Biến đổi khí hậu và ảnh hưởng đối với Việt Nam
Biến đổi khí hậu là những biến đổi trong môi trường vật lý hoặc sinh học gây ra những ảnh hưởng có hại đáng kể đến thành phần, khả năng phục hồi hoặc sinh sản của các hệ sinh thái tự nhiên và ảnh hưởng đến hoạt động củacác hệ thống kinh tế - xã hội hoặc đến sức khỏe và phúc lợi của con người (theo công ước chung của LHQ về biến đổi khí hậu).
Những ảnh hưởng đầu tiên do BĐKH có thể nhận thấy là hạn hán, lũ lụt, nguồn nước, hệ sinh thái, nước biển dâng, nông nghiệp, rừng, sức khỏe con người. Ảnh hưởng rõ nhất như: Nhiệt độ cao, tăng số lượng và diện tích các vùng hạn hán - sa mạc hóa, tăng cường mức độ bão, nước biển dâng, tăng tốc xói lở bờ biển, tăng độ mặn và các chất rắn trong nước biển, tăng các dòng chảy của sông...
Những ngành bị tổn thương lớn nhất do BĐKH là nông nghiệp, thủy sản, du lịch...; đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là người dân ở khu vực miền núi và ven biển, nhất là người nghèo, phụ nữ và trẻ em.
BĐKH làm thu hẹp diện tích đất canh tác, giảm sản lượng và năng suất cây trồng, dự báo gây tổn thất khoảng 0,4% GDP vào năm 2030. Hơn nữa, nhiệt độ môi trường tăng làm năng suất lúa giảm, dự báo giảm khoảng 4,2%/năm và mực nước biển dâng 13cm vào năm 2030 sẽ làm năng suấtlúa giảm 9%. Biến đổi khí hậu làm giảm trữ lượng của các loài thủy sản.Dự báo đến năm 2030, thiệt hại của ngành thủy sản có thể lên đến gần 1,6%GDP.
BĐKH làm sụt giảm nguồn cung nguyên liệu do nước biển dâng gây ngập lụt cho các khu công nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm. BĐKH thúc đẩy nhanh hơn chuyển đổi việc làm từ nông nghiệp sang các ngành khác, khiến một bộ phận lớn lao động di cư từ nông thôn ra các đô thị, làm gia tăng áp lực cho khu vực thành thị. BĐKH cũng làm cho các các nguồn tài nguyên ngày càng suy giảm. Suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước trởnên phổ biến hơn. Nguồn cung năng lượng hóa thạch cũng ngày càng cạn kiệt.
Nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu trái đất là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính, các hoạt động khai thác quá mứccác bể hấp thụ khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền khác. Nghị định thư Kyoto nhằm hạn chế và ổn định sáu loại khí nhà kính chủ yếu bao gồm: CO2, CH4, N2O, HFCs, PFCs và SF6. Tất cả các lọai khí này đều có đặc tính hấp thụ tia bức xạ hồng ngọai từ bề mặt trái đất lên không gian, việc này dẫn đến sự nóng lên của trái đất. Thời gian gần đây, Việt Nam phải thường xuyên hứng chịu những cơn “thịnh nộ” của thiên nhiên là kết quả của biến đổi khí hậu, rõ nhất là cơn bão Yagi hay còn gọi là cơn bão số 3 đã tác động đến Miền Bắc Việt Nam vừa qua.
Xu hướng công trình xanh ứng phó với biến đổi khí hậu
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, đã nảy sinh các khuynh hướng kiến trúc mới nhằm đưa con người trở lại với thiên nhiên, lấy lại sự cân bằng giữa môi trường thiên nhiên và con người. Từ đó ra đời khái niệm “Kiến trúc xanh/Công trình xanh/Green Building” như là hoạt động đóng góp quan trọng, tích cực và hiệu quả nhất của lĩnh vực xây dựng để ứng phó lại biến đổi khí hậu và bảo đảm sự phát triển bền vững của trái đất.
Ban đầu sự xuất hiện của “Công trình xanh/Green Building” chỉ như một làn sóng (the wave), đến năm 2006 đã trở thành một cơn bão (the storm) và đến 2009-2010 được coi là “Cuộc cách mạng Công trình xanh/ The GreenBuilding Revolution”. Trong đó phải kể đến Mỹ là nước có hoạt động công trình xanh mạnh mẽ nhất thế giới và đạt kết quả khả quan nhất. Bên cạnh đó cũng phải kể đến các nước như Nhật, Đài Loan, Trung Quốc, Australia, Singapore... Cho tới nay, công trình xanh đã trở thành một xu hướng của thời đại. Ở mức độ cao hơn nữa, một số nước đã đưa ra những mô hình công trình “superlow energy building hay “zero energy building” là công trình ít tiêu hao hoặc không tiêu hao năng lượng nhờ khả năng tự tạo ra năng lượng phục vụ chính nó, thậm chí còn cung ứng thêm vào mạng lưới; hay mô hình ‘carbon-neutral building’ là những công trình từ vật liệu xây dựng đến khi đưa vào sử dụng đều không phát ra khí CO2. Như vậy, từ khái niệm công trình xanh ban đầu, thế giới liên tục nâng cao chuẩn xanh, phát triển các mô hình thiết kế và xây dựng mới ngày càng hiệu quả về tài nguyên và môi trường. Công trình xanh đã chứng tỏ mang lại hiệu quả nhiều mặt: Hiệu quả môi trường, lợi ích xã hội và các lợi ích kinh tế rõ rệt.
Sự quan tâm của toàn thế giới tới BĐKH thể hiện rõ rệt nhất từ tháng 6/1992 trong Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về Môi trường và phát triển tại Rio de Janeiro, Brazil. Tại đây đã thông qua “Công ước khung về BĐKH”. Tháng 12/1997 “Nghị định thư Kyoto” về giảm các khí nhà kính được các bên tham gia Công ước thông qua, Việt Nam là một trong hơn 180 quốc gia trên thế giới đã ký kết Công ước này. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ “Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050” tại Hội nghị COP 26, và lộ trình đã được xác định trong Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ. Năm 2024, Việt Nam đã có sàn giao dịch tín chỉ Carbon đầu tiên và đang thu lợi nhuận từ việc bán tín chỉ này. Chính phủ Việt Nam đã ký hai quyết định liên tiếp vào (ngày 25 và 26 tháng 7/2022) là Quyết định số 896/QĐ-TTg phê duyệt phê duyệt chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Quyết định số 888/QĐ-TTg phê duyệt phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu. Mục tiêu tổng quát của đề án là chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia đứng đầu về mức độ chịu rủi ro lớn nhất của biến đổi khí hậu trong 30 năm tới. Trong bối cảnh của biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng, trào lưu kiến trúc tại các nước phát triển lan sang các nước đang phát triển như Việt Nam được xem như là một mô hình lý tưởng. Những mô hình công trình xanh này khiến các nước đang phát triển choáng ngợp bởi các giải pháp công nghệ tân tiến, vật liệu xây dựng hiện đại. Tuy nhiên việc ứng dụng một cách linh hoạt và phù hợp vào trong điều kiện riêng của từng nước, từng địa phương đang là một khoảng trống lớn. Việc hiện thực công trình xanh đang gặp rất nhiều trở ngại.
Tại Việt Nam đã xuất hiện các đơn vị, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công trình xanh nhưng vẫn chưa có những chính sách và giải pháp quyết liệt, cụ thể để thúc đẩy sự chuẩn của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ.
Phát triển công trình xanh ở Việt Nam
Có thể nói đây là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường công trình xanh Việt Nam chậm phát triển. Việc thực hiện các công trình xanh ở Việt Nam đang là tự nguyện, tự lực của các chủ đầu tư, không có hướng dẫn, quy định hay khuyến khích gì từ các cơ quan có thẩm quyền.
Thêm vào đó, hiện nay Việt Nam chưa có hệ thống đánh giá nào được cơ quan quản lý Nhà nước chính thức ban hành như một công cụ có tính pháp lý để đánh giá, quản lý công trình xanh.
Hơn nữa, nhận thức về công trình xanh vẫn còn chưa chính xác, hầu hết công trình xanh đều được mọi người hiểu phiến diện rằng nghĩa là nhiều cây xanh. Song, công trình xanh phải đạt hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng, nước, vật liệu... Ngoài ra phải đảm bảo không tác động xấu tới sức khỏe người dân, giảm thiểu chất thải độc hại cho môi trường.
Để đạt được cam kết đặt ra về giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, đòi hỏi sự tham gia tích cực và sự phối hợp toàn diện giữa chủ đầu tư, nhà phát triển cũng như các kiến trúc sư.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn do các chủ đầu tư lớn chưa sẵn sàng phát triển công trình xanh, tư vấn thiết kế và nhà thầu chưa quan tâm đúng mức, chi phí tư vấn, xây dựng tăng thêm chưa được hiểu đầy đủ, chưa có sự quyết liệt từ cơ quan quản lý.