Aa

Phát triển đô thị ven sông bền vững, có bản sắc: Xu hướng, thực trạng và giải pháp

Thứ Tư, 06/07/2022 - 06:03

Phát triển đô thị ven sông là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong xu thế này, Việt Nam cũng có không ít lợi thế, tuy nhiên việc hình thành các đô thị ven sông sẽ còn nhiều vấn đề cần bàn luận.

Lời tòa soạn:

Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 đến 70% GDP cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần bình quân cả nước…

Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước.

Ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tạo động lực phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững. Nghị quyết khẳng định mục tiêu và nhiệm vụ tiếp tục phát triển các chuỗi đô thị biển gắn với thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

Với bờ biển trải dài hơn 3.260km từ Bắc vào Nam, Việt Nam có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển các đô thị biển đảo đặc sắc, là trụ cột và động lực để phát triển kinh tế biển. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có mạng lưới sông ngòi chằng chịt và đầy tiềm năng với tổng chiều dài hơn 41.900km, bao gồm 9 hệ thống sông lớn, trong đó có khoảng 2.360 con sông có chiều dài trên 10km. Sông nước là cội nguồn tạo ra đô thị nên hầu hết các thành phố lớn ở nước ta đều gắn với các dòng sông mang trong mình những diện mạo văn hóa khác biệt, phản ánh bản sắc riêng. Đây là điều kiện hoàn hảo để xây dựng những khu đô thị ven sông với cảnh quan hoàn mỹ, tạo nên không gian sống sang trọng, văn minh.

Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn đang vắng bóng những đô thị ven sông, đô thị biển đúng nghĩa, có thể phát huy, khai thác tối đa những giá trị, lợi thế mà sông nước, biển cả mang lại. Thay vào đó, đô thị ven sông – biển ở nước ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức cản trở quá trình phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng. Tất cả đang đòi hỏi cần những nghiên cứu nghiêm túc tầm quốc gia và quốc tế để có những tầm nhìn chiến lược và chính sách phát triển phù hợp. Vấn đề then chốt là xác lập tầm nhìn và quy hoạch, định vị không gian đô thị sông biển để phát triển tương xứng với tiềm lực tăng trưởng kinh tế và giá trị độc tôn của từng đô thị, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và tăng tính kết nối giữa các địa phương, thu hút các nguồn lực của doanh nghiệp để kiến tạo nên những công trình đẳng cấp, giàu giá trị văn hóa, khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch và phát triển kinh tế xanh trong thời kỳ mới.

Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện, Reatimes triển khai tuyến bài: Phát triển đô thị sông - biển Việt Nam thời kỳ mới

Trân trọng giới thiệu tới độc giả!

XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ VEN SÔNG: TỪ THẾ GIỚI ĐẾN VIỆT NAM

Nhìn lại lịch sử đô thị thế giới, sông là điều kiện thuận lợi để quần cư/tụ cư, từ chỗ là nguồn nước để làm nông và sinh hoạt đã hình thành những điểm dân cư nông thôn rồi là tuyến giao thông - thương mại để phát triển các điểm dân cư đô thị. Vì vậy, dòng sông là cội nguồn tạo ra đô thị, đáp ứng nhu cầu: Cấp thoát nước, giao thông vận tải, phòng vệ. Ở chiều ngược lại, đô thị cũng mang lại cho dòng sông một diện mạo văn hóa khác biệt, phản ánh bản sắc riêng. Nói cách khác là cách con người ứng xử với sông sẽ phản ánh bản sắc và văn hóa đô thị.

Đến ngày nay, các dự án bất động sản ven sông đang ngày càng trở nên hấp dẫn nhà đầu tư ở phân khúc giải trí, khách sạn và nhà ở với nhiều ý tưởng độc đáo, khác biệt so với trước đây. Bởi trong không gian đô thị hiện đại, hướng nhìn ra sông hoặc bến cảng tạo cảm giác cởi mở và kết nối với thế giới tự nhiên là một điểm bán hàng thu hút khách hàng. Mặt khác, cả người mua để ở lẫn nhà đầu tư đều bị thu hút bởi các vị trí ven sông có tầm nhìn mở rộng và phong cách sống thích hợp cho nghỉ dưỡng.

Khá nhiều thành phố khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng đã và đang thực hiện những dự án phát triển khu vực ven sông. Tại Singapore, khu vực ven sông xung quanh Marina Bay Sands đã trở thành tâm điểm về sự thành công nhất trong khu vực. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, sông Hàn được coi là báu vật của quốc gia này và được quy hoạch kiến trúc thành viên ngọc sinh thái giữa lòng thủ đô. Còn tại Hồng Kông (Trung Quốc), nhu cầu phát triển đô thị ven cảng và sông đã có trong nhiều thập kỷ qua. Rất nhiều đề xuất táo bạo về lối đi cho người đi bộ và các bãi biển nhân tạo dọc bến cảng Victoria.

Có thể nói, những dự án đô thị ven sông trên thế giới đều có một công thức chung để thành công. Đó là phát huy được giá trị của dòng sông trong việc phản ánh văn hóa, lịch sử cũng như kết nối dòng sông và các di sản văn hóa tại địa phương đó.

Còn tại Việt Nam, những kỳ vọng đột phá, khai thác được tiềm năng của những dòng sông như sông Hồng, sông Hàn, sông Sài Gòn… và những dòng sông khác ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam vẫn luôn được người dân mong đợi. “Đánh thức” tiềm năng dòng sông, bất động sản ven sông trong vấn đề quy hoạch đô thị vẫn là “bài toán” mà các địa phương đi tìm lời giải trong việc phát triển một đô thị văn minh, hiện đại.

Những kỳ vọng đột phá, khai thác được tiềm năng của những dòng sông như sông Hồng, sông Hàn, sông Sài Gòn… và những dòng sông khác ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam vẫn luôn được người dân mong đợi. Ảnh sưu tầm.

Thực tế, không ít các đô thị phát triển rực rỡ của Việt Nam cũng gắn liền với các dòng sông. Đơn cử như TP.HCM hiện đại, sầm uất được ôm ấp bởi sông Sài Gòn. Không chỉ ở bờ Tây, những khu thương mại, dịch vụ, tiện ích công cộng dọc bờ Đông sông Sài Gòn ngày nay cũng phát triển nhanh chóng. Kế đó là các khu dân cư vòng theo đại lộ, mở ra các tiểu đô thị giàu có bên sông mới như Thủ Thiêm, Thảo Điền...

Dọc theo chiều dài đất nước, các dòng sông đã tạo nên lịch sử, văn hóa gắn với đời sống mỗi đô thị. Vở diễn thực cảnh Ký ức Hội An đã phần nào tái hiện được cội nguồn văn minh và thịnh vượng của các vùng đất ven sông. Bên sông Thu Bồn, Phố cổ Hội An nay là di sản văn hóa thế giới, thu hút hàng chục triệu lượt du khách trong nước và quốc tế mỗi năm.

Đi tiếp về phía Bắc, vẻ đẹp thành phố Đà Nẵng năng động, phát triển gắn liền với đôi bờ sông Hàn. Thành phố Huế mộng mơ soi bóng bên dòng sông Hương hiền hòa. Thành phố Thanh Hoá hình thành quanh dòng sông Mã anh hùng. Thành phố Vinh gắn liền với dòng sông Lam. Đặc biệt nhất, lưu vực phù sa và trù phú nhất của sông Hồng chính là khởi nguồn phát triển nên vùng đất Kinh kỳ, nay là Thủ đô Hà Nội.

Cùng với những tiêu chuẩn sống ngày một được nâng cao, các đô thị bên sông trên khắp Việt Nam không ngừng được quy hoạch và phát triển. Ngày càng nhiều những con sông tưởng chừng đã bị quên lãng, nay đang được bồi đắp sức sống mới, để từ đó khơi dòng thịnh vượng, đổi thay bộ mặt của cả vùng đất.

Mặc dù vậy, với số lượng 2.360 con sông dài trên 10km, trong đó 93% là các con sông ngắn và nhỏ thì thực sự tiềm năng của các dòng sông, đô thị ven sông tại Việt Nam vẫn chưa được đánh thức. Theo giới chuyên gia, tới những năm cuối thế kỷ XX, các đô thị Việt Nam mới bắt đầu quan tâm tới vai trò của dòng sông trong tạo dựng cảnh quan. Tuy nhiên, tại Việt Nam vẫn vắng bóng những đô thị ven sông đúng nghĩa - được xây dựng dọc theo bờ sông và phát huy, khai thác tối đa những giá trị mà sông nước mang lại để trở thành nguồn lợi, nguồn thu, nguồn sống chính của cư dân tại đó.

Đơn cử như sông Hàn, trong 25 năm qua mặc dù dòng sông này đã thay đổi từng ngày và trở thành biểu tượng cho sức sống mới mãnh liệt của người Đà Nẵng nhưng đến nay, không gian đô thị ở Đà Nẵng vẫn chưa hoàn toàn hướng ra sông. Chức năng cảng biển và các khu vực lân cận tại nhiều đô thị dần nhường chỗ cho những tuyến đường lớn. Hay với dòng sông Hồng, trong vòng hơn 20 năm qua, Hà Nội từng nhiều lần đề cập đến quy hoạch hai bờ sông Hồng, nhưng chưa có kế hoạch nào được phê duyệt chính thức và được triển khai… Và còn rất nhiều những quy hoạch liên quan đến các con sông vẫn đang trong quá trình xem xét đợi phê duyệt.

PGS.TS. Nguyễn Minh Ngọc, Phó trưởng khoa Thẩm định giá và Kinh doanh Bất động sản, trường Đại học Tài chính - Marketing cho hay, chúng ta vẫn thường hay nói biển của Việt Nam giàu tài nguyên và rất đẹp. Và với sông hồ, tài nguyên và vẻ đẹp cũng tương ứng như vậy. Sông hồ của Việt Nam đẹp không chỉ ở tài nguyên thiên nhiên, núi đá liền kề, các hang động, mà đặc biệt là các tài nguyên văn hóa dân tộc phong phú, đa dạng và có chiều sâu.

“Du lịch biển, kinh tế biển, đô thị biển của Việt Nam đã phát triển rất nhanh trong vòng 40 - 50 năm qua, trong khi đó những phát triển về sông hồ vẫn là con số 0 tròn trĩnh”, PGS.TS. Nguyễn Minh Ngọc nhận định.

Nói để thấy, dù có tài nguyên sông nước dồi dào, song các địa phương vẫn chưa tận dụng được hết lợi thế để khai thác tiềm năng đô thị và kinh tế dịch vụ ven sông. Đã đến lúc phải có giải pháp kích hoạt để phát huy hết các tiềm năng sẵn có này.

 PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ VEN SÔNG BỀN VỮNG, CÓ BẢN SẮC

Trong con mắt của giới chuyên môn, của các nhà làm quy hoạch, dòng sông luôn giữ một vị trí quan trọng trong tiến trình hình thành và phát triển các đô thị. Và về bản chất, việc phát triển các đô thị ven sông là sự kế thừa tiếp nối lịch sử hàng ngàn năm của các thế hệ cha ông đi trước. Kế thừa việc phát triển này, giới chuyên gia cũng dự báo một số xu thế phát triển đô thị gắn với sông trong tương lai.

Cụ thể, PGS.TS. Nguyễn Minh Ngọc đã chỉ ra 5 xu thế phát triển đô thị về các vùng sông.

Thứ nhất, xu thế mới trong phương thức cung cấp nhà ở. Nhà ở không chỉ là câu chuyện để ở mà còn là cung cấp các dịch vụ đa chiều, đa cảm xúc. Ví như bạn ở trong nhà nhưng khi nhìn ra phía sau hay phía trước là sẽ thấy mặt nước… Như vậy, những dịch vụ đa chiều, đa cảm xúc sẽ gắn với các vùng sông và tạo cho chúng ta lối sống hoàn toàn mới, tốc độ cảm xúc sẽ được tăng lên và mở rộng mạnh mẽ.

Thứ hai, xu thế thay đổi quan niệm, các tiêu chuẩn. Trước đây, việc “ở” tại Việt Nam vẫn chủ yếu dừng lại ở “ăn no mặc ấm”. Tuy nhiên, hoạt động này đang chuyển động nhanh sang mức “ăn ngon, mặc đẹp”, tức là đã chuyển sang cấp độ cao hơn, văn minh và sang trọng hơn.

Thị trường sẽ phân mảng, sẽ có các đô thị ven sông, với một lực lượng rất lớn của những gia đình, cá nhân có nhu cầu sử dụng bất động sản, dịch vụ tại các đô thị ven sông. Như vậy, đô thị ven sông sẽ giúp đa dạng hóa sở thích của người dân.

Thứ ba, xu thế từ đô thị hóa nói chung đến đô thị hóa chức năng, đô thị hóa mục tiêu gắn với các chức năng khác nhau. Trước đây, đô thị nén là xu thế nhưng sau dịch Covid-19, người ta mong muốn đi tìm lại thiên nhiên và các đô thị ven sông hay ven hồ sẽ là xu hướng thay đổi bối cảnh sống của người dân.

Thứ tư, các động năng mới trong hình thành và phát triển đô thị chính là “Zero carbon”. Do đó, đô thị du lịch vùng sông, vùng hồ sẽ là xu hướng trong tương lai.

Thứ năm, việc phát triển các không gian đô thị từ cấu trúc nén sang đô thị mở. Thực tế, các đô thị tại Việt Nam hiện nay là các đô thị nén, chật chội và đang có xu hướng mở rộng ra các vùng ven sông để xây dựng các đô thị mở.

Dòng sông luôn giữ một vị trí quan trọng trong tiến trình hình thành và phát triển các đô thị. Ảnh sưu tầm.

Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản cũng nhìn nhận: “Người xưa có câu “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” để nói về tầm quan trọng của các yếu tố liên quan đến vị trí khi chọn nơi sinh sống. Theo sự phát triển của xã hội, ngày nay yếu tố sông nước khi xét đến lợi thế trong giao thông đường thủy không còn quan trọng như xưa. Tuy nhiên, những lợi ích của sông, nước đối với việc tạo nên khí hậu hài hòa, tạo nên môi trường sống ưu việt đối với con người sẽ khó có gì thay thế”.

Theo ông Lập, phát triển đô thị giữa sông và biển có lợi thế cộng sinh và mối quan hệ bù đắp cho nhau trong việc hoạch định, quy hoạch nhiều chức năng, nhiều dạng kiến trúc khác nhau cho sự phát triển và quy hoạch chiều cao không gian đô thị mà không bị ràng buộc nhiều khi so sánh với việc phát triển riêng lẻ đô thị ven sông hoặc ven biển. Dễ thấy nhất là có nhiều ý kiến trái chiều về việc quy hoạch các khối nhà cao tầng ven sông, biển sẽ tạo nên những “bức tường” chắn tầm nhìn và hạn chế sự đối lưu không khí, thế nhưng về mặt kỹ thuật khi có yếu tố sông nước đi kèm sẽ bù đắp được những hạn chế nêu trên. Từ đây, việc quy hoạch hài hòa giữa các khu vực cao tầng, thấp tầng sẽ linh hoạt hơn; việc xây dựng các công trình tạo điểm nhấn cho đô thị tại các vị trí đắc địa, những công trình tầm vóc, mang tính biểu tượng cho đô thị, cho khu vực không còn bị giới hạn bởi các yếu tố liên quan đến quy hoạch không gian.

Một số lợi thế khác của các đô thị sông, biển có thể thấy không chỉ ở việc tập trung phát triển đô thị du lịch rầm rộ như hiện nay mà còn có thể phát triển với các chức năng khác biệt như: Cảng biển logistics, ngư nghiệp, đô thị sinh thái, đô thị nghỉ dưỡng, đô thị giáo dục, đô thị kinh tế tài chính… Điều này đối với Quảng Nam hiện tại là vô cùng phù hợp trong việc tính toán, phát triển các đô thị chức năng dọc ven biển và sông Trường Giang.

Với những xu hướng mới thì việc sử dụng không gian hai bên bờ sông và cấu trúc nó thành một phần của cơ thể đô thị là cả một bài toán quy hoạch không đơn giản. Quy hoạch không ổn thì không thể tạo nên một cấu trúc đa chiều phát triển theo 2 hướng dọc sông và ngang sông, tạo hướng mở trong phát triển đô thị.

Theo đó, ông Lập cho rằng, cần có tầm nhìn quy hoạch chung thống nhất, khoa học, dài hạn, tổng thể để phát triển bền vững đô thị sông, biển và thị trường bất động sản. Trong thời gian qua, việc xây dựng phát triển đô thị nói chung và đô thị ven sông vẫn còn nhiều bất cập. Việc tính toán quy hoạch cần dựa trên nền tảng chiến lược quy hoạch tổng thể, gắn với việc nghiên cứu xu hướng phát triển, gắn với định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội tại các vùng và địa phương. Tuy nhiên, công tác thực thi vẫn còn nhiều hạn chế. Quy hoạch manh mún, xé nhỏ, thiếu góc nhìn tổng quan, phục vụ mục tiêu ngắn hạn trước mắt sẽ để lại hậu quả lâu dài.

“Đô thị ven sông cần đầu tư đồng bộ hạ tầng hoàn chỉnh ngay từ đầu, theo tiêu chí sinh thái, xanh và môi trường bền vững; xây dựng đô thị với mật độ thấp, tăng độ che phủ cây xanh. Tránh lạm dụng lấy diện tích mặt nước hiện hữu làm chỉ tiêu thay thế cho cây xanh...”, ông Lập nhấn mạnh.

Giới chuyên gia cũng bày tỏ, việc ứng xử với dòng sông trong phát triển đô thị cần quan tâm 3 yếu tố. Thứ nhất là liên kết yếu tố thiên nhiên từ sông vào sâu trong đô thị. Thứ hai là tự nhiên hóa ranh giới giữa dòng sông và phần xây dựng đô thị. Thứ ba là kiến trúc đô thị hai bên (hình thái, cấu trúc, mật độ, độ cao) phụ thuộc vào từng con sông (sông nhỏ hay lớn, hiền hay dữ, có đê hay không…). Ba vấn đề này cần được soi chiếu bởi một triết lý chủ đạo: Chia sẻ (cơ hội - lợi ích - trách nhiệm) trên quan điểm tôn trọng nước để dòng sông là của cộng đồng, là không gian mở để người dân dễ dàng tiếp cận và kết nối thân thiện. Triết lý này có thể hiểu là cách ứng xử hài hòa giữa Đô thị (đất) và Sông (nước). Đô thị cũng mang lại cho dòng sông một diện mạo văn hóa khác biệt, phản ánh bản sắc riêng. Nói cách khác là cách con người ứng xử với sông sẽ phản ánh bản sắc và văn hóa đô thị. Nếu làm tốt các yếu tố trên thì các đô thị ven sông mới có thể phát triển được bền vững và có bản sắc.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top