Aa

Tăng trưởng xanh: Lạng Sơn kiên định trong điều kiện không nhiều lựa chọn

Thứ Ba, 16/05/2023 - 06:09

Chỉ số Xanh của Lạng Sơn cũng là giá trị quan trọng không chỉ với chính quyền địa phương mà còn là điểm rất đáng chú ý cho giới đầu tư tiếp cận đổi mới và thực hiện Kế hoạch hành động số 882/QĐ-TTg...

LTS: Lạng Sơn là tỉnh thuộc vùng Đông Bắc của Tổ quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng cả về chính trị, kinh tế - xã hội. Năm 2020, Tỉnh ủy Lạng Sơn ban hành Chương trình hành động số 04 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (sau đó đã điều chỉnh bằng Chương trình số 23-CTr/TU), phát triển dựa trên 3 trụ cột: Một là, tập trung phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Hai là, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; Ba là, tập trung phát triển du lịch.

Với tinh thần đồng hành cùng những mục tiêu lớn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nhân dân tỉnh Lạng Sơn, Reatimes khởi đăng tuyến bài "Lạng Sơn phát triển kinh tế 3 trụ cột, tầm nhìn đến năm 2030".

Bài 4: Tăng trưởng xanh: Lạng Sơn kiên định trong điều kiện không nhiều lựa chọn

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

Mừng và lo khi lọt top 3 địa phương có chỉ số xanh

Điều đáng mừng là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đánh giá năm 2022 Lạng Sơn có mức cải thiện rất đáng kể so với năm 2021: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng 21 bậc, đứng thứ 15/63 tỉnh, thành trong cả nước; đứng thứ 5/14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc; Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) để đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh, đã xếp thứ 2 trong Top 3, sau Trà Vinh và trên Bắc Ninh 1 bậc.

Đây là kết quả ghi nhận sự nỗ lực hết sức đáng kể đối với Lạng Sơn trong quá trình cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh; định vị và xây dựng thương hiệu, hình ảnh địa phương nhằm xúc tiến đầu tư phù hợp với quy hoạch phát triển và chiến lược thu hút đầu tư trong giai đoạn mới. Làm cơ sở bước đầu, tạo đà triển khai kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030 theo Quyết định số 308/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ số Xanh của Lạng Sơn cũng là giá trị quan trọng không chỉ với chính quyền địa phương mà còn là điểm rất đáng chú ý cho giới đầu tư tiếp cận đổi mới và thực hiện Kế hoạch hành động số 882/QĐ-TTg về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, bắt đầu từ năm 2023. Đặc biệt là trong bối cảnh Lạng Sơn chưa đến 1% vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

Lạng Sơn
Lạng Sơn trong Top 3 tỉnh có chỉ số Xanh PGI năm 2022 cao nhất. (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Lạng Sơn)

Trong 18 nhiệm vụ, hoạt động về tăng trưởng xanh, căn cứ vào những tiềm năng, lợi thế có sẵn; tránh đối mặt trực diện với những khó khăn, thách thức khách quan và đặc thù dị biệt của địa phương. Nhà đầu tư và Lạng Sơn có thể trước mắt lựa chọn tập trung vào khối các hoạt động xanh như: (1) Tài chính và đầu tư; (2) Giao thông vận tải và dịch vụ logicstics; (3) Xây dựng: Thúc đẩy đô thị hóa theo hướng đô thị thông minh và bền vững, có năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu, đảm bảo hiệu quả kinh tế - sinh thái; (4) Nông nghiệp và phát triển nông thôn; (5) Du lịch.

Khối tăng trưởng xanh này có tốc độ tăng trưởng nhanh do quan hệ biện chứng với điều kiện đặc thù, khả năng phát triển kinh tế Lạng Sơn. Làm cơ sở lực kéo phát triển 3 trụ cột Kinh tế cửa khẩu, Du lịch bền vững, Nông nghiệp thông minh gắn với công nghiệp phụ trợ và chế biến, chế tạo.

Nhìn vào thực trạng, có thể thấy khó khăn bao phủ gần như toàn diện và gần như mọi thứ phải bắt đầu từ đầu để tăng trưởng xanh. Trong toàn khối, chưa có những điểm mạnh, đầu tầu để kéo các lĩnh vực khác đi lên. Giao thông vận tải và dịch vụ logicstics đang được đầu tư, phải cần 3 đến 7 năm nữa mới tương đối đồng bộ. Tốc độ đô thị hóa còn chậm, phải đối mặt với thiên tai, rủi ro; nguyên lý phát triển vừa thông thông minh vừa bền vững sẽ bộc lộ xung đột; nông nghiệp nông thôn chưa được cơ cấu lại hợp lý; du lịch đang từng bước định hình thị trường, sản phẩm, chưa có đà phát triển phù hợp; kinh tế cửa khẩu còn nhiều biến động, phức tạp.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, kết quả trong cải thiện năng lực cạnh tranh, thứ hạng cao về chỉ số Xanh PGI; các công cụ phát triển kinh tế tương đối chọn lọc như: Phát triển giao thông và hạ tầng kỹ thuật; công tác quy hoạch và phát triển đô thị; tổ chức kinh tế cho khu vực nông thôn, làm chỗ dựa khi đối mặt với khó khăn, rủi ro, khủng hoảng. Tuy nhiên, trong góc độ hoạch định và tầm nhìn chiến lược, 3 công cụ này chỉ mang tính tối thiểu, cần có nhằm mục tiêu bảo đảm an toàn, ứng phó với tình huống bị động, khó có thể đem lại giá trị biến đổi đáng kể cả về chất và lượng trong “cuộc chơi” tăng trưởng xanh.

CHỈ SỐ THÀNH PHẦN PGI:

- Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu
- Thúc đẩy thực hành xanh
- Bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu
- Chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường

MỤC TIÊU CHỈ SỐ XANH:

- Thúc đẩy các tỉnh, thành phố quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, cung cấp thông tin kịp thời hỗ trợ chính quyền tỉnh, thành phố trong hoạch định chính sách, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường, thu hút các nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường và các dự án “xanh”, chất lượng cho Việt Nam.

- Cung cấp thông tin về chất lượng môi trường, hỗ trợ các địa phương trong sàng lọc các dự án đầu tư, đồng thời tạo ra được động lực để các doanh nghiệp đầu tư theo hướng thân thiện môi trường, động lực cho việc thay đổi sự cạnh tranh giữa các tỉnh, thành phố.

- Khuyến khích, cổ vũ các tỉnh, thành phố tại Việt Nam quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường, cung cấp thông tin kịp thời hỗ trợ chính quyền tỉnh, thành phố trong hoạch định chính sách liên quan đến đầu tư và môi trường, chọn lọc được các dự án đầu tư thân thiện với môi trường; thúc đẩy nhiều dự án xanh hơn, thân thiện với môi trường hơn…

Lạng Sơn

Tài chính và đầu tư, nguồn dưỡng chất phát triển xanh

Tài chính và đầu tư được coi như “dòng máu”, là dưỡng chất. Nguồn lực này đủ mạnh, tăng trưởng nhanh thì sẽ cho một “cơ thể” cường tráng, đem đến sự thịnh vượng bền vững.

Du lịch như là thước đo giá trị điểm đến; là biểu hiện hình thể khỏe mạnh hay ốm yếu và cũng dễ dàng bộc lộ sức hấp dẫn riêng có. Trong cả ngàn sự phơi bày và mời gọi náo nhiệt trên thị trường chung, nhiều nơi đã định vị ở TOP trên, hạng “trung” và thậm chí là lựa chọn phân khúc cuối. Dù là chủ động lựa chọn hay buộc phải lựa chọn thì mỗi địa phương đều bằng mọi giá vươn lên định vị giá trị của riêng mình.

Trên thực tế, không ít địa phương đang “trỗi dậy” chen chân trong thị trường chật hẹp nhưng dù đã cố gắng nhưng vẫn không thể nổi bật, “cao” hơn được bao nhiêu. Cũng trong những loay hoay đó thì không ít các địa phương “bỏ quên” không khai thác sức ảnh hưởng từ mối liên kết, liên vùng, lúng túng trong tương tác cùng nhau win-win phát triển, cùng nhau hưởng lợi. Thậm chí để cạnh tranh, không ít nơi tìm đến sự “nuông chiều” nhà đầu tư, khách du lịch nhưng do thiếu chất “xanh” đã khiến kết quả không được như mong muốn.

Du lịch lễ hội là một điểm mạnh của Lạng Sơn. (Ảnh: Dân Việt)
Du lịch lễ hội là một điểm mạnh của Lạng Sơn. (Ảnh: Dân Việt)

Trong bối cảnh kinh tế cả nước đã có tín hiệu phục hồi tích cực nhưng rủi ro chưa hết, các công cụ tăng trưởng theo mô hình truyền thống có thể sẽ bộc lộ những bất cập. Việc tiếp cận và triển vọng mô hình tăng trưởng xanh tại Kế hoạch hành động số 882/QĐ-TTg của Chính phủ sẽ được đón nhận tích cực hơn để các địa phương có phương pháp toàn diện và bền vững trong tình hình mới.

Hợp tác win - win không chỉ khơi thông động lượng “bình thông nhau” để sự mạnh mẽ của nơi này sẽ bổ khuyết cho nơi khác mà còn là đưa các ngành quan trọng tương tác với nhau, trong đó, tài chính đầu tư và du lịch có quan hệ mật thiết. Chân lý “buôn có bạn, bán có phường” và trò chơi dân gian “ô ăn quan” luôn đúng và trí tuệ trong mọi tình huống.

Để đánh giá một số điểm mạnh, điểm yếu về tài chính đầu tư và du lịch trong khối hợp tác phát triển giữa các tỉnh Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng (Việt Nam) và khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc). Trong đó, 3 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Hà Giang có những điểm tương đồng về điều kiện sẽ thể hiện qua dữ liệu quý I năm 2023 như sau:

Lạng Sơn

Mức tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội (15 - 18%) cùng cân đối hài hòa với tăng trưởng về bán lẻ - dịch vụ (18 - 20%). Tỷ lệ dư nợ tín dụng/huy động vốn cao (Lạng Sơn 98%, Hà Giang 91%, Cao Bằng 54%) và vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 15% sẽ tác động và làm cho giá trị bán lẻ và dịch vụ ổn định ở mức hợp lý 18 - 20%. Con số này cũng thể hiện mức mua sắm của xã hội tiệm cận ngưỡng hài hòa với sức tăng vốn đầu tư. Khi tổng nhu cầu xã hội còn tăng mạnh cho mua sắm - dịch vụ thì rất có thể lĩnh vực đầu tư sẽ bị tác động với biên độ dao động lớn (Cao Bằng giảm 12,4%).

Ở kênh du lịch, Lạng Sơn có lượng khách du lịch lớn nhất nhưng mức chi của du khách chỉ đạt khoảng 800.000 đồng/người, Hà Giang có lượng khách đến bằng ½ Lạng Sơn nhưng có mức chi 2,3 triệu/người, gần gấp 3 Lạng Sơn.

Từ các dữ liệu trên, có thể nhìn thấy đầu ra của bài toán đầu tư, dòng tiền, sức mua và du lịch là: Lạng Sơn có mức đầu tư cao, dòng tiền lớn nhưng chủ yếu là hướng đến các ngành và lĩnh vực khác (xuất nhập khẩu, hạ tầng kỹ thuật...), giá trị ngành du lịch còn thấp (chỉ chiếm khoảng 1/7 trong tổng giá trị bán lẻ - dịch vụ của địa phương). Hà Giang có mức đầu tư, dòng tiền trung bình nhưng giá trị của du lịch cao (chiếm gần ½ trong tổng giá trị bán lẻ - dịch vụ). Cao Bằng sẽ có dư địa lớn nhất nếu đầu tư hài hòa cho du lịch.

Từ những nhận định trên, có thể thấy Lạng Sơn cần tăng mức đầu tư cho du lịch bởi đây là ngành kinh tế quan trọng, tạo giá trị “xanh” nhất trong tương lai, ổn định và bền vững nhất. Đối chiếu với giá trị ngành du lịch trong tương quan đầu tư thì có thể dự báo nhu cầu vốn đầu tư vào du lịch của Lạng Sơn cần tăng tối thiểu gấp 3 lần. Việc lựa chọn tăng trưởng du lịch theo hướng nâng cao giá trị, duy trì và kiểm soát lượng khách đến không chỉ là giải pháp thông minh mà thực tế đã có nhiều địa phương lựa chọn con đường này này. Đây cũng là nguyên lý hướng đến phát triển du lịch xanh theo Kế hoạch hành động của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2030: Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh (du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch thể thao mạo hiểm đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh...), phát triển sản phẩm du lịch xanh.

Lạng Sơn
Lạng Sơn

Du lịch sinh thái, trải nghiệm thiên nhiên ở Hữu Liên, Hữu Lũng. (Ảnh: Thuận Bùi)

Điểm đáng mừng cho phát triển du lịch xanh Lạng Sơn hiện nay là đã có nhiều chủ trương đúng; có nhiều hoạt động, dự án có thể thay đổi hình hài du lịch trong thời gian tới. Trong quy hoạch và định hướng phát triển, tỉnh Lạng Sơn đang triển khai một số nội dung quan trọng như: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030; Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái và Khu dân cư mới tại xã Hữu Liên, xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng; lập hồ sơ Công viên địa chất Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025.

Một số dự án “xanh” như: Quần thể khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn đầu tư xây dựng khu du lịch với các hoạt động nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh, quy mô sử dụng đất khoảng 692,26 ha, có tổng vốn 3.499 tỷ đồng; dự án Khách sạn sân Golf Hoàng Đồng - Lạng Sơn, vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng.../.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top