Aa

Phan Thiết: Tiềm năng tâm điểm của “tứ giác vàng” du lịch

Thứ Hai, 05/03/2018 - 06:01

Được định hướng phát triển thành đô thị du lịch biển tầm cỡ quốc gia, TP. Phan Thiết (Bình Thuận) còn sở hữu hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện; Tiềm năng du lịch phong phú với bãi biển dài, cảnh quan hoang sơ, khí hậu trong lành... Tất cả những yếu tố này khiến Phan Thiết đã, đang và sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư bất động sản trong và ngoài nước.

Tính đến thời điểm hiện nay, Phan Thiết đã thu hút được nhiều nhà đầu tư bất động sản lớn đầu tư vào thành phố này. Các dự án có quy mô hàng trăm hecta với tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng, như Pegasus, Sentosa Villa, quần thể Resort SeaLinks Phan Thiết Mũi Né, dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết,... lần lượt xuất hiện.

Đầu năm 2017, Thắng Lợi Group hợp tác đầu tư và phát triển dự án Aloha - đô thị thương mại, giải trí, sinh thái, có diện tích 15ha với tổng mức đầu tư 3.200 tỷ đồng. Dự án được định hướng trở thành địa chỉ giải trí mang đậm phong cách Hawaii, đang triển khai giai đoạn một là khu Beach Camp, để đi vào hoạt động vào quý IV năm nay.

Chạy xe địa hình trên đồi cát Bàu Trắng. Ảnh: Hữu Long.

Chạy xe địa hình trên đồi cát Bàu Trắng. Ảnh: Hữu Long.

Dự kiến, đây sẽ là điểm du lịch, nghỉ dưỡng cho khoảng 500 lượt khách mỗi ngày, tương ứng 175.000 lượt khách mỗi năm, đáp ứng nhu cầu hạ tầng dịch vụ cho du khách đến với thành phố biển. Ngoài ra, dự án Ocean Dunes với tổng mức đầu tư tới 2.600 tỷ đồng cũng là một địa chỉ đáng mong đợi tại Phan Thiết.

Lý giải cho sự “vụt sáng” của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Phan Thiết, các chuyên gia cho rằng sự phát triển đồng bộ của hệ thống hạ tầng giao thông chính là nền tảng, giúp kết nối liên vùng một cách nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Đồi cát Bàu Sen. Ảnh: Hữu Long.

Đồi cát Bàu Sen. Ảnh: Hữu Long.

Đơn cử, như Dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Dự án cải tạo nâng cấp QL1A vừa hoàn thành và đưa vào khai thác, tới đây là Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sẽ được xây dựng... Khi tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết hoàn thành, việc di chuyển giữa 2 địa điểm này sẽ chỉ mất 2 giờ.

Bên cạnh đó, nhiều tuyến giao thông dọc chiều dài bờ biển Bình Thuận kết nối các trung tâm du lịch của tỉnh cũng được đầu tư hoàn chỉnh. Tuyến cao tốc Phan Thiết - Mũi Né - Nha Trang khởi công vào quý II/2017 cũng sẽ góp phần đưa Phan Thiết trở thành tâm điểm của "tứ giác vàng du lịch" TP.HCM - Phan Thiết - Đà Lạt - Nha Trang.

Hải Đăng mũi Kê Gà. Ảnh: Hữu Long.

Hải Đăng mũi Kê Gà. Ảnh: Hữu Long.

Đặc biệt, dự án Sân bay Phan Thiết đã được khởi công và đang được gấp rút thực hiện, nhằm mục tiêu đưa vào hoạt động trong năm 2018 sẽ giúp Phan Thiết trở nên gần gũi hơn không chỉ với du khách trong nước mà còn là điểm đến thường xuyên của du khách quốc tế trong tương lai gần.

Ngoài hạ tầng giao thông, một nguyên nhân quan trọng không kém giúp thành phố biển này trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý đặc biệt của giới kinh doanh bất động sản chính là tiềm năng du lịch cũng như chủ trương quy hoạch phát triển Phan Thiết thành đô thị du lịch biển cả nước. 

Ai đã từng đến Phan Thiết đều không thể phủ nhận rằng, nơi đây sở hữu một phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp với bờ biển dài và nhiều bãi tắm nên thơ, cảnh quan hoang sơ dung dị, khí hậu trong lành. Song, người ta đến với Phan Thiết còn để có cơ hội khám phá sự kỳ diệu của thiên nhiên Bình Thuận, như Hàm Tiến - Mũi Né, Thuận Quý - Kê Gà, Hàm Thuận - Đa Mi, Vĩnh Hảo - Cà Ná, Bàu Trắng, Thác Bà, Núi Ông...

Bàu Sen. Ảnh: Hữu Long.

Bàu Sen. Ảnh: Hữu Long.

Những cảnh quan thiên nhiên tại đây, cùng với thành phố biển tuyệt đẹp Phan Thiết quả thực đã tạo nên linh hồn cho một mảnh đất nắng gió như Bình Thuận, biến mảnh đất hoang sơ ấy thành một “điểm sáng” trên bản đồ du lịch Việt Nam với hàng trăm khu resort tiêu chuẩn từ 1 - 4 sao.

Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, định hướng đến năm 2020, tỉnh Bình Thuận sẽ trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển. Cùng với đó, TP. Phan Thiết sẽ trở thành đô thị du lịch biển mang tầm cỡ quốc gia.

Chủ trương của Chính phủ không chỉ mở ra cơ hội rất lớn cho sự phát triển của ngành du lịch Bình Thuận mà còn khiến cho địa phương này trở thành tâm điểm, thu hút sự chú ý đặc biệt của giới kinh doanh địa ốc mà điểm đến là Mũi Né (Phan Thiết) - nơi được mệnh danh là "Thủ đô Resort" của cả nước.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, lượng khách đến trong tháng 11/2017 khoảng 500.000 lượt, khách quốc tế có trên 53.000 lượt, doanh thu trong tháng ước đạt gần 900 tỷ đồng. Luỹ kế, trong 11 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đón 4,6 triệu lượt khách (khách quốc tế trên 450.000 lượt); doanh thu ngành đạt khoảng 9.827 tỷ đồng.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top