Aa

Phát triển du lịch golf để thu hút khách du lịch quốc tế chất lượng cao

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Tư, 24/11/2021 - 06:00

Sở hữu nhiều lợi thế trong việc phát triển du lịch golf, Việt Nam được xem là điểm đến đầy hứa hẹn của nhiều du khách quốc tế song giới chuyên gia cho rằng, việc phát triển thị trường này cần có lộ trình rõ ràng.

Du lịch gofl Việt Nam - “Ngôi sao đang lên của châu Á”

Theo thống kê từ Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam, năm 2019, Việt Nam đón 3 triệu lượt khách chơi golf, trong đó có 1,5 triệu khách quốc tế và 1,5 triệu khách nội địa, doanh thu khoảng 4.500 tỷ đồng. Riêng quý I/2020, lượng khách và doanh thu vẫn tăng khoảng 10% so với cùng kỳ.

Du lịch golf đang sở hữu nhiều cơ hội phát triển khi lượng người chơi tăng mỗi năm. Hiện nay, đã có hơn 50.000 người Việt và 20.000 người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam chơi golf. Dự kiến đến năm 2025 tổng số golfer sẽ tăng lên khoảng 300.000 người.

Đặc biệt, Việt Nam vừa tiếp tục được vinh danh là "Điểm đến golf tốt nhất thế giới" do tổ chức World Golf Awards (WGA) trao tặng. Đây là lần thứ 2 Việt Nam đạt danh hiệu này, sau lần đầu tiên vào năm 2019. Vượt qua các điểm đến như Mỹ, New Zealand, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia và Malaysia, điểm đến golf tại Việt Nam nhận được sự đánh giá cao của du khách khi đến chơi golf kết hợp nghỉ dưỡng.

Để có được những thành quả này, theo nhiều chuyên gia, Việt Nam đang sở hữu những lợi thế về điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ,… mà không phải bất cứ quốc gia nào cũng đó được.

ông Hà văn Siêu
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch Việt Nam

Tại Tọa đàm “Du lịch golf - Lợi thế mới để Việt Nam hút khách quốc tế” diễn ra ngày 23/11, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch Việt Nam nhìn nhận: “Từ năm 2017 đến năm 2021, Việt Nam được vinh danh là điểm đến golf tốt nhất châu Á, và năm 2021 là điểm đến golf tốt nhất thế giới. Như vậy, Việt Nam đang sở hữu những sân golf đẹp nhất thế giới. Và rõ ràng, điều này đã được du khách quốc tế công nhận. Đây chính là tiềm năng lớn nhất của du lịch golf Việt Nam hiện nay”.

Vì vậy, ông Siêu cho rằng, đối với thị trường gofl, Việt Nam được ví như ngôi sao đang lên ở châu Á - là phân khúc thị trường có nhiều sức hút nổi bật.

du lịch gofl
Du lịch golf Việt Nam sở hữu nhiều tiềm năng

Đồng quan điểm, khi đánh giá về tiềm năng của du lịch golf việt Nam, ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam khẳng định, Việt Nam có nhiều tiềm năng cho việc phát triển lĩnh vực này.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Linh đã nêu lên 4 lợi thế, gồm: Vị trí địa lý thuận lợi; tiềm năng về văn hóa, con người; sự đa dạng của nền ẩm thực; tiềm năng về hạ tầng sân golf.

“Ngoài ra, so với vài năm trước đây, các golf thủ ở Việt Nam đã gia tăng lớn về số lượng. Ví dụ năm 2015, Bắc Giang mới chỉ có khoảng 20 golfer nhưng hiện nay đã có khoảng 200 golfer. Con số này cho thấy nhu cầu golf của người Việt ngày càng lớn. Với những tiềm năng và nhu cầu như hiện tại, Việt Nam đang trở thành điểm sáng về du lịch golf trên toàn thế giới”, ông Nguyễn Văn Linh bày tỏ.

Nguyễn Văn Linh
ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam.

Tại Tọa đàm, ông Lê Hùng Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam cũng cho biết, những người tới Việt Nam chơi golf không chỉ có khách du lịch mà còn cả thương gia ở các nước, ngoài ra, còn có các golf thủ đỉnh cao. FLC từng đón nhiều đoán khách tới lưu trú, tập golf trong vài tháng.

Nhìn ở góc độ của một golf thủ, ông Lê Hùng Nam cho rằng các golf thủ đều có cùng đam mê, muốn trải nghiệm, thực hiện thử thách mới, càng thách thức bao nhiêu thì sức hấp dẫn càng lớn. Thái Lan là điểm đến chơi golf của Đông Nam Á với lượng khách du lịch tới đây chơi golf chiếm 9% trong tổng lượng du khách mỗi năm. Tại Việt Nam thì lượng người chơi golf rất thấp, chỉ 1% nhưng ông Nam tin con số này sẽ tăng lên trong những năm tới bởi Việt Nam từng là điểm đến golf châu Á trong 5 năm liên tiếp. Đặc biệt, lượng người chơi golf trên thế giới đang chiếm khoảng 60 triệu người, do đó, đây là một con số đầy tiềm năng để Việt Nam hoàn toàn có thể chinh phục, thu hút du khách tới đây chơi golf.

Giải pháp cho bài toán phát triển “đường dài”

Trước những lợi thế “đường dài”, những tiềm năng sẵn có, Việt Nam được đánh giá là điểm đến đầy hứa hẹn của nhiều du khách quốc tế. Song bài toán liên quan đến việc phát triển bền vững lĩnh vực này vẫn còn bỏ ngỏ.

Theo ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Vietfoot Travel, Việt Nam có đến 32 sân golf tiêu chuẩn quốc tế 5 sao không gian đẹp với 6.000 km đường bờ biển. Và chúng ta cần tận dụng điều đó để phát triển so với các nước Thái Lan, Malaysia… Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn còn rất nhiều hạn chế để tận dụng những lợi thể này.

“Cụ thể, chúng ta chưa có chính sách để tạo điều kiện phát triển golf chuyên nghiệp. Thứ 2 là chưa có đơn vị nào vào cuộc để có tour trọn gói cho du khách từ Hàn Quốc, Nhật Bản trong khi đó ở Thái Lan, Malaysia đã có tour trọn gói giá tốt, nhờ sự vào cuộc từ Chính phủ, hệ thống cung ứng khách sạn, nhà hàng, đơn vị lữ hành”, đại diện Vietfoot Travel cho biết.

Theo các chuyên gia, trải qua gần hai năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, ngành du lịch nói chung và du lịch gofl nói riêng đã chịu nhiều “tổn thương” khi phải “đóng băng” liên tục. Vì vậy, khi nền kinh tế dần mở cửa, mọi hoạt động bước vào trạng thái “bình thường mới”, ngành du lịch golf cần có những chiến lược, lộ trình phát triển rõ ràng để khai thác triệt để tiềm năng của mình.

du lịch gofl
Phát triển du lịch golf cần có lộ trình rõ ràng, bài bản. (Ảnh FLC)

Ông Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, hiện nay Quảng Ninh tự tin đón khách quốc tế. Đặc biệt trong việc đón khách và thực hiện cách ly, tỉnh đã có kinh nghiệm đón 238 chuyến với hơn 5.000 người. Tới nay, tỉnh đang cụ thể hóa kế hoạch đón khách để an toàn và hiệu quả nhất. Bài toán ở đây là quảng bá, xúc tiến để tập trung vào nguồn khách nào để khai thác hiệu quả nhất.

Khi tập đoàn FLC đề xuất đi đầu đón khách quốc tế chơi golf, Sở du lịch Quảng Ninh hoàn toàn ủng hộ và tán thành. Liên quan đến thời gian cách ly 7 ngày, chúng tôi cũng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Tổng cục Du lịch. Theo đó, đây là khoảng thời gian đủ để khách du lịch, đảm bảo điều kiện y tế trước khi du lịch hoặc thăm thân ở địa bàn khác. Đoàn khách chơi golf đi 3 - 4 ngày và trở về nước thì không sao.

Tôi đề xuất cơ quan quản lý nhà nước ủng hộ cách khai thác này. Bây giờ chúng tôi đã nhìn thấy đối tượng khách hàng, chúng tôi lại có sân bay Vân Đồn nên việc đón khách Hàn Quốc rất dễ dàng,… nên vấn đề còn lại là sự ủng hộ và quan tâm của Nhà nước", ông Thuỷ khẳng định. 

Phạm Ngọc Thủy
Ông Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó tổng giám đốc thường trự Hãng hàng không Bamboo Airways cũng cho rằng: “Chúng ta cần hiểu du khách nghĩ gì? Thứ nhất, người ta chỉ trải nghiệm du lịch trong thời gian ngắn. Thứ hai, họ quan tâm đến điểm đến dự kiến có an toàn không. Với điều này, chúng ta cần phải chứng minh bằng các con số, tiêm chủng... Bên cạnh đó, khi có vấn đề, chúng ta cũng cần đưa ra cách xử lý, ứng phó.

Ngoài ra, các nhà chức trách cũng cần nhìn thấy khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài khi họ tổ chức tour đưa du khách tới Việt Nam chơi golf. Đây là cơ hội tốt để chúng ta quảng bá du lịch trong thời kỳ mới và cũng là bước để doanh nghiệp lữ hành vượt qua các khó khăn, hoạt động trong thời kỳ bình thường mới”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top