Quả thật, những nỗ lực không ngừng trong việc áp dụng khoa học công nghệ của chính quyền địa phương đã đem đến danh hiệu thành phố “thông minh” nhất nước Mỹ cho San Diego.
Thành phố của những ngọn đèn thông minh: Nơi câu chuyện bắt đầu
Năm 2014, chính quyền thành phố hợp tác với General Electric để lắp đặt hơn 3.000 đèn đường vào hệ thống không dây nhằm tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải nhà kính. Với động thái này, thành phố có thể điều khiển những ngọn đèn từ xa, tiết kiệm hơn ¼ triệu đô-la tiền năng lượng và bảo trì mỗi năm.
Tuy nhiên, chính quyền thành phố biết rằng những ngọn đèn đường còn có công dụng nhiều hơn thế. Chính vì vậy, họ tiến hành lắp đặt đèn đường thông minh hơn, có tính năng giám sát chỗ đỗ xe, theo dõi những hoạt động phạm pháp, thậm chí đo lường chất lượng không khí.
Được xây dựng trên nền tảng Internet of Things riêng biệt, những ngọn đèn hiện đại này tích hợp camera, microphone, wifi, bluetooth, và cả những cảm biến để đo nhiệt độ, độ ẩm, thậm chí là từ trường. Thuật toán máy tính cho phép những ngọn đèn này hỗ trợ tài xế tìm được nơi đỗ xe phù hợp và báo cáo cho lực lượng chức năng khi phát hiện xe đỗ bất hợp pháp
Không chỉ vậy, chính quyền thành phố tham vọng xây dựng những ứng dụng điện thoại về các ngọn đèn này để giúp đỡ dân địa phương lẫn du khách. Thêm vào đó, San Diego còn hi vọng có thể nhờ công nghệ để lọc ra những con đường nguy hiểm cần được cải tạo, dựa vào dữ liệu gần đó, chứ không chỉ dựa trên số liệu tai nạn giao thông. Đây là cách để nâng cao sự an toàn của người đi đường.
Thành phố cũng đang xem xét một số ứng dụng khác của những chiếc đèn. Chẳng hạn, hệ thống đèn có thể kết nối với hệ thống ShotSpotter. ShotSpotter là hệ thống được nhiều nơi sử dụng nhằm xác định được vị trí những vụ đấu súng, xả súng. Nếu được kết hợp với công nghệ của San Diego, phạm vi và độ chính xác của ShotSpotter sẽ được nâng lên đáng kể.
Hệ thống cảm biến Internet of Things trong các ngọn đèn đường ở San Diego được ghi nhận là lớn nhất thế giới. Thành phố dự tính sẽ lắp đặt thêm 14.000 ngọn đèn đường nữa với hy vọng giảm 2,4 triệu đô-la chi phí năng lượng mỗi năm. Bằng hệ thống đèn này, San Diego có thể tiết kiệm được 4 triệu đô-la tiền thuế mỗi năm
Ứng dụng công nghệ trong giao thông
Là một đô thị lớn, San Diego cũng không thể tránh khỏi những bất cập trong giao thông, ví dụ tình trạng ùn tắc. Để giải quyết vấn đề này, sở giao thông thành phố đã hợp tác với những công ty tư nhân để mở rộng phạm vi thông tin mà thành phố có thể cung cấp.
Chẳng hạn, chương trình Connected Citizen Program của công ty Waze có thể kết nối với thông tin của người dùng từ hơn 600 nơi khác, cung cấp thông tin về ùn tắc, vị trí những ổ gà, hoặc thông báo động vật băng ngang đường.
Với chương trình này, thành phố không cần lắp đặt thêm bất kỳ cảm biến nào khách bởi mọi thông tin đều được cung cấp từ chính điện thoại thông minh của người dùng.
Chính quyền thành phố cũng cố gắng cải thiện những mặt khác của cơ sở hạ tầng giao thông. Chẳng hạn, ở sân bay quốc tế San Diego, nhà ga số 2 có công nghệ chỉ dẫn đỗ xe thông minh và hệ thống thoát nước do mưa bão. Những trạm sạc điện cũng được lắp đặt nhằm hỗ trợ các phương tiện sử dụng điện.
Ứng dụng công nghệ trong nhiều mặt cuộc sống: San Diego - thành phố tiên tiến hàng đầu của Hoa Kỳ
Với số lượng ngày nắng trong năm lên đến 146, San Diego được xem như một trong những ứng cử viên sáng giá cho danh hiệu “thành phố net zero” (Net zero: năng lượng thành phố tiêu thụ bằng với năng lượng thành phố có thể tạo ra).
Và dĩ nhiên San Diego cũng không bỏ qua điểm mạnh này của mình. Một ví dụ rõ nét chính là Khu chung cư Solterra EcoLuxury - cộng đồng với 114 căn hộ chỉ sử dụng hoàn toàn năng lượng mặt trời.
Nơi này có các gara để sạc điện cho xe điện, trình duyệt đo lường ảo giúp người dân kiểm soát được năng lượng sử dụng, máy điều chỉnh nhiệt độ thông minh có thể điều khiển mọi lúc mọi nơi bằng máy vi tính hoặc điện thoại thông minh. San Diego hy vọng sự tiên phong của Solterra sẽ là bước đầu cho làn sóng phát triển thông minh ở thành phố này.
Phong trào tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm cũng lan tới Cảng San Diego. Để cải thiện không khí, thành phố sử dụng hệ thống năng lượng gần bờ, cho phép thuyền hàng có thể cắm sạc ngay tại cảng thay vì phải chạy động cơ diesel.
Năm 2014, chính quyền cho lắp đặt các cảm biến đo lường năng lượng tiêu thụ, cung cấp cho người dùng số liệu chân thật và dễ dàng kiểm soát. Thậm chí các thùng rác cũng được lắp đặt cảm biến để đo sự hiệu quả của việc ứng dụng dữ liệu thật trong việc thu dọn rác và làm sạch những vùng triều ngập.
Dĩ nhiên, trọng tâm lớn nhất của thành phố khi ứng dụng hàng loạt công nghệ tiên tiến chính là cải thiện dịch vụ và chất lượng cuộc sống cho người dân. Chẳng hạn, hệ thống Smart City Open Urban Platform có thể tự động theo dõi và giảm thiểu lượng khí thải nhà kính từ các trang thiết bị trong thành phố.
Chính quyền cũng hợp tác với nhiều tổ chức, công ty khác để giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu, nâng cao cơ sở hạ tầng cũng như chất lượng cuộc sống.
Với sự phát triển vượt bậc này, không ngạc nhiên khi San Diego nằm trong top 10 thành phố thích hợp cho chương trình bay thử máy bay không người lái do Bộ Giao thông Hoa Kỳ và Cục Hàng không Liên Bang bình chọn. Trong tương lai, thành phố sẽ tiến hành những buổi bay thử, sử dụng công nghệ phát hiện-và-ẩn dấu, công nghệ nhìn xuyên đêm và hệ thống vận chuyển bưu phẩm.
Đó chính là tương lai của San Diego, bắt đầu từ 3.000 ngọn đèn đường thông minh. Hay nói chính xác hơn, là tương lai của San Diego từ những ý tưởng thông minh và độc đáo.