TP.HCM đang xây dựng Đề án thu hút, bồi dưỡng và phát triển người có tài năng đặc biệt đối với các lĩnh vực thành phố có nhu cầu giai đoạn 2018 – 2022 với chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí từ 20-30 triệu đồng/tháng, gồm tiền lương hàng tháng và các khoản phụ cấp kèm theo.
Tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án này do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức vừa qua, các đại biểu cho rằng đề án không hết sức cần thiết trong thời điểm thành phố đang thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho TP.HCM.
Nhiều đại biểu là các giáo sư tiến sĩ đầu ngành đã lấy Đà Nẵng làm ví dụ trong việc đầu tư và đãi ngộ nhân tài. Tại đây, nhiều người đã trả lại các dự án, nhiều vụ kiện tụng đã xảy ra trong quá trình các nhân tài này vi phạm hợp đồng… Vì vậy các đại biểu có nhiều băn khoăn về việc làm thế nào để có quy chế xét tuyển, chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc giúp các nhân tài phát huy được khả năng và ra sức cống hiến cho thành phố.
Xung quanh Đề án này, Phóng viên Phương Dung đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Văn Biên, nguyên Viện Trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam - Phó Chủ tịch hội Sinh học TP.HCM, Uỷ viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh:
PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa cũng như tính khả thi của đề án thu hút nhân tài đặc biệt đối với các lĩnh vực mà TP có nhu cầu? Liệu chính sách đề xuất có đủ thu hút người tài về phục vụ cho sự phát triển thành phố hay cần bổ sung, điều chỉnh gì thêm?
GS.TS. Phạm Văn Biên: Hiện nay TP chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để có thể phát triển vượt bậc nhất là sau Nghị quyết 54, nếu phát triển theo đúng tinh thần nghị quyết của Quốc hội thì TP chúng ta sẽ có những bước phát triển toàn diện về mọi mặt có thể vươn tầm để trở thành một đô thị thông minh sánh vai với các đô thị thông minh khác trên thế giới. Và để xây dựng được một thành phố thông minh như thế thì việc chuẩn bị về con người là rất quan trọng.
Và trong đội ngũ mà chúng ta cần đặc biệt là những nhân lực khoa học công nghệ và nhân lực về văn học nghệ thuật, thể thao.v.v.. rất là cao mà trong đề án gọi là những tài năng hay tài năng đặc biệt. Đương nhiên từ trước tới giờ thì nhà nước và TP cũng đã quan tâm, cũng có những văn bản, chính sách để thu hút những tài năng như vậy phục vụ cho sự phát triển của đất nước hay của TP.
Thế nhưng trong quá trình vận dụng và thực hiện nhiều khi chúng ta vẫn chưa đạt được như ý. Số nhân lực tài năng của chúng ta thì hoặc là ít tham gia hay là tham gia rồi nhưng sau đó lại bỏ dở giữa chừng. Điều này chúng ta có thể nhìn thấy qua một số chương trình gọi là trải thảm đỏ thu hút trí thức của các địa phương. Rõ ràng một số địa phương như vừa rồi một số anh chị em có tham gia những dự án nhưng bỏ dở giữa chừng.
Chính vì vậy khi xây dựng dự án thu hút và phát huy những tài năng đặc biệt của TP lần này thì chúng ta sẽ rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế, thiếu sót của những chủ trương trước đây và những văn bản trước đây mà cụ the73 hóa bằng những chính sách những biện pháp đãi ngộ làm sao để làm sao đến khi chúng ta phát hiện được những nhân tài thực sự đó thì chúng ta sẽ tạo điều kiện để phát huy đến mức tối đa năng lực của những nhân tài chúng ta thu hút được.
Nếu triển khai, vận dụng và thực hiện đúng như mong muốn đề án đưa ra thì tôi hy vọng trong thời gian rất ngắn dưới đây TP chúng ta sẽ đạt được bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện và nhanh chóng đưa TP chúng ta phát triển đúng như kỳ vọng của cả nước và sớm trở thành một đô thị thông minh.
PV: Trước đây các đề án đào tạo nhân tài đã gặp phải một số khó khăn nhất định. Theo ông thì so với những đề án đào tạo thì đề án thu hút nhân tài có ưu nhược điểm ra sao? Liệu cơ quan soạn thảo có đánh giá trước những thử thách liên quan hay chưa?
GS.TS. Phạm Văn Biên: Một trong những cái hạn chế trước đây khi xây dựng các đề án hay các văn bản trước là việc tạo điều kiện để cho những nhân lực chất lượng cao chưa phát huy được nhiều chính ở chỗ chưa phải vấn đề đãi ngộ, tiền bạc vật chất mà chính ở chỗ chưa tạo ra những điều kiện tối ưu về môi trường làm việc về cung cấp thông tin, về trang thiết bị nghiên cứu để những tài năng khoa học công nghệ đó có thể phát huy. Chính vì vậy khi soạn thảo cái dự án lần này để thu hút những tài năng đặc biệt thì ban soạn thảo hay TP cũng đã lường trước được cũng như thấy được những cái hạn chế trước đây và bổ sung bằng những biện pháp, chủ trương rất cụ thể. Thế nhưng tôi nghĩ là có suy nghĩ rồi, có cân nhắc rồi, có rút kinh nghiệm rồi nhưng chắc chắn vẫn còn thêm nhiều ý kiến của giới khoa học hơn nữa để chúng ta thực sự có một dự án sâu sát và hiệu quả để triển khai.
PV: Theo ông thì ngoài vấn đề lương bổng, chính sách đãi ngộ thì những nhân tài đặc biệt này cần gì nhất?
GS.TS. Phạm Văn Biên: Thường các nhà khoa học không quan tâm đến vấn đề là mình được đãi ngộ cá nhân nhiều hay ít đâu. Cái quan tâm số 1 của những nhân lực khoa học chất lượng cao là môi trường làm việc phải được cung cấp đầy đủ thông tin. Được tạo điều kiện nắm vững thông tin. Được cung cấp đầy đủ những tarng thiết bị khoa học để mà nghiên cứu. Được cung cấp đầy đủ kinh phí để nghiên cứu và được tạo ra một tập thể khoa học có thể gắn kết, cùng nhau thực hiện chương trình nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm thì đấy chính là cái mong muốn của các nhà khoa học.
PV: Xin cám ơn ông!