Aa

Phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam: Giải quyết thách thức, tận dụng cơ hội để "không ai bị bỏ lại phía sau"

Chủ Nhật, 10/11/2024 - 08:00

Ngày 8/11 tại Hà Nội, Bộ Xây dựng chủ trì tổ chức Diễn đàn Phát triển bền vững Đô thị Việt Nam lần thứ 3 với chủ đề chính "Nhà là nơi bắt đầu: Tăng cường thể chế phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam".

Diễn đàn được tổ chức thường niên nhằm thúc đẩy đối thoại, hợp tác và trao đổi kiến thức giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, các đối tác phát triển quốc tế và các tổ chức cá nhân quan tâm đến phát triển đô thị.

Diễn đàn tập trung thảo luận về 3 lĩnh vực trọng tâm là: Chính sách phát triển đô thị Việt Nam bền vững; Triển khai các mục tiêu phát triển bền vững và Chương trình đô thị mới tại Việt Nam; Phát triển đô thị thích ứng biến đổi khí hậu hướng tới phát triển bền vững nhằm cụ thể hóa các mục tiêu toàn cầu.

Những thành tựu và thách thức trong phát triển đô thị Việt Nam

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng cho biết, các đô thị Việt Nam ngày càng đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế quốc gia với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 43,1% và 902 đô thị trên toàn quốc, nhiều đô thị ven biển đã hình thành những thương hiệu mới, chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Nhờ sự đóng góp của đô thị, quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2023 đạt 430 tỷ USD, thu nhập bình quân ở khu vực thành thị gấp 1,5 lần khu vực nông thôn. Chất lượng cuộc sống đô thị ngày càng được tăng cao với sự cải thiện rõ rệt về môi trường sống, cảnh quan đô thị, tiếp cận hạ tầng kỹ thuật đô thị và cơ hội phát triển của cộng đồng dân cư.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 với định hướng toàn diện về quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành, địa phương và chính quyền đô thị đang nỗ lực thực hiện các chương trình hành động, triển khai chính sách pháp luật nhằm tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa; các dự án luật như Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị đang được nghiên cứu gấp rút để hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy quá trình đô thị hóa có chất lượng.

Phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam: Giải quyết thách thức, tận dụng cơ hội để "không ai bị bỏ lại phía sau"- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng phát biểu tại Diễn đàn Phát triển bền vững Đô thị Việt Nam lần thứ 3.

Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh các định hướng tại Nghị quyết số 06-NQ/TW cần được triển khai mạnh mẽ, sáu nhóm nhiệm vụ đã được chỉ ra là kim chỉ nam cho phát triển đô thị tại Việt Nam giai đoạn tới, từ việc hoàn thiện thể chế, chính sách đến việc phát triển bền vững hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, hoàn thiện chính sách và thể chế liên quan đến quản lý phát triển đô thị là nhiệm vụ cấp bách đòi hỏi sự tham gia tích cực của các bên, từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, cư dân đô thị và bạn bè quốc tế. Vì vậy, cần định hình hành lang pháp lý thống nhất, hiệu quả giúp đô thị hóa diễn ra lành mạnh, cạnh tranh và bền vững.

Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, sự phát triển đô thị vẫn tồn tại những hạn chế chưa được khắc phục triệt để như đô thị hóa dàn trải, mật độ đô thị thấp, chưa thật sự hiệu quả; chất lượng hạ tầng đô thị gây ra nhiều khó khăn trong đời sống đô thị, đặc biệt với các thành phố lớn như ô nhiễm, tắc nghẽn giao thông, ngập lụt cục bộ, thiếu nhà ở, thiếu hạ tầng, không gian xanh… Ngoài ra, sự gia tăng về đất đai đô thị, mở rộng ranh giới hành chính đô thị thời gian qua tiếp tục tạo thách thức trong cải thiện, nâng cấp chất lượng hạ tầng đô thị trong thời gian tới.

Tại Hội thảo Chuyên đề trong khuôn khổ Diễn đàn, bà Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia cũng chia sẻ về những bất cập còn tồn tại trong phát triển đô thị. Theo bà Nhâm, từ góc độ địa kinh tế và kinh tế đô thị, hệ thống đô thị chưa phát huy hết được các tiềm lực kinh tế. Nguyên nhân do việc mở rộng ranh giới hành chính đô thị đã làm đầu tư dàn trải và nhiều trường hợp phát triển đô thị không theo quy luật của thị trường.

Phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam: Giải quyết thách thức, tận dụng cơ hội để "không ai bị bỏ lại phía sau"- Ảnh 2.

Bà Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia phát biểu tại Hội thảo.

Từ góc độ sinh thái môi trường, trong nhiều trường hợp phát triển đô thị chưa căn cứ vào đặc điểm của sinh thái môi trường. Nguyên nhân là do nhiều khu vực phát triển không ở trong vùng thuận lợi về môi trường sinh thái đã dẫn đến phá hủy môi trường sinh thái.

Từ góc độ văn hóa xã hội, hệ thống đô thị còn nhiều trường hợp chưa phát huy hết những tiềm lực về văn hóa, xã hội. Nguyên nhân do chưa có quan điểm rõ ràng, khả thi đối với mục tiêu về văn hóa, xã hội, như chính sách công bằng xã hội đối với dân nhập cư ở đô thị, khu vực đô thị yếu thế.

Từ góc độ về biến đổi khí hậu, hệ thống đô thị vẫn chưa thích ứng được với biến đổi khí hậu. Nguyên nhân do coi biến đổi khí hậu là thảm họa, không nhận ra đó là sự thay đổi của điều kiện tự nhiên lâu dài, cần thay đổi về tư duy và cách ứng xử.

Đồng tình với ý kiến cho rằng vấn đề về môi trường là một thách thức lớn khi thực hiện các mục tiêu phát triển đô thị bền vững, ông Lê Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc Quy hoạch Hà Nội, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia nhấn mạnh, quá trình phát triển bền vững tại Việt Nam còn đối diện với nhiều khó khăn về vấn đề liên kết, kết nối hệ thống của vùng, đô thị và nông thôn; vấn đề về nhà ở; chất lượng công việc, việc làm; vấn đề thực hiện quy hoạch.

Phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam: Giải quyết thách thức, tận dụng cơ hội để "không ai bị bỏ lại phía sau"- Ảnh 3.

Ông Lê Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc Quy hoạch Hà Nội, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia phát biểu tại Hội thảo.

Hướng tới quá trình đô thị hóa có chất lượng, lành mạnh, cạnh tranh và bền vững

Trước thực trạng đó, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia Phạm Thị Nhâm cho rằng, để quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn thời kỳ 2021 - 2030 đạt được các mục tiêu phát triển quốc gia, hướng tới phát triển bền vững; tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh, đổi mới hệ thống đô thị của Việt Nam theo mô hình mạng lưới xanh thông minh, bền vững mà Nghị quyết số 06-NQ/TW đã đặt ra, cần thực hiện một số nhiệm vụ. Cụ thể:

Về cấu trúc không gian tổng thể, tổ chức và sắp xếp hệ thống đô thị nông thôn nhằm thúc đẩy tăng trưởng đô thị hóa và phát triển bền vững, quản lý hệ thống đô thị theo từng bậc. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh đô thị hóa ở khu vực nông thôn nhằm giảm áp lực di dân đến các đô thị lớn và từng bước hiện đại hóa khu vực nông thôn.

Về kinh tế đô thị, quản lý phát triển các vùng đô thị hóa nhằm khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế của các vùng, miền; tăng cường tích tụ và chuyển đổi kinh tế đô thị sang mức có giá trị kinh tế cao hơn; phát triển các kết nối liên kết vùng, liên kết quốc gia.

Về môi trường và sử dụng tài nguyên, đề xuất các giải pháp mang tính chiến lược về đô thị hóa thích ứng với môi trường tự nhiên và sinh thái, qua đó kiểm soát được không gian đô thị trên nguyên tắc đô thị hóa đất đai tương xứng với đô thị hóa dân số. Phát triển đô thị, nông thôn theo nguyên lý bảo tồn hệ sinh thái và quản lý tổng hợp tài nguyên nước; tối ưu hóa năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo…

Về xã hội, văn hóa, phát triển đô thị, nông thôn phải đảm bảo công bằng giữa các vùng đô thị nông thôn, thuần nông; công bằng giữa đô thị lớn với đô thị nhỏ; giữa các khu vực phát triển cũ và mới.

Tại Hội thảo, bàn về mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã đề xuất một số định hướng để có thể thực hiện tốt mục tiêu này, tập trung vào 6 điểm then chốt. 

Thứ nhất là chính sách lấy con người làm trung tâm, không bỏ ai ở lại phía sau. Thứ hai là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - một trong ba đột phá chiến lược, góp phần tăng tốc quá trình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, như phát triển hệ thống giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp bình đẳng, bao trùm, toàn diện. Thứ tư là bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu như thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Thứ năm, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính. Thứ sáu là cải thiện tính sẵn có của dữ liệu. Theo bà Nga, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chuẩn bị triển khai xây dựng một nền tảng quốc gia về Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) để cung cấp các số liệu cập nhật mới nhất cho các tỉnh thành, địa phương.

Phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam: Giải quyết thách thức, tận dụng cơ hội để "không ai bị bỏ lại phía sau"- Ảnh 4.

Ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Quy hoạch và Hạ tầng, Công ty tư vấn quốc tế enCity.

Từ góc độ của một doanh nghiệp tư vấn, ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Quy hoạch và Hạ tầng, Công ty tư vấn quốc tế enCity bổ sung thêm 5 đề xuất cho các đô thị Việt Nam để quy hoạch hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm:

Thứ nhất, cần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử và thiên nhiên của đô thị. Thứ hai, phát triển kinh tế bền vững, tạo cơ hội cho mọi thành phần như mô hình đô thị đa tâm; mô hình nghiên cứu - sản xuất - định cư thế hệ mới.

Thứ ba, tăng cường công bằng xã hội và sự tham gia của cộng đồng. Thứ tư, quy hoạch tích hợp hạ tầng xanh và xây dựng các khu đô thị có khả năng thích ứng với ngập. Thứ năm, quy hoạch giao thông xanh và hạ tầng kỹ thuật tích hợp.

Phân tích cụ thể về trường hợp quy hoạch TP. Hà Nội - 1 trong 2 đô thị loại đặc biệt của Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc Quy hoạch Hà Nội Lê Hoàng Phương cho rằng, Thủ đô cần tập trung thực hiện 7 chiến lược phát triển trọng tâm để phát triển đô thị bền vững. Thứ nhất là cần hợp tác liên kết vùng, bởi Hà Nội đang trở thành vùng đô thị lớn, trung tâm của các vùng phía Bắc và kết nối toàn cầu, do đó những vấn đề về liên kết rất quan trọng và cần thiết.

Thứ hai, chú trọng phát triển văn hóa và di sản; cần phân tích và kế thừa các hệ thống văn hóa di sản của Hà Nội có từ 1000 năm, ngoài ra có những xây dựng mới, bố trí phù hợp ở các khu vực nội đô, đô thị mở rộng, nông thôn hay đô thị vệ tinh, sinh thái. Thứ ba, Hà Nội cần tiên phong phát triển đô thị xanh bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. 

Thứ tư, chú trọng dịch vụ công cộng chất lượng cao. Để phát triển đô thị một cách cân bằng và bao trùm giữa các khu vực đô thị - nông thôn, quản lý về không gian xây dựng, kết cấu hạ tầng và dịch vụ xã hội phải được bố trí và phân bố đầy đủ để người dân được tiếp cận một cách thuận lợi nhất.

Thứ năm là chuyển đổi giao thông công cộng. Thứ sáu là chú trọng bảo vệ môi trường. Trong đó, để giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước cần phải phối hợp thực hiện liên kết vùng và các địa phương trong vùng Thủ đô và các vùng đồng bằng sông Hồng. và cuối cùng là thực hiện quy hoạch theo lộ trình.

Những chiến lược và giải pháp được nêu ra tại Hội thảo không chỉ định hướng cho các bên liên quan hợp tác để xây dựng môi trường đô thị toàn diện trên cả ba phương diện kinh tế, xã hội và môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững mà còn khẳng định cam kết mạnh mẽ của quốc gia trong việc xây dựng một môi trường sống xanh, thông minh và bao trùm cho mọi người dân./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top