Không chỉ vì 30.000 đồng như một BV ở TP.HCM đã thu, chẳng riêng gì khoản thu chưa hợp lý này mà phần lớn bởi cách tận thu.
Tiền phòng, viện phí, thuốc men cùng hàng loạt chi phí có tên và cả không tên đã đẩy không ít gia đình đến chỗ kiệt quệ khi có người thân nằm viện. Đau ốm về thể xác, bức bối về tinh thần, ngặt nghèo về tiền bạc vẫn là nỗi ám ảnh cho người bệnh và gia đình. Chi phí khá cao, dịch vụ rất kém, trang thiết bị vẫn còn khoảng cách lớn với nhu cầu khám chữa bệnh... luôn là nỗi e ngại khi nhắc đến nằm viện.
Bệnh viện có trăm ngàn lý do để cho rằng họ thu phí hợp lý. Thân nhân cũng rất nhiều lý lẽ chứng minh được tiền nộp ấy vừa thiếu tình lại chẳng đạt lý. Cho đến nay trong Danh mục phí và lệ phí cùng Pháp lệnh Phí và lệ phí mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành, không thấy dòng nào có tên là phí thân nhân người bệnh! Chẳng lẽ Bộ Y tế lại được quyết định một loại phí mà không cần hỏi ý kiến Bộ Tài chính, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét?
Nếu trả phí mà không phải vạ vật hành lang, lăn lóc dưới đất, chui rúc vào vệ sinh chật hẹp, hôi hám. Nếu trả phí mà không bị hoạnh họe, cau có hay gắt gỏng. Nếu trả phí bõ với đồng tiền bỏ ra, vừa phải với túi tiền, tương xứng với dịch vụ... Có lẽ ít ai phàn nàn, phản đối hay bức xúc và bệnh viện, Bộ Y tế cũng chẳng phải đứng ra thanh minh.
Người dân hoàn toàn có cơ sở để hỏi rằng tại sao những phòng bệnh chỉ ngang những nhà trọ rẻ tiền lại nhét đến 5, 6 bệnh nhân rồi thu tiền phòng 400.000 - 500.000 đồng/người, tổng giá đắt hơn khách sạn 5 sao mà Bộ Y tế vẫn không thấy bất hợp lý? Dư luận càng không thể im lặng vì thân nhân đi nuôi người nhà đau ốm, sức đã kiệt tiền cũng cạn vẫn thu phí nuôi bệnh thì Thứ trưởng Bộ này lại nói là hợp lý!?
Đừng bảo rằng bệnh viện có đặc thù riêng khi đó chỉ là tiền phòng và từ miếng gạc, túi bông hay cây kim đều tính tiền không sót một thứ. Đừng nói rằng bệnh viện phải phục vụ bệnh nhân nữa bởi nếu vào khách sạn 5 sao, khách hàng còn được “hầu” tận răng, chăm sóc tận phòng mà không ái dám cáu gắt họ một tiếng. Đừng quên bệnh viện còn được Nhà nước ưu đãi đủ thứ thuế, nguồn thu và có khi còn "rót" thêm kinh phí sắm sửa trang thiết bị, xây sửa phòng ốc.
Tiền phòng phi lý ấy mãi đến nay vẫn rơi vào hư không sau những im lặng đáng ngại. Nhưng phí nuôi bệnh chẳng hợp lý chút nào lại được “bênh vực” gần như lập tức. Dư luận đang tự hỏi Bộ Y tế đang đứng về ai? Họ xem nguồn tận thu quan trọng hơn hay sức chịu đựng của người bệnh cùng thân nhân không giới hạn? Câu trả lời ấy có lẽ cũng cần phải nhanh chóng như phát ngôn của Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến.
Nhà nước rất cần và nhân dân chắc cũng chẳng ngại chia sẻ. Thuế phí không thể thiếu nên ai cũng hiểu nghĩa vụ cùng quyền nợp của người nộp. Bệnh viện cần khang trang hơn, phục vụ tốt hơn và làm hài lòng BN hơn. Để thực thi điều ấy, tiền không thể thiếu và phí sẽ phải thu. Nhưng làm thế nào để thuyết phục dân chúng, lý lẽ nào để chứng minh đúng đắn, tình cảnh nào nhằm không ai bức xúc... thì Bộ Y tế và ông Thứ trưởng xem ra chưa đủ cả lý và tình.