Phát triển hệ thống đô thị ven biển: Lời giải cho mọi bài toán đường dài
"Tôi nhớ khi TS. Micheal Miguel - người đưa ra bộ hướng dẫn về phát triển đô thị thông minh chuẩn châu Âu đầu tiên, sang làm việc tại Việt Nam, ông đã nhấn mạnh: 'Đầu tiên chúng ta đừng quan tâm xem chiếc ô tô làm từ gì, mẫu mã có đẹp không, mà điều đầu tiên là chiếc ô tô phải chạy. Sau khi hệ thống ô tô đã hoạt động thì chúng ta có thể nâng cấp lớp sơn vỏ, linh kiện, tiện nghi... nhưng điều quan trọng nhất đó là hệ thống phải hoạt động”. Nói như vậy để thấy, mỗi một vấn đề, một hoạt động cần đặt vào tổng thể, vào một hệ thống. Nếu ngay từ đầu chúng ta đã chú tâm vào các chi tiết, từng bộ phận mà không quan trọng tổng thể thì sẽ không đảm bảo khả năng mang lại kết quả tốt và việc tạo lập đô thị biển cũng vậy", ThS. KTS. Tạ Thị Thu Hương chia sẻ.
******
Trong những năm qua, thị trường bất động sản Việt Nam có sự phát triển vượt bậc nhờ vào sự tăng tốc của quá trình đô thị hóa. Đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây, những khu vực có vị trí chiến lược gần biển đang trở thành thỏi nam châm, thu hút nhiều nhà đầu tư phát triển dự án đổ về. Trào lưu xây dựng condotel, resort của thời kỳ hưng thịnh về du lịch sẽ tiếp diễn và chưa có điểm dừng nếu như đại dịch Covid-19 không xuất hiện.
Khi nhìn vào các Nghị quyết, định hướng phát triển kinh tế - xã hội ở hầu hết các địa phương ven biển, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra, phát triển du lịch đã trở thành trào lưu trong phát triển kinh tế biển và một lượng quỹ đất khổng lồ đã được chuyển đổi mục đích để phục vụ cho mục tiêu này. Tuy nhiên, tiềm năng của biển cả không chỉ dừng lại ở du lịch, nghỉ dưỡng mà còn có thể khai thác ở nhiều loại hình khác như nhà ở, công nghiệp, năng lượng, vận tải...
Vấn đề quan trọng là làm sao để tạo lập các đô thị biển khai thác hiệu quả những tiềm năng sẵn có, song vẫn đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia quá trình phát triển đô thị, hướng đến các giá trị bền vững về mặt môi trường, tự nhiên, xã hội.
Để có những góc nhìn cụ thể về vấn đề này và giải pháp hợp lý cho việc phát triển đô thị biển đường dài, Reatimes đã có cuộc trao đổi với ThS. KTS. Tạ Thị Thu Hương - Chuyên gia Kinh tế, Quản lý xây dựng.
Thế kỷ 21 - "Thế kỷ của biển và đại dương"
PV: Thưa KTS, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều lợi thế trong việc phát triển các đô thị biển. Chị có thể lý giải rõ hơn, đó là những lợi thế nào?
KTS. Tạ Thị Thu Hương: Việt Nam là một đất nước đa sắc màu, đa lợi thế và những lợi ích từ biển mang lại là một trong số đó. Chúng ta cứ hình dung, đất nước Việt Nam có hình chữ S trải dài với hơn 3.260km đường bờ biển, thuộc địa phận 28 tỉnh/thành phố. Chủ quyền và quyền chủ quyền đối với diện tích trên biển của nước ta lên tới 1 triệu km²… Vùng biển của Việt Nam có nhiều tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên và lợi thế; bao gồm nhiều quần đảo như Hoàng Sa, Phú Quốc, Côn Sơn, Bạch Long Vỹ, Phú Quý, Lý Sơn, Cồn Cỏ... Nhờ thiên nhiên ưu ái, biển Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc phát triển du lịch, khai thác dầu khí, hàng hải, đánh bắt xa bờ, nuôi trồng thuỷ sản…
Chưa kể, biển nước ta là một bộ phận của Biển Đông - nơi được xem là “ngã ba đường” của thế giới. Nhìn từ góc độ chiến lược, khu vực biển này là “nút giao” quan trọng về mặt quân sự của nhiều nước, nhiều khu vực. Nhìn ở góc độ kinh tế, đó còn là lợi thế giúp Việt Nam phát triển dịch vụ vận tải biển, bởi trong tổng số 10 tuyến đường biển lớn nhất thế giới hiện nay, có 5 tuyến đi qua hoặc có liên quan đến Biển Đông. Bờ biển Việt Nam lại có khoảng 10 nơi có điều kiện phù hợp để xây dựng cảng biển nước sâu và rất nhiều địa điểm có thể xây dựng cảng trung bình. Đây là lợi thế rất lớn cho Việt Nam trong bối cảnh tất yếu phát triển cảng nước sâu trên thế giới hiện nay. Như vậy, lợi thế về phát triển kinh tế biển của nước ta là rất lớn. Điều này cũng đồng nghĩa, chúng ta có nhiều cơ hội trong việc phát triển các đô thị ven biển.
PV: Chiến lược biển 2030 đã đề ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, hướng ra biển và dựa vào biển để phát triển bền vững kinh tế biển. Vậy với những lợi thế, cơ hội to lớn trong phát triển kinh tế biển và các đô thị ven biển, đây là một mục tiêu hoàn toàn có cơ sở để thực hiện được phải không, thưa KTS?
KTS. Tạ Thị Thu Hương: Đúng vậy. Alfred Thayer Mahan - nhà tư tưởng lớn về phát triển biển nhận định: “Việc phát triển kinh tế biển là cơ hội lớn nhất để biến quốc gia ven biển trở thành cường quốc”. Liên Hợp Quốc cũng xác định, thế kỷ 21 là “Thế kỷ của biển và đại dương” và “Xu hướng đô thị hóa là xu hướng không thể đảo ngược”.
Bối cảnh cạnh tranh giữa các quốc gia đòi hỏi khai thác và phát huy tối đa lợi thế tự nhiên, là một quốc gia có biển, sự phát triển của Việt Nam cần hướng tới phát triển kinh tế biển.
Để hiểu rõ hơn, hệ thống đô thị là một chuỗi các mạng lưới đô thị trong một không gian địa lý xác định, có những đặc điểm địa kinh tế và địa chính trị tương đồng. Hệ thống đô thị có quy mô dân số trên 20 triệu dân, là một khu vực sản xuất và thị trường tiêu thụ quy mô cạnh tranh toàn cầu. Các đô thị trong hệ thống đô thị được quản lý thống nhất, tạo môi trường đầu tư, thu hút doanh nghiệp và nguồn nhân lực chất lượng cao toàn cầu. Hệ thống đô thị có sự liên kết giao thông thuận tiện, hiện đại và đa dạng để kết nối với thị trường nội địa và thị trường ngoại vi. Xu hướng đô thị hóa hình thành nên các hệ thống đô thị là xu hướng phát triển của thế giới hiện đại do giảm thiểu tương đối chi phí đầu vào, khai thác lợi thế thị trường lớn, khuyến khích phát triển những lĩnh vực có mối liên kết hoặc tác động lan tỏa mạnh.
Các đô thị ven biển là những đô thị có ranh giới sát biển và trong vùng ảnh hưởng phát triển kinh tế biển. Đô thị ven biển có tiềm năng phát triển kinh tế biển mạnh mẽ do có khả năng tiếp cận với thị trường vùng nội địa và thị trường vùng ngoại vi rộng lớn, nhưng cũng gặp phải những khó khăn thách thức do biến đổi khí hậu và nước biển dâng, do đó các đô thị ven biển cần được đưa vào một hệ thống quản lý tập trung để tăng quy mô sản xuất, thị trường, và giải quyết các vấn đề có tính hệ thống. Việc hình thành và quản lý tốt hệ thống đô thị ven biển sẽ mang lại hiệu quả phát triển kinh tế xã hội, đồng thời tăng tính bền vững trong phát triển nhờ tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và tăng hiệu quả quản lý.
Trên thế giới hiện nay, 7/10 hệ thống đô thị đông dân và mang lại giá trị kinh tế cao nhất thế giới nằm ở ven biển. Các hệ thống đô thị ven biển như Boston - Washington (Hoa Kỳ)... đã khẳng định vị thế và trở thành những trung tâm tăng trưởng quốc tế, có ảnh hưởng đến sự phát triển toàn cầu.
Việt Nam vẫn đang đứng mãi ở "ven bờ biển"
PV: Vậy nhưng vì sao đến nay chúng ta vẫn chưa có hệ thống đô thị biển?
KTS. Tạ Thị Thu Hương: Tại Việt Nam, các đô thị thuộc 28 tỉnh, thành phố có biển có thể được coi là đô thị ven biển. Giai đoạn 2009 - 2021 vừa qua, kể từ khi Luật Quy hoạch đô thị và một loạt các văn bản quy phạm pháp luật về phát triển đô thị nói chung, phát triển gắn với đô thị ven biển nói riêng được ban hành, các đô thị ven biển của chúng ta đã có sự tăng trưởng vượt bậc về số lượng, quy mô, mật độ và chất lượng đô thị. Thống kê cho thấy, đô thị ven biển tăng nhanh gấp đôi cả về số lượng, dân số đô thị so với đô thị trong cả nước.
Tuy nhiên, đến nay chúng ta vẫn chưa hình thành hệ thống đô thị ven biển. Nói chính xác hơn là Việt Nam vẫn chỉ đứng mãi ở "ven bờ biển". Lý giải nguyên nhân của thực tế này, sẽ có rất nhiều yếu tố liên quan. Tuy nhiên, yếu tố đầu tiên phải kể đến là nhận thức và tầm nhìn của con người.
Một số nghiên cứu về văn hóa biển và xã hội học biển cho rằng, tâm lý “xa rừng, nhạt biển” đã có từ xa xưa, khi con người sống ở các vùng châu thổ màu mỡ, có nhiều thuận lợi và dồi dào nguồn sinh kế. Họ luôn bám lấy đất, mang nặng tư duy đất liền, ngại biển do tính bất định và rủi ro mà biển mang lại, kinh tế dựa hoàn toàn vào khai thác tài nguyên thiên nhiên sẵn có. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ giao thông, thiết bị lớn như tàu thủy, máy bay, việc phát triển kinh tế đại dương đã trở nên an toàn hơn, khả năng dự phòng rủi ro tốt hơn, nhờ thế kinh tế đại dương đã trở thành một thị trường màu mỡ, sôi động và hấp dẫn.
Ở Việt Nam, trước năm 1986, chúng ta đóng cửa thị trường với thế giới, khu vực ven biển chịu nhiều rủi ro do ảnh hưởng của thiên tai và không đóng vai trò cửa ngõ nên không được ưu tiên phát triển. Do đó tư duy phát triển chính vẫn theo chiều ngang (như 6 phân vùng kinh tế xã hội hiện nay). Quan điểm này có thể tạo ra sự quán tính về tư duy, chưa nhìn nhận thấy được không gian biển hiện nay đã trở thành một “mặt tiền” rất nhiều sức hút. Hệ thống các đô thị ven biển trên thế giới ngày càng quan trọng trong sự phát triển kinh tế toàn cầu. Cơ hội mang lại nhờ sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế biển có thể là động lực để giúp chúng ta có bước phát triển nhảy vọt và trở thành cường quốc về biển trên thế giới.
Sự phân vùng kinh tế xã hội theo chiều ngang hiện nay còn mang tính hình thức, chưa đảm bảo tối ưu hóa sự liên kết về địa kinh tế, địa chính trị và cũng chưa thể hiện ưu tiên phát triển của một quốc gia ven biển. Nó cũng chưa thể hiện tư duy chiến lược nhằm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, công cuộc mở mang tầm ảnh hưởng, phát triển quốc gia, và khai thác trọn vẹn giá trị biển cả mang lại.
Bên cạnh tư duy, nhận thức về vai trò của biển, vấn đề quản lý phát triển và quy hoạch đô thị ven biển Việt Nam hiện nay cũng còn nhiều bất cập. Sự phân cấp toàn diện đến cấp tỉnh, thiếu đi liên kết không gian ven biển theo chiều dọc, đang khiến đô thị ven biển nước ta phát triển riêng lẻ, manh mún, không hình thành được thị trường lớn, có sức hút và sức cạnh tranh toàn cầu. Nước ta cũng chưa có quy hoạch tổng thể cấp quốc gia nhằm phát triển hệ thống đô thị ven biển, do đó chưa thực sự đón đầu được xu hướng đô thị hóa trong “Thế kỷ của biển và đại dương”.
PV: KTS có thể chia sẻ rõ hơn về thực trạng phát triển các đô thị biển ở Việt Nam hiện nay?
KTS. Tạ Thị Thu Hương: Ở nước ta, thực trạng phát triển đô thị biển đang thể hiện rõ ở 3 đặc điểm sau:
Thứ nhất là quy mô thị trường nhỏ bé.
Thứ hai là tình trạng mất cân bằng không gian.
Thứ ba là tình trạng thiếu liên kết.
Trên tuyến bờ biển kéo dài hơn 3.260km, chỉ có một số thành phố lớn trên 1 triệu dân là Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và TP.HCM. Mức độ đô thị hóa tại khu vực ven biển cũng không đồng đều: Tỉnh có nhiều thị trấn nhất là Thanh Hóa với 28 thị trấn, trong khi tỉnh Ninh Thuận chỉ có 3 thị trấn. Thành phố Đà Nẵng không có thị trấn nào nhưng có mức độ đô thị hóa thuộc nhóm cao nhất cả nước (84%).
Bên cạnh quy mô thị trường nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, các đô thị biển nước ta hiện nay đang phân bố không đồng đều, có sự phân tán nhất định dẫn đến tình trạng mất cân bằng không gian. Các đô thị to, nhỏ phân bố rời rạc cả về không gian địa lý lẫn giao thông trên đất liền và trên biển. Khoảng cách của nhiều đô thị lên tới hàng trăm ki-lô-mét trong khi có những đô thị lại đặt cạnh nhau với khoảng cách quá gần. Các đô thị ven biển vừa phân bố không đều, hạ tầng khung kết nối lại chưa đảm bảo, do đó không xác định được thời gian lưu tuyến giữa các đô thị có tầm ảnh hưởng quốc tế (trên 200.000 dân) nên khó có thể kết nối tạo dựng thị trường lớn.
Bên cạnh đó là sự thiếu liên kết về giao thông và chức năng giữa các đô thị. Chưa có mô hình liên kết giao thông, thiết kế logistics nhằm kết nối các điểm nút kinh tế với nhau. Về chức năng đô thị, các đô thị ven biển còn có sự trùng lặp trong mô hình phát triển.
Việc thiếu vắng những giải pháp và mô hình đổi mới sáng tạo dẫn đến sự cạnh tranh trong nội bộ hoặc tranh chấp phát triển, các cảng biển nước sâu được bố trí cạnh nhau, khu công nghiệp được bố trí cạnh các khu du lịch làm ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác, sử dụng. Còn có tình trạng các địa phương “chạy đua” khai thác cùng mô hình phát triển. Hậu quả là sự phân tán nguồn lực tài nguyên, lợi thế, nguồn lực con người và nguồn lực tài chính dẫn tới hạn chế khai thác tiềm năng của đô thị biển.
Hệ thống đô thị biển phát triển, tất yếu các địa phương ven biển sẽ phát triển
PV: Trước những thực trạng nói trên, giải pháp cần làm lúc này là gì để tạo lập được hệ thống đô thị biển đúng nghĩa?
KTS. Tạ Thị Thu Hương: Điều đầu tiên, chúng ta cần nhận thức được khu vực đất liền sẽ chỉ chịu ảnh hưởng của các vùng lân cận, có thể ước lượng được, trong khi đó, khu vực ven biển lại chịu ảnh hưởng của 2 khu vực: Hinterland - vùng tiếp giáp trực tiếp với nội địa và Foreland - vùng ngoại vi là toàn bộ các thị trường mà mặt biển có thể tiếp cận được (có thể coi như là khoảng 3 tỷ dân số toàn cầu).
Với Hinterland, chúng ta có thể ước lượng được thị trường mà mình tiếp cận là trong khoảng bao nhiêu người. Ví dụ, Quảng Ninh nằm sát Hà Nội thì thị trường sẽ tiếp cận khoảng 10 triệu dân. Trong khi đó, khu vực Foreland là cả một thị trường vô cùng rộng lớn, không ước định được bao nhiêu thành phố, bao nhiêu quốc gia, nên khả năng tiếp cận sẽ đạt khoảng 3 tỷ cho đến 7 tỷ người trên trái đất.
Chỉ cần có đủ hàng hoá và hàng hóa đủ độc đáo, quy mô đủ lớn, chất lượng tốt thì chúng ta hoàn toàn có thể tiếp cận được tới 7 tỷ người này. Chưa kể, vận tải biển hiện nay vẫn là phương tiện được đánh giá rẻ nhất, tiết kiệm nhất trong các loại hình vận tải. Do đó, nếu không sử dụng tốt những lợi thế mà biển cả mang lại, thực sự là một lãng phí lớn đối với quốc gia có biển.
Vì vậy, vấn đề quan trọng hiện nay cần thay đổi là tư duy trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Như đã chia sẻ, Việt Nam đang chia đất nước thành 6 vùng trong đó có 4 vùng giáp biển. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế biển không chỉ chịu sự quản lý của 4 vùng với nhiều đặc thù khác nhau mà còn chịu sự chi phối, quản lý từ các quy hoạch khu kinh tế trọng điểm, quy hoạch cấp các tỉnh... Ngoài ra, có một số tỉnh ven biển gồm Huế, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa… còn được Quốc hội ban hành những cơ chế đặc thù khác về thuế, chính sách. Điều này đang tạo ra một hệ thống quản lý chồng chéo, không hình thành được thị trường lớn và chuỗi giá trị ven biển.
Do đó, thay vì tiếp tục suy nghĩ quán tính về việc phân chia đất nước theo chiều ngang thì rất cần đổi mới để khai thác tối đa giá trị ven biển mang lại, cần tiến tới hình thành vùng đô thị hóa theo chiều dọc nhằm tối ưu khả năng khai thác ven biển ở góc độ thương mại.
Bên cạnh thay đổi tư duy, cần thiết lập bộ máy và các cơ chế chính sách nhằm quản lý phát triển và điều khiển hệ thống, giúp hệ thống được vận hành trơn tru, hiệu quả.
PV: Chị có thể chia sẻ rõ hơn về giải pháp thiết lập hệ thống đô thị biển hoàn chỉnh được không?
KTS. Tạ Thị Thu Hương: Bước đầu tiên cần thiết kế một hệ thống, bước thứ hai là điều khiển hệ thống. Khi tạo ra được hệ thống, chúng ta đồng thời cũng phải nghĩ đến việc hệ thống ấy sẽ vận hành như thế nào, phải có một bộ máy thống nhất, hỗ trợ nó ra sao để tối ưu nó, để giải quyết những vấn đề mà từng đô thị riêng lẻ không giải quyết được.
Hiện nay nước ta có 28 tỉnh/thành phố ven biển với chính sách phát triển không đồng nhất, đồng nghĩa đang có khoảng 28 thị trường nhỏ lẻ. Khi các doanh nghiệp tham gia vào thị trường, họ sẽ nhìn thấy việc tìm hiểu, làm quen với chính sách chỉ dẫn đến thị trường 1 - 2 triệu dân, và điều này không thực sự đảm bảo lợi thế nhờ quy mô ở các tập đoàn, thương hiệu uy tín, có giá trị cao.
Tuy nhiên, nếu đưa 28 tỉnh/thành phố ven biển vào hệ thống đô thị ven biển, được phát triển dưới một mô hình quản lý với các thể chế, chính sách thống nhất, vận hành nhờ một bộ máy quản lý đồng bộ từ trên xuống dưới thì sẽ hình thành nên một thị trường khoảng 45 triệu dân (tổng dân số của 28 tỉnh/thành phố ven biển) tương đương hệ thống đô thị ven biển Boston - Washington có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới hiện nay.
Đối với các địa phương có biển, thay vì theo đuổi lợi ích trước mắt, cần nghĩ đến việc tham gia vào một tổng thể đủ mạnh. Bởi mỗi tỉnh không nhất thiết phải là địa phương dẫn đầu về phát triển, mà nếu hệ thống đô thị ven biển cả nước làm tăng trưởng có sự nhảy vọt và đảm bảo tính bền vững thì lợi ích mà tỉnh đạt được cũng sẽ lớn hơn việc cạnh tranh trong nội bộ.
PV: Việc thực hiện tốt giải pháp hệ thống nói trên sẽ đem lại hiệu quả như thế nào trong việc nâng tầm Việt Nam trên trường quốc tế, thưa KTS?
KTS. Tạ Thị Thu Hương: Tôi nhớ khi TS. Micheal Miguel - người đưa ra bộ hướng dẫn về phát triển đô thị thông minh chuẩn châu Âu đầu tiên, sang làm việc tại Việt Nam, ông đã nhấn mạnh: “Đầu tiên chúng ta đừng quan tâm xem chiếc ô tô làm từ gì, mẫu mã có đẹp không, mà điều đầu tiên là chiếc ô tô phải chạy. Sau khi hệ thống ô tô đã hoạt động thì chúng ta có thể nâng cấp lớp sơn vỏ, linh kiện, tiện nghi... nhưng điều quan trọng nhất đó là hệ thống phải hoạt động”. Nói như vậy để thấy, mỗi một vấn đề, một hoạt động cần đặt vào tổng thể, vào một hệ thống. Còn nếu ngay từ đầu chúng ta đã chú tâm đi vào các chi tiết, từng bộ phận mà không quan trọng tổng thể sẽ không đảm bảo khả năng mang lại được kết quả tốt.
Trong câu chuyện phát triển hệ thống đô thị ven biển cũng vậy. Khi đô thị ven biển nước ta đã đạt được một trình độ nhất định và cũng bắt đầu gặp phải khó khăn trong việc tìm ra mô hình phát triển phù hợp, rất cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước nhằm thiết kế ra một hệ thống vận hành mới để đổi mới mô hình quản lý, nhằm tạo được bước nhảy vọt giúp đất nước có một nguồn lực kinh tế vững chắc, là thỏi nam châm có sức hút lớn đối với nhà đầu tư trên thế giới. Vị thế của Việt Nam từ đó cũng được nâng tầm và nâng sức ảnh hưởng.
Khi tổng thể là đất nước phát triển, tất yếu các bộ phận là từng địa phương, tỉnh thành chắc chắn sẽ phát triển. Thậm chí là phát triển một cách lành mạnh, tích cực, đồng đều và bền vững.
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của KTS!