Aa

Phát triển đô thị phải theo nguyên tắc “vết dầu loang”

Thứ Sáu, 13/01/2017 - 06:01

Đó là nhận định của ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam tại "Hội thảo quốc tế Thị trường BĐS nhà ở Hà Nội hướng tới năm 2017" diễn ra vào ngày 12/1 tại Hà Nội.

Mỗi năm, nhà nước phải tăng 100 triệu mét vuông nhà ở

Phát biểu tại cuộc hội thảo, Chủ tịch Nguyễn Trần Nam cho biết, cùng với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, cộng với Luật nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và Luật xây dựng, trong năm qua, thị trường BĐS tuy có lúc trồi lúc sụt nhưng vượt qua những khó khăn đó, hiện nay thị trường đang ở giai đoạn phát triển tương đối ngoạn mục, không có bong bóng như nhiều người lo ngại và ngày càng đi đúng hướng, góp phần cung cấp nhà ở cho dân, đổi mới bộ mặt đô thị, tăng của cải cho xã hội. Như Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng từng phát biểu: “Ngành BĐS là ngành tạo ra nguồn của cải rất lớn cho nước ta”. Bên cạnh đó, BĐS cũng tạo ra nhiều công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, trong nhiều lĩnh vực sản xuất.

Chủ tịch Nguyễn Trần Nam nhận định rằng nhà ở là một trong những phân khúc quan trọng nhất của thị trường BĐS, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt năm 2011 đã để ra mục tiêu, đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 25m2 sàn/người, trong đó tại đô thị đạt 29m2 sàn/người. Nghĩa là mỗi năm, diện tích nhà ở trung bình phải tăng lên 1m2/người.

 

Ông Nam nhấn mạnh: “Phát triển đô thị phải theo vết dầu loang, tức là dự án phải đi cùng đường sá, trường học, bệnh viện…

Chủ tịch Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh: “Phát triển đô thị phải theo vết dầu loang, tức là dự án phải đi cùng đường sá, trường học, bệnh viện…" (Ảnh: Kháng Trần)

Theo Chủ tịch Nguyễn Trần Nam, trong bối cảnh Việt Nam có 94 triệu dân, nếu con số này cố định, thì mỗi năm Nhà nước phải tăng 100 triệu mét vuông nhà ở, không kể các diện tích văn phòng khách sạn, các công trình công cộng khác.

“Diện tích nhà ở càng ngày càng tăng mạnh ở khu vực đô thị. Theo số liệu mới nhất của Bộ Xây dựng, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam hiện nay là 36,6%, trên 1/3 số dân đang sống ở khu vực đô thị. Sự tăng trưởng đô thị hóa hàng năm của nước ta là 1%/năm, nghĩa là mỗi năm sẽ có 1 triệu người chuyển từ khu vực nông thôn ra khu vực thành thị. Con số này nếu đem nhân với 25m2 sẽ là 25 triệum2 tăng thêm ở đô thị, đây là mức tăng cơ học, không kể mức tăng trung bình”, ông Nam đánh giá.

Ông Nam cũng dẫn lại số liệu điều tra dân số năm 1999, mỗi hộ gia đình có khoảng 4,2 người, đến 2009 còn 3,8. Dự kiến đến năm 2019, số người trong mỗi hộ giảm còn 3,2. Số hộ gia đình hiện nay là 24 triệu, sắp tới sẽ tăng lên gần 30 triệu hộ gia đình. 

Theo ông Nam, những số liệu kể trên là nguyên nhân vì sao nhu cầu nhà ở trung và dài hạn ở Việt Nam ngày càng lớn.

Nguyên tắc “vết dầu loang”

Nói về yếu tố tác động đến thị trường BĐS, ông Nam nhận định: Năm 2016, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng GDP 6,21%; lạm phát 4,74% (kiểm soát dưới mức 5%), mặc dù không đạt mức kỳ vọng của Chính phủ nhưng rõ ràng là đã có tác động tốt đến sự phát triển của thị trường BĐS năm 2016.

Chính vì vậy trong năm 2016, thị trường BĐS hoạt động nhộn nhịp hơn với hàng loạt các dự án được mở bán, số lượng giao dịch ổn định, thị trường BĐS nhà ở đã được cải thiện đáng kể về chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày một cao của người tiêu dùng và xã hội, góp phần chỉnh trang đô thị ngày một khang trang, hiện đại, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

Tuy nhiên, theo ông Nam, thị trường BĐS 2016 cũng bộc lộ nhiều tồn tại đang là thách thức cho sự phát triển chung trong năm 2017 và các năm tiếp theo.

Mặc dù đã có Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS trong đó quy định việc phát triển nhà, phát triển các dự án BĐS phải căn cứ vào quy hoạch, bắt buộc các địa phương, UBND cấp tỉnh phải lập kế hoạch và xây dựng chương trình phát triển nhà ở ngắn hạn, trung hạn và chỉ được cấp phê duyệt các dự án nhà ở, dự án BĐS đã được hội đồng nhân dân thông qua, được kiểm điểm sau mỗi chu trình phát triển. Song việc thực hiện chưa được nghiêm túc, các địa phương phê duyệt dự án theo quy hoạch sẵn có, cấp phép tràn lan theo phòng trào.

Ông Nam nhấn mạnh: “Phát triển đô thị phải theo vết dầu loang, tức là dự án phải đi cùng đường sá, trường học, bệnh viện… Song việc phát triển thị trường nhà ở hiện còn thiếu một trục quan trọng là trục thời gian. Chúng ta quy hoạch Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050, nhưng các nhà đầu tư không có định hướng rõ ràng, không có kiến thức chuyên môn, dự án không kèm hạ tầng, nguồn lực không đủ để triển khai dự án. Nhiều dự án xây dựng ở vùng sâu vùng xa không có hạ tầng, không hệ thống giao thông, điện nước, không giáo dục, thương mại, y tế… nên xây xong không có người ở”.

Theo thống kê, hiện nay nhà ở có giá 2 tỷ trở xuống chiếm 40% trong khi có đến 70 – 80% có nhu cầu nhà giá trung bình, giá rẻ.

Theo thống kê, hiện nay nhà ở có giá 2 tỷ trở xuống chiếm 40% trong khi có đến 70 – 80% có nhu cầu nhà giá trung bình, giá rẻ. (ảnh minh họa)

Mặc dù vậy, ông Nam vẫn đánh giá cao những động thái của chính quyền Hà Nội đối với thị trường BĐS thời gian gần đây. “Những chính sách mới của TP. Hà Nội gần đây chuyển mình rất tốt, đặc biệt những chính sách liên quan đến đô thị như cây xanh, chiếu sáng, trang trí thành phố… là chuẩn xác, đáp ứng được nhu cầu của người dân và chúng tôi rất ủng hộ. Đáng chú ý, gần đây, UBND TP. Hà Nội có chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc xây dựng chương trình phát triển đô thị, điều này cho thấy lãnh đạo thành phố đã có định hướng rõ khu vực phát triển". 

Tạo đòn bẩy kinh tế cho nhà ở thương mại giá thấp

Về tình trạng dư thừa nguồn cung cao cấp trong năm 2016, ông Nam cho rằng, hiện nay thị trường đang quá tập trung vào dòng nhà ở cao cấp, số dự án đã và đang hoàn thành rất nhiều, dự án mới khởi công cũng nhiều, ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM, rất khó để tìm nhà dưới 20 triệu/m2.

Theo thống kê, hiện nay nhà ở có giá 2 tỷ đồng trở xuống chiếm 40% trong khi nhu cầu nhà giá trung bình, giá rẻ lên tới 70 - 80%. Trong thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo cố gắng tạo đòn bẩy kinh tế trong nhà ở thương mại giá thấp. Đây là động thái góp phần cân đối thị trường, khắc phục tình trạng lệch pha diễn ra thời gian qua.

“Chỉ đạo của Thủ tướng là kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào thị trường BĐS cao cấp, các biệt thự nghỉ dưỡng và tìm nguồn vốn thúc đẩy phát triển nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội. Động thái “rà phanh” BĐS cao cấp, “nhấn phanh” vào BĐS bình dân của Thủ tướng Chính phủ là bắt kịp nhu cầu thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân và tôi hoàn toàn ủng hộ”, ông Nam nhấn mạnh. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top