Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2050. Nhiều ý kiến cho rằng, để hoàn thành được mục tiêu của chiến lược này cần phải sớm hoàn thiện về chính sách đối với ngành sản xuất VLXD.
Nhiều dây chuyền quy mô nhỏ
Số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng cho thấy, ngành sản xuất VLXD chiếm từ 60 - 70% trong cơ cấu giá thành công trình xây dựng nhưng đa phần các dây chuyền sản xuất VLXD đều có quy mô nhỏ, hạn chế về đầu tư công nghệ.
Đơn cử, mỗi năm cả nước sử dụng khoảng 140 triệu tấn mét khối bê tông, trong đó 50% được sản xuất thủ công, nhiều dây chuyền lạc hậu. Hay như ngành sản xuất xi măng, là một trong những sản phẩm chủ lực tham gia vào quá trình xuất khẩu VLXD nhưng lại có đến 57/84 dây chuyền trên cả nước công suất dưới 5.000 tấn clanke/ngày. Chỉ tính riêng dây chuyền công suất nhỏ từ 500 - 1.700 tấn clanke/ngày cũng chiếm tới 29/84.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nhiều giải pháp để phát triển ngành sản xuất VLXD bền vững. “Chiến lược phát triển VLXD trong thời gian tới tập trung vào tiếp cận và ứng dụng nhanh nhất các thành tựu khoa học công nghệ, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, triệt để tiết kiệm sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, nhiên liệu, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường trong quá trình khai thác… Đặc biệt sẽ loại bỏ hoàn toàn những công nghệ lạc hậu", Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho hay.
Đòn bẩy từ chính sách
Chủ tịch Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam, TS. Võ Quang Diệm cho rằng, Nhà nước cần phải sớm hoàn thiện thể chế, chính sách đối với ngành sản xuất VLXD nói chung và chi tiết đến từng lĩnh vực, sản phẩm, giúp DN có định hướng rõ ràng trong chiến lược phát triển đồng thời yên tâm trong quá trình đầu tư thiết bị hiện đại, đổi mới công nghệ.
“Hiện nay, chính sách cho phát triển VLXD nói chung vẫn còn nhiều lỗ hổng, ví dụ như chính sách về sử dụng amiăng trắng có kiểm soát chưa được ổn định, khiến cho DN chỉ hoạt động cầm chừng mà không dám đầu tư đổi mới công nghệ. Vì vậy, Nhà nước cần sớm có sự phân loại rõ ràng từng loại VLXD được phép và không được phép sản xuất, tiêu thụ, để DN yên tâm đầu tư sản xuất”, TS Võ Quang Diệm nhìn nhận.
Được biết, chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 được Chính phủ ban hành mới đây, tập trung vào 7 giải pháp, gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách; Khai thác tài nguyên khoáng sản hiệu quả, tiết kiệm; Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng trong nước và xuất khẩu; Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Nâng cao năng lực chế tạo thiết bị; Bảo vệ môi trường trong sản xuất.
Để thực hiện hiệu quả 7 giải pháp này, theo KTS Trần Hoàng - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam không đơn giản, bởi chất lượng và giá thành của những công trình xây dựng có ảnh hưởng rất lớn từ chất lượng của các loại VLXD. Muốn nâng cao chất lượng buộc phải đầu tư, đổi mới về dây chuyền công nghệ sản xuất.
“Cơ chế, chính sách sẽ là đòn bẩy cho quá trình phát triển của ngành VLXD. Bên cạnh cơ chế hỗ trợ đầu tư, sản xuất, Nhà nước cần phải tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, đưa ra dự báo trung - dài hạn đối với từng loại VLXD, tránh trường hợp để DN đầu tư tràn lan lãng phí mà hiệu quả không cao”, KTS Trần Hoàng nhìn nhận.
Nhằm đáp ứng nhu phát triển chung của đất nước, ngành VLXD cần có sự chuyển biến tích cực. Những dây chuyền sản xuất theo công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, tiêu tốn nguyên liệu, nhiên liệu, hiệu quả thấp, gây ô nhiễm môi trường từng bước phải được loại bỏ, thay vào đó là các nhà máy mới được đầu tư công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao để đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
TS. Nguyễn Quang Hiệp - Phó Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng)