Aa

Phát triển bền vững nguồn lực đất đai

Thứ Bảy, 13/02/2021 - 08:00

Giải quyết thách thức, hoàn thiện chính sách, đưa nguồn lực đất đai vào phát triển bền vững… là mục tiêu của ngành Tài nguyên và Môi trường năm 2021.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho biết, trong năm 2021, Bộ TN&MT sẽ tập trung việc lập quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia. Theo đó, Bộ sẽ thay đổi tư duy, cách làm bằng việc áp dụng khoa học công nghệ để có thể đánh giá toàn diện và đưa ra các giải pháp giải quyết được vấn đề như hoang mạc hóa đất đai, tình trạng lạm dụng khai thác nước ngầm, sạt lở bờ biển, xâm nhập mặn…

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

PV: Nhìn lại năm 2020 cũng như cả nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, toàn ngành đã đạt được những kết quả quan trọng nào?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Nổi bật là nhiều điểm nghẽn về cơ chế chính sách trong quản lý tài nguyên đã được ngành TN&MT tham mưu để Đảng, Quốc hội và Chính phủ xem xét tháo gỡ, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn. Nhiều chủ trương, chính sách lớn mang tầm chiến lược dài hạn đã được ngành xây dựng, trình ban hành, góp phần giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên cho yêu cầu phát triển mới của đất nước. Trong đó, nổi bật là Luật Bảo vệ môi trường 2020 với tư duy, cách tiếp cận đột phá cho công tác bảo vệ môi trường.

ngành tài nguyên và môi trường 2020

Với phương châm hướng về địa phương cơ sở, ngành TN&MT đã tập trung giải quyết các kiến nghị của địa phương, người dân, doanh nghiệp, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, giải quyết đúng nút thắt, tháo gỡ rào cản, cắt giảm thủ tục hành chính, thúc đẩy, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Đáng chú ý, phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số đã đạt những bước tiến quan trọng với hệ thống dữ liệu quan trắc, dự báo, đất đai, không gian thông tin địa lý và dữ liệu lớn về viễn thám. Công tác chỉ đạo điều hành được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng, kết nối thông suốt từ Trung ương, đến địa phương.

PV: Đâu là điểm nhấn lĩnh vực quản lý đất đai trong năm qua, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Trong năm 2020, ngành TN&MT đã tập trung xây dựng và hoàn thiện trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định: Nghị định số 06/2020, Nghị định số 148/2020, trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định quy định về hệ thống thông tin đất đai.

lĩnh vực quản lý đất đai 2020

Qua các chỉ số đánh giá khách quan của các tổ chức thế giới, của doanh nghiệp và người dân cho thấy, sự hài lòng được tăng lên theo từng năm. Trong đó, chỉ số tiếp cận đất đai (một trong những chỉ số khó cải thiện do tính khan hiếm của đất) đạt 6,86 điểm tăng 1,05 điểm so với năm 2016. Chỉ số hài lòng về dịch vụ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) tăng 13% so với năm 2016. Tỷ lệ phản ánh có tiêu cực trong thực hiện thủ tục cấp GCN giảm 34%.

PV: Nhiệm vụ trọng tâm mà ngành TN&MT đặt ra trong năm 2021 là gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, dữ liệu không gian địa lý, tài nguyên và môi trường; cung cấp dịch vụ công trực tuyến, xây dựng Chính phủ điện tử; thực hiện Thực hiện Chương trình chuyển đổi số, Chiến lược tổng thể tài nguyên số về tài nguyên và môi trường.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp nhịp nhàng giữa Trung ương và địa phương để nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên cho phát triển đất nước. Tạo bước đột phá trong nghiên cứu khoa học về biển, phát triển kinh tế biển; đảm bảo an ninh tài nguyên trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.

Toàn ngành TN&MT tập trung triển khai thực hiện những nội dung mới, đột phá trong thực thi bảo vệ môi trường, giải quyết hài hòa hơn nữa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Kiểm soát hiệu quả các nguy cơ ô nhiễm, xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại; thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, tái chế tái sử dụng tốt đa các nguồn vật liệu, góp phần giải quyết vấn đề an ninh tài nguyên, an ninh môi trường và an ninh khí hậu.

Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng chương trình tổng thể quản lý thích ứng với biến đổi khí hậu cho các vùng chịu rủi ro thiên tai; đẩy mạnh hiện đại hóa, tăng cường mạng lưới trạm khí tượng thuỷ văn với công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top