Nhìn vào thách thức
Cách đây ít lâu, một cơn mưa dù không quá lớn cũng khiến phần lớn TP.HCM lâm vào cảnh ngập lụt. Là người trực tiếp “trải nghiệm” thực tế này, kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận xét: “Một sự kiện thiên nhiên không lớn, không mạnh lắm nhưng đã làm tê liệt các đô thị của chúng ta. Điều này chứng tỏ, chúng ta chưa phát triển bền vững”.
Nhìn thẳng vào những thách thức, TS. Trần Thị Lan Anh, Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) chỉ rõ, thực trạng của đô thị Việt Nam là sự hình thành và phát triển đô thị còn thiếu kiểm soát, hạ tầng đô thị còn thiếu đồng bộ, dễ dẫn đến ngập lụt và tác động của môi trường, phát triển đô thị còn dàn trải, nguồn lực còn thiếu và chưa được sử dụng hiệu quả, đặc biệt là việc sử dụng nguồn lức đất đai.
Ngoài ra, ngập, suy giảm nguồn nước đang là thách thức, các vùng đô thị hóa, khu kinh tế, khu công nghiệp du lịch có nguy cơ rủi ro cao, đặc biệt ở khu ven biển, ven sông. Có 130 đô thị có khả năng chịu tác động mạnh, rất mạnh từ rủi ro thiên nhiên.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Đào Xuân Lai, Trợ lý Giám đốc quốc gia, Trưởng phòng Biến đổi khí hậu và Môi trường của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, biến đổi khí hậu, thiên tai và các sự cố môi trường ở Việt Nam diễn ra nhanh hơn, tác động nhiều hơn, ảnh hưởng đến công cuộc giảm nghèo, làm suy giảm, hủy hoại môi trường, tài nguyên, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, giảm chất lượng cuộc sống, tạo thêm gánh nặng ngân sách cho vấn đề y tế, phục hồi môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
Những tác động này tạo ra một vòng xoáy: Không khí bị ô nhiễm, người dân, đặc biệt là trẻ em có nguy cơ mắc các bệnh hô hấp nhiều hơn. Nhiệt độ trung bình tăng, với nhiều đợt nắng nóng cực đoan sẽ tạo nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm, hay bão lũ xảy ra hàng năm với cường độ mạnh hơn, người dân không còn đủ khả năng và thời gian để phục hồi, các gia đình vốn đã nghèo hay mới thoát nghèo, sẽ càng nghèo thêm. Như thế, phát triển đất nước không thể bền vững được.
Theo các chuyên gia, thách thức mà Việt Nam đang đối mặt là không hề nhỏ, nhưng ngay từ lúc này, vẫn có nhiều cơ hội để Việt Nam chọn cho mình hướng đi riêng, giải quyết bài toán đầy hóc búa này.
Theo bà Tina Saaby, Kiến trúc sư trưởng, Hội đồng TP. Copenhagen (Đan Mạch), hiện Hà Nội có nhiều nhà cao tầng, thực tế này đang khiến chúng ta khó nhìn thấy và giao tiếp với nhau. Trong kế hoạch phát triển đô thị của thành phố, cần có thêm nhiều không gian với trọng tâm thiết kế tập trung vào chất lượng, không gian công cộng.
Trong đó, có thể gắn không gian này với các địa danh lịch sử. Đây được coi là yếu tố quan trọng giúp gia tăng sự giao tiếp của người dân, là yếu tố quan trọng trong việc phát triển đô thị một cách bền vững.
Đồng quan điểm, theo kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, biến đổi khí hậu và nước biển dâng là vấn đề lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt. Chúng ta đang bước vào thời đại công nghiệp 4.0, nên việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, vận hành đô thị là rất quan trọng.
“Thành phố là sản phẩm vĩ đại nhất của con người, đến 2020, có khoảng 70% dân số (hiện nay khoảng 53%) sống trong các đô thị. Do đó, phải hướng tới các thành phố xanh, thông minh, đáng sống và phục vụ tốt nhất cho con người, vì con người. Đây là yêu cầu quan trọng. Không gian công cộng phải giúp con người tiếp xúc nhiều với thiên nhiên, thân thiện với thiên nhiên, con người”, ông Chính cho biết.
Đã đến lúc hành động
Khi bàn về câu chuyện phát triển bền vững tại các đô thị, nhiều ý kiến cho rằng, phần lớn “lỗi” thuộc về công tác quy hoạch. Tuy nhiên, theo ông Vạn, chúng ta đang đổ lỗi quá nhiều cho quy hoạch. Dĩ nhiên, quy hoạch cũng có vấn đề và còn những hạn chế nhất định, nhưng cái cần quan tâm là công tác quản lý thực hiện quy hoạch.
Theo ông Vạn, Việt Nam đã nói nhiều về phát triển đô thị bền vững, nhưng giờ là lúc cần những hành động cụ thể.
Đồng quan điểm, theo ông Lai, trong bối cảnh phát triển công nghệ 4.0 và diễn biến của biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn dự báo, Việt Nam đang có cơ hội lớn để lựa chọn một định hướng phát triển nhanh, xanh và bền vững cho những thập niên tới. Đây cũng là thời khắc quan trọng khi Việt Nam chuẩn bị xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội cho 10 năm, 2021 - 2030.
Theo các số liệu của UNDP, Việt Nam đang tốc độ đô thị hóa nhanh nhất ở Đông Nam Á, (khoảng 3,4%/năm), tạo ra các áp lực rất lớn cho cở sở hạ tầng. Việt Nam hiện đã đối mặt với nhiều yếu tố thiếu bền vững như ô nhiễm không khí ở đô thị, mà nguyên nhân chính là từ xây dựng hạ tầng.
Theo ông Lai, Việt Nam có thể tham khảo các mô hình đô thị “không phát thải” và “thông minh” của các nước đi trước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Phần Lan… để học tập.
Năng lượng là một hạng mục quan trọng tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên. Thời gian qua, các chương trình tiết kiệm năng lượng của Việt Nam, đặc biệt ở các khu công nghiệp, đô thị đã bước đầu thu hái được thành công, nhưng vẫn còn đó không ít những rào cản.
Đơn cử, với lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, theo bà Trần Thị Thu Phương, sáng lập Mạng lưới Hiệu quả Năng lượng Việt Nam, EEN-Vietnam, Việt Nam đang đối mặt với không ít thách thức, chất lượng nguồn lao động chưa đáp ứng. Chẳng hạn, để việc thực thi chính sách tốt (sở, ban, ngành đóng vai trò phải có năng lực giám sát quản lý), tại doanh nghiệp cần có cán bộ đủ năng lực vận hành, theo dõi. Tuy nhiên, bản thân công ty tư vấn tiết kiệm năng lượng hiện tại ở Việt Nam còn ở quy mô nhỏ.
Ngoài ra, việc thu hồi vốn và khả năng sinh lời từ dự án tiết kiệm năng lượng luôn là điều kiện tiên quyết để chủ dự án ra quyết định đầu tư. Hầu hết những dự án có thời gian hoàn vốn dưới 5 năm có tính hấp dẫn cao, trong khi những dự án với mức đầu tư cao, thời gian hoàn vốn dài khiến nhà đầu tư còn ngần ngại và e dè.
Ngay trong công tác kết nối và hợp tác, theo bà Phương vẫn gặp phải những rào cản về trao đổi thông tin.
Có trường hợp hợp tác giữa doanh nghiệp và đơn vị nhà nước, nhưng nhiều đơn vị còn mơ hồ, chưa nắm được đầy đủ các thông tư, nghị định. Hoạt động hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường đại học cũng còn khoảng cách đáng kể, giữa thực tiễn và nghiên cứu còn rời rạc.
“Chúng tôi chứng kiến nhiều trường hợp hợp tác giữa chủ dự án, nhà thầu, ngân hàng vẫn còn những lúng túng. Bản thân ngân hàng chưa đáp ửng đủ năng lực thẩm định dự án có tính kỹ thuật cao, trong khi không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được chuyên gia thẩm định phù hợp hay nhà thầu có độ tin cậy trong thị trường”, bà Phương nói.