xanh như thế nào?

Bất động sản xanh và phát triển bền vững là chủ đề được quan tâm trong thời gian gần đây, nhằm đón đầu dòng vốn xanh đang được nhiều tổ chức tài chính ưu tiên giải ngân.

Đại diện cho doanh nghiệp đã tiến hành chuyển đổi xanh những năm qua, TS. Lê Thái Hà - Giám đốc điều hành Giải thưởng VinFuture, Quỹ VinFuture cho biết, trong lĩnh vực bất động sản, Vinhomes đã đẩy mạnh phát triển bền vững và giảm thiểu ảnh hưởng môi trường thông qua nhiều sáng kiến đáng kể. Các đại đô thị Vinhomes triển khai giao thông xanh; nhiều khu đô thị được quy hoạch với đường đạp xe riêng, đầu tư hệ thống trạm sạc xe điện.

TS. Lê Thái Hà - Giám đốc điều hành Giải thưởng VinFuture, Quỹ VinFuture. (Ảnh: NVCC)

Vinhomes cũng là chủ đầu tư ứng dụng 4 trụ cột thông minh (An toàn, an ninh thông minh; vận hành thông minh; cộng đồng thông minh và sản phẩm thông minh) tại các đại đô thị, không chỉ mang đến sự thuận tiện - văn minh mà còn hướng tới cuộc sống bền vững. 

Ngoài ra, Vinhomes còn đảm bảo hoạt động kinh doanh phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với lộ trình hướng tới phát thải ròng bằng 0, tập trung vào năng lượng sạch và bền vững.

“Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, những nỗ lực của Vinhomes mang đến một mô hình tiếp cận bền vững, kết hợp giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, phục vụ cho lợi ích cộng đồng. Tuy nhiên, để phát triển mạnh mẽ và bền vững, các doanh nghiệp rất mong muốn có sự hỗ trợ của Nhà nước”, bà Lê Thái Hà nêu.

Chia sẻ với Reatimes, ông Võ Quốc Khánh, Phó Tổng Giám đốc, Tư vấn, Dịch vụ Tài chính Ngân hàng, Công ty EY Việt Nam cho biết, phát triển xanh là hướng đi đúng trên thế giới và cả Việt Nam. Song, tài chính xanh là câu chuyện tương đối mới ở Việt Nam, nên đang có những sự thận trọng nhất định trong câu chuyện chuyển đổi sang tài chính xanh.

“Nhìn vào cơ cấu tín dụng của các ngân hàng thương mại, có thể thấy hơn 70% nguồn vốn xanh tại Việt Nam hướng đến các ngành như năng lượng tái tạo, nông nghiệp. Đây là các lĩnh vực xanh rõ nét và đâu đó các tiêu chuẩn tiếp cận nguồn vốn có thể thấp hơn khi đánh giá.

Nhưng trong nền kinh tế, còn nhiều mảng, ngành nghề, lĩnh vực có nhu cầu vốn xanh, như bất động sản, xây dựng. Như vậy, chuyển đổi xanh sẽ còn mở rộng hơn nữa, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của hệ thống ngân hàng”, ông Khánh nói, và cho biết, một trong những nguyên nhân khiến biểu đồ vốn xanh đang có vẻ bất cân với ngành bất động sản, đó là công trình xanh tại Việt Nam chưa nhiều và chưa rõ tiêu chí, chính sách để hỗ trợ cho ngành này.

Chuyên gia của Savills, ông Mauro Gasparotti dự báo, trong chu kỳ bất động sản tiếp theo, chủ đầu tư ngày càng chú trọng việc tích hợp các yếu tố xanh, thân thiện với môi trường ngay từ quá trình hoạch định và triển khai dự án. Vì vậy, yếu tố bền vững tại các dự án bất động sản sẽ rõ nét hơn. Thị trường vẫn đang dịch chuyển và các chủ đầu tư cần tiếp nhận những thay đổi, xu thế mới để duy trì được tính cạnh tranh.

Vai trò của các tổ chức tín dụng rất lớn

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đặc biệt trước những cam kết rót vốn xanh từ các quỹ đầu tư quốc tế, rõ ràng Việt Nam phải có những kế hoạch, chương trình và bước đi nhất định để tiếp cận được các nguồn vốn phục vụ cho việc chuyển đổi xanh.

Theo ông Võ Quốc Khánh, trong việc chuyển đổi xanh, vai trò của các tổ chức tín dụng rất lớn. Không những trong việc cho vay, mà thông qua kênh tín dụng, các ngân hàng cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp làm thế nào để đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh mà ngân hàng có thể giải ngân.

Hơn nữa, các ngân hàng, các định chế tài chính lớn còn có nguồn lực để tiếp cận về mặt kỹ thuật liên quan đến các lĩnh vực xanh của nền kinh tế. Như vậy, vai trò hỗ trợ đánh giá, chuyển đổi của hệ thống ngân hàng không kém phần quan trọng so với câu chuyện cung cấp vốn.

Ông Khánh cũng đánh giá, chất lượng tín dụng xanh nhìn chung tốt hơn các khoản vay thông thường. Đặc biệt, các khoản vay xanh có kỳ hạn dài, sẽ giải quyết được hạn chế lấy nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Đây có thể là cơ sở để các ngân hàng đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi tín dụng xanh. 

“Các dự án vay xanh có xu hướng nợ xấu thấp hơn, còn các khoản nợ xấu dài hạn thường nằm ở các dự án không hiệu quả. Theo tôi, đây là cơ hội để các ngân hàng đánh giá lại chất lượng tín dụng và từ đó cơ cấu lại tín dụng dài hạn, liệu chúng ta có nên chuyển đổi tín dụng dài hạn sang tín dụng xanh hay không? Đây là việc hoàn toàn có cơ sở đối với các ngân hàng thương mại”, ông Khánh khẳng định.

Ông Võ Quốc Khánh, Phó Tổng Giám đốc, Tư vấn, Dịch vụ Tài chính Ngân hàng, Công ty EY Việt Nam.

Song, bước đầu tiên phải hoàn thiện là đưa ra được các tiêu chuẩn xanh trong lĩnh vực bất động sản. Qua đó, mới thúc đẩy được các tổ chức tài chính, các ngân hàng cho vay bất động sản.

“Nếu nhìn vào cơ cấu tín dụng xanh của các nước trong khu vực, phần bất động sản lại là lĩnh vực chiếm tỷ trọng rất lớn. Do đó, dư địa cho vay xanh đối với bất động sản tại Việt Nam vẫn còn rất lớn, nhất là khi chúng ta khơi thông được các quy định có liên quan. 

Mặt khác, nhìn vào cơ cấu tín dụng của các ngân hàng, việc cho vay bất động sản chiếm tỷ lệ khá lớn, trải đều ở nhiều ngân hàng chứ không phải một nhóm ngân hàng nhất định. Điều này cho thấy, khi có cơ chế, việc phát triển bất động sản xanh sẽ nhận được sự ủng hộ rất lớn của ngành ngân hàng, và việc cho vay bất động sản xanh được đẩy mạnh hơn rất nhiều, nhất là khi nhu cầu nhà ở và phát triển đô thị đang rất lớn ở Việt Nam”, ông Khánh nói.

Còn theo TS. Lê Thái Hà, để hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản chuyển đổi xanh, trước tiên, việc cung cấp các ưu đãi thuế cho những dự án hoặc hoạt động hướng tới môi trường và bền vững là cần thiết. Giảm thuế hoặc miễn thuế sẽ giảm bớt gánh nặng tài chính, đồng thời tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào công nghệ và giải pháp xanh.

Thứ hai, Chính phủ có thể khởi xướng các chương trình tài trợ và hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh. Điều này giúp doanh nghiệp khác có thêm cơ hội tiếp cận, áp dụng những tiến bộ khoa học mới nhất vào hoạt động kinh doanh của mình. 

Thứ ba, cần hệ thống chứng nhận rõ ràng, để người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận biết và lựa chọn sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường, giúp tăng cường niềm tin và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng hình ảnh bền vững. 

Đối với ngân hàng và tổ chức tài chính, Chính phủ có thể khuyến khích họ cung cấp các gói vay vốn ưu đãi cho dự án liên quan đến hệ sinh thái xanh. Được tiếp cận vốn dễ dàng hơn, các doanh nghiệp sẽ có nhiều khả năng mở rộng và cải tiến hoạt động kinh doanh của mình theo hướng xanh, bền vững.

Cuối cùng, theo bà Hà, việc thúc đẩy yếu tố phát triển bền vững đòi hỏi một lộ trình vì điều này cần có sự thay đổi trong nhận thức của cả cộng đồng, chứ không chỉ đến từ một chiến dịch riêng lẻ. Vì vậy, một chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ về ý thức bảo vệ môi trường và tiêu dùng sản phẩm xanh cần được triển khai rộng rãi.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top