Trong hai bài mới phản ánh gần đây, Reatimes có đề cập đến chuyện đội vốn hàng chục nghìn tỷ tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 do PVN làm chủ đầu tư. Đến lượt những dự án của PV Gas lại bị đội vội hàng trăm tỷ đồng, cho thấy hệ thống dự án của PVN – PV Gas đang có vấn đề?
Sau khi kiểm tra, Thanh tra Bộ Xây dựng đã phát hiện hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư PVGas và đại diện PVN tại Dự án Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau và một số dự án khí khác. Khiến số vốn đầu tư xây dựng sau khi thanh tra phát hiện tăng lên tổng cộng khoảng 150 tỷ đồng.
Kết luận thanh tra (KLTT) số 441/KL - TTr của Thanh tra Bộ Xây dựng ban hành tháng 8/2017 về công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình của Tổng công ty Khí Việt Nam - Công ty Cổ phần (PV Gas) tại các dự án thanh tra.
Cụ thể, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chấp thuận chủ trương và Chủ đầu tư PV Gas thực hiện lập dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy xử lý khí Cà Mau khi chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung dự án vào quy hoạch ngành theo quy định tại khoản 3, điều 6, nghị định số 12/2009/NĐ-CP, ngày 12/2/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
Không chỉ vậy, PV Gas phê duyệt dự án Nhà máy xử lý khí Cà Mau điều chỉnh không đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 2, điều 14 và Phụ lục III, Nghị định số 12/2009/NĐ-CP, ngày 12/2/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
Chủ đầu tư dự án cũng lập, thẩm định và phê duyệt một số chi phí trong tổng mức đầu tư còn thiếu cơ sở, tính hai lần thuế giá trị gia tăng tại một số nội dung công việc và một số tồn tại khác. Những thiếu xót trên đã làm tăng tổng mức đầu tư số tiền 89,210 tỷ đồng tại dự án Nhà máy xử lý khí Cà Mau và dự án thu gom khí Rồng – Đồi Mồi.
Được biết, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) giao cho PV GAS làm chủ đầu tư dự án “Thu gom khí đồng hành và gaslift mỏ Rồng – Đồi Mồi” có tổng mức đầu tư 149,6 triệu USD, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2011.
Dự án có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia với công suất thu gom ban đầu tối đa là 0,9 triệu m3 khí/ngày, tương đương khoảng 328 triệu m3 khí/năm. Dự án bao gồm các hạng mục chính như hệ thống ống dẫn khí, giàn nén khí và blok nhà ở.
Đến năm 2015 PVN giao cho PV GAS tiếp tục làm chủ đầu tư dự án Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau với 100% vốn đầu tư từ Tổng PV GAS. Dự án bao gồm việc đầu tư xây dựng một nhà máy xử lý khí công suất 6,2 triệu m3 khí/ngày cùng hệ thống kho có sức chứa 8.000 tấn LPG, 3000 m3 condensate và hệ thống cảng xuất sản phẩm lỏng tại Khu công nghiệp Khánh An, xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.
Văn bản của Thanh tra Bộ Xây dựng cũng nêu rõ, đối với công tác lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán hạng mục công trình, PV Gas đã tính thừa chi phí thuê tư vấn quản lý dự án và chi phí giám sát, đánh giá dự án đầu tư xây dựng công trình; tính 2 lần thuế giá trị gia tăng, tính “thừa” thuế nhập khẩu dẫn đến phê duyệt sai tăng dự toán xây dựng công trình trên số tiền hơn 60 tỷ đồng.
Thanh tra Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ, PVN đã ban hành văn bản số 2392/DKVN-TCKT ngày 14/4/2015 chỉ đạo PV Gas miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh tạm ứng hợp đồng cho Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) tại dự án Nhà máy xử lý khí Cà Mau là vi phạm quy định tại điều 16, Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 7/5/2010 của Chính phủ về hợp đồng hoạt động xây dựng vả điều 66 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH ngày 26/11/2013.
Không chỉ vậy, chủ đầu tư không thực hiện giảm tiết kiệm giá gói thầu đến giá trị tối thiểu theo quy định của PVN đối với các gói thầu chỉ định thầu các nhà thầu trong ngành. Dẫn đến, ký hợp đồng và thanh, quyết toán sai tăng số tiền là 11,234 tỷ đồng.
Công tác nghiệm thu, thanh, quyết toán vốn đầu tư – tính sai tăng chi phí khảo sát, thiết kết kỹ thuật; tính sai tăng khối lượng nghiệm thu so với bản vẽ hoàn công một số hạng mục công việc, tính trùng chi phí quản lý dự án và một số sai sót khác. Dẫn đến, thanh quyết toán sai tăng số tiền 8,485 tỷ đồng.
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin.
Nhà máy xử lý khí Cà Mau vừa được khánh thành hồi đầu tháng 5/2018. là công trình thực hiện chủ trương chế biến sâu, nhằm gia tăng giá trị khí, tận dụng và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã giao cho Tổng công ty Khí Việt Nam làm chủ đầu tư, thực hiện dự án. Công ty POSCO Engineering (PEN) và Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) là liên danh nhà thầu có đủ uy tín và năng lực, đã được Tổng công ty Khí Việt Nam tin tưởng lựa chọn để thực hiện gói thầu EPC của dự án. Dự án có công suất xử lý 6,2 triệu m3 khí/ngày từ nguồn khí PM3-CAA, cùng hệ thống kho có sức chứa 8.000 tấn LPG, 3.000m3 condensate và hệ thống cảng xuất sản phẩm. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 10.000 tỷ đồng, giá trị của gói thầu EPC khoảng 5.500 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành, nhà máy cung cấp ra thị trường khoảng 600 tấn LPG/ngày, tương đương 200.000 tấn LPG/năm, cung cấp 35 tấn condensate/ngày, tương đương 12.000 tấn condensate/năm, bổ sung được khoảng 10% nhu cầu thị trường trong nước. |